Chuột đồng Miền Tây - Báo Cần Thơ Online
Có thể bạn quan tâm
Miền Tây- nơi có những đồng lúa bạt ngàn, vườn trái cây trĩu quả là điều kiện lý tưởng để chuột đồng sinh sôi và phát triển. Để làm giảm loài gặm nhấm này, từ những ngày đầu của công cuộc chinh phục vùng đất mới, cư dân miền Tây đã nghĩ ra nhiều cách bắt chuột để bảo vệ mùa màng cũng như góp phần cải thiện bữa ăn gia đình. Rồi cũng từ những món ăn dân dã ban đầu đó, chuột đồng dần trở thành đặc sản và là món ăn khoái khẩu của rất nhiều người.
Trẻ em thích thú đi đào chuột.
Muôn cách săn chuột
Chuột đồng miền Tây thường sống nhiều trên những cánh đồng lúa. Chúng thường đào hang ở bờ bao ruộng làm nơi trú ẩn, sinh sôi và phát triển. Chuột đồng có quanh năm nhưng nhiều nhất là vào mùa nước nổi. Vì thế, nước lũ về cũng là lúc bắt đầu một mùa săn chuột đầy hứng khởi, bởi lúc này chuột to, lông bóng mượt, thịt đặc biệt thơm ngon. Người miền Tây có nhiều cách bắt chuột đồng như đặt rập, dỡ chà, đào hang…
Anh Nguyễn Minh Hiếu (ở huyện Thoại Sơn, An Giang) kể: “Vùng này chủ yếu đi đào hang, gài rập hoặc khi thu hoạch lúa lấy chài chụp cắt lúa vòng vòng dí chuột vô chài để bắt”. Theo chân anh Hiếu mới thấy được thú vui của việc “săn” chuột đồng. Với kinh nghiệm theo người lớn đi bắt chuột từ nhỏ, chỉ cần đi dọc theo bờ bao chịu khó quan sát là anh Hiếu phát hiện ngay hang có chuột. Lúc này người đào, người tìm ngách bịt lại, chỉ trong chốc lát những con chuột trong hang được bắt gọn cho vào rọng. “Chúng tôi thường đi bắt chuột lúc rảnh rỗi và xem như một thú giải trí có ích. Nhưng mà cách bắt chuột mỗi vùng mỗi khác nhe, như chúng tôi ở đây thì đào hang, giậm cù, nhưng nơi khác thì anh em lại dỡ chà, thổi hang, gài rập…”- anh Hiếu nói.
Quả thật, chỉ con chuột đồng mà dân miền Tây lại có muôn vàn cách bắt. Một lần chúng tôi ra vùng ven Cần Thơ vào mùa sa mưa cũng là lúc nước lũ về trắng đồng lại thấy bà con có cách bắt chuột khá độc đáo, đó là tận dụng máy cắt cỏ chế thành máy bơm để bơm nước vào hang bắt chuột. Cách này người dân tại đây gọi là đi “thổi” chuột. Ông Huỳnh Văn Lực (ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) cho biết mỗi ngày chỉ cần bỏ ra khoảng 2 giờ là ông cùng các con đã thổi được từ 5-7kg chuột.
Dụng cụ “thổi” chuột cũng khá đơn giản giống như cách của anh Hiếu miệt An Giang: rọng, chĩa, leng, xà di nhưng mà không thể thiếu dụng cụ thổi nước làm từ máy cắt cỏ. Sau khi phát hiện hang có chuột, người đi bắt sẽ tìm các ngách và đặt xà di để đón chuột chạy ra. Sau đó nước được bơm vào miệng hang và có người đào phía trên nhằm gây chấn động để chuột nhanh ra khỏi hang. Khi chuột đã chui vào xà di sẽ được bắt ra, bẻ răng và cho vào rọng. Những con chuột thoát ra ngoài sẽ bị người đi “thổi” dùng chĩa bắt lại. Trẻ em cũng thích thú tham gia “thổi” chuột cùng người lớn và xem như một buổi vui chơi, trải nghiệm thú vị.
Kiếm tiền từ… chuột
Ở vùng ven biên giới An Phú (An Giang) mỗi mùa nước nổi đi qua là một mùa làm ăn từ nghề dỡ chà chuột. Nghề này tuy đơn giản nhưng cũng lắm công phu và đặc biệt góp phần tăng thu nhập cho người dân vùng lũ đầu nguồn sông Cửu Long. Trước đây, người dân vùng này thường chất chà bằng cây bắp, điên điển thì gần đây họ khẳng định chà bằng cây ớt là hiệu quả nhất. Anh Nguyễn Văn Phước (ở xã Phú Hữu, huyện An Phú) cho biết, để có được đống chà, anh thường tìm xin cây ớt cuối vụ của người dân trong vùng nhổ về phơi khô, chọn nơi cao ráo để chất thành đống dụ chuột vào trú ngụ.
Chiến lợi phẩm sau 1 buổi dỡ chà chuột.
