Chứng Minh Câu Tục Ngữ Gần Mực Thì đen Gần đèn Thì Sáng

Chứng minh câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sángChứng minh Gần mực thì đen gần đèn thì rạngBài trướcTải vềBài sauNâng cấp gói Pro để trải nghiệm website VnDoc.com KHÔNG quảng cáo, và tải file cực nhanh không chờ đợi. Mua ngay Từ 79.000đ Tìm hiểu thêm

Mời các em học sinh tham khảo văn mẫu lớp 7: Chứng minh câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng bao gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay lớp 7, giúp các em có thêm nhiều ý tưởng xây dựng cho mình bài viết hoàn chỉnh và đạt điểm cao trong các bài thi, bài kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn 7.

Gần mực thì đen gần đèn thì sáng

  • Dàn ý Chứng minh câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng
  • Chứng minh câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì rạng mẫu 1
  • Chứng minh Gần mực thì đen gần đèn thì rạng mẫu 2
  • Chứng minh câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng mẫu 3
  • Chứng minh Gần mực thì đen gần đèn thì sáng mẫu 4

Dàn ý Chứng minh câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng

1. Mở bài

Mẫu: Con người sống trong xã hội chịu nhiều yếu tố tác động khác nhau, trong đó môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách, phát triển con người. Chính vì vậy mà cha ông ta đã có câu tục ngữ rất ý nghĩa để lại thế hệ sau: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

2. Thân bài

a. Giải thích khái niệm câu tục ngữ

  • Mực là chất liệu để viết, vết bẩn, nếu dính vào tay sẽ gây bẩn. Mục đích nói đến những điều xấu, đen tối của cuộc sống.
  • Đèn là dụng cụ để tạo ra ánh sáng, soi sáng rõ mọi vật khỏi bóng tối. Ý nghĩa đó là những thứ gần đèn sẽ được soi sáng rõ nét.

→ Hai hình ảnh mực và đèn chính là để nói về môi trường sống xung quanh con người. Sống trong môi trường nào sẽ bị tác động bởi môi trường đó, câu tục ngữ có ý khuyên dạy con người nên biết chọn môi trường phù hợp để sống, chính môi trường sẽ ảnh hưởng đến nhân cách con người.

b. Bình luận câu tục ngữ

  • Con người ta sinh ra như tờ giấy trắng, vẽ gì trên đó tùy thuộc vào môi trường sống tốt hoặc xấu.
  • Môi trường sống ảnh hưởng đến con người (trong lớp có những bạn xấu bỏ học, ham chơi, rủ rê nếu chơi chung sẽ bị nhiễm thói xấu, ngược lại nếu chơi với các bạn học giỏi, lễ phép bạn cũng sẽ ham học, đối xử tốt với bạn bè, người thân).
  • Trẻ em sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, có giáo dục sẽ định hướng giúp các em phát triển tốt ngược lại gia đình tan vỡ, cha mẹ li dị chắc chắn trẻ em dễ dàng nhiễm thói hư tật xấu từ các tệ nạn xã hội.
  • Mẹ Mạnh Tử 3 lần chuyển trường cho con cũng chỉ để giúp con có được điều kiện tốt nhất để học tập từ đó trở thành người thầy xuất chúng.
  • Có trường hợp cá biệt, sống trong môi trường xấu nhưng vẫn giữ được sự trong sạch, nhân phẩm đó là những con người “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” đáng được trân trọng, noi gương.

c. Bài học rút ra

  • Yếu tố môi trường sống ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến hình thành nhân cách của con người nhất là trẻ em.
  • Khuyên răn dạy bảo chúng ta nên biết chọn bạn mà chơi, chọn môi trường mà sống để trở thành con người có ích cho nhà trường, gia đình và rộng hơn là xã hội.

3. Kết bài: Khẳng định câu tục ngữ trên đúng đắn là lời khuyên giá trị và bổ ích cho thế hệ trẻ về lối sống, chọn bạn mà chơi trong cuộc sống.

