Chứng Minh Rằng Văn Học Của Dân Tộc Ta Luôn Ca Ngợi Những Ai Biết ...

Bài viết tập làm văn số 6 - Ngữ văn lớp 8 đề 2: Văn học và tình thương (Gợi ý: Chứng minh rằng văn học của dân tộc ta luôn ca ngợi những ai biết “thương người như thể thương thân” và nghiêm khắc phê bình những kẻ thờ ơ, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn) được Khoahoc sưu tầm và đăng tải. Gồm dàn ý và 3 bài văn mẫu để các em tham khảo, trau dồi thêm kỹ năng viết bài. Dưới đây là nội dung chi tiết, các em tham khảo nhé.

Đề 2: Văn học và tình thương

  • Dàn ý chung
  • Chứng minh rằng văn học của dân tộc ta luôn ca ngợi những ai biết “thương người như thể thương thân” mẫu 1
  • Chứng minh rằng văn học của dân tộc ta luôn ca ngợi những ai biết “thương người như thể thương thân” mẫu 2
  • Chứng minh rằng văn học của dân tộc ta luôn ca ngợi những ai biết “thương người như thể thương thân” mẫu 3

Đề 2: Văn học và tình thương (Gợi ý: Chứng minh rằng văn học của dân tộc ta luôn ca ngợi những ai biết “thương người như thể thương thân” và nghiêm khắc phê bình những kẻ thờ ơ,...)

Dàn ý chung

1. Mở bài:

  • Vẻ đẹp của văn chương là hướng người đọc đến với sự hiểu biết và tình yêu thương.
  • Văn học của dân tộc ta luôn ca ngợi những ai biết “thương người như thể thương thân” và nghiêm khắc phê phán những kẻ thờ ơ, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn.

2. Thân bài:

  • Văn học là nhân học, gắn văn học với chức năng giáo dục tư tưởng thẩm mĩ, trong mỗi tác phẩm ta đều cảm nhận tinh thần nhân ái của con người Việt Nam...
  • Chứng minh văn học của ta luôn ca ngợi những ai biết “Thương người như thể thương thân”.
    • Từ buổi đầu tiên cắp sách đến trường, trong những lời cô giảng, câu ca dao trong SGK lớp 1 đã thấm vào hồn ta lòng nhân ái yêu thương gần gũi như lời thủ thỉ tâm tình của người mẹ...
    • Bức chân dung chân thực mà sống động về mọt cậu bé bất hạnh sống thiếu tình thương nhưng vô cùng trong sáng hồn nhiên và có tình yêu thương mẹ mãnh liệt trong “Hồi kí những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng.
    • Đó còn là tình cảm xóm giềng- tình cảm cua rnhững con người không cùng chung huyết thống nhưng vẫn luôn sát vai bên nhau. Như nhân vật ông giáo trong “Lão Hạc” của Nam Cao, một con người biết đồng cam cộng khổ. Chia sẻ với lão Hạc mọi đau khổ...
  • Chứng minh văn học bày tỏ thái độ phê phán nghiêm khắc những kẻ thờ ơ, dửng dưng trước ngưòig ặp hoạn nạn:
    • Đọc “Lão Hạc” của Nam Cao, ta càng yêu thương quí trọng lão Hạc bao nhiều thì ta càng chê trách Binh Tư, con người khoẻ mạnh mà lười biếng, nhân cách thoái hoá.. đáng khinh bỉ.
    • Qua truyện “Sống chết mặc bay” của Phạm Duy Tốn, ta thấy trong khi trăm họ đang vắt vả lấm láp, gội gió tắm mưa ở trên đê, thì ở trong đình quan phụ mẫu rất nhàn nhã, đường bệ, nguy nga đánh bài tổ tôm, khi báo đê vỡ...

3. Kết bài: Văn học đã khơi dậy tình cảm yêu ghét đúng đắn cho con người để con người sống tốt đẹp hơn.

Chứng minh rằng văn học của dân tộc ta luôn ca ngợi những ai biết “thương người như thể thương thân” mẫu 1

Bạn và tôi thuở ấu thơ trong nôi, chắc chúng ta ai cũng được nghe lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ:

"À ơi... Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng"

Gốc của thơ và nhạc là từ đó, vốn văn học nảy sinh từ nền văn hoá dân gian mang theo điệu hồn dân tộc ở trong mỗi người. Mỗi bài thơ ta đọc, mỗi bài văn thầy giảng em nghe đều thấm đẫm một triết lý nhân sinh cao cả nhắc nhở ta đạo làm người biết "thương người như thể thương thân" và nghiêm khắc phê phán những kẻ thờ ơ dửng dưng trước người gặp hoạn nạn. Đó chính là tư tưởng cốt lõi của văn hoá dân tộc.

