Chủng Tộc: Một Khái Niệm Không Có Cơ Sở Khoa Học
Có thể bạn quan tâm
- YouTube
.
Mặc dù người ta dùng từ chủng tộc để định nghĩa và chia rẽ con người trong hàng thiên niên kỉ nay, khái niệm này hoàn toàn không có cơ sở di truyền học.
Hình ảnh DNA của hai đối tượng trên giống nhau 99%. Gene của hai người bất kì nào, còn giống nhau hơn thế. Nhưng sau khi những tổ tiên tiền sử của chúng ta rụng phần lớn lông trên cơ thể, sự khác biệt dễ thấy nhất trong quá trình tiến hóa của chúng ta là màu da. Những tinh chỉnh rất nhỏ trong DNA của chúng ta là nguyên nhân của điều đó. Màu da tối giúp cho tổ tiên của chúng ta thích nghi với ánh nắng đổ lửa vùng châu Phi, trong khi với những người di cư khỏi châu Phi tới những vùng ít ánh nắng hơn, màu da sáng hơn trở thành lợi thế.Cha đẻ của chủ nghĩa khoa học phân biệt chủng tộc Trong nửa đầu thế kỷ 19, một trong những nhà khoa học hàng đầu nước Mỹ là bác sĩ Samuel Morton. Morton sống ở Philadelphia và công việc của ông ta là thu thập các hộp sọ. Morton chẳng phải là một nhà sưu tập kén chọn: ông chấp nhận tất cả hộp sọ dù chúng được nhặt về từ các chiến trường hay cướp từ các hầm mộ. Một trong những hộp sọ nổi tiếng nhất của ông thuộc về một người Ailen, một kẻ tù tội được gửi đến Tasmania (và cuối cùng bị treo cổ vì giết và ăn thịt bạn tù). Với mỗi hộp sọ, Morton thực hiện cùng một quy trình: Ông ta nhồi chúng bằng hạt tiêu, và sau đó là đạn chì, để xác định thể tích của hộp sọ. Morton tin rằng mọi người có thể được chia thành năm chủng tộc, đại diện cho các năng lực sáng tạo riêng biệt. Các chủng tộc có các đặc tính đặc thù, tương ứng với vị trí của chúng trong một cấp bậc được định sẵn. Kết quả nghiên cứu các hộp sọ của ông cho thấy người da trắng là người thông minh nhất trong các chủng tộc (Caucasian). Tiếp đến là người Đông Á (Morton sử dụng thuật ngữ Mongolian để chỉ họ), mặc dù khá là thông minh và có khả năng học hỏi, vẫn xếp dưới một bậc. Tiếp theo là người Đông Nam Á, rồi đến người Mỹ bản địa. Người da đen, hay người Ethiopia, đứng chót bảng. Trong những thập kỷ trước Nội chiến, những ý tưởng của Morton đã nhanh chóng được ủng hộ bởi những người bảo vệ chế độ nô lệ. “Ông ấy có nhiều ảnh hưởng, đặc biệt là đối với miền Nam nước Mỹ”. Paul Wolff Mitchell, một nhà nhân học tại Đại học Pennsylvania nói và cho tôi xem bộ sưu tập hộp sọ mà hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Penn. Chúng tôi đứng cạnh hộp sọ của một người Hà Lan có kích thước lớn hơn người bình thường đã giúp thổi phồng ước tính của Morton về kích thước hộp sọ cũng như năng lực của người da trắng. Khi Morton qua đời, vào năm 1851, Tạp chí Y tế Charleston ở Nam Carolina đã ca ngợi ông vì “đã giúp người da đen nhận ra vị trí thực sự của họ là một chủng tộc thấp