Chứng Bệnh Cam Tích Và Thuốc Cam - Báo Sức Khỏe & Đời Sống

Bệnh cam là gì?

Từ “Cam” không phải do thành phần đơn thuốc có cam thảo, cũng không phải thuốc có màu quả cam như một số người thường nghĩ. Từ “Cam” là chỉ trẻ ăn nhiều chất ngọt béo khó tiêu mà tích lại thành bệnh hoặc tình trạng tân dịch của tỳ vị bị khô cạn, vị nhiệt thượng xung gây bệnh cho lục phủ ngũ tạng; gọi chung là “bệnh cam”. Người xưa cho rằng: người từ 15 tuổi trở lên mà bị suy nhược gọi là hư lao, dưới 15 tuổi bị suy dinh dưỡng gọi là cam tích. Tùy theo chứng trạng của tạng phủ mà có tên gọi khác nhau: tỳ cam, phế cam, tâm cam, thận cam …

Y học hiện đại không có bệnh danh “Cam tích” mà chỉ có suy dinh dưỡng trẻ em hoặc dạng bệnh thuộc ngũ quan; bệnh liên quan đến hoạt động tiêu hóa thất thường (tích trệ đồ ăn, bị trùng tích…). Suy dinh dưỡng được chia làm 3 cấp:

- Độ 1 tương ứng tiêu chảy cấp tính mất nước, mất chất điện giải.

- Độ 2: tiêu chảy lâu ngày gây suy dinh dưỡng.

- Độ 3: Suy dinh dưỡng lâu ngày làm người gầy, bộ mặt nhăn nheo như người già, tinh thần mệt mỏi, ăn uống kém, tiếng khóc nhỏ bé, rêu lưỡi mỏng khô, lông tóc khô; có kèm các biểu hiện: da khô, loét niêm mạc, loét miệng, lắng đọng sắc tố, tử ban, phù thũng….

Sử quân tử (quả chín khô của cây sử quân tử” là vị thuốc trong bài “Sử quân tử tán” trị cam nhiệt, giun sán.

Các chứng trạng của suy dinh dưỡng độ 2 và 3 có viêm nhiễm, tương tự chứng bệnh cam tích của y học cổ truyền (độ 2: do tỳ hư – tỳ cam; độ 3: khí huyết hư, phế, tâm, thận hư… hay gọi là can cam).

Nguyên nhân: Do ăn uống không điều độ (cai sữa quá sớm, ăn nhiều chất ngọt hoặc béo quá, no hoặc đói thất thường) làm tỳ vị bị tổn thương; Do chăm sóc không đúng cách (khi bị bệnh, uống thuốc công phạt quá nhiều, bị sốt do vi rút mà dùng kháng sinh mạnh …); Do chăm sóc không phù hợp với các giai đoạn phát triển sinh lý của trẻ nhỏ làm nguyên khí hao tổn, tân dịch bị tổn thương.

Lô hội là vị thuốc trong bài “Tập thành hoàn gia giảm” trị cam tích ở các tạng phủ.

Các loại thuốc cam

Bệnh cam ở tạng phủ khác nhau có chứng trạng rất khác nhau và có khoảng 12 loại bệnh cam. Các bệnh trên đều là chứng bệnh khó chữa, chữa mất nhiều thời gian; thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Phương pháp điều trị: Vừa công vừa bổ. Trước hết phải tiêu tích (tiêu đồ ăn bị tích trệ), tiếp đến tẩy trùng tích (trừ giun sán), sau đó bổ hư lý điều tỳ vị. Mỗi chứng cam tích có phương pháp chữa trị cụ thể. Sau đây là một số bài thuốc trị chứng này:

Thuốc uống:

Bài 1 - Tiêu cam lý tỳ thang: tam lăng 2g, thanh bì 4g, lô hội 0,2g, sử quân tử 4g, hoàng liên 4g, thần khúc 6g, nga truật 4g, trần bì 4g, binh lang 2g, cam thảo sống 4g, mạch nha 6g.  Các vị sắc 3 lần, hợp lại, chia uống 3 lần trong ngày. Dùng khi bệnh mới phát, do tích trệ, phần nhiều thuộc thực chứng.

Tam lăng là vị thuốc trong bài “Tiêu cam lý tỳ thang” trị cam tích giai đoạn mới phát.

Bài 2 - Sử quân tử tán: sử quân tử ngâm, ủ, bóc vỏ lụa và cắt phần đầu nhọn, sấy khô, tán bột. Ngày uống 2 – 4 g, uống lúc đói. Tác dụng tẩy trùng tích (giun sán), trị cam nhiệt…

Bài 3 - Sâm linh bạch truật tán: bạch biển đậu 20g, nhân sâm 40g, bạch linh 40g, bạch truật 40g, cam thảo 40g, hoài sơn 40g, liên nhục 20g, cát cánh 20g, ý dĩ 20g, sa nhân 20g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 4 – 8 g tùy theo tuổi. Tác dụng bổ hư điều vị.

Bài 4 - Tập thành hoàn gia giảm: lô hội 0,8g; ngũ linh chi 4g, dạ minh sa 4g; trần bì 6g; xuyên khung 8g; xuyên quy 8g; mộc hương 6g; sử quân tử 8g; nga truật 6g; hoàng liên 6g; thịt cóc 12g; thanh bì 6g. Các vị tán nhỏ, trộn với nước mật lợn làm viên. Ngày uống 4 – 6g. Tác dụng trị cam tích ở các tạng phủ.

Ngoài các bài thuốc trên, có thể dùng đơn “Ngũ vị Dị công tán”, “Tiền thị khải tỳ tán”, “Phì nhi hoàn”…. Riêng chứng bệnh cam biểu hiện tại 9 khiếu, cần kết hợp với thuốc dùng ngoài: nha cam – cam miệng; tỵ cam – cam ở mũi; nhĩ cam – cam ở tai (viêm tai giữa có mủ) …

Thuốc dùng tại chỗ:

Bài 1 - Thuốc cam tẩu mã: cóc vàng 1 con, phèn chua 20g. Đập chết cóc, rửa sạch, nhét phèn chua vào miệng cóc. Dùng đất trộn với giấy bản và nước bọc kín con cóc dầy 2 – 3 phân, để cho hơi khô sau đó cho vào bếp than, đốt đến khi đất bọc cóc đỏ như than; lấy ra để nguội, đập bỏ phần đất lấy than con cóc; tán bột thật mịn, đóng 4g/1 túi. Cho vào hộp kín. Chữa cam tẩu mã, sưng hàm răng, sún răng hôi thối, rụng răng, thủng má, thủng mũi … Rửa sạch nơi bị bệnh cam bằng nước muối sau đó bôi thuốc.

Từ khóa » Cam Kiềm Là Gì