Văn học là nhân học, gắn văn học với chức năng giáo dục tư tưởng thẩm mĩ, trong mỗi tác phẩm văn chương ở nhà trường, ta đều cảm nhận tinh thần nhân ái của con người Việt Nam, một truyền thống đạo lý tốt đẹp mà mỗi chúng ta luôn trân trọng nâng niu và soi vào đó để tự răn mình.

Từ buổi đầu tiên cắp sách đến trường, trong những lời cô giảng, câu ca dao trong SGK lớp 1 đã thấm vào hồn con lòng nhân ái yêu thương gần gũi như lời thủ thỉ tâm tình của người mẹ. Lớn lên học lớp 5, lớp 6 nghe thầy đọc những trang thơ, những truyện cổ hay, lòng em thấy xúc động nao nao: em thương cô Tấm thảo hiền, ghét Lý Thông ở ác, em thêm yêu quê hương qua lời thơ ngọt ngào của Trần Đăng Khoa:

Em nghe thấy đọc bao ngày

Tiếng thơ đỏ nắng xanh cây quanh nhà

Mái chèo nghe vọng sông xa

Êm êm như tiếng của bà năm xưa

Nghe trăng thở động tàu dừa

Ào ào nghe chuyền cơn mưa giữa trời

Thêm yêu tiếng hát nụ cười

Nghe thơ em thấy đất trời đẹp hơn.

Càng yêu thơ văn dân tộc ta càng khám phá được trong mỗi tác phẩm vẻ đẹp kì diệu lung linh của nó mà cơ sở cho sự sáng tạo chính là cội nguồn của tình yêu thương sự đồng cảm, chân thành của nhà văn với con người tạo nên linh hồn trong mỗi sáng tác.

Đọc truyện "Sơn Tinh Thuỷ Tinh" ai cũng hiểu đó là câu chuyện hoang đường nhưng sao nghìn đời nay ta vẫn yêu vẫn quí, đọc trăm lần không chán bởi hình tượng chàng Sơn Tinh chính là hình ảnh của dân Văn Lang thuở hồng hoang khai thiên lập địa gặp muôn ngàn khó khăn. Càng đọc ta càng khâm phục sự sáng tạo kì diệu của nhân dân khi xây dựng hình tượng nghệ thuật này dưới câu chuyện tình lãng mạn đẹp thời cổ đại. Và càng đọc ta càng thấy dụng ý ngợi ca con người, sức mạnh và ý chí con người quả là lớn lao đáng khâm phục: bao lần đấu tranh, chiến sự xảy ra nhưng Sơn Tinh vẫn thắng, Thuỷ Tinh giao chiến mệt mỏi đành rút quân về. Ca ngợi con người, những con người chính nghĩa, bảo vệ cho công lý đó là chức năng của tác phẩm nghệ thuật nói chung và tác phẩm văn học nói riêng.

Hồi kí "Những ngày thơ ấu" của Nguyên Hồng sao đáng yêu đến thế. Bức chân dung chân thực mà sống động về một cậu bé bất hạnh sống thiếu tình thương nhưng vô cùng trong sáng hồn nhiên và có tình yêu thương mẹ mãnh liệt. Hình ảnh cậu bé Hồng trong tác phẩm chính là một con người đáng quí, đáng để các bạn nhỏ học tập noi gương về nghị lực sống, về tình yêu thương và lòng nhân ái vô bờ. Cậu bé mồ côi cha phải sống bên người bà cô cay nghiệt luôn lấy chuyện mẹ em có con với người khác, phải đi ở tha phương cầu thực mà nhiếc móc hành hạ em. Song tình yêu thương mẹ và niềm tin trong sáng của cậu bé 12 tuổi đã giúp em có thêm bản lĩnh sống và vượt qua mọi thử thách để rồi cuối cùng ước mơ được gặp mẹ đã toại nguyện. Cảm giác hạnh phúc đến vô bờ khi ngồi trong lòng mẹ được mẹ ôm ấp vỗ về, được ngắm nhìn khuôn măt thân yêu của người mẹ, được mẹ gãi rôm ở sống lưng... của cậu bé Hổng được gợi lại chân thực và xúc động bằng một đoạn văn thấm đẫm chất trữ tình đã đưa mỗi chúng ta về với cội nguồn, về với tình mẫu tử thiêng liêng của chính mình mà vô tình ta chẳng nhận ra. Tập hồi kí hay và lắng đọng hồn người chính bởi tình thương, sự đồng điệu của trái tim nghệ sĩ đã hoà cùng nhân vật với niềm yêu thương sẻ chia với những cuộc đời đắng cay, bất hạnh.

