Chung Thủy Như Ngỗng

chung-thuy-nhu-ngong-1637754622.jpg
Ảnh do tác giả chọn lọc

 

Có con ngỗng mái sẵn sàng ve vãn bất cứ con đực nào mà nó thích, thậm chí cả những con đực khác đàn. Ngược lại, có những con sẵn sàng bị cắn nát cổ, thậm chí bị mổ bục cả diều, vẫn một lòng thủ tiết, thà chết chứ nhất định không chung chạ. Những con mái này luôn là lựa chọn của các con đực đầu đàn trong chuyện kết đôi. Khi đã kết đôi thì con đực đầu đàn luôn thể hiện quyền sở hữu bất khả xâm phạm của mình. Các con mái khác muốn làm gì nó cũng mặc. Nhưng với con mái nó chọn thì mọi động tĩnh đều được nó giám sát chặt chẽ. Lúc ngủ phải nằm cạnh nó. Lúc ăn phải quanh quẩn bên nó. Đêm, nó thức canh cho cả đàn thì con mái đó cũng ngủ rất ít. Chỉ có mình nó được trèo lên lưng trong mùa giao phối. Xí xớn là ăn đòn.!

Gia đình nhà ngỗng.

Ngược lại, con mái luôn nhận được sự chăm sóc đặc biệt của tình lang. Dù ở xa mấy mà khi lên cơn đau đẻ, con đực cũng đưa nó về nhà, chờ đẻ xong lại đưa trở lại nơi đàn kiếm ăn, trong khi với các con mái khác thì nó thây kệ, để tự xoay xỏa. Người đi đường chịu quan sát sẽ rất hay gặp cảnh tượng: Một con ngỗng mái lặc lè đi trước, miệng thỉnh thoảng lại quác lên, có lẽ do đau, còn con đực ưỡn ngực đi sau, miệng luôn phát ra thứ âm thanh nhẹ nhàng, rất nịnh bợ, như kiểu động viên.

Nhưng không chỉ có thế. Khi con mái vào ổ đẻ thì con đực đi lại quanh quẩn hoặc nằm chờ gần đó, sẵn sàng ứng cứu khi cần. Sau này khi đám ngỗng con ra đời, con đực cũng nhanh chóng nhận ra ngay con nào nở từ trứng của “ái thê”, để dành cho những tình cảm cha con rất đặc biệt. Chỉ những đứa con ấy mới chắc chắn là của nó. Nếu chẳng may con đực qua đời, thì con cái sẽ ủ rũ, cô độc cho đến khi già. Nếu chưa trót kiếp vác gánh trần gian mà phải “tái giá”, thì nó cũng không kết đôi cố định với con đực nào khác.

Mỗi năm, trong đàn ngỗng thường xảy ra những trận đấu sinh tử giữa con đực đầu đàn và con đực đang mạnh lên nào đó để phân vai thủ lĩnh. Những trận đấu ấy có thể kéo dài hàng giờ. Nếu đánh nhau dưới nước thì thời gian có khi tới nửa ngày. Vũ khí mạnh và nguy hiểm nhất của ngỗng đực khi chiến đấu là cặp cánh. Đầu xương cù cánh ngỗng đực rắn và nhọn, có thể giết chết đối phương chỉ bằng một nhát! Mỏ ngỗng đực rất sắc vì có răng cưa, đủ sức để có thể cắn đứt phăng “chim” của đứa trẻ con nào đó. Khi chiến đấu, chúng dùng mỏ, thường là ngậm vào diều đối phương, để ghì chặt lấy nhau.

Nhiều trận, cả hai con chỉ rời nhau khi kiệt sức, hẹn hôm sau đánh tiếp. Nhiều khi không chờ được đến hôm sau, chúng đánh nhau ngay trong chuồng lúc nửa đêm, khiến đám ngỗng mái kêu thất thanh, chạy nháo nhác... Phải đến khi có một con thua thì cuộc chiến mới chấm dứt bằng trật tự do con thắng trận sắp xếp. Trong mùa ngỗng đẻ mà lũ đực hẹn nhau đánh phân ngôi, thì coi như mùa đó chủ chăn thất bại bởi lượng trứng ung tăng lên gấp nhiều lần.

Ngoài điều đó ra, ngỗng là loài vật yêu tự do, yêu cái đẹp, cao thượng và có máu nghệ sỹ. Chúng không phàm ăn và bẩn như vịt. Những hôm trời đẹp, thậm chí ăn với chúng là phụ, nhất là những con đực. Chúng nhởn nhơ ngắm mây trời, hóng gió, quan sát đám chim bay lượn phía trên đầu, một cách rất thích thú và tò mò. Chúng có thể giang cánh dàn hàng ngang và chạy chân không bén đất hàng trăm mét trên cánh đồng trong niềm phấn khích cực độ. Gặp những lần như thế, bạn chỉ còn biết đứng ngây người ra mà chiêm ngưỡng và tin rằng đó là khoảnh khắc vĩ đại nhất của cuộc sống.

Vào ban đêm, mỗi con ngỗng đực là một chàng lính gác cần mẫn và tinh nhạy. Hầu như không có tiếng động nào, kể cả tiếng lá tre khô rơi, lại lọt qua được cặp tai cực thính của chúng. Nhưng chỉ những tiếng động gây ra bởi một việc có thể dẫn tới nguy hiểm, chẳng hạn bước chân người, bước chân cầy cáo, tiếng bò của rắn… chúng mới đồng loạt lên tiếng báo động. Khi mối nguy hiểm còn ở xa, âm thanh chỉ mang tính cảnh báo. Khi mối nguy hiểm cận kề, chúng tạo ra những tiếng kêu với tần số, âm lượng, cung bậc, nhịp độ… khiến người khác phải sởn tóc gáy để không thể bỏ qua! Về việc này, bọn ngỗng thông minh, tinh tế hơn giống chó nhiều.

Khoảnh khắc khiến tôi xúc động nhất là khi cả một đàn ngỗng con đã khô lông sau khi nở, như những cục bông di động, vàng rực thứ màu của lúa chín. Tôi có thể ngắm chúng lũn cũn chạy hàng giờ đồng hồ không chán mắt.

Theo Chuyện làng quê

Từ khóa » Ngông Như Con Ngỗng