Chương 7: Phần 4: Rèn Luyện ý Chí - Rèn Luyện Can đảm - Kilopad
Có thể bạn quan tâm
Cũng cần phân biệt con người can đảm thực sự vì có những kẻ bề ngoài trông như can đảm nhưng thực chất lại là những kẻ thiếu dũng khí. Tâm lý học gọi lớp người này là ngụy dũng sĩ hay kẻ hèn nhát mang mặt nạ anh hùng. Tại sao có hiện tượng này? Vì kẻ nhút nhát thường cảm thấy đau khổ và cố gắng tìm một giải pháp cho sự an toàn và bình yên. Dĩ nhiên là đương sự không thể tìm được yên ổn trong tình trạng bất ổn của tâm hồn cũng như trong cơn sợ hãi thường trực ám ảnh bản thân, nên đương sự đành tìm trạng thái này ở bề ngoài để có ảo tưởng là mình được an lành. Đương sự đã tạo ra một bản ngã giả bên ngoài bản ngã thực, một tính cách biểu kiến phủ lên cá tính. Trông bề ngoiaf đương sự có vẻ cứng rắn, lạnh lùng, ung dung và đầy nét khinh thế ngạo vật. Bên trong cái chiến lũy kiên cố, đầy đe dọa và bất khả xâm phạm ấy là sự e sợ, rụt rè, nhút nhát. Giữa bề ngoài và bề trong có một tỷ lệ nghịch. Bề ngoài càng có vẻ cứng rắn bao nhiêu thì bề trong lại càng mềm yếu bấy nhiêu. Đương sự đã lấy bề ngoài can đảm bù cho bề trong hèn yếu. Ta thử tưởng tượng thước đo tâm lý là một nhiệt kế, nếu bề trong chỉ -100, thì bề ngoài sẽ là +100. Chỉ ở mức cân bằng (00) đương sự mới thực sự là người can đảm.
Xưa Kinh Kha và Tần Vũ Đương đi hành thích vua Tần báo thù cho các nước Yên Triệu... Cả hai đều được đời coi là dũng sĩ. Nhưng lúc vào diện kiến Tần Vương thì Tần Vũ lộ bản chất: run rẩy, tái mặt... và việc mưu sát Tần Vương thất bại vì chỉ có một mình Kinh Kha là chân dũng sĩ.
Lại cũng cần phân biệt hành vi can đảm và hành vi phát xuất từ một xung động. Một kẻ vì tức giận làm liều (đốt nhà, tự sát...) không phải là một kẻ can đảm. Hành vi can đảm là hành vi của ý chí. Nó bắt nguồn từ sự nhận thức rõ việc mình làm, cân nhắc trước khi làm và quyết định làm bằng được. Những chiến sĩ đem mình lấp lỗ châu mai hay đem thân làm giá súng là những con người can đảm thực sự.
I. Ý CHÍ CON NGƯỜI:
Ý chí là hành vi có suy tư và có ý thức. Theo một biểu đồ cổ điển, ý chí gồm có 4 giai đoạn kết hợp chặt chẽ:
1) Sự nhận thức: Hành vi phải thực hiện xuất hiện ở tâm trí (chẳng hạn tôi biết rằng tôi được mời đi dự dạ hội).
2) Sự bàn cãi: Trong thâm tâm tôi diễn ra một cuộc bàn luận nên đi hay không nên nhận lời.
3) Quyết định: Kết thúc bàn cãi là một quyết định chấp thuận (hay từ chối) lời mời.
