Chuối Công Nghệ Cao KDI Holdings Chinh Phục Thị Trường Thế Giới
Có thể bạn quan tâm
- Mới nhất
- Thời sự
- Góc nhìn
- Thế giới
- Video
- Podcasts
- Kinh doanh
- Bất động sản
- Khoa học
- Giải trí
- Thể thao
- Pháp luật
- Giáo dục
- Sức khỏe
- Đời sống
- Du lịch
- Số hóa
- Xe
- Ý kiến
- Tâm sự
- Tất cả
- Trở lại Kinh doanh
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Công ty Cổ phần KD Green Farm - thành viên của KDI Holdings xuất khẩu chính ngạch tổng số 3.200 tấn tới 7 cảng của Trung Quốc là Thượng Hải, Đại Liên, Thiên Tân, Quảng Đông, Quảng Tây, Ninh Ba, Thanh Đảo. Năm 2019, doanh nghiệp cũng xuất khẩu 4.200 tấn. Chuối sạch của KDI cũng cập bến các thị trường tiềm năng là Hàn Quốc và Singapore.
Thương hiệu chuối KDA tạo được uy tín tới người tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc nhờ chất lượng sản phẩm. KD Green Farm cũng trở thành doanh nghiệp duy nhất tại tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu sản phẩm chuối chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, đồng thời gây tiếng vang lớn trong nước và các quốc gia trong khu vực như Philippines, Lào và Campuchia.
Không phải ngẫu nhiên, những quả chuối mang thương hiệu Việt lại được lòng người tiêu dùng ở những thị trường khó tính. Đằng sau những quả chuối chất lượng, đều tăm tắp là công sức của những công nhân với sự góp sức của quy trình công nghệ cao.
2 năm trước, lứa chuối già Nam Mỹ đầu tiên do Tập đoàn KDI Holdings đầu tư trên diện tích 100ha của buôn Kruê, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk cho năng suất và chất lượng tốt. Rừng chuối cao gần 4m, không ít buồng nặng tới 45kg. Từ khâu chọn giống đến trồng và thu hoạch được đầu tư bài bản với công nghệ cao. Việc trồng và khai thác chuối sử dụng hệ thống ròng rọc tự động hiện đại...
Lấp ló dưới những luống chuối xanh rì, chị Ngọ Thị Mận, 38 tuổi mặc quần áo bảo hộ, đầu che kín khăn trùm, tay đeo găng, chân đi ủng nhựa. Vừa thoăn thoắt tỉa hoa chuối, chị Mận vừa nói chuyện với bạn làm ở luống chuối bên cạnh. Hoa chuối vừa rời khỏi quả, một miếng giấy thấm được lót ngay, dòng nhựa trắng sữa trào ra, vừa hay rơi xuống, không một giọt nào dính xuống lớp quả phía dưới.
Cứ như vậy, nhịp nhàng từng lượt, chỉ chừng 5 phút, cả 10 nải chuối trên buồng đã bóng bẩy không còn sót chút bụi bẩn. Việc tỉa hoa chuối chỉ là một công đoạn nhỏ trong hành trình chăm sóc một buồng chuối từ khi nhú quả tới lúc được hạ buồng. "Hoa buộc phải tỉa và thấm sạch nhựa để không rụng xuống nải phía dưới, tránh bị nấm và bẩn cho quả khác", chị chia sẻ.
Ở luống bên cạnh, một nữ công nhân khác đứng trên thang gỗ, một tay cầm bịch nilon, mắt chăm chú nhìn buồng chuối, một tay thoăn thoắt lùa từng chiếc túi mỏng bọc quanh từng nải chuối. Giữa mỗi lớp nải, chị đặt thêm một lớp báo cũ ngăn cách. Đó là quy trình "mặc áo" cho chuối để tránh côn trùng, nấm mốc. Sau khi bọc nải, một nhóm công nhân khác sẽ bọc cả buồng, sau bó chờ ngày thu hoạch.
