Chung Thủy Hay Thủy Chung Là Gì? | Nhà Thờ Thái Hà
Có thể bạn quan tâm
Chung là cuối, như các trận chung kết bóng đá; Thủy là đầu, như trong câu: “Theo truyền thuyết, ông nội vua Hùng Vương thứ I, thuộc dòng dỗi vua Thần Nông, vốn được suy tôn làm thủy tổ của người Bách Việt”.
“Chung thủy hay thủy chung là trước sau vẫn một lòng, vẫn có tình cảm gắn bó không thay đổi. Ăn ở có thủy có chung; hay “Đã lòng quân tử đa mang/ Một lời vâng tạc đá vàng thủy chung” (Kiều) theo: (Tự điển Tiếng Việt Phổ Thông của Viện Ngôn Ngữ Học VN nhà xuất bản Phương Đông.)
Chung thủy, hay thủy chung còn được dùng trong nhiều lãnh vực khác nhau như: Tình bạn thủy chung giữa những người cùng phái: Tình bạn giữa Lưu Bình và Dương Lễ. Dương Lễ, sau khi làm quan đã âm thầm giúp bạn Dương Lễ vượt nhiều thử thách, để bạn cũng đỗ đạt làm quan như mình; tình bạn thủy chung giữa các nước cùng thể chế với nhau …
Trong phạm vi của bài viết, ta chỉ đề cập đến chung thủy, hay thủy chung trong hôn nhân. Và ta cũng chỉ điểm qua một số vấn đề sau đây:
- Tại sao vợ chồng lại phải chung thủy?
- Vợ chồng chung thủy mang lại lợi ích gì?
- Một số gợi ý giúp vợ chồng chung thủy.
Tại sao vợ chồng lại phải chung thủy?
Lòng chung thủy trong đạo vợ chồng luôn được người đời, từ xưa đến nay tôn trọng. Câu truyện từ năm thế kỷ trước công nguyên của quan Án Tử nước Tề là một gương sáng. Quan Án Tử đã thẳng thắn từ chối không nhận lời kết hôn với công chúa con vua Cảnh Công (547- 499 TCN) nước Tề, khi chính nhà vua đã có nhã ý muốn gả công chúa cho ông, nhân một lần vua về thăm gia đình ông. Ông vẫn chung thủy sống với người vợ già đen đuốc, không còn vẻ đẹp bề ngoài như công chúa, nhưng có tấm lòng cao quí, đã có công nuôi Án Tử ăn học thành đạt.
Đức Phật cũng dạy chúng sinh về lòng chung thủy trong đạo vợ chồng.
Câu chuyện một đêm khuya, trong một ngôi chùa có một người quì đưới chân Đức Phật, nhờ Ngài dạy về chuyện tình yêu
Người: Thưa Đức Phật thánh minh, con là một người đã có vợ, con hiện đang yêu say đắm một người đàn bà khác, con thật không biết nên làm thế nào?
Sau một hồi hỏi han, Đức phật hỏi người thanh niên đó
Con nhìn ba ngọn nến trong lư hương, ngọn nào sáng nhất?
Người: Quả thật con không biết, hình như đều sáng giống nhau
Đức Phật: Bây giờ con cầm một cây đến gần, ngon nào sáng nhất?
Người: Đương nhiên ngọn trước mặt con sáng nhất
Đức Phật: Con đặt nó về chỗ cũ, xem lại ngọn nào sáng nhất
Người: quả thật, con đã không nhận ra ngọn nào sáng nhất
Sau một hồi đàm đạo nữa người thanh niên đã nói:
“Thưa Đức Phật, bây giờ con đã biết thật sự con yêu ai. Người đó chính là vợ con hiện nay”.
Về phía đạo Công Giáo, thì lòng chung thủy trong đạo vợ chồng đã được Thánh Kinh truyền dạy:
“Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mk 10, 6-9)
Như thế, lòng chung thủy trong tình yêu hôn nhân của con người là hợp với lẽ trời. Nó là một giá trị cao quí trong cuộc sống, ta cần gìn giữ.
Vợ chồng chung thủy mang lại lợi ích gì?
Tôi nghĩ, khi vợ chồng chung thủy sẽ mang lại lợi ích lớn lao: Cho chính bản thân vợ chồng được an vui và hạnh phúc; cho con cái, gia đình dòng họ được an bình, yên ổn, và tạo được sự ổn định và phát triển cho xã hội.
