Chụp Cắt Lớp Vi Tính (CT) Sọ Não
Tên kỹ thuật y tế: Chụp cắt lớp vi tính (CT) sọ não.
Bộ phận cơ thể/ Mẫu thử: đầu và mặt.
Tìm hiểu thêm
**Chụp CT sọ não là gì?
Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) sọ não dùng tia X để chụp hình ảnh đầu và mặt.
Trong lúc chụp, bạn sẽ nằm trên một bàn có gắn với máy chụp CT, một loại máy có dạng ống. Bạn sẽ đặt đầu vào trong máy chụp và máy sẽ rà tia X xuyên qua đầu. Mỗi góc chụp sẽ cho ra ảnh một lát cắt nhỏ ở đầu và mặt. Mỗi phần của máy chụp sẽ nghiêng về nhiều hướng để chụp được nhiều góc. Tất cả ảnh sẽ được lưu lại trên máy tính và cũng có thể được rửa ra.
Trong một số trường hợp, thuốc màu gọi là chất cản quang được tiêm vào trong tĩnh mạch ở tay hay vào cột sống. Chất cản quang sẽ giúp chụp CT các cấu trúc và cơ quan dễ dàng hơn trên ảnh. Chất cản quang còn được sử dụng để kiểm tra dòng lưu thông của máu và kiểm tra xem có khối u, vùng viêm nhiễm hay tổn thương về thần kinh hay không.
Chụp CT sọ não sẽ cung cấp thông tin về mắt, xương mặt, khoang chứa khí (xoang) trong xương gần mũi, và tai trong. Nếu những khu vực này cần lưu tâm, bạn nên thực hiện chụp CT.
Chụp CT sọ não được dùng để đánh giá các bệnh lý hay đau đầu.
Khi nào bạn nên thực hiện chụp CT sọ não?
Chụp CT sọ não được đề xuất thực hiện để giúp bác sĩ chẩn đoán hay theo dõi những bệnh lý sau đây:
- Dị tật bẩm sinh ở đầu hay não;
- Nhiễm trùng não;
- Khối u não;
- Tích tụ dịch lỏng trong não (não úng thuỷ);
- Chứng dính liền sớm khớp sọ;
- Tổn thương đầu hay mặt;
- Đột quỵ hay chảy máu não;
Chụp CT sọ não thực hiện để tìm ra nguyên nhân của:
- Những thay đổi trong cách suy nghĩ và hành vi;
- Ngất xỉu;
- Đau đầu, khi có những dấu hiệu và triệu chứng nhất định;
- Mất thính lực (ở vài bệnh nhân);
- Triệu chứng của tổn thương một phần não, như vấn đề về thị lực, giảm trương lực cơ, tê và ngứa ran, mất thính lực, gặp khó khăn trong việc giao tiếp hay các vấn đề về nuốt thức ăn.
Điều cần thận trọng
**Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện chụp CT sọ não?
Đôi khi kết quả CT sẽ khác với những loại chụp X-quang khác, chụp cộng hưởng từ (MRI) hay siêu âm vì chụp CT sẽ cung cấp một góc nhìn khác.
Ở trẻ em, quá trình thực hiện chụp CT cần được hướng dẫn kỹ lưỡng trước khi thực hiện. Nếu trẻ còn quá nhỏ hay sợ, bác sĩ sẽ cho trẻ uống thuốc an thần để giúp trẻ thư giãn. Nếu bác sĩ hẹn trẻ chụp CT, bạn có thể bàn với bác sĩ về những yêu cầu của việc chụp và nguy cơ bức xạ ảnh hưởng tới trẻ.
MRI có thể cho thêm thông tin sau khi chụp CT đầu và mặt.
Trước khi tiến hành kỹ thuật y tế này, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Quy trình thực hiện
**Bạn nên làm gì trước khi thực hiện chụp CT sọ não?
Phải báo với bác sĩ nếu bạn đang mang thai. Phụ nữ mang thai không được phép chụp bất cứ phương pháp chụp X-quang nào.
Nếu bạn nặng hơn 136kg, phải kiểm tra giới hạn cân nặng của máy chụp.
Bạn nên mặc quần áo rộng, thoải mái để thực hiện thủ thuật.
Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn gỡ bỏ trang sức và mặc trang phục y tế trong khi chụp.
Nếu bác sĩ sử dụng chất cản quang, bạn cần lưu ý một số điều. Ví dụ, những người sử dụng thuốc tiểu đường chứa metformin (Glucophage) sẽ được áp dụng những phương pháp đo đặc biệt. Và báo với bác sĩ nếu bạn phản ứng dị ứng với chất cản quang.
Bạn cũng nên báo với bác sĩ về tiền sử bệnh tim mạch, bệnh thận, hen suyễn, tiểu đường, hay bệnh lý tuyến giáp của bạn. Bất kì rối loạn nào kể trên cũng có thể tăng nguy cơ gặp những tác dụng phụ hiếm gặp của thủ thuật này.
Bạn cũng có thể sẽ được dặn nhịn ăn hoặc uống vài giờ trước khi chụp CT với thuốc cản quang.
Quy trình thực hiện chụp CT sọ não là gì?
Kỹ thuật viên X-quang sẽ thực hiện việc chụp CT. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ xem xét những bức hình chụp và viết báo cáo. Những bác sĩ khác sẽ sử dụng kết quả chụp CT.
Bạn cần gỡ bỏ trang sức, mắt kính, và những dụng cụ trợ thính. Mặc đồ thoải mái và rộng.