Chứng minh câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì rạng mẫu 1

Thấu hiểu sự quan trọng của môi trường sống đến sự phát triển của mỗi con người. Ông cha ta vẫn thường nhắn nhủ con cháu rằng “Gần mực thì đen gần đèn thì rạng”.

Câu tục ngữ đã sử dụng hai hình ảnh ẩn dụ đối lập nhau để ví von về hai môi trường sống đối lập. “Mực” thì biểu tượng cho môi trường sống xấu, độc hại. Và ngược lại chính là “đèn” - chỉ nơi sống tốt đẹp, thiện lành. Qua đó, câu tục ngữ khẳng định rằng, nếu sống ở nơi toàn những người chăm chỉ, tốt bụng thì chúng ta cũng sẽ trở nên tốt đẹp hơn, và ngược lại.

Bài học về sự ảnh hưởng của môi trường sống đến sự phát triển về nhân cách và bản lĩnh của con người hoàn toàn không còn xa lạ với chúng ta nữa. Điều đó chứng tỏ sự ảnh hưởng to lớn của những người sống ở xung quanh ta. Chẳng hạn như, ta chơi thân với một nhóm các bạn chăm học, ngoan ngoãn. Các bạn ấy luôn hoàn thành các bài tập về nhà, lễ phép với người lớn, biết giúp đỡ bố mẹ công việc nhà. Thì chỉ một thời gian sau, chúng ta cũng dẫn thay đổi như thế. Nhưng ngược lại, nếu chúng ta chỉ chăm chăm chơi với các bạn lười học, thích trốn đi chơi, hỗn láo với người lớn. Thì mưa dầm thấm đất, chúng ta sẽ rất dễ học theo các thói hư tật xấu ấy. Qua đó, câu tục ngữ khuyên nhủ chúng ta phải biết chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà sống, để có thể ngày càng hoàn thiện bản thân hơn, tránh xa những thói xấu trong xã hội.

Tuy nhiên, trong thực tế, không phải lúc nào chúng ta cũng hoàn toàn ở thế chủ động để lựa chọn những điều tốt đẹp cho mình. Đôi khi hoàn cảnh đưa ta đến những môi trường xấu, phải ngồi cùng những bạn hư. Những lúc ấy, chúng ta cần phải biết giữ vững lập trường, quyết không để mình sa đọa, học theo cái xấu. Có như vậy, thì mới thực sự rèn luyện được bản lĩnh cứng cỏi.

Dù vậy, câu tục ngữ “Gần mực thì đen gần đèn thì rạng” vẫn vô cùng ý nghĩa với cuộc sống ngày nay. Nó thực sự là một lời nhắc hữu ích cho mỗi người khi chọn bạn, chọn môi trường sống.

Chứng minh Gần mực thì đen gần đèn thì rạng mẫu 2

Ông cha ta thường có câu: "Ở bầu thì tròn, ở bí thì dài" để nhắc nhở chúng ta về môi trường sống sẽ ảnh hưởng đến tính cách và cuộc sống con người. Tương tự, chúng ta cũng thường gặp câu tục ngữ: "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng".

Dân gian ta từ thuở xa xưa đã có thói quen quan sát và đúc kết thành những thói quen, những bài học và lời nhắc nhở. Bao năm tháng qua đi, những cái nhìn nguyên sơ và những bài học thuở đầu ấy vẫn có giá trị đối với mỗi người trong xã hội hiện đại ngày nay. "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng" cũng bắt đầu từ một hiện tượng bình thường. Người xưa thường dùng mực đen để dùng trong các việc liên quan đến học tập và ghi chép. Với những khiên mực màu đen như thế, rất dễ bị vấy bẩn. Vì thế, những vật xung quanh mực cũng thường bị đen cùng, nên rằng "Gần mực thì đen". Cũng thời xưa, mỗi khi trời tối là từ các căn nhà đều tỏa ra những ánh sáng le lói của chiếc đèn dầu. Những phần gần đèn dầu, được chiếc đèn soi sáng, lấp thật đẹp. Từ ý nghĩa thực đó, phải chăng ý của câu văn là: môi trường nào quyết định tính sách đó, quyết định đến cách sống và giá trị của mỗi người.