Đống chà chuột thường có diện tích khoảng 20-30m2 và đặc biệt phải chất bằng cây ớt khô thì mới hiệu quả. Để có chuột, người chất chà thường dùng bắp, lúa rải quanh đống chà để chuột đến ăn sau đó vào đống chà trú ngụ, cứ khoảng 10 ngày thì dỡ bắt chuột một lần. Dụng dụ dỡ chà bắt chuột đơn giản chỉ gồm lưới, gọng, lọp, được anh Phước và con trai chuẩn bị kỹ trước khi ra đồng dỡ chà. Mùa dỡ chà kéo dài đến khi nước lũ lên tràn đồng. Chuột khi mang về nhà sẽ có thương lái đến tận nơi thu mua. Cứ mỗi mùa như vậy, người chất chà bắt chuột có thu nhập hàng chục triệu đồng.Chợ chuột Phù Dật (Châu Phú, An Giang) là một chợ khá nổi tiếng và thuộc vào dạng “có một không hai” ở miền Tây bởi chỉ chuyên bán chuột, sôi động nhất từ 5-9 giờ sáng. Những con chuột đồng được bắt từ nhiều nơi, cả từ nước bạn Campuchia, chở về đây rồi làm sạch ướp đá đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Bà Bùi Thị Nam (thương lái chuyên thu mua chuột ở chợ Phù Dật) cho biết, bà có hơn 20 năm mua bán chuột. “Bình quân mỗi ngày tôi mua gần 1 tấn chuột đồng, dịp cận Tết và qua Tết, số lượng sẽ còn tăng lên”- bà Nam nói.
Tại chợ chuột Phù Dật, khâu làm thịt chuột đa phần là phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi. Bà Cao Thị Thúy Hằng, người làm công lột da chuột, cho biết, vào mùa chuột rộ bình quân mỗi ngày bà làm khoảng 50-70 kg thịt chuột kiếm được từ 100.000–140.000 đồng. “Nhờ có chợ chuột này mà phụ nữ, người lớn tuổi có thêm việc làm có tiền trang trải cuộc sống”- bà Hằng nói.
Đa dạng món ăn từ chuột
Với cư dân miền Tây, con chuột đồng quá quen thuộc, nó gắn bó với biết bao thế hệ từ những ngày đầu khai hoang lập ấp. Cùng với đó, những con chuột đồng lúc đầu bắt về chỉ có nướng, khìa thì nay nó đã được “biến tấu” để trở thành đặc sản với nhiều kiểu chế biến khác nhau, có thể kể sơ qua: chiên, nướng, quay, xào, khìa.
Món chuột chiên vàng ươm rất hấp dẫn.
Chuột khi bắt về được làm sạch và tùy theo món mà có cách tẩm ướp gia vị khác nhau để chế biến. Như chuột nướng thì ướp tỏi sả, muối, bột ngọt, rồi thêm mật ong vào cho thơm. Ướp xong để chuột thấm gia vị thì đốt lửa than lên nướng. Chuột chín vàng được đem ra ăn kèm rau sống. Còn với món chuột khìa thì đơn giản hơn, chỉ cần chấy tỏi lên cho thơm rồi bỏ chuột làm sạch vào nêm thêm tí muối, bột ngọt, đường. Khi xào thịt chuột xăn lại thì cho nước dừa vào đốt lửa riu riu đến khi kẹo lại là được. Hay như món chuột đồng chiên sả chỉ cần làm chuột sạch ướp với sả ớt băm nhuyễn rồi thêm ít gia vị cho vừa ăn, đặc biệt phải ướp với nước mắm ngon đợi chuột thấm đều gia vị thì đem chiên trên lửa nhỏ đến khi chuột vàng ruộm mang ra ăn cùng với rau sống, cơm trắng.
Có thể nói, theo thời gian, chuột đồng không chỉ là món ăn dân dã của người dân miền Tây mà đã trở thành một trong những đặc sản nổi tiếng. Chỉ với con chuột đồng nhưng người miền Tây đã nghĩ ra rất nhiều món có thể kể thêm như chuột quay lu, chuột nấu canh chua... Những món ăn được chế biến từ chuột đồng đều rất ngon, đậm chất miền quê sông nước và cũng phảng phất đâu đó trong nó tính cách giản dị, mộc mạc, chân phương và phóng khoáng của người miền Tây.
BÀI, ẢNH: Bình Nguyên
Từ khóa » Chuột đồng ở Miền Tây
-
Săn Chuột đồng đúng điệu Miền Tây | VTC Now - YouTube
-
Thú Vị Nghề Bẫy Chuột đồng ở Miền Tây | THDT
-
Về Miền Tây Xem Cảnh Bắt Chuột đồng Cực Thú Vị - Vietnamnet
-
Đặc Sản Chuột đồng Miền Tây - Món ăn Nên Thử 1 Lần Trong đời
-
Đặc Sản Chuột đồng ở Miền Tây - Nên Thử Một Lần
-
Về Miền Tây Xem Cảnh Già, Trẻ Hò Reo Săn Chuột đồng Mùa Tết
-
Hai Món Nướng đậm Chất đồng Quê ở Miền Tây - VnExpress
-
Săn Chuột đồng ở Miền Tây Nam Bộ - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
-
Về Miền Tây Xem Chó Săn Chuột đồng Mùa Nước Nổi | Dulich24
-
Cảnh Bắt Chuột đồng Cực Thú Vị ở Miền Tây
-
Săn Chuột đồng ở Miền Tây Có Gì Thú Vị? - Báo Phụ Nữ
-
Săn Chuột đồng - Nghề “hốt Bạc” ở Miền Tây | VOV.VN
-
Mùa Săn Chuột đồng ở Miền Tây - Báo Bình Dương Online