Chương 24: Rồng Rắn Lên Mây - Những Câu Chuyện Của Thời Gian

An dí mặt sát vào chiếc hộp thủy tinh trước đấy vài phút còn đầy mùi hôi thối và những thứ ô uế. Giờ thì không những không còn mùi hôi, mà những thứ gớm ghiếc cũng biến mất hoàn toàn để trơ ra bộ xương. Hình ảnh phản chiếu trên mặt hộp cho thấy ba người còn lại cũng đang cắm mặt vào đó giống như cô bé. Không biết là những thứ đó bốc hơi đi đâu là câu hỏi chung của tất cả.

Ông Hải lần lượt xem qua ba chiếc hộp, chúng đã trở nên đồng bộ và dễ để nhận diện hơn. Đây là chính xác là những khúc xương của một loài cá. Khúc đầu, khúc giữa và khúc đuôi, tổng chiều dài chừng hơn một mét. Ông cố gắng lục lọi trí nhớ của mình về thứ gì đó liên quan đến cá. Thứ duy nhất liên quan là Ngư tinh, nhưng nhìn vào kích cỡ này, không thể là nó được vì truyền thuyết nói rằng riêng đuôi nó đã to bằng cánh buồm. Chưa có ý tưởng nào rõ ràng hiện lên trong đầu ông.

Suy nghĩ của Minh lúc này lại không dồn vào những thứ trước mặt  mà anh nghĩ về mẹ, rằng tại sao bà lại chọn con đường này. Những khoảng thời gian anh phải tự nấu ăn, tự lau dọn nhà cửa một mình từ nhỏ trong khi mẹ đi công tác, phải chăng là do những thứ này? Phải rồi, bà có cả căn phòng bí mật để làm việc cơ mà, Minh tự nhủ. Nhưng tại sao lại không phải một công việc dễ dàng hơn? Những suy nghĩ mông lung dẫn dắt anh tới những giả thiết về cái chết của mẹ. Liệu rằng đó chỉ là một tai nạn thông thường hay đằng sau đó là sự toan tính, liệu cái chết của bà có liên quan đến những viên đá hay không? Và nếu biết hiểm nguy luôn rình rập mình, tại sao bà lại cố tình dấn thân vào con đường đó? Chẳng lẽ bà lại đặt lợi ích của anh ở dưới công việc? Anh nhắm chặt mắt cố tìm ra câu trả lời, một câu trả lời chung nhất cho tất cả những câu hỏi của mình. Một cuộc nói chuyện giữa mẹ với anh hiện về, Minh rùng mình, gạt ngay nó ra khỏi đầu. Bỗng chốc anh muốn quay lại thời gian nếu được để giải đáp những thắc mắc, và cả gặp bà nữa…

Vẻ thất thần, đôi mắt dại đi của Minh mang đến sự lo lắng cho An.

– Bố, có chuyện gì vậy ạ?

Minh bừng tỉnh, lập tức trấn an con gái:

– Không có gì đâu con gái, con có ý tưởng gì về những thứ này không? Mà này…

Ánh mắt Minh bị thu hút bởi thứ ánh sáng xanh phát ra trong túi áo của An. Nó đang sáng dần lên.

– Con lấy viên đá ra xem sao, nó đang muốn nói gì đó thì phải.

An mở cánh áo, nhìn vào trong. Quả thực, viên đá đang sáng lên rõ ràng. Cô bé luồn tay vào chiếc túi vải lấy ra bảo vật.  Nó đang muốn nói gì nhỉ?

– Những thứ này có gợi cho ông điều gì không? Ông Hải ngoảnh mặt sang phía ông Khiết.

– Có, nhưng có vẻ nghe hơi buồn cười.

– Ông cứ nói đi.

– Đó là trò chơi Rồng rắn lên mây.

– Rồng rắn lên mây?

Ông Hải nhẩm lại lời đồng dao quen thuộc này. Ông giật nảy mình khi từng câu chữ như lột tả chi tiết những thứ ở trước mặt. Ông nhìn chăm chú vào những khúc xương, đọc thành tiếng bài đông dao:

“Rồng rắn lên mây

Có cây núc nác

Có nhà điểm binh

Hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không?

Khúc đầu lắm xương lắm xao

Khúc giữa lắm máu lắm me

Khúc giữa lắm cứt lắm đái

– Hiện tại đây là giả thiết hợp lý nhất, nếu quả thực như vậy thì chúng ta có lẽ sẽ phải đối đầu với một…Ông Hải dừng lại để chọn từ ngữ thích hợp nhất, một sứ giả của âm phủ. Vấn đề còn lại chỉ là tìm cho ra khi nào và ở đâu mà thôi, ông Hải thở dài.

Tất cả gần như bất động khi nghe những từ mà người có nhiều kinh nghiệm với những thứ kì bí nhất ở đây nói ra. Đối đầu với những con người bằng xương bằng thịt, họ đã khốn đốn cùng cực rồi, giờ lại phải đối đầu với thứ tồn tại ở thế giới tâm linh.

– Tại sao lại thế ạ? Làm sao bác có thể suy từ một trò chơi dân gian đến một thứ ở “âm phủ”

Minh không thể không hỏi câu này. Không chỉ riêng anh mà ắt hẳn tất cả những người trong căn phòng này đều đã từng chơi trò chơi Rồng rắn lên mây. Ai cũng nói những câu đồng dao này, nhưng quả thực không ai hiểu chúng là gì, cũng giống như nhiều bài đồng dao trong các trò chơi dân gian khác như Chi chi chành chành…Giờ, lại có người nói chúng liên quan đến “sứ giả của âm phủ”.

Ông Hải nhìn một lượt, có vẻ như người chiến hữu già của ông cũng không biết câu trả lời. Ông buộc phải tự mình diễn giải ý nghĩa thực sự của trò chơi dân gian này:

– Trò chơi mà tất cả chúng ta đều chơi thực chất là việc mô tả lại một nghi lễ. Đó là lễ diệt Thần Trùng. Thần Trùng là thần chuyên hành hạ người chết nếu họ chẳng may chết nhầm đúng vào ngày độc. Chúng sẽ bắt người chết phải khai ra những người trong gia đình, đặc biệt là những người trực hệ với người chết để tiếp tục bắt họ, hay nói dễ hiểu hơn là khiến họ chết những cái chết bất đắc kì tử. Ta thường nghe đến câu “trùng tang liên táng”, nó dùng để chỉ hiện tượng những người trong cùng gia đình chết liên tiếp sau cái chết của một người trước đó. Thần Trùng được cho là nguyên nhân gây nên điều này. Nguồn gốc của Thần Trùng và hiện tượng khó hiểu này xuất phát từ một câu chuyện từ xa xưa kể lại rằng: Ở Trung Quốc lúc bấy giờ, những người dân khi “chết nhầm” vào giờ độc thì những người thân trực hệ của họ cứ nối tiếp nhau mà chết một cách khó hiểu. Rồi người ta đúc kết lại và phát hiện ra những kẻ gây nên chuyện này là mười hai con quỷ dữ, mỗi con ứng với một năm tuổi như Tí, Sửu, Dần…cứ lần lượt từng con sẽ rình rập vào năm của mình. Những người dân gọi chúng là Thần Trùng. Sống trong cảnh bị hành hạ nếu có người nhà chết vào giờ xấu thì cả dòng họ sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí tuyệt tự cho dù có đông đúc, người dân đã buộc phải tìm đến các đạo sĩ để diệt trừ Thần Trùng. Các đạo sĩ hợp lực với nhau bắt được mười hai con quỷ đó rồi nhốt chúng vào một cái hòm lớn yểm đầy bùa ở bên trong và ngoài. Họ thả chiếc hòm xuống sông. Tôi không hiểu sao họ lại làm như vậy, có thể họ cho rằng rồi chúng cũng sẽ tự diệt hay không hay họ biết rằng chúng không thể bị diệt và bùa không thể giữ được chúng lâu nên cố tình làm như vậy để ít nhất chúng sẽ sang vùng đất mới và tìm được những con mồi mới. Nếu quả đúng là ý sau thì họ đã đạt được ý nguyện của mình. Hòm trôi dạt trên biển hàng năm rồi một hôm, khi đã dạt về phương Nam, những cơn sóng vô tình đưa nó vào lưới của một người dân chài tên Tín. Ông nhìn thấy chiếc hòm lại nghĩ đó là châu báu nên đã mở ra xem ngay lập tức. Và thế là mười hai con quỷ vô tình thoát khỏi sự kìm kẹp, chúng tràn lên bờ cõi nước Nam và hoành hành ở đây.

