Chùm ảnh: Cận Cảnh Những Loài San Hô Quyến Rũ Nhất Thế Giới

Skip to content
Redsvn
  • Posted on 02/03/202202/03/2022
  • Thư giãn⠀Khoảnh khắc⠀

Lớp San hô (Anthozoa) gồm các loài san hô và hải qùy có hình dáng, màu sắc và kích cỡ vô cùng đa dạng. Chúng có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ sinh thái biển khi tạo thành các rạn san hô, được ví như những “cánh rừng” dưới lòng đại dương.Chùm ảnh: Cận cảnh những loài san hô quyến rũ nhất thế giới

San hô nấm mũ (Sarcophyton trocheliophorum) dài 1-6 mét, sinh trưởng ở vùng nhiệt đới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sinh trưởng nhanh và được tảo quang hợp nuôi dưỡng, loài san hô mềm này có thể hình thành các tập đoàn khổng lồ ở rạn san hô.

San hô dâu biển (Gersemia rubiformis) dài 10-15 cm, phân bố ở phía Bắc của Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Loài san hô mềm phân cành này hình thành các tập đoàn dạng bướu màu hồng rực.

San hô cành đỏ hồng (Dendronephthya sp.) dài 20-30 cm, là chi san hô điển hình trong một họ san hô mềm phân cành có các polip phân bố thành cụm. Chúng có màu sắc rực rỡ, xuất hiện ở các rạn san hô nhiệt đới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

San hô ngón tay người chết (Alcyonium digitatum) dài 10-20 cm, là loài san hô mềm điển hình ở vùng biển châu Âu. Chúng có các tập đoàn polip nằm trên một khối dày, không được nâng đỡ bằng bộ khung xương cứng.

San hô ngón tay đỏ (Alcyonium glomeratum) dài 20-30 cm, thường thấy ở các bờ biển đá được che chắn ở châu Âu. Loài này là một họ hàng mảnh mai và đứng thẳng của san hô ngón tay người chết, có màu đa dạng từ vàng đến đỏ.

San hô đỏ (Corallium rubrum) dài 50-100 cm, phân bố ở khu vực Địa Trung Hải. Chúng có bộ khung xương tạo thành từ các kim canxi hóa nhỏ hình lưới màu đỏ tươi, được khai thác như một loại vật liệu trang sức giá trị.

San hô bút biển hình bầu dục (Sarcoptilus grandis) dài 35-40 cm, phân bố rộng ở các vùng biển ôn đới trên toàn cầu. Chúng có cành hình bầu dục xếp thành hàng chạy dọc hai bên cơ thể.

San hô bút biển màu cam (Ptilosarcus gurneyi) dài 40-50 cm, là một trong nhiều loài bút biển màu sắc rực rỡ phân bố ở vùng biển ven bờ Thái Bình Dương. Chúng sẽ thụt vào hang nếu cảm thấy bị quấy nhiễu.

Quạt biển (Gorgonia ventalina) dài 1-1,5 mét, phân bố ở vùng biển Caribbean. Loài san hô này tạo thành các tập đoàn dạng quạt dựng đứng có trục trung tâm nâng đỡ, được gia cố bằng một chất sừng gọi là gorgonin.

Roi biển trắng (Junceella fragillis) dài 0,5-2 mét, là một loài san hô tạo thành rạn ở vùng biển Indonesia. Các loài roi biển là họ hàng dạng sợi của quạt biển, với các trục sừng nâng đỡ được canxi hóa.

Roi biển đỏ (Ellisella sp.) là một chi gồm các loài san hô hình thành tập đoàn phân nhánh đôi, một số loài có thể tạo thành các bụi dày, rậm dưới nước. Chúng phân bố rộng ở cả vùng biển nhiệt đới và ôn đới trên thế giới.

San hô đàn ống (Tubipora musica) dài 50-100 cm, phân bố ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Loài san hô mềm này có polip mọc ra từ các ống canxi hóa thẳng đứng, kết nối với tập đoàn bằng một mạng lưới giống rễ ở gốc.

San hô xanh (Heliopora coerulea) dài 15-30 cm, là loài san hổ bản địa khu vực Ấn Độ Dương – Tây Tháy Bình Dương. Mặc dù có bộ xương rắn, canxi hóa, loài này có họ hàng gần gũi với san hô mềm hơn là san hô đá.

San hô hoa cúc (Goniopora sp.) là một chi gồm những loài san hô giống hoa nhất, phổ biến ở các vùng biển nhiệt đới. Loài san hô đá này có polip vươn dài, mỗi thường có 24 xúc tu trông như cánh hoa.

San hô khối đầu thùy (Porites lobata) dài 4-5 mét, là một trong những loài san hô tạo nên rạn san hô phổ biến nhất Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chúng hình thành những tập đoàn lớn kết vỏ cứng ở những nơi có sóng mạnh.

San hô não rãnh lớn (Colpophyllia sp.) là chi san hô có cấu trúc giống bán cầu não điển hình. Chúng là một loại rạo rạn, có chứa tảo quang hợp.

San hô não phân thùy (Lobophyllia sp.) dài 1-2 mét, gồm các loài san hô tạo thành những tập đoàn khổng lồ dạng dẹt hoặc hình vòm nhăn nhúm đặc trưng. Chúng phân bố ở vùng biển nhiệt đới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

San hô nấm (Fungia fungites) dài 10-20 cm, được ghi nhận ở vùng nhiệt đới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Loài này không tạo rạn mà sống đơn độc, thường được đưa vào bể thủy sinh nước mặt do có màu sắc phong phú.

San hô sừng hươu (Acropora sp.) dài 1-3 mét, là những loài san hô tạo rạn thuộc loại lớn nhất, phổ biến ở vùng nhiệt đới. Chúng phân nhánh như sừng hươu, sinh trưởng nhanh nhờ tảo quang hợp nuôi dưỡng.

San hô nước lạnh Đại Tây Dương (Lophelia pertusa) dài 1-2 mét, phân bố ở Bắc Đại Tây Dương. Chúng tạo thành các rạn rộng, mặc dù tốc độ sinh trưởng rất chậm.

San hô đen Đại Tây Dương (Antipathes sp.) dài 50-100 cm, phân bố ở các vùng biển sâu của Đại Tây Dương. Chúng gồm những tập đoàn polip gai được bọc trong những bộ khung xương ngoài mảnh bằng sừng.

San hô hình chén Devonshire (Caryophyllia smithii), phân bố ở Đông Bắc Đại Tây Dương. Chúng thuộc một họ san hô nước lạnh, trong đó một số loài có polip lớn, trông giống hải quỳ.

Hải quỳ thược dược (Urticina felina) dài 10-12 cm, phân bố quanh Bắc Cực. Có màu sắc đa dạng, chúng bám vào đá, chuyên săn cá và giáp xác nhỏ bằng cách bắn các tế bào có khả năng gây tê liệt con mồi.

Hải quỳ lộng lẫy (Heteractis magnifica) dài 50-100 cm, sống ở các rạn san hô Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chúng có quan hệ mật thiết với một số loài cá, trong đó có cá hề.

Hải quỳ lông vũ (Metridium senile) dài 2,5-15 cm, phân bố trên toàn cầu, là thành viên của một họ hải quỳ có đặc trưng là các khối xúc tu xù. Chúng có thể phân tách để tạo những quần thể giống nhau hoàn toàn về mặt di truyền.

Hải quỳ tóc xanh (Anemonia viridis) dài 5-7 cm, sống ở vùng gian triều của vùng biển châu Âu. Loài hải quỳ có xúc tu dài này hiếm khi thụt vào, kể cả khi lộ ra trên mặt nước lúc thủy triều xuống.

Hải quỳ ống thường (Cerianthus membranaceus) dài 10-15 cm, sống trên bùn ở Địa Trung Hải. Loài này dùng dịch nhầy kết hợp với cát để tạo ra một ống bảo vệ độc đáo bên dưới lớp trầm tích.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: Thiên nhiên, Động vật, Sứa lông châm
Redsvn

Từ khóa » Các Loài San Hô Mềm