Gần mực thì đen gần đèn thì sáng

Đầu tiên, có thể nói "gần mực thì đen". Cha mẹ chỉ cho ta hình dáng bên ngoài. Môi trường sống đối với mỗi con người như là chiếc nôi để tạo nên hình hài bên trong mỗi người vậy. Chúng ta sinh ra, là những tâm hồn ngây thơ và trong sáng. Như một tờ giấy trắng. Tất cả những gì bố mẹ và xung quanh thể hiện sẽ in dấu ấn lên trên đó. Một đứa trẻ sống trong môi trường bạo lực sẽ có xu hướng bị ám ảnh bởi bạo lực hoặc thích bạo lực. Từ những hành động giản đơn mà học làm theo, từ đó có thể thạo thành thói quen xấu. Người xưa thường có câu: gieo thói quen, gặt tính cách, gieo tính cách, gặt số phận. Sống trong đời sống bất ổn, làm sao những đứa trẻ ở Syria có thể sống đúng với lứa tuổi hồn nhiên của mình, chỉ có vui chơi và học tập. Điều quan trọng với lũ trẻ hơn cả là sự sống, và làm sao để không bị gã tử thần bắt đi. Và như thế, chúng không được học tập một cách đầy đủ, cũng chẳng có cơ hội thành công như những người giàu có kia. Như vậy, "gần mực" dễ dẫn tới "đen". Vì thế, cần tránh xa môi trường sinh sống và làm việc xấu và nguy hiểm.

Còn "gần đèn thì rạng". Ngọn đèn, hay ánh sáng thật là diệu kì. Dù nó chỉ nhỏ nhoi, nhưng vẫn có khả năng chiếu sáng và lan tỏa đến xung quanh. Mọi vật được đưa ra dưới đèn, đều có thể nhìn rõ hơn. Gần đèn, ta sẽ làm "rạng" được những hiểu biết và cách nhìn nhận về cuộc sống và mọi người. Trong ba người đi đường thì sẽ có ít nhất một người có điều gì đó để cho ta học. Gần những người thông thái, ta học được thêm về những kiến thức và cả những kinh nghiệm, kĩ năng để giao tiếp và giải quyết trong cuộc sống nữa. Chẳng vì thế mà mẹ của Mạnh Tử sau bao lần đổi chỗ ở cho con, đã quyết định chuyển đến gần tới trường học. Sống trong mỗi trường lễ giáo và tôn nghiệm, tự khắc con người biết điều chỉnh theo điều đó. Nhờ đó Trung Quốc mới có thể có bậc hiền tài như thế. Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta có thể thấy là các nước phát triển đang rất coi trọng việc xây dựng trường học và hệ thống giáo dục để tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho mỗi người. Mỗi chúng ta đều là một thiên tài, nếu được khai phá sẽ thể hiện được khả năng của mình.

Nhưng không phải cứ gần mực là sẽ đen, gần đèn thì sẽ rạng. Con người ta không chỉ sống một mình mà còn sống trong cộng đồng nên tất yếu sẽ bị ảnh hưởng bởi cộng đồng. Nhưng không phải là hoàn toàn. Đó chỉ là yếu tố tác động. Quan trọng nhất vẫn là thái độ và sự kiên định ở mỗi người. Tôi còn nhớ đã nghe câu chuyện về hai anh em lớn lên trong hoàn cảnh người bố lúc nào cũng nát rượu, mẹ thì bỏ đi. Sau đó, một người trở thành người thành công, giúp đỡ những gia đình khó khăn. Còn một người thì là phiên bản thứ hai của người cha của mình. Khi được hỏi lý do nào trở thành ngày hôm nay, hai người đều có chung câu trả lời: vì có một người bố như thế. Như vậy, rõ ràng không thể trách được hoàn cảnh được. Sống gần mực nên thành đen, sống trong bùn nên bị dính hôi tanh mùi bùn, đó là điều tự nhiên. Nhưng sống gần mực mà vẫn tỏa sáng, sống trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, đó mới là bản lĩnh của con người. Con người chúng ta khác với những loài khác ở điều đó.