– Quả thực tôi có nghe nhiều đến hiện tượng trùng tang hay Thần Trùng, nhưng tại sao một trò chơi vốn dĩ dành cho trẻ con lại có thể liên quan tới hiện tượng này được?

– Truyền miệng là cách lưu giữ thông tin đảm bảo nhất thời xưa dù cho mặt hạn chế của nó về tính dị bản. Giấy, tre có thể bị tiêu hủy dễ dàng nhưng miệng người thì không. Có thể ông cha ta muốn dùng cách này để tránh việc nghi lễ trừ tà bị thất truyền. Lồng ghép những thông tin cần truyền đạt vào một trò chơi là cách làm hiệu quả, vì nó tạo nên được sự hứng thú. Họ đã thành công vì đến nay, trò chơi dân gian này vẫn còn được nhớ tới. Việc sử dụng cây núc nác như một trong những loại thuốc diệt Trùng vẫn được xem là phương thuốc hữu hiệu nhất. Ngoài mối liên hệ về cây núc nác thì còn phải kể đến việc đoàn người tạo thành hàng dọc, diễu qua diễu lại, đây được xem là hình thức tiến hành nghi lễ thời cổ xưa. Hình ảnh này có thể được tìm thấy trên trống đồng Đông Sơn hay Cồng chiêng Tây Nguyên. Rồi câu “có nhà điểm binh”, binh ở đây là âm binh, Thần Trùng luôn có một toán âm binh đi theo để bảo vệ cũng như giúp cho nhiệm vụ bắt người trở nên dễ dàng hơn. Câu hát này gợi cho ta hình ảnh Thần Trùng đang điểm lại số quân của mình trước khi lên đường bắt người hoặc đang chuẩn bị đối đầu với ai đó, có thể là đoàn người đang tiến đến nhằm diệt trừ mình. Mục đích của đoàn người hay đoàn thầy pháp, thầy thuốc đến là để tiêu diệt Thần Trùng nhưng lúc này, họ nghi ngờ Thần Trùng đã nhập vào một trong số những đồng nghiệp của họ là một thầy thuốc. Chính vì vậy, họ phải tìm cách kiểm tra bằng câu hỏi: “Hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không?”. Sau đó là một loại lời qua tiếng lại để dụ Trùng lộ diện. Khi đã biết chắc Trùng đang nhập vào người dương, các thầy pháp mới quyết định nhử mồi để diệt Trùng. Họ mang theo mình ba khúc cá, khúc đầu “lắm xương lắm xao”…

Ánh mắt ông Hải hướng vào chiếc hộp có chứa miếng đầu với những chiếc xương nhọn hoắt, chồng chéo lên nhau. Những người còn lại nhìn theo, họ dần hiểu ra được những gì ông Hải đang muốn truyền đạt. Ông Hải tiếp tục nói:

– “Khúc giữa lắm máu lắm me”, “Khúc cuối lắm cứt lắm đái”…Nói đến đây chắc mọi người cũng thấy được mối liên hệ giữa những vật này và trò chơi Rồng rắn lên mây. Thứ kinh tởm nhất ở khúc đuôi lại là món ăn khoái khẩu của Trùng, và nó quyết tâm dành bằng được phần đuôi. Đây cũng chính là cái bẫy mà đoàn người giăng ra khi làm Trùng phân tâm và nhân cơ hội yểm vào người Trùng bài thuốc diệt Trùng khiến nó không kịp trở tay. Đó là tất cả những gì mà tôi tìm hiểu được.

– Vậy, ý ông là chúng ta sẽ phải đem theo những thứ này đến gặp Trùng và dụ chúng rồi diệt chúng như cách người xưa đã từng làm?

– Thực ra nói là “diệt” thì không đúng cho lắm, vì chúng ta chưa đủ pháp lực để làm vậy. Cùng lắm chúng ta chỉ có thể nhốt Trùng lại.

– Nhưng chúng ta kiếm đâu ra thuốc bây giờ?

– Tôi biết một chỗ, không xa đây lắm, mọi người yên tâm. Vấn đề bây giờ là phải tìm cho ra xem chúng ta sẽ phải gặp Trùng ở đâu?