kém”. Ngày nay, Morton được biết đến như là cha đẻ của chủ nghĩa khoa học phân biệt chủng tộc. Quá nhiều điều kinh hãi đã xảy ra trong những thế kỷ qua đã xuất phát từ ý tưởng cho rằng một chủng tộc này thấp kém hơn một chủng tộc khác, và điều đó khiến cho chuyến tham quan bộ sưu tập của Morton trở thành một trải nghiệm đầy ám ảnh. Giờ đây, chúng ta vẫn phải chịu đựng di sản của Morton ở một mức nào đó, phân biệt chủng tộc vẫn tiếp tục định hình nền chính trị, khu vực sống và ngay cả ý thức về bản thân chúng ta. Khi khám phá về DNA xuất hiện Sự phân biệt chủng tộc, hay tàn tích của nó, vẫn hiện hữu, mặc dù những gì khoa học chân chính cho chúng ta biết về chủng tộc hoàn toàn trái ngược với những gì Morton nói. Morton nghĩ rằng ông ta đã tìm ra sự khác biệt có tính bất biến và di truyền giữa người với người, nhưng đó là thời điểm ngay trước khi Charles Darwin đưa ra thuyết tiến hóa của mình và rất lâu trước khám phá của DNA xuất hiện, nói cách khác, thời điểm bấy giờ các nhà khoa học còn chẳng biết các tính trạng được di truyền cho thế hệ sau như thế nào. Các nghiên cứu hiện đại xem xét con người ở cấp độ di truyền đã cho thấy rằng toàn bộ cái gọi là “chủng tộc” là hoàn toàn sai. Thật vậy, khi các nhà khoa học bắt đầu lắp ráp hoàn chỉnh hệ gene người đầu tiên, họ đã chủ đích thu thập các mẫu từ những người tự nhận là thành viên của các chủng tộc khác nhau. Vào tháng 6 năm 2000, khi kết quả được công bố tại một buổi lễ tại Nhà Trắng, Craig Venter, một trong những người tiên phong về giải trình tự DNA, đã chỉ ra khái niệm chủng tộc là hoàn toàn không có cơ sở di truyền hoặc khoa học. Trong vài thập kỷ qua, nghiên cứu di truyền đã tiết lộ hai sự thật sâu sắc về con người. Một là tất cả con người có liên quan chặt chẽ với nhau, liên quan chặt chẽ hơn mối liên hệ giữa tất cả các con tinh tinh, mặc dù chúng ta đông hơn rất nhiều. Mọi người đều có bộ sưu tập gene giống nhau, nhưng ngoại trừ các cặp song sinh cùng trứng, mỗi chúng ta đều có một phiên bản hơi khác một chút. Các nghiên cứu về sự đa dạng di truyền này đã cho phép các nhà khoa học tái tạo cây gia đình của quần thể người. Điều đó đã tiết lộ sự thật sâu sắc thứ hai: Thực tế là, tất cả những người đang sống ngày hôm nay đều là người châu Phi.
Loài người, Homo sapiens, xuất hiện ở châu Phi vào một thời điểm hay địa điểm mà không ai chắc chắn được. Phát hiện hóa thạch gần đây nhất, từ Morocco, cho thấy các đặc điểm hiện đại về mặt giải phẫu của con người bắt đầu xuất hiện từ 300.000 năm trước. Trong khoảng 200.000 năm tiếp theo, chúng ta vẫn tiếp tục ở châu Phi, nhưng trong khoảng thời gian đó, đã có các nhóm bắt đầu di chuyển đến các khu vực khác nhau của lục địa, trở nên tách biệt với các nhóm khác và thành lập các quần thể mới.