Cách đó chừng hơn 100m, một nhóm ba người đàn ông đứng quanh một buồng chuối xanh mướt, quả mẩy căng. Một người cầm dao, một người giữ buồng, người còn lại đi quanh nhìn kỹ tư thế buồng chuối. Sau khi hô hạ, người cầm dao hạ nhát dao chính xác xuống phần cuống, cách nải chuối cuối cùng chừng 30cm. Hai người còn lại đỡ buồng. Bốn cánh tay trần rắn rỏi lên gân giữ buồng sau đó thoăn thoắt di chuyển tới ròng rọc sắt gần đường bao. Ở đó, gần 30 buồng chuối khác đang treo đều tăm tắp cách nhau chừng 50cm.
Một lát sau, từng tốp công nhân nam khiêng thêm gần chục buồng chuối chừng 40kg ra từ những luống rậm. Họ nhẹ nhàng móc buồng lên những khớp chia sẵn trên thanh ròng rọc, chuẩn xác đến từng công đoạn. Khi 50 buồng chuối treo đều tăm tắp, một người đàn ông ngồi trên chiếc đầu kéo nổ máy, kéo chúng về kho cách chừng 500m.
Ở kho, khi ròng rọc đưa từng buồng chuối về tới nơi, hai nữ công nhân đứng chờ sẵn cạnh bể nước. Một người tháo bọc, gỡ báo, người còn lại cầm dao thoăn thoắt cắt xuống từng nải, thả nhẹ vào bể nước. Phía bên kia, một nhóm công nhân vớt từng nải, rửa sạch gọt cuống thừa, tách quả sâu, méo, cong rồi chuyển sang một bể nước khác.
Ở bể sau này, một tốp công nhân khác lại rửa chuối, chọn riêng từng loại rồi đặt lên bàn cân, cho vào máy sấy. Phía ngoài, một nhóm công nhân khác bọc xốp, xếp từng nải vào hộp carton, rồi bọc bóng, hút chân không, dán thùng ghi đầy đủ thông số: nải, ngày đóng hộp... Cuối cùng, từng thùng chuối thành phẩm được chuyển vào kho lạnh với nhiệt độ ổn định 13-14 độ C, chờ ngày xuất cảng.
Những nải chuối chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là thành quả sau hành trình gần 1.000 ngày đặt chân lên vùng Tây Nguyên chỉ thấy nắng gió và sỏi đá khô cằn của những thành viên KDI.
Anh Hồ Thái Bình, Phó Tổng giám đoốc Công ty Cổ phần KD Green Farm còn nhớ mãi, những cây chuối non được nhân giống tại Malaysia, vận chuyển về vườn ươm. Tại đây, cây con ươm trong bầu đất để nuôi trong hơn 2 tháng trước khi mang ra trồng. Vườn trồng được thiết kế theo ô bàn cờ, thuận tiện cho việc canh tác và thu hoạch sau này.
Những ngày đầu, anh cùng những người dân tộc ở Vụ Bổn tìm nguồn nước tưới chuối. Ngày đó, công nhân phải xách từng thùng nước từ dưới chân đồi lên đỉnh để tưới cho từng gốc chuối. Mỗi cây chuối cần khoảng 15 lít nước mỗi ngày. Với số lượng hàng trăm nghìn cây chuối đang trên đà trưởng thành, mỗi ngày, hơn 200 công nhân phải xách hàng trăm nghìn thùng nước.
Chuối vốn là loại cây rất dễ trồng, để tự nhiên cũng ra trái nên với loại chuối thông thường trồng để tiêu thụ trong nước, phần lớn không được chú trọng khâu chăm sóc tưới, bón. Song giống chuối già Nam Mỹ trồng để xuất khẩu, vấn đề lớn nhất lại là khâu tưới nước.
Cán bộ kỹ thuật của Công ty KD Green Farm cho biết, bình quân mỗi ha có 2.260 cây sẽ cần khoảng 34m3 nước/ngày/đêm, tưới liên tục trong vòng 6 tháng mùa khô. Tổng lượng nước tưới cho 100 ha vào khoảng 612.000m3. Sau này, khi hầu hết các vườn chuối đều sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel có bù áp, anh Bình cùng hàng trăm công nhân mới thở phào.