4) Thực hiện quyết định: Sơ đồ trên đúng về mặt lý thuyết. Sự thực quyết định của ta trước một việc cần làm không phải đã diễn tiến theo trình tự đã nói. Chẳng hạn một người nhút nhát chợt phải đối diện với một cái cầu khỉ bắc qua một khúc sông sâu. Chính hình ảnh chiếc cầu cheo leo này đã gây ấn tượng mạnh đến quyết định vượt cầu của người đó hơn là những tính toán nên hay không nên trong tâm tư đương sự. Hơn nữa giữa quyết định làm và việc thực hiện còn có một khoảng cách nhiều khi vượt qua không nổi. Trong tấn thảm kịch tình yêu ở phần đầu cuốn sách, thanh niên A đã quyết định nhiều lần cầu hôn với cô M, nhưng chàng đã không biến nổi quyết định thành hành động. Giai đoạn giữa quyết định và hành động còn có thể có nhiều trạng thái tâm lý phức tạp như ngần ngại, hoài nghi, tính đi tính lại... và lại có thể phát sinh ra các bàn cãi và quyết định mới. Biết bao nhiêu người muốn bỏ thuốc, bỏ rượu và quyết định của họ được hứa hẹn thực hiện ngày mai, tuần tới hay tháng sau... và chẳng bao giờ trở thành hiện thực.
Như đã trình bày hành vi can đảm là hành vi ý chí. Can đảm không có nghĩa liều lĩnh mà hành có ý thức, có trách nhiệm và nó là kết quả của toàn thể nhân cách con người.
II. LUYỆN Ý CHÍ - LUYỆN CAN ĐẢM:
Nói đến can đảm là người ta nghĩ đến một số phẩm tính. Những phẩm tính này là những mặt khác nhau của hành vi ý chí:
1) Dám đón nhận thử thách một cách bình thản, sáng suốt: Việc đời có những cái bình thường và cái bất thường. Cái bất thường là những biến cố thử thách ta. Ta chế ngự được chúng là ta thành công. Ngược lại, ta bị chúng chế ngự là ta thất bại. Nhưng ta đón nhận thử thách với thái độ nào? Kẻ thực sự can đảm phải có thái độ sáng suốt, bình thản nhìn thẳng vào khó khăn và khắc phục chúng.
2) Sự ngoan cường: Con người đã có quyết định, bền bỉ sử dụng các phương tiện, để đạt cho được mục đích mới thôi. Nhưng cần lưu ý sự ngoan cường không phải là ngoan cố vì ngoan cố chỉ là biểu hiện của một sự bất lực và yếu đuối mà thôi.
3) Sự tự chủ: Đây là thái độ chế ngự các tình cảm, bản năng... để giữ cho được tinh thần sáng suốt, bền bỉ.
4) Tinh thần quyết định: Nó diễn ra nhanh không e dè, ngần ngại quá đáng, tinh thần quyết định này phải là chân thực, nó không phải là sản phẩm của xung động (sự xung động có thể đưa tới quyết định nhanh chóng nhưng nó không tạo nên một hành vi can đảm. A lao mình từ đỉnh núi Phú Sĩ xuống. Hành vi này chỉ là kết quả của một xung động: sự tuyệt vọng).
5) Tinh thần sáng tạo: Đó là thái độ chấp nhận đảm đương một nhiệm vụ mới, tạo ra giá trị mới.
Trở lại những thí dụ đã trình bày ở phần hai mục B chúng ta đều thấy rõ những người chinh phục Hy Mã Lạp Sơn đều thể hiện được những đặc tính vừa trình bày. Họ đã tự nguyện đảm nhiệm việc thách đố đọ cao của Everest. Công việc tiến hành trên nửa thế kỷ (kể đến 1953) mới thành công bước đầu lên đỉnh Bắc của Everest, và từ đó đến nay người ta vẫn tiếp tục vượt biết bao khó khăn nguy hiểm để hoàn tất cuộc chinh phục này.
Từ vệ tinh nhân tạo đầu tiên của nhân loại phóng lên quỹ đạo (Sputnik 1957) đến nay đã có hàng trăm cuộc thám hiểm không gian quy mô hơn được thực hiện. Đã có nhiều phi thuyền nổ tung khi vừa rời bệ phóng, đã có nhiều quan tài thép trong nghĩa trang không gian. Nhưng nhân loại không sờn lòng vẫn tiến tới tìm cái mới lạ, thách đố mọi hiểm nguy.