Ở người, cũng như ở tất cả các loài, những thay đổi di truyền là kết quả của các đột biến ngẫu nhiên. Những đột biến đó như những “tinh chỉnh” nhỏ trên bản mã sự sống – DNA của chúng ta. Đột biến xảy ra với tốc độ ít nhiều không đổi, do đó, chừng nào những người đó còn duy trì thành một nhóm, truyền lại gien từ thế hệ này sang thế hệ khác, các đột biến sẽ ngày một nhiều hơn. Đồng thời, hai nhóm càng tách biệt nhau càng lâu thì đặc điểm khác biệt giữa họ càng lớn. Tất cả chúng ta đều là người châu Phi Bằng cách phân tích gene của người châu Phi ngày nay, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng nhóm người Khoe-San, hiện đang sống ở miền Nam châu Phi, là đại diện cho một trong những nhánh lâu đời nhất của cây gia đình loài người. Nhóm người Pygmies của miền Trung châu Phi cũng đã tách ra là một nhóm riêng biệt từ rất lâu trong lịch sử. Điều này có nghĩa là sự chia rẽ sâu sắc nhất trong gia đình loài người không phải là giữa những người thường được coi thuộc về những chủng tộc khác nhau, những người da trắng, người da đen hoặc người châu Á hay người Mỹ bản địa. Trái lại, sự phân chia sâu sắc nhất đã xuất hiện hàng chục ngàn năm trước, giữa chính những dân tộc châu Phi như Khoe-San và Pygmies, ngay cả trước khi con người rời khỏi châu Phi. Tất cả những người không phải là người châu Phi ngày nay đều là hậu duệ của một vài ngàn người rời khỏi châu Phi vào khoảng 60.000 năm trước, di truyền học cho chúng ta biết là như vậy. Những người di cư từ thưở sơ khai này có mối liên hệ chặt chẽ nhất với các nhóm ngày nay sống ở Đông Phi, bao gồm Hadza của Tanzania. Họ chỉ là một tập hợp nhỏ của dân số châu Phi, nên chính họ, những người di cư cũng chỉ mang theo một phần nhỏ sự đa dạng di truyền của lục địa. Tại một nơi nào đó trên đường đi, có lẽ ở Trung Đông, những người di cư đã gặp và rồi quan hệ với một nhóm người khác là Neanderthal; xa hơn về phía Đông họ lại gặp phải một người khác, người Denisovan. Cả hai nhóm người trên đã tiến hóa từ một giống người (hominin) trên lục địa Á-Âu và rời khỏi châu Phi từ rất lâu trước đó. Một số nhà khoa học cũng tin rằng cuộc di cư từ 60.000 năm trước thực sự là làn sóng thứ hai của người hiện đại rời khỏi châu Phi. Nếu vậy, đánh giá từ bộ gene của chúng ta ngày hôm nay, làn sóng thứ hai rõ ràng mang nhiều ảnh hưởng hơn làn sóng đầu tiên. Nói một cách tương đối, con cái của tất cả những người di cư này đã phân tán trên khắp thế giới. Khoảng 50.000 năm trước họ đã đến Úc. Khoảng 45.000 năm trước, họ đã định cư ở Siberia và 15.000 năm trước họ đã đến Nam Mỹ. Khi họ di chuyển đến các khu vực khác nhau trên thế giới, họ đã thành lập các nhóm mới và trở nên tách biệt về mặt địa lý với nhau. Chính trong quá trình đó, họ đã có được bộ đột biến gene đặc biệt của riêng họ. Hầu hết các đột biến này không hữu ích cũng không có hại. Nhưng đôi khi một đột biến phát sinh lại thành ra là một lợi thế trong một hoàn cảnh mới. Dưới áp lực của chọn lọc tự nhiên, nó nhanh chóng lan ra trong quần thể địa phương. Ví dụ như ở độ cao lớn với nồng độ oxy thấp, những người di chuyển đến vùng cao nguyên ở Ethiopia, Tây Tạng hoặc Andean Altiplano có một sự đột biến giúp họ thích nghi với