Văn học thể hiện tình yêu thương ngợi ca những con người có trái tim nhân ái nhưng đồng thời văn học cũng bày tỏ thái độ phê phán nghiêm khắc những kẻ bạc ác, những kẻ thờ ơ dửng dưng trước những người gặp hoạn nạn.

Trong các tác phẩm của mình, người nghệ sĩ không chỉ tạo nên các nhân vật với tính cách một chiều. Chính vì vậy, ta đọc tác phẩm và thấy trong đó những con người với những tính cách đối lập. Phải chăng nhà văn muốn để ta so sánh đối chiếu họ với nhau mà nhận ra thái độ của tác giả, tìm đến sự đồng cảm với trái tim người nghệ sĩ mà yêu, ghét, giận hờn, ngợi ca hay khinh bỉ.

Đọc "Lão Hạc" của Nam Cao, ta càng yêu thương quí trọng lão nông già yếu nghèo khổ nhưng giàu lòng yêu thương và đức tự trọng để mà thêm mến thêm yêu Nam Cao, học được ở ông cái cách nhìn người "cố tìm hiểu họ" mà cảm thông chia sẻ..., thì ta càng chê trách Binh Tư, con người khoẻ mạnh mà lười biếng, nhân cách thoái hoá đi ăn cắp ăn trộm... đáng khinh bỉ.

Hai tuyến nhân vật tiêu biểu cho giai cấp thống trị - bị trị trong "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố là 2 bức tranh đối lập về con người mà qua đó nhà văn muôn nhắn gửi bức thông điệp, tiếng kêu cứu về số phận người nông dân dưới chế độ cũ. Chính vì vậy nhà văn Nguyễn Tuân đã từng nhận xét: Cái cách viết lách như thế, Ngô Tất Tố xui người nông dân nổi loạn.

Sự nổi loạn mà Nguyễn Tuân muôn nói đến trong "Tắt đèn" là sự nổi loạn đầy ý thức khi cái tốt, cái thiện bị ngược đãi, chèn ép nên tức "nước vỡ bờ". Mâu thuẫn cơ bản của xã hội thể hiện trong hai tuyến nhân vật rõ rệt: một bên là những kẻ thông trị cậy chức quyền hà hiếp dân lành mà tiêu biểu là quan Tri phủ Tư Ân, Nghị Quế, Lý trưởng, Chánh tổng... Và một bên là người dân lương thiện chịu cảnh bần cùng đè nén là chị Dậu. Mâu thuẫn đối kháng dâng lên đỉnh điểm nhưng Ngô Tất Tố chỉ đặt ra ở đó. Phải chăng bởi ý thức cách mạng chưa cập đến người dân hay bởi nhà văn mới bằng trái tim nhân đạo của mình rung lên hồi chuông cảnh tỉnh về những cuộc nổi loạn sẽ xảy ra khi những kẻ núp bóng quan Tây bị mất hết nhân tính chỉ mượn cớ đục nước béo cò...

Bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, văn học thể hiện tinh hoa văn hóa và khẳng định sự sáng tạo nghệ thuật của con người Việt Nam. Song điều cốt lõi và cội nguồn của văn chương chính là tình yêu thương, "thương người như thể thương thân". Tiếng nói yêu thương ấy của văn chương đã cất lên ru tâm hồn ta, khiến ta sống “người” hơn.

Chứng minh rằng văn học của dân tộc ta luôn ca ngợi những ai biết “thương người như thể thương thân” mẫu 2

Văn học không chỉ là sản phẩm thi ca mà còn chứa đựng trong đó những nét đẹp văn hóa của mỗi dân tộc. Dân tộc Việt Nam là dân tộc giàu tình yêu thương và lòng nhân ái, tình yêu thương ấy luôn được gửi gắm chân thành, cảm động trong các tác phẩm văn học. Văn học gắn liền với tình thương.

Trong suốt hành trình hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, tình yêu thương luôn là tình cảm xuyên suốt. Văn học Việt Nam là món ăn tinh thần, sản phẩm kết tinh của con người Việt. Đồng hành cùng lịch sử nước nhà nên văn học luôn phản ánh những nét đẹp tinh thần của thời đại. Tình yêu thương chính là một trong những tình cảm chủ đạo, là nguồn cảm hứng của văn học từ bao đời nay.