Mọi vật đều chỉ là tính chất tương đối. Hãy giữ mình một lòng tin, một sự kiên cường và sức mạnh để dù trong hoàn cảnh nào, trong sóng gió có thể mỉm cười nở những bông hoa, trong chiến thắng không quên mình thuở đầu mà tiếp tục cố gắng.

Chứng minh câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng mẫu 3

Ông cha ta đã có những lời khuyên quý giá cho con người về cách sống. Một trong số đó là câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.

Câu tục ngữ đã mượn hai hình ảnh quen thuộc với con người là “mực” và “đèn” để từ đó gửi đến một bài học. Môi trường sống có ảnh hưởng đến con người. Nếu như tiếp xúc với môi trường không tốt, thì dần chúng ta cũng sẽ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, và ngược lại. Do đó con người trưởng thành tốt hay xấu đều là do môi trường tạo nên.

Câu tục ngữ là một lời khuyên vô cùng đúng đắn. Điều đó được thể hiện trong đời sống của ông cha ta từ xưa đến nay. Trong gia đình nếu bố mẹ hòa thuận, yêu thương nhau, lễ phép với ông bà thì con cái cũng sẽ ngoan ngoãn kính trọng những người lớn tuổi. Nếu gia đình không hòa thuận, thậm chí có cả hành vi bạo lực gia đình thì sẽ gây ra những tổn thương về tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của đứa trẻ sau này. Nhiều kẻ sát nhân đều có một tuổi thơ không mấy vui vẻ khi sống trong một gia đình không hạnh phúc. Hay như việc lựa chọn bạn để chơi cũng vậy. Một người bạn tốt sẽ khiến cho cả hai ngày càng trở nên tốt đẹp. Một người người bạn chăm chỉ, cần cù học tập thì ta cũng học tập, thi đua với bạn vậy là cả hai cùng tiến bộ. Còn chơi với những người chỉ biết chơi đùa, lêu lổng thì chúng ta cũng sẽ sa vào những cuộc chơi bời những lời rủ rê từ đám bạn.

Một trong những tấm gương tiêu biểu có thể kể đến Nguyễn Bỉnh Khiêm - một vị quan tài giỏi xin rút lui khỏi chốn quan trường về ở ẩn vì ông sợ rằng chốn quan trường mưu mô sẽ kéo ông theo nó, biến ông thành một kẻ mưu mô, tham lam:

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻNgười khôn người tới chốn lao xao”

Tuy vậy, vẫn có những người không chịu ảnh hưởng của môi trường xung quanh”

“Trong đầm gì đẹp bằng senLá xanh bông trắng lại chen nhị vàngNhị vàng bông trắng lá xanhGần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Thế mới hiểu được điều quan trọng nhất vẫn là bản lĩnh của mỗi người. Chúng ta cần tự chủ và cẩn thận khi tiếp xúc với sự việc, với con người. Xa lánh cái xấu chứ không xa lánh con người, xa lánh các bạn có khuyết điểm.

Câu tục ngữ mang đến một bài học quý báu, khuyên răn con người những điều hay lẽ phải. Đây cũng là cơ sở để rèn luyện những phẩm chất tốt của bản thân và nâng cao tầm hiểu biết.

Chứng minh Gần mực thì đen gần đèn thì sáng mẫu 4

Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam có nhiều câu nói khuyên con người, hướng con người đến cái thiện, nói về mối quan hệ của con người với môi trường xung quanh. Trong đó có câu:" Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng".

Vậy "gần mực thì đen, gần đèn thì rạng" là gì? Mực là một thứ chất lỏng màu đen dùng để viết, nếu để dính lên đồ vật hay quần áo thì sẽ khó làm sạch. Đèn là vật dụng để soi sáng trong bóng tối. "Đen" và "rạng" là hai tính từ trái nghĩa để chỉ nếu ở gần mực mực thì sẽ bị bẩn còn ở nơi có đèn thì ta sẽ được soi sáng. Ngoài ra câu tục ngữ còn mang một hàm ý nữa đó chính là "mực" để chỉ những thứ xấu xa trong xã hội còn "đèn" là hình ảnh ẩn dụ cho những điều tươi sáng tốt đẹp trong cuộc sống. Nếu ta ở trong môi trường tốt thì ta sẽ trở thành người tốt, còn nếu xung quanh ta là những thứ xấu xa thì ta cũng sẽ trở thành người xấu. Câu tục ngữ nói về sự ảnh hưởng của môi trường xung quanh tới con người. Điều này được cha ông ta đúc rút kinh nghiệm và truyền lại.

Tại sao cha ông ta lại khuyên như vậy? Môi trường sống ảnh hưởng tới nhân cách của con người rất nhiều. Khi bạn sống trong một môi trường, mọi thứ diễn ra trong đó sẽ được mắt bạn tiếp thu thông tin và truyền lên não. Những hành động lặp đi, lặp lại tạo thành thói quen trong môi trường đó mà bạn thường xuyên nhìn sẽ phần nào ảnh hưởng đến bạn. Ví dụ trong gia đình nếu bố mẹ hòa thuận, yêu thương nhau, lễ phép với ông bà thì con cái cũng sẽ ngoan ngoãn kính trọng người lớn bởi trẻ con là một tờ giấy trắng, môi trường sẽ quyết định phần lớn nhân cách. Nếu gia đình lục đục, không hòa thuận, có bạo lực gia đình thì con cái sẽ khó có thể lên người. Hay ngay bạn bè cũng thế, chơi với người bạn tốt thì ta cũng sẽ trở nên tốt đẹp, chơi với người bạn chăm chỉ, cần cù học tập thì ta cũng học tập, thi đua với bạn vậy là cả hai cùng tiến bộ, còn chơi với những người chỉ biết chơi đùa, lêu lổng thì ta cũng sẽ sa đà vào những cuộc chơi bời những lời rủ rê từ đám bạn. Do đó mới có tình trạng đáng buồn ở nước ta hiện nay là học sinh rủ rê nhau chơi game rồi thành những con nghiện game, để có tiền chơi game sẵn sàng làm những hành động trái đạo đức, trái pháp luật. Ngoài nghiện game còn nhiều những thứ nghiện khác thành những tệ nạn xã hội cũng chính từ một người sa vào rồi rủ thêm người kia, cứ theo dây truyền thành một số đông người sa vào những thứ tệ nạn xã hội. Câu tục ngữ là lời khuyên bảo sâu sắc về cách "chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở". Nhưng không phải lúc nào gần mực cũng đen, gần đèn cũng rạng. Con cái sống trong gia đình tốt, được bố mẹ tạo điều kiện để phát triển nhất chưa chắc đã tốt nếu không cố gắng mà cứ lười nhác, ỷ lại. Hay như các chiến sĩ Việt Nam xưa đã thâm nhập vào hang ổ của địch để lấy thông tin, sống ở môi trường như thế nhưng các chiến sĩ vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vậy nên khi ta ở trong môi trường xấu ta không nên lấy nó làm lí do để sa đà mà phải cố gắng tránh thật xa những cái xấu để giữ mình trong sạch hay tốt nhất là tránh càng xa những môi trường xấu càng tốt.Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, em luôn học tập theo những người bạn tốt, học tập và làm theo những tấm gương tốt đó để càng ngày càng phát triển.

Câu tục ngữ là một khẳng định đúng đắn của cha ông ta mà không chỉ đúng trong quá khứ, hiện tại mà còn cả mai sau. Chúng ta nên học tập và làm theo câu tục ngữ đó.

--------------------------------------------------------------------------

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn dàn ý và 4 bài văn mẫu lớp 7: Chứng minh câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng, hy vọng tài liệu sẽ giúp các em học sinh hiểu hơn về ý nghĩa của câu tục ngữ này, đồng thời giúp các em có thêm nhiều ý tưởng cho các bài viết sắp tới của mình.

Ngoài tài liệu trên, các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi, học kì 1 lớp 7, học kì 2 lớp 7 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì 2 lớp 7 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt.

Tài liệu liên quan:

  • Dân gian ta có câu tục ngữ: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng
  • Chứng minh câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng ngắn gọn
  • Giải thích câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng"

Từ khóa » Chứng Minh Rằng Gần Mực Thì đen Gần đèn Thì Sáng