Vợ chồng an vui hạnh phúc khi sống chung thủy. Hôn nhân là một việc hệ trong trong cuộc đời con người. Chính vì lẽ đó, trước khi bước vào đời sống hôn nhân ta cần tìm hiểu kỹ càng không thể đổi vợ đổi chồng như “thay quần thay áo” được. Nơi các xứ đạo hiện có các lớp dự bị hôn nhân được tổ chức từ ba tháng đến một năm. Qua lớp dự bị hôn nhân đó, các nam thanh, nữ thanh sẽ hiểu khá rõ về ý nghĩa, mục đích của hôn nhân, như giá trị và lợi ích của “đơn hôn”, và “vĩnh hôn”, cùng việc chung thủy trong hôn nhân đem lại nhiều lợi ích. Nhờ đó, các gia đình Công Giáo phần lớn đã gìn giữ được hạnh phúc, khi ít khi xẩy ra ly dị, ly hôn hay ngoại tình…
Ngược lại, qua báo chí, ta biết rằng đã có biết bao gia đình tan nát mất hạnh phúc vì ngoại tình, ly dị; biết bao vụ đánh ghen tàn bạo độc ác như cắt cả “của quí”, gián keo 502 vào “chỗ kín” đã xẩy ra khắp nơi. Ta có thể khẳng định: Hạnh phúc đích thực chẳng khi nào đến với gia đình có vợ hoặc chồng ngoại tình không chung thủy, hoặc ly dị, ly thân…
Con cái ngoan, hiếu thảo khi bố mẹ hòa thuận thủy chung.
Khi con cái được ở trong một gia đình, mà bố mẹ luôn thương yêu nhau, cùng nhau bàn bạc, hợp lực lo lắng cho con cái học hành, thì đó chính là động lực lớn lao về tình thần giúp con cái vượt qua nhiều khó khăn vật chất trong cuộc sống để học hành đến nơi đến chốn. Sống ở vùng quê nhiều thập niên, tôi đã thấy nhiều sinh viên thành đạt, đổi đời trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà báo…trong khi bố mẹ các em rất nghèo, ngày qua ngày làm thuê vác mướn, nhưng rất đỗi thương nhau. thủy chung với nhau trong cảnh nghèo khó…
Trước năm 1975, vợ chồng tôi thường về long Xuyên để mua vải. Một lần kia khi gần tới ngã ba Lỗ Tẻ, thì trời đổ mưa lớn. Tôi vội tạt vào căn chòi bên quốc lộ 80 phía mé sông. Căn chòi đơn sơ không có vật dụng nào quí cả. Một cậu bé khoảng 10 tuổi đang ngồi ăn cơm trên chiếc chiếu ở góc chòi. Một nồi cơm và một con cá kho bốn khứa trước mặt cậu. tôi thấy cậu bé chỉ cạo ăn phần cơm cháy, và khứa đuôi cùng đầu con cá, phần cơm rời và hai khúc cá giữa cậu để lại. tôi hỏi sao cháu chỉ ăn cơm cháy, và khứa đuôi cá thế? Cậu bế trả lời: “Con để phần cơm rời và hai khứa cá giữa cho ba má con đang cực khổ đãi hến ở dưới sông để nuôi con ăn học”. Thật cảm động và trân quí biết bao với tấm lòng hiếu thảo của cậu bé đó!
Tôi cũng đã thấy nhiều gia đình, tuy giầu có, nhưng cãi nhau tối ngày như “hàng cá hàng thịt”; lại còn xẩy ra tình trạng: “Ông ăn chả, bà ăn nem/ Thằng ở có thèm ăn thịt con sen”. Kết quả con cái cũng ăn chơi lêu lổng, không chịu học hành và trở thành “Đầu trộm đuôi cướp” phá hoại xóm làng, xã hội…
Ngoài ra, trong một đất nước, mà các cặp vợ chồng chung thủy, sẽ tạo ổn định và phát triển xã hội. Ta biết rằng gia đình là nền tảng xã hội, như thế gia đình ổn định hạnh phúc thì dẫn đến xã hội an bình phát triển và thịnh vượng.
Một số gợi ý giúp vợ chồng chung thủy.