Tâm lý họ phân biệt lý do thúc đẩy hành động và động lực thúc đẩy hành vi. Can đảm là hành vi của ý chí nó giúp con người thoát khỏi cái tất định chi phối mọi vật. Chẳng hạn khó khăn như một lực tác động đẩy lùi ta, ta tìm cách vượt nó và quyết định tiến lên trong khi con vật bị các thế lực bên ngoài tác động và nếu không lùi thì phải né tránh. Chỉ riêng con người mới có khả năng tự quyết định vượt khó. Con người đã tự quyết định bởi những lý do. Nhưng nếu khi ta thiếu tự chủ (chẳng hạn nếu một đam mê chi phối ta) thì ta đã quyết định do một động lực. Ba dũng sĩ chết vì một trái đào do động lực (một cơn phẫn nộ) thúc đẩy. Các nhà thám hiểm không gian bị chi phối bởi lý do tìm chân trời mới về tri thức cho nhân loại.
Hiểu được can đảm gắn liền với sự thành công, thấy được can đảm đi đôi với sự sáng tạo giá trị mới, ta phải thiết lập một chương trình luyện nó.
Việc luyện tập đòi hỏi "một cuộc cách mạng toàn thể con người". Bước đầu là ta phải chiến thắng ta. Con người chúng ta có bao nhiêu tập quán xấu như tính ỷ lại, sợ khó và sợ khổ. Ấy là chưa kể những thói quen tai hại như nghiện thuốc, nghiện rượu. Lại còn những động lực ở cõi vô thức nữa, chúng có vẻ vô hình nhưng lại chi phối một cách hữu hình mãnh liệt thái độ của ta. Luyện tập cơ thể phải là bước đầu. Cơ thể khỏe mạnh, ý chí sẽ vững mạnh và ta mới khắc phục được kẻ nội thù. Phải tập thói quen tốt: thói quen thách đố cái khó, phải luyện cho mình nhiều khả năng (kẻ tập nhu đạo không sợ bọn vô lại, kẻ biết bơi không sợ sông sâu và kẻ có lý tưởng không sợ đời đáng chán). Trong phần sau chúng ta sẽ bàn kỹ hơn các mặt cần quan tâm để có thừa dũng khí trước trở lực:
Phải có một LÝ TƯỞNG:
Người xưa nói đến chí hướng, ngày nay đề cập đến lý tưởng. Chí hưởng hay lý tưởng có tác dụng gì đối với hành vi can đảm? Con người vốn là sinh vật có khát vọng, muốn chắp đôi cánh bay lên hay muốn là ngựa kỳ, ngựa ký để vượt ngàn dặm. Chí hướng hay lý tưởng như vì sao dẫn đường cho hành động con người. Thiếu nó, như cổ nhân đã nói là như thuyền không lái, như ngựa không cương trôi giạt lênh đênh không biết đâu là bờ bến cả. Có lý tưởng ta mới không ngại khó ngại khổ, có chí hướng hành vi của ta mới hợp lý và đúng mức, mới dẻo dai và kiên trì, mới tập trung và có kết quả. Dĩ nhiên chí hướng có cao thấp khác nhau, ước mơ có gần gũi hay xa vời. Nhưng điều thiết yếu là thanh niên phải sống có mục đích. Nhà khoa học Scheele sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, không có điều kiện học hành nhưng lý tưởng theo đuổi ngành hóa học lôi cuốn ông và cuối cùng ông đã vượt mọi trở lực để đạt tới mục tiêu. Cha đẻ ra thuyết nguyên tử, John Dalton cũng xuất thân từ một gia đình bần cùng và nhờ say mê khoa học mà trở thành một nhà bác học có cống hiến lớn cho nhân loại. Các nhà thám hiểm như Magellan, Colomb đều có chí tìm ra đất mới, vượt đại dương bằng những phương tiện thô sơ không sợ hiểm nguy và chỉ có cái chết mới làm họ dừng bước.
Ước mơ làm một họa sĩ, một kiến trúc sư hay một công nhân bình dị cũng truyền cho chúng ta rất nhiều nghị lực để tiến tới. Có một chí hướng sống và trung thành với hướng sống đó là đủ tăng thêm cho chúng ta can đảm ứng phó với mọi thử thách.