Trong lúc chụp, bạn sẽ nằm trên bàn có gắn với máy chụp CT. Đai băng sẽ giữ yên đầu đúng vị trí, nhưng sẽ không che mặt.
Bàn sẽ chạy vào vòm tròn của máy chụp, và máy sẽ di chuyển khắp cơ thể. Bàn sẽ di chuyển khi máy chụp chụp ảnh lại. Bạn có thể nghe âm thanh khi bàn và máy chụp di chuyển.
Bạn cần phải nằm yên trong lúc chụp CT. Thậm chí một chuyển động nhỏ cũng có thể làm mờ hình ảnh trên CT. Nếu cần thiết, bác sĩ của bạn có thể đề nghị thuốc an thần để giữ cho cơ thể bạn bất động. Nếu bạn cảm thấy căng thẳng hay bị hội chứng sợ khoảng hẹp, bác sĩ có thể dùng thuốc an thần để giúp bạn bình tĩnh trong quá trình thực hiện thủ thuật.
Trong một số trường hợp, bạn có thể sẽ được yêu cầu nín thở trong một khoảng ngắn.
Những tia X từ máy chụp sẽ xoay xung quanh đầu bạn, tạo ra một chuỗi những hình ảnh của đầu bạn từ nhiều góc và vị trí khác nhau. Mỗi góc chụp được gọi là một “mặt cắt”.
Trong lúc chụp, bạn sẽ ở một mình trong phòng. Nhưng kỹ thuật viên sẽ quan sát bạn qua một cửa sổ. Bạn sẽ giao tiếp với kỹ thuật viên thông qua một hệ thống liên lạc hai chiều với tai nghe và loa.
Quá trình chụp sẽ kéo dài từ 30 – 60 phút. Giai đoạn chuẩn bị cho bài chụp sẽ chiếm gần hết thời gian, còn quá trình chụp thực sự chỉ mất vài giây.
Những hình ảnh của bạn có thể được hiện lên ngay lập tức trên màn hình vi tính, được đọc và in ra. Dựng lại các mặt cắt có thể tạo ra những hình ảnh ba chiều.
Bạn nên làm gì sau khi chụp CT sọ não?
Bạn có thể quay trở về cuộc sồng thường nhật. Những xét nghiệm theo dõi khác sẽ cần thiết, và bác sĩ sẽ giải thích cặn kẽ nguyên nhân cũng như thực hiện thăm khám bổ sung khác.
Nếu được sử dụng thuốc cản quang, bạn nên uống nhiều nước để tránh mất nước cũng như thải thuốc khỏi cơ thể bạn.
Có thể bạn sẽ có máu bầm tại vùng tiêm thuốc cản quang, điều này là vô hại và sẽ tự khỏi. Nếu khối máu tụ lớn và gây khó chịu, bạn có thể đắp lạnh trước và 24 giờ sau đó đắp bằng gạc ấm, ẩm để giúp làm tan cục máu đông.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về quy trình thực hiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.
Hướng dẫn đọc kết quả
**Kết quả của bạn có ý nghĩa gì?
Thông thường, kết quả sẽ có trong 1 – 2 ngày.
Kết quả bình thường
- Não và mạch máu và xương não và mặt bình thường về kích thước, hình dáng và vị trí.
- Không có vật ngoại vi hay sự phát triển di căn nào.
- Không bị chảy máu hay tích tụ chất lỏng.
Kết quả bất thường
- Sự phát triển di căn, như khối u, hay chảy máu ở trong hay quanh não. Những vật lạ, như mảnh kiếng hay mảnh kim loại, xuất hiện trong não. Xương não hay mặt bị gãy (biến dạng) hay không bình thường. Dây thần kinh dẫn tới não hay từ não đi ra bị tổn thương.
- Tìm thấy dịch lỏng tích tụ, đồng nghĩa với việc chảy máu trong hay quanh não.
- Phình mạch máu não.
- Một khu vực quanh não bị sung (phù) hay những thay đổi nào đó dẫn tới đột quỵ.
- Xoang bị lấp đầy dịch lỏng hay có thành xoang dày.
Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.
Tác giả: Ban biên tập HelloBACSI - Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư.Nguồn: Hello Bác sĩ
Từ khóa » Chụp Sọ Não
-
Chụp CT Sọ Não: Những điều Cần Biết | Vinmec
-
Chụp Cộng Từ Sọ Não Cho Biết Những Gì? | Vinmec
-
Khi Nào Cần Chụp CT Sọ Não Và Có Những Cách Chụp Nào? | Medlatec
-
Chụp CT Sọ Não - Kỹ Thuật Hiện đại Phát Hiện Nhanh, Chính Xác Bất ...
-
Chụp CT đầu: Những điều Bạn Cần Biết Về CT Sọ Não
-
Chụp Cộng Hưởng Từ Não: Tìm Hiểu Về Chụp MRI Sọ Não
-
Bệnh Nhân được Chỉ định Chụp CT Sọ Não Khi Nào? | TCI Hospital
-
Chụp CT Sọ Não: Ưu, Nhược điểm Và Cách Tiến Hành | TCI Hospital
-
Sự Khác Nhau Giữa Chỉ định MRI Và CLVT Sọ Não - ISofHcare
-
Chụp Cắt Lớp Vi Tính (CT) - Rối Loạn Thần Kinh - Cẩm Nang MSD
-
[PDF] CHỤP CLVT SỌ NÃO KHÔNG TIÊM THUỐC ĐỐI QUANG
-
QUY TRÌNH THỰC HIỆN CHỤP CT SỌ NÃO
-
Chấn Thương Sọ Não ở Trẻ Em - Bệnh Viện Hồng Ngọc