Nhắc đến văn học Việt Nam, không thể không nhắc văn học dân gian – bộ phận văn học tiêu biểu của văn hóa dân tộc. Tình yêu thương được phản ảnh đầu tiên và sâu sắc trong văn học dân gian đó. Những câu ca dao, tục ngữ, những lời hát chứa chan tình yêu thương được lưu giữ bằng hình thức truyền miệng từ đời này qua đời khác, trở thành câu nói mà trái tim con người Việt Nam luôn ghi nhớ. Đơn giản là tình yêu thương trong gia đình, tình mẫu tử, tình phụ tử thiết tha, sâu nặng như:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ me kính cha

Cho trò chữ hiểu mới là đạo con”

Hay tình thương cho những bác nông dân - con người âm thầm lặng lẽ, một nắng hai sương làm ra hạt gạo trắng ngần:

“Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”

Và tình thương bao la, rộng lớn hơn giữa những người không chút máu mủ, ruột thịt nhưng cùng một quốc gia, dân tộc, cùng sống ở trên đời:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

“Thương người như thể thương thân”

Những câu hát ngọt ngào ấy đã trở thành tuổi ấu thơ của bao thế hệ, bồi đắp tình cảm cho con người ngay từ những ngày tấm bé, để mai sau lớn lên biết trân trọng và biết yêu thương nhiều hơn.

Không chỉ có vậy, những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết cũng gửi gắm bao tình thương chân thành cảm động. Đó là tình thương cho những nhân vật bất hạnh nhưng kiên cường, nhân hậu như Thạch Sanh, anh Khoai, cô Tấm. Đồng thời nghiêm khắc phê bình những con người thờ ơ, dửng dưng trước những người gặp hoạn nạn, hay thậm chí độc ác nhẫn tâm, làm hại người khác như mẹ con Lý Thông, mẹ con Cám...

Văn học phát triển theo từng quá trình của con người, dễ dàng đi sâu vào phản ánh nội tâm sâu sắc của con người, tình thương gửi gắm vào đó cũng ngày càng sâu sắc hơn. Dưới ngòi bút văn học hiện đại nhạy cảm như Nguyên Hồng, Khánh Hoài, ta đã được cảm nhận những tác phẩm văn học đầy tình thương cho những đứa trẻ. Hồi kí "Những ngày thơ ấu" của Nguyên Hồng kể một câu chuyện về cậu bé Hồng thiếu thốn tình thương nhưng vô cùng trong sáng, hồn nhiên. Mặc kệ những lời nói cay nghiệt của bà cô bên nội, Hồng vẫn giữ trọn sự kính trọng và tình yêu cho mẹ của mình. Cảm giác hạnh phúc đến vô bờ khi ngồi trong lòng mẹ được mẹ ôm ấp vỗ về, được ngắm nhìn khuôn măt thân yêu của người mẹ,...của Hổng được gợi lại chân thực và xúc động đã khiến mỗi con người lặng lẽ dõi về cội nguồn, về tình mẫu tử thiêng liêng, quý giá. Tập hồi kí đã lắng đọng trong trái tim người đọc tình thương, sự đồng điệu của trái tim người cầm bút cho nhân vật và niềm yêu thương, sẻ chia với những cuộc đời đắng cay, bất hạnh.

‘Cuộc chia tay của những con búp bê” – Khánh Hoài cũng khiến bao người rơi lệ vì câu chuyện xúc động của hai anh em Thành, Thủy vì bố mẹ ly hôn, vì bi kịch của người lớn mà phải chia xa. Tình thương của Khánh Hoài cho hai đứa trẻ và tình cảm anh em thơ ngây của Thành, Thủy chính là bức tranh chân thực nhất về thứ tình cảm gia đình vô giá.

Trong kho tàng văn học rộng lớn của dân tộc còn biết bao tác phẩm chứa đựng tình thương khác. Tất cả đều nâng niu và trân trọng những số phận kém may mắn, tình cảm đáng quý trong cuộc đời và lên án những trái tim ích kỷ, thờ ơ với nỗi đau, sự bất hạnh của con người. Văn học chính là những tác phẩm về cuộc đời chân thực, cảm động về tình thương, về con người. Hãy trân trọng và tiếp thu nét đẹp đáng quý đó.

Chứng minh rằng văn học của dân tộc ta luôn ca ngợi những ai biết “thương người như thể thương thân” mẫu 3

Nghệ thuật là nơi trú ngụ của nhân văn, văn học là bảo tàng của những giá trị nhân bản nhất của con người. Bởi vậy, “văn học của dân lộc luôn ca ngợi những ai biết thương người như thế thương thân và nghiêm khắc phê phán những kẻ thở ờ, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn”.