Phải có niều kiêu hãnh:
Hành động của ta nhiều khi bị chi phối bởi mặc cảm tự ti. Như trên đã trình bày mặc cảm này hình thành từ những năm ta còn thơ dại do thụ hưởng một nền giáo dục có nhiều sai lầm.
Nhưng nghĩ cho kỹ chúng ta có nhiều điều đáng kiêu hãnh. Trước hết chúng ta là con người; một loại sinh vật trí tuệ nhất, dù nhỏ bé nhưng lại đủ khả năng làm chủ vũ trụ rộng lớn này. Cuối thế kỷ 20, con người lại càng thêm kiêu hãnh vì đã chiến thắng được đói nghèo, giành được tự do hạnh phúc và kiến tạo được những công trình mà những thế kỷ trước chỉ dám mơ ước. Ngày xưa Trang Tử vẽ ra hình tượng chim bằng bay vút tận trời xanh, Hàn Dũ ôm ấp hy vọng ngăn dòng sông chảy về phía Đông. Thời đại chúng ta đã vượt quá mơ ước của cổ nhân bằng phi thuyền và bằng những công trình biến dòng nước thành năng lượng.
Mỗi dân tộc lại có niềm tự hào riêng trong cuộc đấu tranh sinh tồn tìm một chỗ đứng dưới ánh mặt trời. Có niềm kiêu hãnh làm người, ta lại có niềm tin vào tình người. Xưa có người bi quan cho rằng "người là chó sói đối với người". Đó là tình trạng nhân loại ở thế kỷ trước khi xã hội còn đầy dẫy bất công và áp bức. Con người bình thường mà tình yêu lại rộng lớn. Có bạn cho rằng "nụ cười của tha nhân, đôi mắt của tha nhân làm tôi mất can đảm". Bạn đã là nạn nhân của chính trí tưởng tượng của bạn! Một kẻ không có tự ti mặc cảm sẽ coi nụ cười của kẻ khác là tác nhân khuyến khích, ánh mắt người khác là biểu lộ sự khâm phục, đồng tình với hành động của ta. Nếu bạn không đối lập với người khác, thì tại sao bạn lại có cảm tưởng người khác đối lập với bạn?
Hãy trang bị cho mình lòng kiêu hãnh và tự tin, bạn sẽ có dũng khí hành động.
Cần tạo được sự tự tin:
Có rất nhiều người sống trong mặc cảm tự ti và thiếu tự tin. Thiếu tự tin nên thiếu can đảm.
Con người có khát vọng hoàn toàn, mong đạt được Chân, Thiện, Mỹ nhưng đó là khát vọng vì trong thực tế cá nhân nào cũng có ưu, khuyết điểm. Tại sao ta lại vì khuyết điểm của ta mà mang mặc cảm? Trong một xã hội có phân công rõ rệt, giá trị của một người được định bằng sự cống hiến của người đó cho xã hội nhiều hay là ít. Bằng cấp, chức quyền, tiền của chẳng phải là chân giá trị, chẳng phải là cái đáng tự hào của một người.
Âu Dương Tư (người đời Tống) là tay bắn giỏi vô địch thiên hạ và thường lấy làm tự hào về tài thiện xạ của mình. Ông thường tập bắn trong vườn hoa. Có một ông lão bán dầu đặt gánh dầu xuống vệ đường, ghé mắt xem ông thi thố tài nghệ, đứng lâu không chịu bỏ đi. Thấy ông bắn mười phát trúng tám chín thì người này chỉ khẽ gật gù. Nghiêu Tư thấy thế liền hỏi:
- Ông lão cũng biết bắn sao? Tài bắn của ta chưa kể là lão luyện hay sao?
Ông lão trả lời:
- Có gì lạ đâu! Chẳng qua là quen tay đó thôi.
Nghiêu Tư căm tức nói rằng:
- Tại sao người dám coi thường tiễn pháp của ta?
Lão nhân nói:
- Xem tôi rót dầu thì rõ.