Ông Hải mở chiếc hộp đầu tiên, khéo léo lấy ra miếng đầu đầy xương xẩu. Dù nó được đông lạnh suốt thời gian dài nhưng ông vẫn cảm nhận được luồng hơi ấm phát ra từ khúc xương. Ông chầm chậm xoay khúc xương rồi nheo mắt lại để có thể nhìn kỹ hơn vào những vết rạn nhỏ nhất nhưng không phát hiện dấu hiệu gì đặc biệt. Ông dừng lại khi thứ ánh sáng xanh phủ lên hai mắt kính của ông.

– Tại sao nó lại tự nhiên sáng lên như vậy?

– Cháu không biết ạ. Từ khi cháu đến gần những vật này, viên đá ngày càng sáng lên, An đáp lời.

– Biết đâu nó sẽ cho chúng ta biết địa điểm ta đang tìm kiếm đấy ạ. Bác mang khúc xương dịch vào đây được không ạ? Minh gợi ý.

Ông Hải vòng qua bàn và tiến về phía Minh, hai tay nâng khúc xương ở khoảng cách chừng nửa mét so với viên đá đang nằm trên tay An. Không có điều gì mới mẻ xảy ra, ông đưa khúc xương lại gần hơn nữa, đến khi khoảng cách chỉ còn là một gang tay.

– Bác xem thử phần cổ xem, cháu thấy có gì đó vừa xuất hiện, Minh nghiêng đầu để quan sát nhưng những biểu tượng quá nhỏ để anh có thể biết nó là gì.

Giữ nguyên khoảng cách, ông Hải xoay ngược khúc xương lại, đồng thời dí khúc xương gần sát viên đá. Ở vòng quanh phần cổ, quả thực có những chữ nhỏ li ti hiện lên khiến ông nhớ lại thủ thuật dùng mực tàng hình của bà Nga vừa nãy. Ông Hải rút từ trong túi chiếc máy dịch tức thời soi vào dòng chữ. Những chữ cái hiển thị trên màn hình tự động phóng to ra và được dịch sang tiếng Việt trong giây lát.

– Minh, cậu lấy cho tôi nốt hai khúc còn lại đặt ra đây. Những chữ cái này chưa có ý nghĩa gì hoàn chỉnh cả, chắc cần phải ráp hai phần còn lại nữa.

Minh với sự giúp đỡ của ông Khiết lần lượt đặt hai khúc xương theo thứ tự. An hiểu mình phải làm gì, cô bé lần lượt soi từng khúc xương khi ông Hải nhấc chúng lên và chỉ cho ông những chỗ có chữ. Chừng hai phút, sau khi đã ghép ba tấm ảnh chụp những dòng chữ lại với nhau, ông Hải đọc câu hoàn chỉnh đã được dịch hiện trên màn hình:

– Ở nơi sấm sét không thể chạm tới, quái vật đang đợi chờ.

– Nơi sấm sét không thể chạm tới? Quá nhiều nơi sấm sét không thể chạm tới, Minh thở dài khi ông Hải vừa dứt lời.

– Đúng, nhưng chỉ đúng với thời hiện đại mà thôi, thời xưa đâu có quá nhiều chỗ như vậy? Ông Khiết quặc lại.

– Bác nói đúng, nhưng hồi xưa hoàn toàn có thể vào nhà cơ mà, ở trong nhà thì làm sao mà sét có thể đánh trúng được, nếu có thì cũng chỉ là vô cùng hi hữu.

Ông Hải chỉ khẽ cười trước cuộc tranh luận giữa Minh và ông Khiết như người thầy giáo đang quan sát hai học trò của mình đôi co xem ai giải đúng bài toán. Cuối cùng, ông quyết định đưa ra đáp án ngay để không làm mất thời gian.

– Từ “chạm” ở đây nên được hiểu theo hai nghĩa, cả về nghĩa hình lẫn nghĩa âm, tức là ngoài việc sét không thể đánh trúng thì nơi đây còn không thể nghe được tiếng sấm sét nữa, mà thời xưa, làm gì có cửa cách âm phải không nào? Nơi chúng ta đang tìm kiếm là Thưởng Trì cung.

Từ khóa » đồng Dao Kinh Dị Rồng Rắn Lên Mây