Vấn đề tiếp theo trang trại gặp phải là phân bón. Để giải quyết bài toán này, KD Green Farm đầu tư hệ thống châm phân bài bản, phân bón sẽ cung cấp qua hệ thống tưới để đi theo nước ra tới từng gốc chuối, giúp tiết kiệm được nhân công bón phân bằng thủ công. Với vấn đề sâu bệnh, doanh nghiệp sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, thân thiện với cây chuối và cả môi trường xung quanh.
"Cây trồng được chăm sóc, bón phân tưới nước đầy đủ thì 6 tháng sau sẽ trổ buồng, buồng sẽ được chích bắp để chống bọ trĩ, được bẻ hoa, bao buồng, lót nải để định hình tay nải cho đẹp. Sau khi ra buồng được 3 tháng là đến thời gian thu hoạch", anh Bình chia sẻ.
Để đảm bảo đủ tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, các buồng chuối được các công nhân đi đo kích cỡ, buồng nào đạt chuẩn sẽ chặt hạ và vận chuyển về khu nhà sơ chế. Toàn bộ diện tích trồng chuối được KD Green Farm đầu tư bài bản ngay từ đầu một hệ thống ròng rọc với tổng chiều dài gần 15km. Các công nhân ở đây đánh giá, hệ thống này hiện vận hành ổn định, giúp giảm thiểu rất nhiều nhân công trong việc thu hoạch chuối về nhà sơ chế.
Nhà sơ chế được thiết kế rộng rãi có diện tích 1.674m2 với 4 bể nước, nhà kỹ thuật, kho lạnh và khu đóng thùng, đủ để vận hành số lượng chuối cắt tại vườn mang về. Chuối theo ròng rọc về xưởng bằng moto điện với 4 bình ắc quy 12V, mỗi lần kéo được khoảng 50 buồng. Theo như tính toán, mỗi ha sẽ thu khoảng 2.000 buồng, mỗi buồng đóng được 15-18kg, mỗi ha sẽ thu khoảng 30-36 tấn.
Ông Kiều Hữu Long, Phó Tổng giám đốc Thường trực Công ty Lâm nghiệp Phước An (đơn vị chủ quản KDA) cho biết, Vụ Bổn trước là đất rừng sản xuất sau được UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép chuyển đổi 1.600ha để làm nông nghiệp công nghệ cao. Tập đoàn KDI Holdings đang thực hiện dự án 100ha chuối xuất khẩu và dự định phát triển thêm 200ha trong năm 2021.
Năm 2019, doanh nghiệp xuất khẩu tương đương 2,5 triệu USD và dự kiến đạt 3 triệu USD trong năm 2020. Ngoài ra, diện tích còn lại đang triển khai làm các dự án nông nghiệp trong đó có khu liên hợp nông nghiệp công nghệ cao 750ha. Khu này chủ yếu tập trung trồng ngô cung cấp thức ăn gia súc cùng dự án nuôi heo công nghiệp với 144.000 con heo thịt, 22.000 con heo nái.
Riêng 6 tháng đầu năm 2020, KDA xuất khẩu chính ngạch tổng số 3.200 tấn. Sản lượng bình quân mỗi buồng chuối là 25kg. Dù dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu nhưng lượng chuối xuất khẩu chính ngạch của KDI vẫn đều đặn. Việc xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc trong mùa dịch bệnh được công ty ứng phó nhanh nhạy. Điểm mạnh của chuối KDA là hương thơm và chất lượng đồng đều nên rất được người tiêu dùng Trung Quốc tin dùng.
Với tổng mức đầu tư cho hệ thống là 70 tỷ đồng, hiện nay nông trại bước sang năm thứ 3 hoạt động ổn định. "KDA kiên trì theo đuổi mô hình chuối khép kín từ trồng cây đến thu hoạch và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ các quả chuối loại, cùi chuối, thân cây để quay ngược lại nuôi dưỡng những vụ thu hoạch sau. Với mô hình khép kín này, KDA hướng tới nông trại chuối hữu cơ trong thời gian tới", ông Long chia sẻ.