Nói xong, lấy ra một cái bình đặt trên mặt đất rồi để một đồng tiền đậy lên miệng bình và lấy môi múc đầy dầu đổ qua lỗ đồng tiền. Dầu chảy vào bình mà không một chút nào dính vào đồng tiền cả. Nhân đó ông lão nói:
- Việc tôi làm cũng chẳng có gì lạ, chỉ là quen tay đó thôi!
Nghiêu Tư đành gượng cười mà mời ông lão đi. Câu chuyện trên có tính chất ngụ ngôn nhưng nó đã nói lên được một điều: mỗi người có một sở trường, ta không vì sở trường của người khác mà có mặc cảm tự ti. Trần Nghiêu Tư là một danh tướng nhà Tống đã từng trấn thủ Kinh Nạm, một tay thiện xạ nổi tiếng một thời. Nhưng đứng trước người này, ông lão bán dầu vẫn không coi trọng. Thế mới biết thái độ can đảm của con người này sinh từ lòng tự tin.
Có bạn nói, tôi chẳng có tài năng nào đáng kể nên mang mặc cảm kém người.
Nhiều người trong chúng ta quả thực chưa có cơ hội phát huy khả năng của mình. Chưa phát huy tài năng, không có nghĩa là "vô tài năng". Tâm lý học thường nói đến luật bù trừ. Một số người có mặc cảm tự ti về một khuyết điểm nào đó trên thân thể hay trong hoàn cảnh sống đã có những cố gắng để bù đắp lại những khiếm khuyết đó bằng những việc làm tạo cho họ quyền uy hay sức mạnh. Giai thoại kể lại nhà thơ Byron vì có tật ở chân nên khó chinh phục lòng thục nữ. Ông đã làm thơ và những vần thơ trữ tình của ông đã làm rung động bao trái tim phái yếu. Mỗi lần thấy xe ngựa chở Byron đi ngang qua các phố phường thành phố Luân Đôn, các cô gái thi nhau ném hoa lên xe ông để bày tỏ lòng yêu mến thi nhân. Vị hoàng đế hiếu chiến Napoleon có mặc cảm vì thân hình bé nhỏ. Các nhà tâm lý cho rằng mặc cảm này đã thúc đẩy Napoleon tạo quyền uy và sức mạnh để bù đắp khuyết điểm thân xác. Một nhà văn nữ Trung Hoa, kém nhan sắc (có một vết chàm trên mặt), sanh thiếu tháng, thi trượt đại học nhiều lần... con người đầy mặc cảm tự ti đã vùng vẫy vươn lên bằng nghề viết và đã tạo được một địa vị đáng kể trong văn học Trung Quốc hiện đại. Người phụ nữ này chính là nhà văn Quỳnh Dao, tên thật là Trần Phượng Hoàng (1938).
Phát huy sở trường là điều rất nên. Biến khuyết điểm, sở đoản của mình thành ưu điểm, sở trường lại là điều nên làm hơn nữa. Cổ nhân nói "Thắng được mình là dũng cảm" (Tự thắng giả cường). Ta hãy chiến thắng nhược điểm cảu bản thân như mặc cảm tự ti, thói quen xấu, sự e dè ngần ngại trước thử thách... Thắng được khó khăn phát xuất từ chủ quan là chế ngự được trở ngại ở thế giới khách quan.
Chấp nhận hoàn cảnh một cách sáng suốt, bình thản:
Do hấp thụ một nền giáo dục lệch lạc, một số người suốt đời thiếu khả năng thích ứng với đời và trở nên lạc lõng, rụt rè, e sợ trước thử thách. Một nhà tâm lý có kể lại một câu chuyện điển hình cho loại người này: Christiane là một phụ nữ 30 tuổi rất xinh xắn nhưng lại rất thẹn thùng e lệ và phong cách của nàng không khác gì một cô gái mười sáu tuổi. Nàng mồ côi mẹ, dì ghẻ là một người đàn bà đầy hận thù, ưa gây gổ. Cha nàng, bản chất yếu đuối, thương con nhưng rất sợ vợ. Trong hoàn cảnh gia đình như vậy lúc nào Christiane cũng bám lấy cha, mong đợi sự che chở của cha trước đòn roi của bà mẹ kế khắc nghiệt... Không ai phát huy lòng tự tin cho Christiane và ngay cả người cha bất lực cũng không có một cử chỉ nào có thể làm phấn chấn tinh thần cô gái. Trưởng thành trong môi trường như vậy, nên một cách vô thức lúc nào Christiane cũng cư xử như một bé gái từ y phục đến ngôn ngữ, từ cử chỉ đến thái độ trước mặt người cha. Khi cha mẹ nàng chết trong một tai nạn xe hơi, Christiane vào đời với thái độ run sợ. Nàng lập gia đình nhiều lần nhưng các cuộc hôn nhân đều thất bại vì chẳng bao giờ nàng đóng nổi vai trò người vợ mà suốt đời chỉ có thể làm một cô bé nhõng nhẹo, ngây thơ, không khả năng và nhút nhát.
Cái thất bại của Christiane là không được chuẩn bị trước đối phó với thử thách. Thế mà thử thách trên đường đợi lại quá nhiều trong giai đoạn còn thanh niên.
Người thanh niên vào đời với biết bao dự tính. Nào xây dựng cho bản thân một sự nghiệp, nào tìm một người bạn đời để cùng nhìn về một hướng mà vượt khó, vượt khổ... nhưng trong tay ta trang bị những gì? Trang bị có đủ tốt để ứng phó với biến cố không?
Muốn can đảm trong hành động phải có tinh thần độc lập tự chủ. Phải chấp nhận hiện thực, phải phân tích, đánh giá chúng đúng mức. Ta không e ngại khi sự việc tiến tới chiều hướng bất lợi vì ta đã biết rõ nó có khả năng đó. Con người can đảm sẽ bình tĩnh, chín chắn đối phó với hoàn cảnh.
Trước một kỳ thi, có một số thí sinh hồi hộp, lo âu. Nguyên nhân? Họ chưa chuẩn bị tốt cho cuộc thử thách. Nếu ta nắm được đầy đủ kiến thức đã học, đã thực hành những điều hiểu biết thì thi cử chỉ là một hình thức đánh giá kết quả, có chi đáng sợ, đáng ngại? Con người có khả năng thích ứng rất kỳ diệu. Trốn chạy hiện thực sao bằng tìm cách thích ứng với hiện thực. Trước một nguy hiểm, dù bạn có bịt mắt lại mối nguy hiểm vẫn còn đó. Nhà tâm lý thường cho rằng trước một đau đớn hay một đe dọa một người ngất xỉu đi là một phản ứng tự vệ, phủ nhận tạm thời nguyên nhân sợ hãi. Đây là hiện tượng tâm lý tự nhiên ở những kẻ kém dạn dầy, từng trải. Một kẻ có nghị lực sẵn sàng đón nhận nguy cơ và tỉnh táo tìm cách giải quyết hay mưu tìm một sinh lộ.
Sự lẩn trốn thực tại, chạy trốn trước khó khăn thử thách có thể mang lại những hậu quả tai hại.
Những vấp ngã của một người sẽ làm mặc cảm tự ti tăng lên, niềm tự tin giảm đi. Như một con vật bị truy lùng đến bước đường cùng, co lại, nép mình trong chỗ ẩn nấp mỏng manh nhất... đương sự sẽ cắt dần liên lạc với thế giới thực tại và nếu không tự hủy thì cũng rơi vào một căn bệnh tâm thần không phương cứu chữa.
Nhà tâm lý học Jung chia nhân loại làm 2 lớp người chính yếu:
- Con người nội hướng sống co lại muốn thoát khỏi vòng kiềm tỏa của xã hội.
- Con người ngoại hướng hướng ra thế giới bên ngoài và cần thiết giao tế xã hội.
