Chung Tay ứng Phó Biến đổi Khí Hậu - Tạp Chí Thủy Sản

Những khu vực có an ninh lương thực yếu kém và cư dân lạc hậu chịu tác động mạnh nhất của BĐKH. Nhiệt độ cơ thể cá và các loài thủy sản khác thay đổi theo nhiệt độ nước. BĐKH làm nhiệt độ thay đổi bất thường và tác động mạnh tới sự sinh trưởng và sinh sản của nhiều loài hải sản; ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất, sản lượng đánh bắt và nuôi thủy sản. Trong khi đó, nhiều quốc gia vẫn loay hoay, thậm chí tranh cãi nhau, về việc xây dựng hệ thống quản lý đánh bắt và nuôi thủy sản vùng ven biển thế nào cho hiệu quả.

Nhiều minh chứng khoa học đã chỉ rõ tác động của BĐKH tới hệ sinh thái biển và ảnh hưởng của nó tới hệ thống NTTS ven biển. Có hai cách khắc phục những vấn đề này: giảm thiểu tác động và ứng phó hiệu quả. Trước mắt, các quốc gia cần phải chung tay cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhiều tổ chức trên thế giới đã vào cuộc, chung tay giúp sức cho nhiều quốc gia cùng nhau giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính như FAO, SPC, MRC, SEAFDEC, Ủy ban Nghề cá châu Á – Thái Bình Dương (APFIC), Trung tâm Thủy sản và Bảo tồn quốc tế (CI). Việt Nam đừng bỏ qua cơ hội nào, hãy chung tay với các tổ chức này, kêu gọi họ giúp đỡ; đôi khi chẳng có gì đáng xấu hổ, khi cái yếu kém được phơi ra để thu hút sự giúp đỡ. Ví dụ: dự án BĐKH trong thủy sản (AquaClimate) được Bộ Ngoại giao Na Uy tài trợ, trong đó đưa ra nhiều cách ứng phó trước những thay đổi của khí hậu ở những nước đang phát triển như Ấn Độ, Philippines, Sri Lanka, Việt Nam.

Tại Việt Nam, nuôi tôm nước lợ chịu nhiều bất lợi do BĐKH; nhưng không thể phủ nhận hình thức nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh hoặc nuôi ở quy mô công nghiệp đang làm tăng phát thải khí nhà kính. Nhưng bên cạnh đó, hình thức nuôi tôm cua xen rừng ngập mặn, nuôi tôm xen rong câu, nuôi luân canh tôm – rong câu lại có khả năng giảm phát thải khí nhà kính. Như vậy, để thích ứng BĐKH, cần xác định các tác động của nó và tình trạng thực tế, từ đó xây dựng giải pháp đặc thù cho từng mô hình nuôi, nhằm thích ứng dần với những điều kiện bất lợi do BĐKH gây ra.

Tháng 1/2013, Tổ chức quốc tế nghiên cứu về môi trường (DARA International) đã chỉ ra, Việt Nam đang ở báo động đỏ về mức độ thiệt hại thủy sản do BĐKH. Ngành thủy sản bị thiệt hại khoảng 1,5 tỷ USD năm 2010; con số này sẽ tăng lên 25 tỷ USD vào năm 2030. Do đó, Việt Nam cần phải có kênh dự báo tác động BĐKH lên hoạt động NTTS ven biển. Tuy nhiên, trong điều kiện thông tin và kinh tế như Việt Nam hiện nay, không dễ xây dựng được một kênh dự báo tốt. Đó là lý do vì sao Việt Nam cần phải chung tay với toàn cộng đồng, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế; mục đích sau cùng là giúp ngư dân chuyển từ nhận thức sang hành động, có biện pháp cụ thể trong quá trình sản xuất, quản lý trang trại, thích ứng tốt với BĐKH, phát triển NTTS ven biển bền vững.

Tham tán công sứ Na Uy

Từ khóa » Chung Tay Giảm Thiểu Biến đổi Khí Hậu