Chức Năng, Quyền Hạn, Nhiệm Vụ Của Viện Kiểm Sát

Chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của Viện kiểm sátTìm hiểu về chức năng của Viện kiểm sát Mua tài khoản Hoatieu Pro để trải nghiệm website Hoatieu.vn KHÔNG quảng cáo & Tải tất cả các File chỉ từ 69.000đ. Tìm hiểu thêm Mua ngay Từ 69.000đ

Quy định về chức năng, nhiệm vụ của VKS

  • 1. Viện kiểm sát là gì?
  • 2. Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát
  • 3. Chức năng của Viện kiểm sát
  • 4. Nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân:
  • 5. Quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân:

Viện kiểm sát là gì? Viện kiểm sát có chức năng nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào. Đây là vấn đề mà không chỉ người theo học pháp lý cần tìm hiểu mà mỗi người dân cũng nên nắm rõ để phục vụ cho những nhu cầu pháp lý trong cuộc sống.

  • Phân biệt luật, nghị định, thông tư, nghị quyết?

1. Viện kiểm sát là gì?

Theo Thư viện Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì viện kiểm sát được định nghĩa như sau:

“Viện kiểm sát có chức năng thực hiện quyền công tố. Viện kiểm sát và tòa án là hai cơ quan thuộc nhánh Tư pháp trong bộ máy nhà nước (Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp).

Viện kiểm sát nhân dân chính là một Cơ quan nhà nước đảm nhiệm chức năng kiểm sát việc các cơ quan khác của nhà nước từ cấp bộ trở xuống, các tổ chức kinh tế - xã hội, các đơn vị vũ trang cho đến công dân có đảm bảo tuân thủ pháp luật hay không. Đồng thời Viện kiểm sát nhân dân còn thực hành quyền công tố, đảm nhiệm công tác điều tra tội phạm do luật tố tụng hình sự quy định.

Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam được tổ chức một các hệ thông, gồm các cơ quan: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân các cấp ở địa phương, các Viện kiểm sát quân sự. Nguyên tắc hoạt động trong hệ thống tuân thủ nguyên tắc:

Những viện trưởng của viện kiểm sát cấp dưới sẽ chịu sự lãnh đạo của viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp trên.

Các viện trưởng của viện kiểm sát nhân dân tại địa phương và quân sự sẽ chịu sự lãnh đạo của viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Đất nước Việt Nam là đất nước theo hệ thống xã hội chủ nghĩa. Bộ máy của nhà nước thuộc hệ thống của các nước xã hội chủ nghĩa, được xây dựng nên dựa theo nguyên tắc quyền lực thuộc về nhân dân, chính nhân dân sẽ là người thực hiện quyền lực thông qua những cơ quan đại diện cho nhân dân là Hội đồng nhân dân ở các cấp.

Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất do mọi quyền lực đều được tập trung tại đây tuy nhiên, Quốc hội không thực thi quyền lực trực tiếp mà giao lại cho các cơ quan nhà nước. Trong số đó, Viện kiểm sát nhân dân đảm nhận việc kiểm sát các vấn đề tuân thủ pháp luật nói chung theo Hiến pháp 1960 và 1980. Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi vào năm 2002 quy định Viện kiểm sát nhân dân đảm nhận cả chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát những hoạt động của Tư pháp.

2. Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát

Vốn là một hệ thống độc lập, Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam được tổ chức với bốn cấp. Đó là:

Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Viện kiểm sát nhân dân cấp cao: có 3 Viện kiểm sát cấp cao đặt tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mỗi tỉnh sẽ có một viện kiểm sát cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vậy nên cả nước có tất cả 63 Viện kiểm sát ở cấp này.

Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hiện nay có khoảng 191 Viện kiểm sát cấp huyện.

Ngoài ra thuộc vào hệ thống của Viện kiểm sát nhân dân sẽ có Viện kiểm sát quân sự. Trong đó, Viện kiểm sát quân sự sẽ bao gồm:

  • Viện kiểm sát quân sự Trung ương
  • Viện kiểm sát quân sự cấp Quân khu, Quân chủng,...
  • Viện kiểm sát quân sự ở các cấp Khu vực

3. Chức năng của Viện kiểm sát

Viện kiểm sát nhân dân có hai chức năng, đó là: Thực hành quyền công tố và Kiểm sát hoạt động tư pháp.

Để hiểu rõ hơn chức năng của Viện kiểm sát nhân dân chúng ta cần đi sâu phân tích từng chức năng nêu trên:

1.1.Chức năng thực hành quyền công tố:

Thực hành quyền công tố là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố nhằm bảo đảm: Mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội; Không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái luật.

Khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Yêu cầu khởi tố, hủy bỏ quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án trái pháp luật, phê chuẩn, không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; trực tiếp khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong những trường hợp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định; Quyết định, phê chuẩn việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong việc khởi tố, điều tra, truy tố theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; Hủy bỏ các quyết định tố tụng trái pháp luật khác trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong việc khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Khi cần thiết đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan cung cấp tài liệu để làm rõ tội phạm, người phạm tội; Trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; tiến hành một số hoạt động điều tra để làm rõ căn cứ quyết định việc buộc tội đối với người phạm tội; Điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật; Quyết định việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn điều tra, truy tố; Quyết định việc truy tố, buộc tội bị cáo tại phiên tòa; Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp Viện kiểm sát nhân dân phát hiện oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong việc buộc tội đối với người phạm tội theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố bằng các công tác sau đây: Thực hành quyền công tố trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Thực hành quyền công tố trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự; Thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố tội phạm; Thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự; Điều tra một số loại tội phạm; Thực hành quyền công tố trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự.

1.2 Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp:

Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm: Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác được thực hiện đúng quy định của pháp luật; Việc bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù, chế độ tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù theo đúng quy định của pháp luật; quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù không bị luật hạn chế phải được tôn trọng và bảo vệ; Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm chỉnh; Mọi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tư pháp theo đúng quy định của pháp luật; tự kiểm tra việc tiến hành hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân; cung cấp hồ sơ, tài liệu để Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định trong hoạt động tư pháp; Trực tiếp kiểm sát; xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp; Xử lý vi phạm; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khắc phục, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm; Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật; kiến nghị hành vi, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật; kháng nghị hành vi, quyết định có vi phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền khác trong hoạt động tư pháp; Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật.

Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp bằng các công tác sau đây: Kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Kiểm sát việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự; Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng trong giai đoạn truy tố; Kiểm sát việc xét xử vụ án hình sự; Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; Kiểm sát việc thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền; Kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp.

4. Nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân:

Bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa,bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Ngoài ra, Viện KSND còn thực hiện một số công tác: Thống kê tội phạm; xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; Đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học; hợp tác quốc tế và các công tác khác để xây dựng Viện kiểm sát nhân dân.

5. Quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân:

Quyền kháng nghị:

Trường hợp hành vi, bản án, quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Viện kiểm sát nhân dân phải kháng nghị. Cơ quan, người có thẩm quyền phải giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.

Quyền kiến nghị:

Trường hợp hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng không thuộc trường hợp kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều này thì Viện kiểm sát nhân dân kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật; nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.

Theo đó, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân được cụ thể hóa trong Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính và trong một số văn bản quy phạm pháp luật khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Viện kiểm sát nhân dân thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm cho pháp luật được tuân thủ thống nhất./.

Từ khóa » Chức Năng Của Viện Kiểm Sát Nhân Dân Cấp Huyện