Sự xuất hiện của những vườn chuối công nghệ cao cũng góp phần thay đổi đời sống người dân nơi đây. Trước đây, Vụ Bổn là khu vực tận cùng núi, đất sét phèn. Người dân tỉnh Đắk Lắk vẫn ví nơi đây là "đất chó ăn đá gà ăn sỏi". Tuy nhiên, nơi đây đã lột xác với những cánh đồng chuối bạt ngàn, cuộc sống người dân thay đổi từng ngày nhờ có việc làm, thêm thu nhập. Nhiều gia đình công nhân có cuộc sống ổn định với nhà cửa khang trang, chi phí cho con ăn học được đảm bảo.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, người lao động là 14 dân tộc khó đào tạo do trở ngại về ngôn ngữ, tập quán. Tuy lúc đầu mới làm việc với nông trại, đa số công nhân phải mất tới gần nửa năm học việc nhưng nay, họ gắn bó và yêu thích nghề chăm chuối của mình. Những nữ công nhân như chị Ngọ Thị Mận vui phơi phới với mức lương 5 triệu đồng ổn định hàng tháng, có chế độ bảo hiểm, nghỉ cuối tuần đầy đủ. Các công nhân vẫn được tạo điều kiện nghỉ phép khi mùa vụ tới để chăm chút, thu hoạch hơn 2 sào ruộng của riêng gia đình.
Còn với lãnh đạo cao nhất Tập đoàn KDI Holdings - Chủ tịch Kiều Hữu Dũng, khi hình dung về vùng đất Krông Pắc là thấy ở nơi ấy, đi qua nhiều cây số đất đai khô cằn, đường sá gập ghềnh để vào tới nông trại chuối mới thấy trải qua một hành trình dài.
KDI mong muốn hàng năm, sản phẩm chuối chất lượng hạng A sẽ càng nhiều hơn nữa. Nhưng ông tin, những cố gắng đó sẽ được đền đáp bằng thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng. Những sản phẩm chuối có thể dành cho chính những người Việt Nam ở mức giá hợp lý.
Sự thay đổi mà KDI muốn tạo ra không chỉ là chất lượng của những quả chuối mà còn là sự đổi thay trong đời sống của người dân vùng Tây Nguyên này. Ngoài cơ hội về việc làm, họ còn được khai mở những giá trị khác, tiếp cận một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trở lại Kinh doanhTrở lại Kinh doanhTừ khóa » Trồng Chuối Công Nghệ Cao
-
Trồng Chuối Công Nghệ Cao - YouTube
-
Chuối Cấy Mô Minh Tân, Dầu Tiếng, Bình Dương - Unifarm
-
Triển Vọng Trồng Chuối Công Nghệ Cao
-
Liên Kết Trồng Chuối Cấy Mô Công Nghệ Cao Thu Lời 150 Triệu đồng ...
-
Thuyết Minh Dự án đầu Tư Trồng Chuối Công Nghệ Cao 1000 Ha Tỉnh ...
-
Trồng Chuối Công Nghệ Cao: Bước đi Táo Bạo
-
Mô Hình Trồng Chuối Cấy Mô Công Nghệ Cao Theo Chuỗi Giá Trị Tại An ...
-
QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG CHUỐI NUÔI CẤY MÔ
-
Bộ Trưởng Bộ KHCN Thăm Mô Hình Trồng Chuối Công Nghệ Cao Tại ...
-
Đô Lương Lần đầu Thu Hoạch Chuối Xuất Khẩu Công Nghệ Cao
-
Chuối Công Nghệ Cao Của Tập đoàn KDI Holdings Chinh Phục Thị ...
-
Nông Nghiệp Công Nghệ Cao: Mở Lối Tư Duy Kinh Tế Nông Nghiệp
-
Phát Triển Vùng Trồng Chuối Hướng đến Xuất Khẩu - Hànộimới
-
Triển Vọng Mô Hình Trồng Chuối Nuôi Cấy Mô - Báo Sơn La