Trước tiên, câu nói đề cập đến một đối tượng văn học cụ thể đó là văn học dân tộc. Văn học dân tộc là chỉ chung những tác phẩm văn học thuần túy dân tộc mà ta có thể tìm thấy trong kho tàng dân gian truyền thống như là những câu chuyện truyền thuyết, cổ tích, ca dao, tục ngữ,… Nguồn cảm hứng chủ đạo của văn học dân tộc chính là “luôn ca ngợi những ai biết thương người như thế thương thân và nghiêm khắc phê phán những kẻ thở ờ, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn” tức là ca ngợi những điều hay lẽ phải, đề cao bản tính lương thiện cùng lòng yêu thương con người với con người, ngược lại, vì đó mà lên án, phê phán, thủ tiêu những tàn dư của xấu xa, vô cảm,… Chính vì điều ấy, văn học dân tộc giáo dục con người ta sống hướng thiện trong nguồn cảm hứng biết yêu thương lẫn nhau đồng thời thức tỉnh những kẻ dửng dưng vô nhân.

Ngay từ những ngày nằm nôi, chúng ta đã được bà, được mẹ ru vào giấc ngủ với những câu hát dân gian mộc mạc mà đậm đà tình người:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Hay:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Cái tình yêu thương giữa người với người đã từ vô thức mà ngấm vào máu, vào thịt của ta để rồi khi lớn lên, những câu chuyện cổ tích lại âm thầm khai phá tình yêu thương ấy trong tâm hồn chúng ta một cách mãnh liệt hơn. Ta đã yêu quý biết bao cô con gái út phú ông khi thấy cô biết thương mến anh Sọ Dừa mà theo mọi người là “quái dị”, ta yêu mến biết bao Nàng tiên ốc nết na, dịu hiền, biết làm việc nhà thay cho bà cụ bán hàng, ta quý trọng biết bao một cô Tấm vì cái chết của cá Bống mà đau buồn khôn tả,… Văn học dân tộc thực sự dành mối quan tâm lớn cho những con người biết “thương người như thể thương thân” với một tấm lòng lương thiện, văn học ca ngợi họ, cho họ những cái kết có hậu để củng cố lòng tin cho thế hệ sau về “ở hiền gặp lành”. Chỉ có yêu thương người khác thì mới được ngời yêu thương.

Không chỉ ca ngợi những người biết yêu thương người khác mà văn học vì đó mà phê phán những kẻ thờ ơ dửng dưng trước hoạn nạn của người khác. Mỗi một chúng ta đều là một phần của xã hội, tuy chúng ta cá thể những không riêng rẽ, chỉ có kẻ ích kỉ mới có suy nghĩ rằng hoạn nạn của người khác không hề liên quan đến mình. Anh chàng trong câu chuyện dân gian “Cháy nhà hàng xóm” cũng chính vì suy nghĩ ấy mà bị một phen hối hận. Ai trên đời rồi cũng sẽ có lúc khó khăn chỉ là tùy thời điểm, ta dửng dưng trước hoạn nạn của người khác mà chỉ lo đến thân mình cũng chỉ là “cười ngời hôm trước, hôm sau người cười”. Ta giúp người, sẽ có lúc, người giúp lại ta, làm người không nên quá tính toán mà phải sống vì nhau. Và đặc biệt, nếu không thể giúp cũng không nên làm hại người khác, đó là công việc vô cùng thất đức. Không ít những kẻ lợi dụng lúc người khác khó khăn mà vụ lợi, thật đáng chê trách.

Văn học dân tộc “luôn ca ngợi những ai biết thương người như thế thương thân và nghiêm khắc phê phán những kẻ thở ờ, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn”. Câu nói trên hoàn toàn đúng đắn. Văn học đã khiến cho chúng ta biết yêu thương nhau và căm ghét cái xấu xa, đê hèn, văn học chính là ngọn hải đăng soi sáng khiến cho thế hệ sau không bao giờ lạc khỏi con đường lương thiện.

Chứng minh rằng văn học của dân tộc ta luôn ca ngợi những ai biết “thương người như thể thương thân” và nghiêm khắc phê bình những kẻ thờ ơ được Khoahoc chia sẻ trên đây. Hy vọng với tài liệu này sẽ giúp ích cho các em có thêm tài liệu tham khảo, trau dồi thêm vốn từ, từ đó hoàn thiện bài văn hay hơn, sinh động hơn. Chúc các em học tốt, ngoài việc tham khảo tài liệu trên, các em có thể tham khảo thêm các môn học khác có tại, tài liệu học tập lớp 8 này nhé.

Từ khóa » Chứng Minh Rằng Văn Học Và Tình Thương