không khí loãng. Tương tự, người Inuit có các đột biến gene giúp họ thích nghi với chế độ ăn giàu hải sản có nhiều axit béo. Đôi khi rõ ràng chọn lọc tự nhiên đã giúp ủng hộ một sự đột biến nào đó nhưng chúng ta không rõ nguyên nhân tại sao. Đó là trường hợp với một biến thể của một gene được gọi là EDAR. Hầu hết những người có nguồn gốc Đông Á và người Mỹ bản địa sở hữu ít nhất một bản sao của biến thể này, được gọi là 370A, và nhiều người sở hữu đến hai bản. Nhưng nó rất hiếm trong số những người gốc Phi và châu Âu. Tại Đại học Y khoa Pennsylvania, Perelman, nhà di truyền học Yana Kamberov đã đưa vào chuột thí nghiệm những biến thể EDAR ở Đông Á với hy vọng hiểu được nhiệm vụ của nó. “Chúng thật dễ thương phải không?” Yana mở lồng cho tôi xem. Những con chuột trông bình thường, với bộ lông màu nâu bóng mượt và đôi mắt đen sáng bóng. Nhưng khi được kiểm tra dưới kính hiển vi, chúng khác với những người anh em họ cũng dễ thương không kém theo những cách tinh tế nhưng quan trọng. Những sợi lông của chúng dày hơn; tuyến mồ hôi của chúng nhiều hơn; và các miếng mỡ xung quanh tuyến vú của chúng nhỏ hơn. Những con chuột của Kamberov giúp giải thích tại sao một số người Đông Á và người Mỹ bản địa có tóc dày hơn và tuyến mồ hôi nhiều hơn. (Hiệu ứng EDAR ở tuyến vú người chưa rõ ràng). Nhưng chúng không giúp đưa ra một lý do nào gắn với nhu cầu tiến hóa. Có lẽ, Kamberov suy đoán, tổ tiên của người Đông Á đương đại tại một số thời điểm đã gặp phải điều kiện khí hậu khiến cho việc tuyến mồ hôi hoạt động mạnh hơn trở nên hữu ích. Hoặc có thể tóc dày hơn giúp họ tránh khỏi sự tấn công ký sinh trùng. Hay gene 370A có thể đã tạo ra những lợi ích khác mà Yana chưa khám phá ra mà những thay đổi mà cô xác định chỉ là hệ quả của những lợi ích đó. Di truyền thường hoạt động như thế này: Một tinh chỉnh nhỏ có thể có nhiều hiệu ứng khác nhau. Chỉ có một hiệu ứng có thể hữu ích và nó có thể tồn tại lâu hơn các điều kiện đã tạo ra nó, giống cách các gia đình vẫn lưu giữ những bức ảnh cũ cho đến lúc không còn ai nhận ra bất cứ ai đó trong đó. Trừ khi bạn có một cỗ máy thời gian, bạn sẽ không bao giờ biết rõ lý do tại sao, Kamberov thở dài. DNA thường được so sánh dưới dạng văn bản, với các chữ cái viết tắt: A cho adenine, C cho cytosine, G cho guanine và T cho thymine. Bộ gene của con người bao gồm ba tỷ cặp, từng hàng dài nồi nhau của các A, C, G, và T, chia thành khoảng 20.000 gene. Tinh chỉnh giúp tóc dày hơn của người Đông Á là một thay đổi độc nhất trong một gene duy nhất, từ chữ T sang chữ C. Sự đa dạng ở châu Phi lớn hơn tất cả các châu lục khác cộng lại. Đó là bởi vì những con người hiện đại xuất thân từ châu Phi đã sống ở đây lâu nhất. Họ có thời gian để tiến hóa tạo ra sự đa dạng gene to lớn – dẫn tới cả đa dạng trong màu da. Những nhà khoa học nghiên cứu về vấn đề này đôi khi sử dụng sự đa dạng trong ngôn ngữ của người châu Phi – họ có hơn 2000 ngôn ngữ (nhìn sơ đồ phía dưới) như một chỉ dẫn. Nhà nhiếp ảnh robin Hammond theo dấu những nghiên cứu này, đến thăm năm cộng đồng ngôn ngữ đại diện. “Không có một chủng tộc đồng nhất ở châu Phi”, nhà di truyền học Sarah Tishoff của Đại học Pennsylvania nói. “Nó không tồn tại”. Những người tiền sử đã rời châu Phi vào khoảng 60000 năm trước – lớn mạnh theo thời gian thành những người khác trên toàn thế giới – chỉ phản ánh một tỉ lệ nhỏ trong sự đa dạng ở châu Phi. Tương tự, đột biến chịu trách nhiệm cho làn da sáng màu của đa số người châu Âu là một đột biến ở gene có tên là SLC24A5, bao gồm khoảng 20.000 cặp cơ sở. Thay vì G như hầu hết người châu Phi cận Sahara, người châu Âu có A. Khoảng một thập kỷ trước, một nhà nghiên cứu bệnh học và nhà di truyền học tên Keith Cheng, tại Đại học Y khoa bang Pennsylvania, đã phát hiện ra đột biến bằng cách nghiên cứu cá ngựa vằn được lai tạo để có vằn nhạt màu hơn. Chúng hóa ra đã sở hữu một đột biến trong gene sắc tố tương tự như gene bị đột biến ở người châu Âu. Nghiên cứu DNA chiết xuất từ xương của người cổ đã đã giúp các nhà cổ sinh vật học phát hiện ra rằng sự thay thế G-A đã được đưa vào Tây Âu tương đối gần đây. Cách đây khoảng 8.000 năm trước, đột biến này đã được mang đến bởi những người di cư từ Trung Đông, mà chính họ cũng đã truyền bá một công nghệ mới: canh tác nông nghiệp. Điều đó có nghĩa là những người vốn ở châu Âu, những người săn bắn hái lượm, những người đã tạo ra những bức tranh hang động ngoạn mục tại Lascaux, có lẽ không có làn da màu trắng mà là màu nâu. DNA cổ đại cho thấy rằng nhiều người châu Âu da đen cũng có đôi mắt xanh, một sự kết hợp hiếm thấy ngày nay. David Reich, một nhà cổ sinh vật học của Đại học Harvard có viết cuốn sách mới về chủ đề này với tựa đề: “Chúng ta là ai và làm thế nào chúng ta lại có mặt ở đây”. Reich cho biết, không có những đặc điểm cố định liên quan đến các vị trí địa lý cụ thể, bởi vì thường thì trong khi sự cô lập đã tạo ra sự khác biệt giữa các quần thể, di cư và pha trộn đã làm mờ hoặc xóa nhòa chúng. Trên khắp thế giới ngày nay, màu da thay đổi rất nhiều. Phần lớn sự khác biệt có mối tương quan với vĩ độ. Gần xích đạo với nhiều ánh sáng Mặt trời làm cho làn da tối màu trở thành lá chắn hữu ích chống lại tia cực tím; về phía các cực, nơi có quá ít ánh nắng Mặt trời, da nhạt màu hơn giúp thúc đẩy sự sản xuất vitamin D. Một số gene phối hợp với nhau để xác định tông màu da và các nhóm khác nhau có thể có bất kỳ sự kết hợp nào của các đột biến khác nhau. Trong số những người châu Phi, một số người, chẳng hạn như người Mursi ở Ethiopia, có làn da gần như gỗ mun, trong khi những người khác, như Khoe-San, có màu da đồng. Nhiều người Đông Phi có làn da sẫm màu, các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi biết rằng họ sở hữu biến thể da sáng SLC24A5. (Đột biến này dường như đã được giới thiệu đến châu Phi cũng giống như cách nó thâm nhập vào châu Âu từ Trung Đông.) Về phần mình, người Đông Á nói chung có làn da sáng nhưng sở hữu gene phiên bản da sẫm màu. Cheng đã sử dụng cá ngựa vằn để cố gắng tìm hiểu tại sao. “Đó là một điều không hề đơn giản”, ông cho biết. Khi mọi người nói về chủng tộc, thông thường họ dường như đang đề cập đến màu da và cũng đồng thời, ngụ ý về một thứ gì đó khác nữa. Đây là di sản của những người như Morton, người đã phát triển khoa học về chủng tộc, nhằm phù hợp với định kiến của chính mình và truyền bá cách hiểu sai về khoa học thực tế. Khoa học ngày nay cho chúng ta biết rằng sự khác biệt có thể nhìn thấy giữa các dân tộc chỉ là các “tai nạn” của lịch sử. Chúng chỉ phản ánh cách tổ tiên của chúng ta đối phó với ánh nắng Mặt trời, và chỉ vậy mà thôi. Heather Norton, một nhà nhân chủng học phân tử tại Đại học Cincinnati, người chuyên nghiên cứu về sắc tố da, cho biết: “Chúng ta thường có ý nghĩ rằng rằng nếu tôi biết về màu da của bạn, tôi biết X, Y và Z về bạn. Vì vậy, tôi nghĩ thật quan trọng khi giải thích cho mọi người rằng tất cả những thay đổi mà chúng ta thấy chỉ là vì tôi có yếu tố A trong bộ gene của mình và cô ấy lại có một yếu tố G.” Sự thật về cái gọi là chủng tộc Cách bộ sưu tập Morton khoảng một giờ lái xe, tại Đại học West Chester, Anita Foeman đang chỉ đạo Dự án Thảo luận DNA. Vào một buổi sáng mùa thu rực rỡ, bà đang trao đổi với những người tham gia mới nhất trong dự án, một tá sinh viên với nhiều màu da khác nhau, tất cả dán mắt vào màn hình máy tính xách tay. Một vài tuần trước đó, các sinh viên đã điền vào bảng câu hỏi về tổ tiên của họ. Các sinh viên sau đó đã gửi mẫu nước bọt để thử nghiệm di truyền. Bây giờ, thông qua máy tính, họ đang nhận lại kết quả của mình. Một cô gái trẻ, có gia đình sống ở Ấn Độ đã từ nhiều đời nay, hoàn toàn sốc khi phát hiện ra một số tổ tiên của mình là người Ireland. Một cô gái khác, người đã lớn lên và tin rằng một trong những ông bà của mình là người Mỹ bản địa, đã thất vọng khi biết điều đó không phải là sự thật. Một người khác lại khá bối rối: “Tôi đã mong đợi (nguồn gốc) đến từ Trung Đông nhiều hơn”, cô nói. Foeman, một giáo sư về truyền thông, đã quen với những phản ứng như vậy. Cô bắt đầu Dự án Thảo luận DNA vào năm 2006 vì cô quan tâm đến những câu chuyện, cả loại chuyện lưu truyền trong gia đình, và loại mà gene kể cho chúng ta. Ngay từ đầu dự án, rõ ràng những điều này thường không giống nhau. Một người đàn ông trẻ tuổi vẫn tự coi mình là đa chủng tộc đã tức giận khi phát hiện ra nguồn gốc của mình, trên thực tế, gần như hoàn toàn là châu Âu. Một số sinh viên được nuôi dưỡng trong các hộ gia đình Kitô giáo đã rất ngạc nhiên khi biết một số tổ tiên của họ là người Do Thái. Tất cả những câu chuyện từng bị chôn vùi rốt cục lại hiện lên, rõ ràng trong gene. Ngay cả Foeman, người được xác định là người Mỹ gốc Phi, đã bất ngờ trước kết quả của bà. Chúng cho thấy một số tổ tiên của bà đến từ Ghana, những người khác đến từ Scandinavia. Người Neanderthal vẫn sống giữa chúng ta ngày nay Ở Duseldorf, Đức, một bức tượng ở gần bảo tàng Neanderthal khiến cho những người đi qua tò mò và ngắm nghía. Một vài trong số những người đầu tiên rời châu Phi đã gặp và quan hệ với người Neanderthal. Kết quả của điều này đó là tất cả những người không ở châu Phi ngày nay đều có một phần nhỏ DNA của người Neanderthal. Những gene này có thể thúc đẩy hệ miễn dịch và mức độ hấp thụ vitamin D nhưng cũng có rủi ro dễ mắc bệnh tâm thần phân liệt – và bị béo bụng.Tôi đã lớn lên vào những năm 1960, khi làn da sáng thực sự là một vấn đề lớn, bà giải thích. Vì vậy, tôi nghĩ rằng bản thân mình hoàn toàn là một người da nâu. Tôi đã rất ngạc nhiên khi biết rằng một phần tư nguồn gốc của tôi là người châu Âu.