Bạn càng biết rõ mình thuộc lớp người nào bạn càng vượt được những hạn chế của cá tính mình để sống can đảm. Con người không thể từ chối cuộc sống. Mà đã sống là có bổn phận. Ta hiên ngang bước tới làm một dũng sĩ hơn là chạy trốn đẻ làm một kẻ đào binh. Ta tiến tới với tư thế tỉnh táo, sáng suốt ta sẽ chiến thắng, một dũng sĩ chiến thắng. Hành vi can đảm bao giờ cũng là một hành vi đẹp. Hình tượng cái chết của con chó sói của nhà thơ A De Vigny là một hình ảnh đẹp: trong bước đường cùng con chó sói đã ngoan cường nhìn thẳng vào hiểm nguy, đe dọa và cái chết.
Sự chọn lựa và sự quyết định:
Một hành vi can đảm phải là quyết định sau một sự chọn lựa. Mỗi thời, mỗi nơi có những bậc thang giá trị có những điểm dị biệt. Thời phong kiến lấy tam cương ngũ thường làm những giá trị đạo đức căn bản. Tam cương ngũ thường là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ngày xưa Dự Nhượng nuốt than để báo thù cho chủ được gọi là Trung, Từ Thứ bỏ Hán về Tào được gọi là hiếu. Ngày nay hai chữ Trung, Hiếu được hiểu theo nghĩa rộng, đúng đắn hơn. Một bộ tộc ở đảo Fiji cho rằng có hiếu với cha mẹ là giúp cho mẹ sớm từ giã cõi đời khi già yếu. Còn người Đông phương lại cho rằng hiếu là phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. Hành vi can đảm là hành vi có bao hàm sự chọn lựa. Nếu giá trị thay đổi theo thời gian, không gian thì lấy đâu làm tiêu chuẩn chọn lựa? Sự thực, có những giá trị không bao giờ thay đổi. Nói cách khác, chúng có thay đổi về hình thức chứ không thay đổi về nội dung chẳng hạn như sự chung thủy, đức hy sinh... có lúc nào không phải là giá trị nhân loại tôn thờ? Việc làm can đảm là kết quả của một cuộc xung đột nội tâm, một cuộc giằng co nhanh chóng nhưng rất quyết liệt bắt con người phải chọn lựa. Trước khi chọn lựa hành động chúng ta phải đối phó với những mâu thuẫn tiêu biểu như:
- Vì một người hay vì nhiều người mà hy sinh?
- Vì mình hay vì người?
- Trong nhiều giá trị ta tôn thờ, ta phải chọn giá trị nào?
- Hai việc đều khó, nhưng nên chọn việc khó hơn hay tương đối dễ hơn?
Một nhà văn Pháp, J.P.Sartre có kể lại một câu chuyện cho thấy mối giằng co và sự chọn lựa của một thanh niên người Pháp. Dưới thời Đức chiếm đóng, một thanh niên Pháp phải đương đầu với một sự giày vò nội tâm hoặc là chàng ở lại với mẹ già cho trọn đạo làm con hoặc chàng phải rời mẹ gia nhập lực lượng kháng chiến chống Đức.
Chọn con đường nào? Vì gia đình hay vì Tổ Quốc?
Một nhà thơ của Hungari, Sandor Petofi đã hy sinh vì Tổ Quốc khi chưa đầy 30 tuổi. Là thi sĩ, ông tôn thờ ái tình. Là chiến sĩ ông tôn sùng lòng yêu tự do. Phải chọn lựa giá trị nào đây khi Tổ Quốc lâm nguy, khi nhân dân bị xiềng xích? Petofi đã can đảm chọn cái chết vì tự do.
Tự do và ái tình
Vì các ngươi ta sống!
Vì tình yêu lồng lộng
Tôi dâng hiến đời tôi
Vì tự do muôn người
Tôi hy sinh tình ái.
Qua những thí dụ trên ta thấy rõ một hành vi can đảm phải là kết quả của một hành vi vị tha, vì mọi người và nhất là phải thể hiện được sự chọn lựa cái khó. Chính tinh thần hy sinh điều lợi ích cá nhân vì người khác và thách đố cái khó đã tạo nên những nét đặc trưng của đức can đảm.