Cho đến hôm nay, ta thấy có khá nhiều sách vở nói về cách thức giúp vợ chồng giữ được lòng chung thủy với nhau. Hầu hết những sách đó nói về kỹ năng, kỹ thuật và nghệ thuật làm vợ làm chồng, cũng như cách giữ chồng và vợ chung thủy. Những sách nói đến việc tạo nhận thức đúng đắn cho nam nữ hiểu những giá trị cao quí của hôn nhân, hiểu sâu sắc giá trị và ích lợi trong việc chung thủy, có lẽ mới suất hiên bên phía các tôn giáo. Lại nữa, toàn xã hội hầu như chưa có khóa cho lớp dự bị hôn nhân, ngoại trừ một số tôn giáo như đạo Công Giáo đã tổ chức ở các xứ đạo. Một điểm nữa là luật pháp của hầu hết các nước dù đã tiến bộ “Hôn nhân, một vợ một chồng”, nhưng lại cho phép vợ chồng được ly thân, ly dị, hôn nhân đồng tính. Như thế, làm mất ý nghĩa và mục đích của hôn nhân, và việc thực hiện lòng chung thủy gặp rất nhiều khó khăn, vì “Hay thì ở, dở thì ly dị”.
Tôi nghĩ: Trước tiên khi nam nữ bước vào tuổi trưởng thành, cần giúp các em hiểu biết tầm quan trọng trong hôn nhân, như ông cha ta đã dạy: “Tậu trâu, dựng vợ làm nhà/ Trong ba việc đó thật là khó khăn”. Tiếp đến các bậc làm cha làm mẹ hướng dẫn, nhưng dành tự do cho các em trong việc lựa chọn người phối ngẫu, hướng dẫn nhưng không áp đặt lên con cái, người mình chọn. Giúp các em biết những giá trị ưu việt trong “đơn hôn” và “vĩnh hôn”. Ca dao đã nói: “Đói lòng ăn nắm lá sung/ Chồng một thì lấy chồng chung thì đừng”, và những tác hại của ly hôn và ly dị, dù luật pháp cho phép…
Khi đã thành vợ thành chồng thì tránh “Đừng đứng núi này trông núi kia” so sách vợ hoặc chồng mình với người khác, mà phải: “Chồng ta áo rách ta thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người”. Trong đời sống vợ chồng cần nhất là sự thuận hòa, vì: “Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn”. Muốn có thuận hòa thì từ việc nhỏ đến việc lớn trong gia đình, vợ chồng cùng bàn bạc để đi đến thống nhất. Hình ảnh: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa” hay “Rủ nhau lên núi đốt than/ Chồng mang đòn gánh vợ mang quanh giành/ Củi than nhem nhuốc với tình/ Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên”, trân quí biết bao!
Con người được Thiên Chúa yêu thương dựng nên, cao quí hơn và làm chủ vũ trụ cùng muôn loài. Con người được tự do tuyệt đối. nhưng tự do đích thực là hướng về Thiên Chúa, Đấng là Chân, Thiện, Mỹ. Con người phải tuân phục qui luật tự nhiên mà Chúa đã truyền dạy. Có như thế mới được Chúa ban phúc lành.
Chung thủy trong đời sống vợ chồng là một trong những qui luật đó.
Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh
Từ khóa » Sự Thủy Chung Là Gì
-
Sự Thủy Chung Trong Quan Hệ Vợ Chồng - VỤ GIA ĐÌNH
-
Sự Thủy Chung Là Gì - Xây Nhà
-
Thủy Chung - Wiktionary Tiếng Việt
-
Từ điển Tiếng Việt "thủy Chung" - Là Gì?
-
Thủy Chung Là Gì? Biểu Hiện Của Thủy Chung? Vì Sao? Bàn Bạc Mở ...
-
Thủy Chung Và Lòng Bao Dung - NTO
-
Tình Yêu Chung Thủy Là Gì Mà Nhiều Người đều Mong Muốn Có được?
-
Một Cách Nhìn Về Sự Chung Thủy Trong Tình Yêu - VnExpress
-
Giá Trị ý Nghĩa Của Sự Chung Thủy Trong Tình Yêu
-
THỦY CHUNG (Thủy Chung) - SimonHoaDalat
-
Sự Chung Thủy Trong Tình Yêu - Tam Kỳ RT
-
Bạn Đã Gặp Được Người Cho Bạn Cảm Giác 'Thủy Chung' Đúng ...
-
"Chung Thủy" Là... - Tìm Hiểu Nguồn Gốc Của Từ-ngữ Tiếng Việt
-
Thủy Chung Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt