Chương 6: Làm Sạch, Khử Khuẩn, Và Tiệt Khuẩn Dụng Cụ

Chương 6: Làm sạch, khử khuẩn và tiệt khuẩn dụng cụ

6.1 Nguyên tắc làm sạch, khử khuẩn và tiệt khuẩn

Việc làm sạch, khử khuẩn và tiệt khuẩn đúng cách các dụng cụ/ thiết bị rất quan trọng trong việc hạn chế lây truyền vi sinh vật từ các dụng cụ dùng lại.  Mức độ khử khuẩn tuỳ thuộc vào nguy cơ gây ra nhiễm trùng khi dụng cụ được dùng lại.  Bảng phân loại Spaulding thường được sử dụng để phân loại mức độ cần làm sạch, khử khuẩn và tiệt khuẩn cho dụng cụ đã sử dụng cho bệnh nhân.  Theo Spaulding, thiết bị y tế và dụng cụ phẫu thuật được phân loại theo mức độ tiếp xúc với mô cơ thể và nguy cơ gây nhiễm trùng khi sử dụng chúng, bao gồm không thiết yếu, bán thiết yếu và thiết yếu (bảng 6-1). Mỗi loại vi sinh vật nhạy với các mức độ khử tiệt khuẩn khác nhau. Phân loại nhóm vi sinh vật theo thứ tự từ nhạy cảm thấp đến cao đối với các mức độ khử khuẩn trình bày ở bảng 6-2

Bảng 6-1: Phân loại Spaulding

Loại dụng cụ

Mức độ tiếp xúc

Ví dụ

Mức độ xử lý

Dụng cụ không thiết yếu

Tiếp xúc với da lành

Ống nghe, máy đo huyết áp, bề mặt máy móc, băng ca, nạng

Làm sạch rồi khử khuẩn mức độ thấp đến trung bình.

Dụng cụ bán thiết yếu

Tiếp xúc với niêm mạc hay da không lành lặn

Dụng cụ hô hấp, ống nội soi mềm, ống nội khí quản, bộ phận hô hấp trong gây mê,

Khử khuẩn mức độ cao

Dụng cụ thiết yếu

Tiếp xúc với mô bình thường vô trùng hay hệ thống mạch máu hoặc những cơ quan có dòng máu đi  qua.

Dụng cụ phẫu thuật, kính nội soi ổ bụng hay khớp, thiết bị chịu nhiệt và đèn nội soi cần tiệt khuẩn

Tiệt khuẩn

Bảng 6-2: Phân loại vi sinh vật theo thứ tự nhạy cảm với các mức độ khử khuẩn

*  Chất khử khuẩn mức độ thấp gồm: hợp chất ammonium bậc 4, Phenol, Hydrogen peroxide 3%. **  Chất khử khuẩn mức độ trung bình bao gồm: Alcohols, Chlorines, Iodorphors. *** Chất khử khuẩn mức độ cao bao gồm: Gluta-aldehydes, OPA, Peracetic acid, hydrogen peroxide 6%, Formaldehydes (sử dụng hạn chế). Các hoá chất này có thể đạt khả năng tiệt khuẩn khi ngâm thời gian kéo dài theo quy định.

Một số nguyên tắc

  1. Dụng cụ tái sử dụng phải được làm sạch hoàn toàn trước khi khử khuẩn hay tiệt khuẩn.
  2. Dụng cụ tái sử dụng được tráng và lau khô đúng cách trước khi khử khuẩn hay tiệt khuẩn và để khô trước khi lưu trữ.
  3. Dụng cụ vô trùng được tiếp nhận phải được giữ vô trùng cho đến khi sử dụng.
  4. Nên tuân theo những khuyến cáo của nhà sản xuất về các dịch vụ chăm sóc và bảo trì sản phẩm, bao gồm thông tin về a) khả năng tương thích của thiết bị với các hoá chất sát trùng, b) liệu thiết bị có chịu được nước hay có thể ngâm trong nước để làm sạch không? c) thiết bị nên được khử khuẩn như thế nào?
  5. Dụng cụ điều trị hô hấp và gây mê cần ít nhất được khử khuẩn mức độ cao.
  6. Qui trình tiệt khuẩn phải được giám sát ở mỗi chu kỳ bằng các chỉ thị cơ học và hoá học.
  7. Qui trình tiệt khuẩn phải được giám sát định kỳ bằng chỉ thị sinh học.
  8. Sau khi tái xử lý phải duy trì độ tiệt khuẩn cho đến thời điểm sử dụng.
  9. Nếu dùng lại dụng cụ sử dụng một lần, phải theo dõi độ an toàn.
  10. Tiệt khuẩn chớp nhoáng không được khuyến cáo và chỉ nên sử dụng ở cấp cứu và không bao giờ dùng cho các thiết bị implant..
  11. Lò vi sóng, máy tiệt khuẩn hạt thuỷ tinh và đun sôi tiệt khuẩn không nên sử dụng.
  12. Phải có nhân viên được huấn luyện đặc biệt, thành thạo chịu trách nhiệm giám sát việc khử khuẩn và tiệt khuẩn.

6.2 Làm sạch

Làm sạch là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong quá trình tái xử lý dụng cụ, và quyết định hiệu quả của việc khử khuẩn và tiệt khuẩn sau đó. Làm sạch là một hình thức khử bẩn nhằm loại bỏ các chất hữu cơ muối và các vết bẩn nhìn thấy được bằng nước, nhiệt, chất kháng khuẩn và bàn chải.  Một số thiết bị (vd, cây treo dịch truyền, xe lăn…)  đôi khi không cần khử khuẩn hay tiệt khuẩn thêm sau khi làm sạch. Nếu dụng cụ không thể làm sạch ngay thì có thể dùng khử nhiễm bước đầu để làm giảm nguy cơ lây truyền tác nhân gây bệnh. Nên phân loại dụng cụ và sau đó ngâm vào dung dịch khử khuẩn mức độ thấp đến trung bình (bảng 6-2).

Làm sạch có thể thực hiện bằng thuốc tẩy, chất làm sạch có enzym, hay nhiệt độ cao,  hay sử dụng thiết bị cơ học như máy rửa tiệt khuẩn, máy làm sạch bằng sóng siêu âm, máy rửa chén, máy rửa dụng cụ hay máy rửa khử khuẩn. Dung dịch enzym giúp loại bỏ những vết bẩn bám chặt khi nước và/hay thuốc tẩy không hiệu quả. Dụng cụ sau khi làm sạch phải được tráng và làm khô đúng cách trước khi khử khuẩn hay tiệt khuẩn. Cần tráng để loại bỏ các chất bẩn và chất làm sạch trên dụng cụ để ngăn chất khử khuẩn không bị trung hoà. Cần lau khô dụng cụ vì nước có thể làm giảm tác động của hoá chất khử khuẩn.

Nhân viên chịu trách nhiệm làm sạch dụng cụ bị nhiễm phải mang dụng cụ phòng hộ cá nhân thích hợp để tránh bị phơi nhiễm với các tác nhân gây bệnh tiềm tàng, hoá chất và cũng nên chích ngừa viêm gan B.

6.3 Khử Khuẩn

Khử khuẩn là phương pháp dùng những qui trình hoá học để loại bỏ hầu hết các vi sinh vật gây bệnh, các dạng vi khuẩn trên đồ vật được nhận biết, nhưng không loại bỏ hẳn tất cả (không diệt được nội bào tử vi khuẩn). Có 3 phương pháp khử khuẩn chính: Hoá chất khử khuẩn, phương pháp Pasteur và tia cực tím. Spaulding đề nghị 3 mức độ khử khuẩn dụng cụ và bề mặt, gồm mức độ cao, trung bình và thấp. Khử khuẩn mức độ cao diệt tất cả vi sinh vật, trừ một số bào tử vi khuẩn; khử khuẩn mức độ trung bình diệt mycobacteria, hầu hết virus và vi khuẩn; và khử khuẩn mức độ thấp diệt một số virus và vi khuẩn (Bảng 6-2)

Yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình khử khuẩn:

  1. Sức đề kháng của vi sinh vật
  2. Nồng độ của vi sinh vật
  3. Loại vật liệu (vô cơ hay hữu cơ)
  4. Cường độ và thời gian xử lý: nồng độ của chất khử khuẩn (sử dụng lần đầu và lần sau), nhiệt độ, thời gian tiếp xúc, pH dung dịch, độ cứng pha loãng và chất cặn lắng còn lại sau làm sạch.

6.3.1 Khử Khuẩn bẳng hóa chất

Vi sinh vật có độ nhạy cảm khác nhau với chất khử khuẩn. Vi khuẩn thực vật và virus có vỏ bọc thường nhạy cảm nhất; bào tử vi khuẩn và sinh vật đơn bào đề kháng nhất.  Phân loại các mức độ khử khuẩn khác nhau cho từng loại vi sinh vật  được trình bày ở bảng 6-3. Tham khảo danh sách các hóa chất sử dụng trong bệnh viện ở Phụ lục 1. Phải tuân thủ khuyến cáo của nhà sản xuất về thời gian tiếp xúc, hòa loãng và trộn lẫn hóa chất. Nếu nồng độ của chất khử khuẩn quá thấp, hiệu quả sẽ giảm. Nếu nồng độ quá cao, sẽ tăng nguy cơ hư hại dụng cụ và gây độc cho người sử dụng. Nên sử dụng các que thử hoá học để xác định nồng độ của thành phần có hoạt tính đủ hiệu quả hay không, dù có tái sử dụng hay pha loãng. Tuy nhiên, không nên sử dụng những que thử hóa học này để gia hạn việc sử dụng hoá chất diệt khuẩn khi nó đã hết hạn sử dụng. Rửa sạch cẩn thận bằng nước tiệt khuẩn hay nước lọc sau khi ngâm hóa chất. Nếu không áp dụng được, có thể dùng nước máy hay nước lọc (lưới lọc dày 2 micron), rồi sau đó tráng bằng alcohol và thổi khô. Những qui trình chuyên biệt nên được thực hiện sau khi khử khuẩn hoá học, và để khô, tránh tái nhiễm trong quá trình đóng gói cho dụng cụ.

Bảng 6-3. Các phương pháp khử tiệt khuẩn

Phương pháp xử lý

Loại dụng cụ

Mô tả dụng cụ

Tiệt khuẩn (Autoclave, Sterrad)

Thiết yếu

Dụng cụ phẫu thuật Forceps sinh thiết trong nội soi, arthroscopes, larascopes, cyctoscopes

Khử khuẩn mức độ cao Glutaraldehyde, Peracetic acid Khử khuẩn Pasteur

Bán thiết yếu

Endoscopes, ngáng miệng, ống mũi, mỏ vịt, đầu dò âm đạo, ống dây máy thở

Khử khuẩn mức độ trung bình

Không thiết yếu

Cồn 70

Cửa tiêm TM, miệng chai thuốc đa liều

Phenol (POSE CRESOL)

Đầu dây nối ống thở, ngâm bình kìm

Chlorin (PRESEPT hoặc JAVEL hoặc CHLORAMINB) 1: 100

Khử khuẩn máu hay dịch tiết đọng trên bề mặt mội trường

Khử khuẩn mức độ thấp Ammonium bậc 4 Chlorin 1:500

Làm vệ sinh sàn, trần, bàn làm việc, bề mặt các thiệt bị

6.3.2 Khử khuẩn theo phương pháp Pasteur

Khử khuẩn theo phương pháp Pasteur là quá trình khử khuẩn bằng nước nóng được thực hiện bằng việc sử dụng lò hấp Pasteur tự động hoá hay máy rửa khử khuẩn. Những dụng cụ bán thiết yếu thích hợp với phương pháp khử khuẩn Pasteur, bao gồm dụng cụ hô hấp và gây mê.  Ngâm những dụng cụ này trong nước > 75oC trong 30 phút là biện pháp có thể được chọn thay cho hoá chất khử khuẩn. Những dụng cụ được tiệt trùng theo phương pháp Pasteur phải được làm sạch bằng chất tẩy và nước trước khi đem khử khuẩn. Dụng cụ phải được ngâm hoàn toàn trong nước trong suốt quá trình xử lý.

Những thuận lợi của phương pháp này là không độc, chu kỳ khử khuẩn nhanh, và chi phí máy móc và bảo dưỡng vừa phải.  Những bất lợi chính của phương pháp này là (1) không diệt được bào tử, (2) có thể gây bỏng, (3) thiếu sự tiêu chuẩn hoá về trang thiết bị, và (4) khó đánh giá được hiệu quả của quy trình. Sau khi khử khuẩn theo phương pháp Pasteur, dụng cụ phải được làm khô và ngăn tái nhiễm khuẩn trong suốt quá trình lưu trữ và vận chuyển.

6.3.2 Chiếu đèn cực tím

Những vi sinh vật bị bất hoạt bởi ánh sáng cực tím ở bước sóng từ 250-280nm. Hiệu quả diệt khuẩn của đèn là nhờ vào bước sóng của đèn, do đó khả năng diệt khuẩn phụ thuộc vào độ dài sóng, nhiệt độ, loại vi sinh vật và cường độ tia cực tím (bị ảnh hưởng bởi khoảng cách và ống dẫn).  Nếu không có máy đo bước sóng của đèn thì nên thay đèn mỗi 6 tháng cho dù đèn vẫn còn sáng. Chiếu tia cực tím diệt khuẩn là phương pháp làm sạch không khí có thể dùng để hỗ trợ các biện pháp kiểm soát lao hay một số vi sinh vật gây bệnh khác, nhưng không dùng để ngăn ngừa nhiễm trùng trong phòng mổ.

Đèn cực tím có hiệu quả tốt hơn nếu được lắp đặt ở ống thông khí vì tạo ra sự phát tia cực tím mạnh, và vì ánh sáng cực tím ở trong ống nên nguy cơ phơi nhiễm với tia cực tím được giảm hay loại trừ. Gắn thêm đèn cực tím vào ống thông khí hay ở những khu vực nguy cơ cao như phòng soi phế quản, phòng sinh thiết hay những khu vực nơi có thể gặp những bệnh nhân lao.

Ánh sáng cực tím có thể gây bỏng da và mắt, và trên lí thuyết có thể gây đục thuỷ tinh thể và ung thư da.

6.4 Tiệt Khuẩn

6.4.1 Nguyên tắc tiệt khuẩn

Tất cả dụng cụ thiết yếu tiếp xúc với mạch máu, niêm mạc không nguyên vẹn hay những nơi vô trùng trên cơ thể, phải được tiệt khuẩn. Tiệt khuẩn nghĩa là sử dụng một quy trình vật lý hay hóa học để diệt tất cả các dạng vi khuẩn, bao gồm cả các nội bào tử vi khuẩn đề kháng cao.

Tiệt khuẩn là một quy trình, và phải tuân theo các quy trình phù hợp để đạt được và duy trì độ tiệt khuẩn. Ngoài ra, có nhiều loại chất khử khuẩn hoá học được dùng như chất tiệt khuẩn khi ở nồng độ cao hơn và thời gian tiếp xúc dài hơn tuỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Những chất khử khuẩn này được sử dụng để tái xử lý các dụng cụ dùng lại không chịu nhiệt.

Để đảm bảo tiệt khuẩn đúng cách, nhân viên y tế phải tuân theo các khuyến cáo của nhà sản xuất. Qui trình tiệt khuẩn hàng ngày phải được ghi vào sổ bởi chính nhân viên thực hiện. Sổ này sẽ được xem lại từng qui trình và bất cứ trục trặc nào cũng phải được ghi nhận lại.

6.4.2 Phương pháp tiệt khuẩn

Những phương pháp tiệt khuẩn bằng máy thường được sử dụng trong bệnh viện:

  1. Hơi nóng ẩm bằng autoclave;
  2. Tiệt khuẩn bằng khí (sử dụng ethylene oxide hay formaldehyde);
  3. Tiệt khuẩn bằng Plasma
  4. Hơi nóng khô

Ưu điểm và nhược điểm của các phương pháp tiệt khuẩn được mô tả ở bảng 6-4.

Bảng 6-4: Ưu và nhược điểm của các phương pháp tiệt khuẩn

Phương pháp

Ưu điểm

Nhược điểm

Tiệt khuẩn bằng hơi nước

  1. An toàn cho môi trường và nhân viên y tế
  2. Thời gian tiệt khuẩn ngắn
  3. Không độc, không tốn kém
  4. Không cần thông khí
  1. Hiệu quả tiệt khuẩn bị suy giảm do khí đọng, dụng cụ ướt nhiều và chất lượng thấp của hơi nước.
  2. Làm hư hại các bộ phận nhạy cảm với nóng và ẩm .

Tiệt khuẩn bằng hơi nóng khô

  1. Độ ăn mòn thấp
  2. Xuyên sâu vào chất liệu 
  3. An toàn cho môi trường
  4. Không cần thông khí
  1. Cần thời gian tiệt khuẩn dài
  2. Các bộ phận nhạy cảm với nhiệt có thể bị hư hại

100% ETO

  1. Xuyên qua vật liệu đóng gói và nhiều loại nhựa
  2. Thích hợp với hầu hết vật liệu y tế 
  3. Giám sát và vận hành đơn giản
  1. Cần thời gian thông khí, do đó cần thời gian tiệt khuẩn dài
  2. Phòng tiệt khuẩn nhỏ
  3. ETO là chất độc sinh ung thư và dễ cháy
  4. Bình chứa ETO cần cất giữ trong kho chứ chất lỏng dễ cháy

Tiệt khuẩn bằng Hydrogen peroxide plasma

  1. Nhiệt độ thấp
  2. Thích hợp với dụng cụ nhạy cảm với nhiệt 
  3. Không cần thông khí
  4. An toàn cho môi trường và nhân viên
  5. Không có chất cặn độc hại
  6. Vận hành, lắp đặt và giám sát đơn giản
  1. Không thể tiệt khuẩn Cellulose, đồ vải và chất lỏng.
  2. Không tiệt khuẩn được dụng cụ ống có một đầu bít thì
  3. Phòng tiệt khuẩn nhỏ

Formaldehyde

  1. Formaldehyde không dễ cháy hay dễ nổ
  2. Thích hợp với hầu hết vật liệu y tế 
  1. Khả năng tồn dư formaldehyde trên bề mặt
  2. Formaldehyde độ và gây dị ứng
  3. Cần thời gian tiệt khuẩn dài
  4. Thời gian qui trình dài do phải loại bỏ  formaldehyde sau khi tiệt khuẩn

6.4.3 Hướng dẫn điều chỉnh nhiệt độ và thời gian tiệt khuẩn

Máy hấp ướt (autoclave)

121oC  trong 30 phút cho dụng cụ có gói hay 20 phút cho dụng cụ không gói với áp suất  1036 Bar Tiệt khuẩn nhanh: 134oC  trong 4 phút với áp suất  2026 Bar

Máy hấp khô

170oC  trong 2 giờ180 oC  trong 1 giờ

Máy Ethylene oxide

Nồng độ khí: 450-1200 mg/l Nhiệt độ: 29-65 oC Độ ẩm: 45-85%Thời gian tiếp xúc: 2-5 giờ

Máy tiệt khuẩn bằng Plasma (Sterrad)

Nhiệt độ: 50-55oCThời gian một chu kỳ: 55- 75 phút

6.4.4 Duy trì sự tiệt khuẩn

6.4.4.1 Đóng gói

Dụng cụ cần tiệt khuẩn nên được đóng gói đúng cách trước khi tiệt khuẩn. Việc đóng gói dụng cụ có tác dụng như một hàng rào đối với vi sinh vật hay chất khác (ví dụ, bụi, động vật kí sinh) sau khi quá trình khử khuẩn hoàn tất, có độ bền với nhiệt, đủ độ mềm để cho phép gói kín, bọc lại và mở ra; không chứa thành phần gây độc hay thuốc nhuộm; đảm bảo giữ được tình trạng vô trùng của các dụng cụ được khử khuẩn và duy trì được tình trạng nguyên vẹn của gói đồ. Thời hạn bảo quản dụng cụ phụ thuộc vào loại giấy gói sử dụng.

6.4.4.2 Lưu trữ

Dụng cụ tiệt khuẩn phải được lưu trữ ở khu vực được bảo vệ, nơi dụng cụ hầu như không tiếp xúc với hơi ẩm, bụi, rác hay động vật ký sinh. Không nên dùng dụng cụ khi có nghi ngờ dụng cụ không vô khuẩn, như gói dụng cụ bị thủng, rách, hay bị ướt. Dụng cụ vô trùng mua nên được sử dụng trước khi hết hạn. Nên cấy vi trùng khi lâm sàng gợi ý nhiễm trùng liên quan đến dụng cụ.Việc lưu trữ và vận chuyển phải duy trì được độ tiệt khuẩn cho đến thời điểm sử dụng.

6.4.5 Giám sát quy trình tiệt khuẩn

Cần đánh giá cẩn thận tất cả các quá trình tiệt khuẩn với thời gian đều đặn. Nên kiểm tra hệ thống lọc xem có dò rỉ hay không. Các bộ phận tiệt khuẩn bằng khí nên được kiểm tra các yếu tố như nồng độ khí, nhiệt độ, và độ ẩm tương đối. Có ba phương pháp khác nhau để giám sát quy trình tiệt khuẩn: Cơ học: biểu đồ, đồ thị thời gian và nhiệt độ Hóa học: dây thử, giấy thử hay viên thuốc thử nhạy cảm thời gian/nhiệt độ và/hay độ ẩm Sinh học: giấy thử hay chai thử chứa bào tử. Giám sát cơ học và hóa học chỉ cung cấp các chỉ thị để đạt sự tiệt khuẩn có thể nhìn thấy được, như thời gian, nhiệt độ và áp suất.  Chỉ có chỉ thị sinh học mới cho biết hiệu quả thật sự của qui trình tiệt khuẩn, là nhằm diệt tất cả vi khuẩn, bao gồm cả các bào tử.  Thời khóa biểu kiểm tra sinh học qui trình tiệt khuẩn như sau:

  1. Tiệt khuẩn hơi nước: ít nhất mỗi tuần, nhưng tốt nhất là mỗi ngày. Gói chứa dụng cụ implant nên được giám sát và bất cứ khi nào có thể, dụng cụ implant phải được kiểm dịch cho đến khi kết quả test chỉ thị sinh học có giá trị.
  2. Tiệt khuẩn bằng ethylene oxide: mỗi gói tiệt khuẩn.
  3. Tiệt khuẩn bằng hơi nóng khô: ít nhất mỗi tuần.

6.5 Cấu trúc tổ chức đơn vị tiệt khuẩn trung tâm

Làm sạch, khử khuẩn và tiệt khuẩn các dụng cụ chăm sóc bệnh nhân nên được thực hiện tại đơn vị tiệt khuẩn trung tâm (ĐVTKTT) .

6.5.1 Thiết kế đơn vị tiệt khuẩn trung tâm

Khu vực xử lí trung tâm được chia thành những khu khác nhau như: I) khu vực dơ/ ướt dành cho việc tiếp nhận và rửa dụng cụ; II) khu vực sạch/khô dành cho việc đóng gói; III) khu vực tiệt khuẩn và IV) khu vực lưu trữ và phân phát dụng cụ tiệt khuẩn. Đường đi của qui trình nên một chiều: từ vùng dơ đến vùng sạch. Sơ đồ 5-1 minh họa cấu trúc của một ĐVTKTT.  Nhiệt độ lí tưởng của tất cả khu vực nên được duy trì từ 18°C đến 22°C, độ ẩm tương đối nên ở mức 35% đến 70% và luồng khí nên trực tiếp từ vùng sạch sang vùng dơ.

Một số nguyên tắc:

  1. Đơn vị được thiết kế nhằm cho phép dụng cụ đi theo một chiều đúng với qui trình tiệt khuẩn: tiếp nhận – kiểm tra – rửa/làm sạch/lau khô – đóng gói – tiệt khuẩn – lưu trữ – phân phát;
  2. Nên có sự ngăn cách hòan tòan giữa khu vực dơ/ướt và khu vực sạch/khô. Có thể ngăn cách bằng sử dụng máy giặt khử khuẩn hai cửa, hay vách ngăn (tốt nhất là một phần kính để cho phép nhân viên có trách nhiệm quan sát dễ dàng) với một cửa sập để nhân viên làm ở khu vực ướt không thể đi trực tiếp vào khu vực đóng gói sạch;
  3. Đồ dơ và sạch cần có nơi tiếp nhận riêng: nơi tiếp nhận đồ sạch sẽ cung cấp cho kho hàng các dụng cụ mới, và nơi tiếp nhận đồ dơ sẽ cung cấp cho khu vực dơ nơi tất cả các dụng cụ được rửa, làm sạch và lau khô;
  4. Khu vực đóng gói chính nên tiếp giáp khu vực rửa/làm sạch/lau khô để cho phép chuyển dụng cụ đã rửa và lau khô được dễ dàng;
  5. Khu vực tiệt khuẩn nên liền kề khu vực đóng gói: Nên có khoảng trống thích hợp ở lò  hấp để vận hành các xe đẩy trong quá trình bốc, dỡ dụng cụ. Cùng lúc đó, nó có thể giúp nhân viên làm trong khu vực đóng gói không bị ảnh hưởng bởi hơi nước tạo ra từ lò hấp;
  6. Kho lưu trữ đồ tiệt khuẩn nên tách rời với khu đóng gói và khu tiệt khuẩn;
  7. Khu phân phát đồ tiệt khuẩn nên liền kề với kho lưu trữ đồ tiệt khuẩn;
  8. Tạo môi trường làm việc dễ chịu, tốt nhất là có ánh sánh tự nhiên;
  9. Tạo phương tiện dễ dàng cho nhân viên y tế làm việc (phòng thay đồ và phòng nghỉ/phòng ăn) riêng biệt ở cả hai khu vực dơ và sạch.

Sơ đồ 6-1: Sơ đồ và hướng công việc của đơn vị tiệt khuẩn trung tâm

6.5.2 Chức năng đơn vị tiệt khuẩn trung tâm

  1. ĐVTKTT cung cấp các dịch vụ tiệt khuẩn đã được kiểm soát cho toàn bệnh viện;
  2. Mục đích của ĐVTKTT nhằm giới hạn các kĩ năng/ trách nhiệm của nhân viên y tế trong việc cung ứng dụng cụ vô trùng (dụng cụ dùng một lần và dụng cụ tái xử lí) và để làm giảm thiểu nguy cơ của các sai sót;
  3. ĐVTKTT nhận dụng cụ mới và đồ vải sạch từ kho lưu trữ và nhà giặt, và dụng cụ tái xử lí (ví dụ dụng cụ phẩu thuật) từ các khoa sử dụng. Việc tráng rửa ban đầu dụng cụ đã sử dụng sẽ được thực hiện tại khoa sử dụng trước khi gửi đến ĐVTKTT.
  4. ĐVTKTT có trách nhiệm kiểm tra, rửa/lau chùi và khử khuẩn, đóng gói, tiệt khuẩn và lưu trữ tạm thời tất cả dụng cụ để dùng lại. Các dụng cụ mới cần tiệt khuẩn trước khi sử dụng sẽ được để ở kho hàng trước khi đem đóng gói, hấp tiệt trùng và đưa vào kho lưu giữ đồ tiệt khuẩn.

6.5.3 Hướng đi của công việc

6.5.3.1 Hướng đi của dụng cụ

  1. Đồ vải sạch (ví dụ drap và áo choàng phẩu thuật) từ kho đồ vải và các dụng cụ mới và vật liệu như gạc, vải cotton hay giấy gói từ kho của bệnh viện sẽ tiếp nhận tại điểm tiếp nhận riêng;
  2. Các dụng cụ dơ từ khoa phòng hay từ phòng mổ được tiếp nhận và kiểm tra ở nơi tiếp nhận của khu vực rửa để đảm bảo đủ bộ dụng cụ. Dụng cụ hỏng được thay thế.  Sau khi rửa, bộ dụng cụ đầy đủ sẽ được chuyển qua khu vực làm sạch, nơi dụng cụ sẽ được phân loại, ngâm chất khử khuẩn, tráng và lau khô. Các ống, catheter và kim sử dụng lại phải được xịt nước trong lòng kỹ lưỡng. Sau đó chúng sẽ được chuyển qua khu đóng gói để đóng gói lại thành những khay hòan chỉnh.
  3. Gạc, gòn viên được làm ở khu gòn gạc, sau đó được đóng gói lại.

6.5.3.2 Hướng đi của nhân viên

  1. Nhân viên làm việc trong khu vực sạch cần thay đồ trong phòng thay đồ trước khi vào khu làm việc.
  2. Nhân viên làm việc trong khu vực làm sạch sử dụng phòng thay đồ riêng trước khi vào khu vực làm việc.

6.6 Quy trình khử khuẩn dụng cụ tại khoa phòng

Dụng cụ sử dụng xong trước khi chuyển về tiệt khuẩn trung tâm cần phải làm sạch. Ngoài ra, có một số dụng cụ cần khử khuẩn ngay tại khoa phòng. Xem sơ đồ 6-2 và 6-3 về quy trình khử khuẩn tại các khoa phòng. Xem chi tiết khử, tiệt khuẩn các dụng cụ ở bảng 6-5

Bảng 6-5: Chi tiết dụng cụ và cách khử tiệt khuẩn

Tên dụng cụ

Phương pháp khử tiệt khuẩn

Ghi chú

Các dụng cụ thủ thuật Kềm Kelly Kẹp Agraff Bình kềm dài Bồn hạt đậu Chén chung inox Kéo Bộ thay băng Bộ Y cụ tiểu phẫu Mâm gây tê Mâm thông tiểu Mâm tuỷ sống Mâm xẻ tĩnh mạch Mâm chích động mạch Mâm màng phổi Mâm dẫn lưu dịch màng phổi Mâm mở khí quản Dây dẫn lưu

Tiệt khuẩn tập trung tại Tiếp liệu Thanh trùng

Sử dụng autoclave

Dây thông tim Mâm PT tai Dây sinh thiết trong nội soi Dây đốt Trocard Bộ PT nội soi thần kinh Bộ PT nội soi tổng quát Bộ PT lệ đạo Mắt Bộ Vi phẫu ghép thận Bộ vi phẫu mạch máu Bộ vi phẫu chỉnh hình

Tiệt khuẩn tập trung tại Tiếp liệu Thanh trùng

Sử dụng Sterrad

Đèn đặt nội khí quản Bóng Ambu Dây máy thở

Tiệt khuẩn tập trung tại Tiếp liệu Thanh trùng

Sử dụng Sterrad

Đầu ống nối máy hút đàm và ống hút đàm

Khử khuẩn tại khoa bằng Pose- Cresol

Ống siêu âm tim qua thực quản

Khử khuẩn tại khoa bằng Cidex

Máy đo chức năng hô hấp Màng lọc Ống nối bằng cao su

Khử khuẩn tại khoa bằng Cidex

Xem hướng dẫn riêng

Dụng cụ khám tai mũi họng tại phòng khám

Khử khuẩn mức độ cao tại phòng khám

Dụng cụ khám nha khoa

Dụng cụ chữa tuỷ Dụng cụ phẫu thuật nha

Khử khuẩn mức độ cao tại chổ

Hấp autoclave

Dụng cụ đo điện sinh ký

Khử khuẩn mức độ cao tại chổ

Xem hướng dẫn riêng

Ống nội soi

Khử khuẩn tại khoa bằng Cidex

Xem hướng dẫn riêng

Sơ đồ 6-2: Quy trình khử khuẩn mức độ cao cho dụng cụ dùng lại ngay tại các khoa phòng