Điều này thật sự khiến tôi tin vào việc chủng tộc hoàn toàn là thứ chúng ta dựng lên, bà cho biết. Tất nhiên, chỉ vì chủng tộc được tạo nên không làm cho chúng trở nên kém mạnh mẽ hơn. Ở một mức độ đáng lo ngại, chủng tộc vẫn quyết định cách mọi người nhìn nhận, cơ hội và trải nghiệm của họ. Nó được ghi nhận trong cuộc điều tra dân số Hoa Kỳ, lần cuối cùng được thực hiện vào năm 2010, yêu cầu người Mỹ chọn chủng tộc của họ từ một danh sách phản ánh lịch sử của khái niệm này; bao gồm Da trắng, Da đen, Mỹ Ấn, Á Ấn, Trung Quốc, Nhật Bản, và Samoa. Sự phân biệt về mặt chủng tộc đã được viết vào luật Jim Crow của miền Nam sau tái thiết, bây giờ được viết thành các đạo luật như Đạo luật Dân quyền, trong đó cấm phân biệt đối xử trên cơ sở chủng tộc hoặc màu da. Đối với các nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc, đây chính là một an ủi nhỏ nhoi khi nói rằng phạm trù này là hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Trình tự di truyền, đã cho phép các nhà nghiên cứu theo dõi con đường di cư của con người và bây giờ cho phép các cá nhân theo dõi tổ tiên của chính họ, đã đưa ra những cách nghĩ mới về sự đa dạng của con người. Dự án Thảo luận DNA cung cấp cho người tham gia cái nhìn sâu sắc về nguồn gốc của chính họ, thứ thường phức tạp hơn nhiều so với những gì họ vẫn tin tưởng. Và điều này, đến lượt nó, mở ra một cuộc trò chuyện cởi mở về lịch sử lâu dài, rối rắm và tàn bạo mà tất cả chúng ta cùng có chung. Chủng tộc là do con người tạo nên, điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể rơi vào các nhóm khác nhau, hoặc các nhóm không có biến thể. Foeman cho biết. Nhưng nếu chúng ta đã tạo ra các phạm trù về chủng tộc, có lẽ chúng ta sẽ có thể tạo ra các phạm trù khác với ý nghĩa thiết thực hơn.□ Hạnh Duyên dịch Nguồn bài và ảnh: https://www.nationalgeographic.com/magazine/2018/04/race-genetics-science-africa/ fbclid=IwAR2l8J5zPoHhwkXc12osxeGFJZhhND0ukyHJnrFzOnS1AM0yHh11q_h1rD4Tác giả
- . View all posts
Mới nhất
- Khoáng chất trong suối nước nóng tham gia vào phản ứng tạo nên sự sống
- Ứng dụng AI giúp robot thao tác với các vật thể mềm dẻo
- Sàng lọc gene giúp tìm nguyên nhân tổn thương tế bào tim sau hóa trị
- Một lượng lớn rác nhựa từ EU xuất khẩu vào Việt Nam bị thải ra môi trường
- Cảm biến nhỏ đem lại hy vọng mới về phục hồi chấn thương xương nhanh hơn
Từ khóa » Chủng Tộc Là Cái Gì
-
Phân Biệt Chủng Tộc – Wikipedia Tiếng Việt
-
Phân Biệt Chủng Tộc Là Gì ? Nguyên Nhân Dẫn đến ... - Luật Minh Khuê
-
Chủng Tộc Là Gì? Sắc Tộc Là Gì? Phân Biệt Chủng Tộc Với Sắc Tộc?
-
Phân Biệt Chủng Tộc Là Gì? Chống Chủ Nghĩa Chủng Tộc Việt Nam?
-
Phân Biệt Chủng Tộc Là Gì? Nguyên Nhân Và Hướng Giải Quyết
-
Phân Biệt Chủng Tộc - VnExpress
-
Phân Biệt Đối Xử Về Chủng Tộc/Màu Da
-
Chủng Tộc Là Gì? (Cập Nhật 2022)
-
Nói Chuyện Với Trẻ Về Phân Biệt Chủng Tộc | UNICEF Việt Nam
-
Sự Khác Biệt Giữa Chủng Tộc Và Sắc Tộc Là Gì? - Langhoasadec.Website
-
Kỳ Thị Chủng Tộc | Ontario Human Rights Commission