Hành động:
Dũng khí phải biến thành hành động. Nếu con người đắn đo suy nghĩ phải, trái, nên, không nên và quyết định chọn điều phải, điều nên làm nhưng chẳng bao giờ cụ thể bằng hành động thì làm sao gọi là can đảm được? Hành động là giai đoạn quan trọng nhất của hành vi can đảm. Nhà thơ Petofi đã chọn hy sinh cho tự do và ông đã chết trên chiến trường (Trận Segesvar ngày 31/7/1849).
Bạn phải tập thói quen này: đã nghĩ đó là điều phải làm, nên làm thì phải làm ngay. Dùng dằng, ngần ngại là biểu hiện của một ý chí bạc nhược. Làm ngay một việc nên làm đã tạo cho chúng ta một phản ứng nhạy bén, giúp ta thoát dần trạng thái quán tính của tinh thần của những kẻ thiếu dũng khí. Tập được thói quen "có kích thích có phản ứng", kích thích mạnh phản ứng mạnh, bén nhọn và đầy ý thức. Đó chính là biểu hiện đầy đủ của đức can đảm.
Bền gan, chung thủy và hy sinh:
Trong quá trình diễn ra một hành vi can đảm, người ta thường thấy nổi bật các đức tính bền gan, chung thủy và sự hy sinh.
Dự Nhượng đời Xuân Thu muốn báo thù cho chủ là Trí Bá đã không ngại nhiều lần thất bại nào đổi tên thay họ, giả điên giả cuồng, nào sơn mình, nuốt than để chính vợ mình cũng không nhận ra mình được nữa. Dù Dự Nhượng không giết được Triệu Vô Tuất thì người đời sau cũng khen là can đảm vì hành vi của kẻ sĩ này phản ánh được sự bền bỉ và đức hy sinh.
Trong cuộc sống hàng ngày, bạn đã giải quyết một khó khăn nào thì phải làm cho hoàn tất, tập thói quen không bỏ dở nửa chừng. Cố gắng mỗi ngày tập luyện 15' thể thao và nếu cứ đều đặn như vậy kết quả sẽ rất tốt. Bạn muốn từ bỏ thuốc lá. Công việc này đòi hỏi bền gan, phải cố gắng hy sinh cái nhu cầu giả tạo (hút thuốc) vì một nhu cầu hữu ích hơn (sự minh mẫn của trí tuệ, sự khỏe mạnh).
Từ khóa » Cách Rèn Luyện ý Chí
-
Ý Chí Là Gì? 8 Cách Hay Nhất Giúp Bạn Rèn Luyện ý Chí - VOH
-
Cách để Rèn Luyện Ý Chí - WikiHow
-
4 Phương Pháp Rèn Luyện ý Chí Nghị Lực Bản Thân - ELLE Man
-
Ý Chí Là Gì? Cách Rèn Luyện ý Chí Nghị Lực Trong Cuộc Sống
-
5 Thói Quen Tạo Nên Người Có Ý Chí Mạnh Mẽ
-
Cách Rèn Luyện ý Chí để Chinh Phục Những đỉnh Cao - Wiki Phununet
-
Nghị Lực Là Gì? Cách Rèn Luyện ý Chí Nghị Lực Trong Cuộc Sống
-
Cách Rèn Luyện ý Chí Nghị Lực - Chienlubo
-
Rèn Luyện ý Chí | Kênh Sinh Viên
-
【Ý Chí Là Gì】 - 4 Cách Rèn Luyện ý Chí Kiêng Cường Cho Bản Thân
-
(DOC) Cac Biện Phap Trui Ren Y Chi | Nhu Huynh
-
8 Việc Cần Làm Mỗi Ngày để Rèn Luyện ý Chí Mạnh Mẽ - Tâm Hồn Xanh
-
Cách RÈN LUYỆN Ý CHÍ | TT. Thích Nhật Từ - YouTube
-
Ý Chí Là Gì ? 4 Cách Rèn Luyện ý Chí Hiệu Quả - Học Viện New Me