Sơ đồ 6-3: Sơ đồ quy trình làm sạch dụng cụ tại khoa phòng

6.7 Hướng dẫn xử lý dụng cụ nội soi

Xem sơ đồ 6-4 về xử lý dụng cụ nội soi

1. Tất cả nhân viên khoa nội soi cần được huấn luyện và tuân thủ các hướng dẫn phòng ngừa chống nhiễm khuẩn nhằm bảo vệ cả bệnh nhân và nhân viên y tế. 2. Thực hiện các test kiểm tra áp lực hay kiểm tra dò rỉ  sau mỗi lần sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. 3. Cần tháo rời các bộ phận nội soi và ngâm hoàn toàn dụng cụ nội soi vào dung dịch khử khuẩn chứa enzym. 4. Cần làm sạch trước khi khử khuẩn bằng tay hay bằng máy. Làm sạch tỉ mỉ toàn bộ dụng cụ, bao gồm van, ống, bộ phận kết nối, và tất cả các bộ phận tháo lắp được bằng dung dịch enzym thích hợp với dụng cụ nội soi ngay sau khi sử dụng, theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Dội nước và chải sạch tất cả ống để loại bỏ tất cả chất hữu cơ (ví dụ, máu và mô) và các chất cặn bã khác. Khởi động lặp đi lặp lại các van trong khi làm sạch để chất khử khuẩn tiếp xúc với tất cả bề mặt. Làm sạch mặt ngoài và các bộ phận của dụng cụ nội soi bằng vải mềm, gạc hay bàn chải. 5. Sử dụng bàn chải thích hợp với kích thước dụng cụ nội soi để làm sạch. Dụng cụ nên làm sạch hoàn toàn và khử khuẩn hay tiệt khuẩn giữa các lần sử dụng. 6. Đổ bỏ dung dịch enzym sau khi sử dụng. 7. Các bộ phận nội soi sử dụng lại (như forcep hay kéo cắt) xâm nhập vào hàng rào niêm mạc, nên được làm sạch cơ học và tiệt khuẩn giữa các lần sử dụng. 8. Có thể làm sạch bằng sóng siêu âm các bộ phận nội soi dùng lại để loại bỏ các chất bẩn và chất hữu cơ. 9. Các dụng cụ nội soi tiếp xúc với màng niêm mạc được xem như là các dụng cụ thiết yếu và ít nhất nên được khử khuẩn mức độ cao sau mỗi lần sử dụng. 10. Chọn chất khử khuẩn mức độ cao hay chất diệt khuẩn đã được công nhận để sử dụng. 11. Thời gian tiếp xúc và nhiệt độ để khử khuẩn dụng cụ bán thiết yếu thay đổi tuỳ theo chất khử khuẩn. Nên tuân theo khuyến cáo của FDA đối với khử khuẩn mức độ cao trừ khi nhiều thực nghiệm khoa học, kết luận bởi các tổ chức chuyên nghiệp, chứng tỏ một kết quả khác về thời gian và nhiệt độ sẽ có hiệu quả hơn đối với việc khử khuẩn. Ví dụ, FDA khuyến cáo khử khuẩn mức độ cao với glutaraldehyde > 2% ở 250 C trong thời gian 20 đến 90 phút tuỳ theo sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu và các tổ chức khác khuyến cáo hiệu quả khử khuẩn của  glutaraldehyde > 2% ở 200 C  trong 20 phút. 12. Chọn chất khử khuẩn hay tiệt khuẩn phù hợp với dụng cụ nội soi. Nên tránh dùng các chất khử khuẩn hay tiệt khuẩn mà nhà sản xuất khuyến cáo không nên dùng vì nguy cơ làm hỏng dụng cụ. 13. Làm ngập hoàn toàn các dụng cụ trong chất khử khuẩn mức độ cao hay chất diệt khuẩn. Khi thấy dụng cụ nội soi không ngậm chìm trong nước, nên ngừng máy ngay. 14. Nếu sử dụng máy khử khuẩn nội soi tự động, cần đảm bảo tất cả các dụng cụ được xử lí trong máy một cách hiệu quả. Người sử dụng nên biết và xem lại các hướng dẫn xử lí dụng cụ của nhà sản xuất dụng cụ nội soi và nhà sản xuất máy rửa khử khuẩn và kiểm tra sự tương hợp. 15. Nếu sử dụng máy khử khuẩn nội soi tự động, đặt các dụng cụ nội soi trong bộ phận xử lí và gắn tất cả các bộ phận kết nối ống theo hướng dẫn của nhà sản xuất dụng cụ và nhà sản xuất máy để bảo đảm sự tiếp xúc của tất cả các bề mặt bên trong với chất khử khuẩn hay tiệt khuẩn. 16. Nếu chu trình máy khử khuẩn nội soi tự động bị gián đoạn, hiệu quả khử khuẩn hay tiệt khuẩn sẽ không đảm bảo. 17. Vì máy khử khuẩn nội soi tự động có thể có một số hạn chế, nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn nên thường xuyên xem lại các khuyến cáo của FDA, cảnh báo của nhà sản xuất và y văn về các sai sót của máy có thể dẫn đến nhiễm trùng. 18. Sau khi khử khuẩn mức độ cao, tráng lại các dụng cụ bằng nước vô trùng để loại bỏ các chất khử khuẩn hay tiệt khuẩn. Sau khi tráng xong, bỏ nước đã tráng dụng cụ. Dội ống nội soi bằng ethyl hay isopropyl 70 – 90% và làm khô bằng khí nén. Bước làm khô sau cùng sẽ làm giảm khả năng các vi sinh vật trong nước làm tái nhiễm dụng cụ nội soi. 19. Khi lưu giữ dụng cụ nội soi, nên treo thẳng đứng. 20. Dụng cụ nội soi nên lưu giữ  đúng cách để tránh lây nhiễm. 21. Khử khuẩn mức độ cao hay tiệt khuẩn chai nước (được dùng làm sạch kính và rửa trong khi nội soi) và ống nối của nó ít nhất mỗi ngày. Trong chai, nên sử dụng nước vô trùng. 22. Có sổ ghi nhận lại từng trường hợp nội soi, tên bệnh nhân, số nhập viện, bác sĩ nội soi, số seri của dụng cụ và máy rửa khử khuẩn (nếu có sử dụng) để giúp điều tra dịch. 23. Kiểm tra thường qui chất khử khuẩn mức độ cao và chất tiệt khuẩn để đảm bảo nồng độ tối thiểu hiệu quả của thành phần có hoạt tính. Kiểm tra dung dịch trước mỗi ngày sử dụng và ghi vào sổ kết quả. Nếu chỉ thị hoá học chỉ rằng nồng độ ít hơn nồng độ tối thiểu hiệu quả, cần huỷ bỏ dung dịch. 24. Huỷ bỏ dung dịch khử khuẩn mức độ cao hay dung dịch tiệt khuẩn khi kết thúc thời gian tái sử dụng. Nếu một dung dịch khử khuẩn mức độ cao hay tiệt khuẩn bổ sung được thêm vào trong máy rửa khử khuẩn, thời gian tái sử dụng được xác định bằng hoạt tính của dung dịch ban đầu. 25. Môi trường sử dụng và khử khuẩn dụng cụ nội soi nên được thiết kế an toàn cho bệnh nhân và nhân viên y tế. Các thiết bị trao đổi không khí nên sử dụng để làm giảm thiểu phơi nhiễm với các hơi độc (ví dụ, glutaraldehyde). Nồng độ hơi độc không được quá mức cho phép. Có thể dùng các mặt nạ phòng hơi độc bảo vệ đường hô hấp, tuy nhiên không khuyên sử dụng nó thường ngày, và không thay thế được việc thiết kế hệ thống thông khí đầy đủ, hút hơi độc và kiểm soát thực hành. 26. Nhân viên phụ trách việc xử lí dụng cụ nên tuân theo các hướng dẫn để đảm bảo làm sạch và khử khuẩn hay tiệt khuẩn đúng cách. Nhân viên này nên được huấn luyện và kiểm tra năng lực định kì. 28. Tất cả nhân viên sử dụng hoá chất nên được huấn luyện về độc tính sinh học và hoá học. 29. Dụng cụ phòng hộ cá nhân (như găng, mắt kính, áo choàng, khẩu trang) luôn có sẳn và được sử dụng đúng cách để bảo vệ nhân viên khỏi phơi nhiễm với các hoá chất. 30. Không khuyến cáo kiểm tra vi sinh môi trường và dụng cụ nội soi một cách thường qui. 31.  Nếu kiểm tra vi sinh, nên dùng kĩ thuật vi sinh chuẩn. 32. Thực hiện lấy mẫu môi trường nếu có dịch xảy ra nghi ngờ do nguyên nhân nhiễm trùng hay hoá học cho bệnh nhân nội soi. 33. Nhiễm trùng liên quan đến nội soi nên được báo cáo cho khoa chống nhiễm khuẩn.

