Chứng Từ Kế Toán Là Gì?

(Phần 1)

Chứng từ kế toán là một trong những nội dung quan trọng nhất đối với công việc kế toán mà người làm kế toán cần đặc biệt quan tâm.

Thông tư 200/2014/TT-BTC dành toàn bộ mục IV hướng dẫn về chứng từ kế toán.

Dưới đây là những nội dung chính của chứng từ kế toán

1. Khái niệm về chứng từ kế toán

Trong một đơn vị kinh tế, hàng ngày diễn ra các hoạt động cụ thể làm, giảm tài sản, nguồn vốn của đơn vị gọi là những nghiệp vụ kinh tế.

Vì có rất nhiều nghiệp vụ kinh tế phát sinh, nên để có thể phản ánh, xác nhận nghiệp vụ kinh tế đã phát sinh và đã hoàn thành làm căn cứ pháp lý và có thể kiểm tra lại được từng nghiệp vụ kinh tế đã phát sinh, kế toán đã có phương pháp đáp ứng yêu cầu đó gọi là phương pháp chứng từ.

Vậy cụ thể chứng từ là gì? và nội dung chứng từ phải có những yếu tố nào?

Luật Kế toán đã chỉ rõ: “Chứng từ kế toán là những giấy tờ và vật mang tin phản ánh nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh và đã hoàn thành, làm căn cứ ghi sổ kế toán “.

Chứng từ kế toán có nhiều loại và được tập hợp thành hệ thống chứng từ. Trong đó có 2 hệ thống chứng từ kế toán là: Hệ thống chứng từ kế toán thống nhất bắt buộc và hệ thống chứng từ kế toán hướng dẫn.

Hệ thống chứng từ kế toán thống nhất bắt buộc là hệ thống những chứng từ phản ánh các quan hệ kinh tế giữa các pháp nhân hoặc có yêu cầu quản lý chặt chẽ mang tính chất phổ biến rộng rãi. Đối với loại chứng tỏ này Nhà nước tiêu chuẩn hóa về quy cách biểu mẫu, chỉ tiêu phản ánh, phương pháp lập và áp dụng thống nhất cho tất cả các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế.

Hệ thống chứng từ kế toán hướng dẫn chủ yếu là những chứng từ sử dụng trong nội bộ đơn vị. Nhà nước hướng dẫn các chỉ tiêu đặc trưng để các ngành, các thành phần kinh tế trên cơ sở đó vận dụng vào từng trường hợp cụ thể thích hợp.

Các ngành, các lĩnh vực có thể thêm bớt một số chỉ tiêu cụ thể, thích hợp với yêu cầu và nội dung phản ánh nhưng phải bảo đảm những yếu tố cơ bản của chứng từ và có sự thỏa thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính.

Chứng từ kế toán phải có đầy đủ các yếu tố sau đây:

– Tên gọi chứng từ (hóa đơn, phiếu thu, phiếu chi…).

– Số hiệu của chứng từ.

– Ngày, tháng, năm lập chứng từ.

– Tên, địa chỉ của đơn vị hoặc cá nhân lập chứng từ.

– Tên, địa chỉ của đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ.

– Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.

– Các chỉ tiêu về số lượng, đơn giá và giá trị.

– Chữ ký, họ và tên của người lập và những người chịu trách nhiệm liên quan đến chứng từ. Những chứng từ phản ánh quan hệ kinh tế giữa các pháp nhân thì phải có chữ ký của người kiểm tra (kế toán trưởng) và người phê duyệt (thủ trưởng đơn vị), đóng dấu đơn vị.

Đối với những chứng từ liên quan đến việc bán hàng, cung cấp dịch vụ thì ngoài những yếu tố đã quy định nêu trên còn phải có chỉ tiêu: thuế suất và số thuế phải nộp. Những chứng từ dùng làm căn cứ trực tiếp để ghi sổ kế toán phải cỏ thêm chỉ tiêu định khoản kế toán.

Xem thêm bài viết:

Các loại Chứng từ Kế toán

Các phương pháp trích khấu hao tài sản cố định

Từ khóa » Hệ Thống Chứng Từ Kế Toán Gồm