Sơ đồ 6-4  Sơ đồ khử và tiệt khuẩn các bộ phận nội soi

6.8 Hướng dẫn xử lý dụng cụ điện sinh kí

Tùy từng thiết bị, sử dụng cách thích hợp để khử tiệt khuẩn (bảng 6-6)

Bảng 6-6: Hướng dẫn xử lý dụng cụ điện sinh kí

Mũ điện

-  Làm sạch theo khuyến cáo của nhà sản xuất -  Ngâm hóa chất khử khuẩn mức độ cao (glutaraldehyde 2% CIDEX) -  Tráng qua nước vô trùng và để khô

Chén điện cực

-  Làm sạch theo khuyến cáo chung -  Ngâm hóa chất khử khuẩn mức độ cao (glutaraldehyde 2% CIDEX) -  Tráng qua nước vô trùng và để khô

Ổ điện cực, paste tube, dây đo, bút chì đánh dấu, điện cực kích thích, dây đất

-  Làm sạch -  Khử khuẩn mức độ trung bình (Presept, Pose -cresol).

Giấy nhám hay que gỗ dùng để chuẩn bị vùng da

- Vứt bỏ sau khi sử dụng cho mỗi bệnh nhân

Kim tù dùng để gắn vào da

- Làm sạch - Gửi tiếp liệu thanh trùng tiệt khuẩn

Kim điện cực

- Làm sạch - Gửi tiếp liệu thanh trùng tiệt khuẩn  

Từ khóa » Dụng Cụ Thay Băng Vết Thương Thuộc Nhóm Dụng Cụ Nào