Chụp Cộng Hưởng Từ MRI - Trung Tâm Xét Nghiệm Ihope

Chụp cộng hưởng từ MRI là gì?

Chụp cộng hưởng từ hay MRI (magnetic resonance imaging) là một kỹ thuật chuẩn đoán bằng hình ảnh giúp bác sĩ nhìn thấy được bên trong cơ thể để kiểm tra một số bệnh hoặc tình trạng bất thường. Chụp MRI không dựa vào các loại bức xạ để tạo ra hình ảnh như X-quang hay chụp cắt lớp (CT) mà sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết về cấu trúc bên trong cơ thể.

MRI được sử dụng để làm gì?

MRI được sử dụng để chẩn đoán các vấn đề tiềm ẩn hoặc các tình trạng bất thường liên quan đến nhiều bộ phần khác nhau trong cơ thể. Kỹ thuật MRI tạo ra hình ảnh cho thấy sự khác biệt giữa các mô khỏe mạnh hoặc bất thường. Tùy thuộc vào các triệu chứng, MRI sẽ quét một phần cơ thể để chẩn đoán các vấn đề như sau:

  • Khối u
  • Tổn thương tim
  • Tổn thương phổi
  • Vấn đề với mắt hoặc tai
  • Chấn thương trong thể thao
  • Vấn đề với cột sống bao gồm đĩa đệm hoặc các khối u
  • Vấn đề với tĩnh mạch hoặc động mạch
  • Bất thường não như khối u và chứng sa sút trí tuệ
  • Vấn đề về bụng hoặc đường tiêu hóa
  • Bệnh và tình trạng về xương
  • Vấn đề về xương chậu (phụ nữ) hoặc vấn đề về tuyến tiền liệt (nam giới)

Chụp MRI có an toàn không?

Hằng năm, có khoảng 10 triệu bệnh nhân sử dụng kỹ thuật chụp MRI để chẩn đoán bởi vì tính an toàn và không gây bất kỳ tổn thương nào trên cơ thể.

Quá trình chụp MRI không gây đau đớn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là nằm yên hoàn toàn trong một khoảng thời gian vì bất kỳ chuyển động nào cũng có thể dẫn đến hình ảnh bị mờ. Thông thường, quá trình quét kéo dài từ 15 phút đến một giờ tùy thuộc vào cơ quan cần chụp. Tiếng ồn lớn sẽ phát ra từ máy quét, điều này là hoàn toàn bình thường.

Từ trường mạnh mẽ của hệ thống MRI sẽ hút bất kỳ vật thể chứa sắt nào trong cơ thể chẳng hạn như thiết bị cấy ghép y tế, một số kẹp túi phình động mạch hoặc một số máy bơm thuốc,… Do đó, MRI không được thực hiện trên bệnh nhân có sử dụng thiết bị hoặc dụng cụ cấy ghép không được chấp nhận. Ví dụ, kiểm tra MRI không thể thực hiện nếu có kẹp phình động mạch bằng sắt vì có nguy cơ kẹp này di chuyển và gây tổn hại nghiêm trọng cho bệnh nhân. Trong một số trường hợp, một số thiết bị cấy ghép y tế nhất định có thể nóng lên trong quá trình kiểm tra MRI do sử dụng năng lượng tần số vô tuyến. Thiết bị cấy ghép nóng lên có thể dẫn đến chấn thương cho bệnh nhân. Từ trường mạnh của hệ thống cũng có thể làm hỏng máy trợ thính bên ngoài hoặc khiến máy tạo nhịp tim, máy kích thích điện hoặc máy kích thích thần kinh hoạt động sai hoặc gây thương tích. Vì vậy, bệnh nhân cần phải thông báo cho kỹ thuật viên MRI về bất kỳ thiết bị cấy ghép hoặc vật thể nào bên trong cơ thể trước khi bước vào phòng máy quét MRI.

Một số bệnh nhân có thể cần hỗ trợ chất cản quang (gọi là gadolinium) tiêm vào tĩnh mạch để làm một số mô và mạch máu dễ nhìn thấy hơn. Không giống như các chất cản quang được sử dụng trong chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp (CT), gadolinium không chứa i-ốt. Do đó, hiếm khi gadolinium gây ra dị ứng hoặc các vấn đề khác. Tuy nhiên, nếu có tiền sử bệnh thận, suy thận, ghép thận, bệnh gan hoặc các tình trạng khác, cần phải thông báo cho kỹ thuật viên MRI hoặc bác sĩ trước khi tiêm gadolinium.

Rất hiếm khi bệnh nhân gặp phải các phản ứng phụ khi chụp MRI. Tuy nhiên, thuốc cản quang có thể gây buồn nôn, nhức đầu và đau hoặc bỏng rát tại điểm tiêm ở một số người. Dị ứng với chất cản quang cũng hiếm khi xảy ra nhưng có thể gây phát ban hoặc ngứa mắt. Bệnh nhân cần báo cho kỹ thuật viên nếu có bất kỳ phản ứng phụ nào xảy ra.

Những người bị chứng sợ ngột ngạt sẽ cảm thấy không thoải mái khi ở trong không gian kín, hãy nói với bắc sĩ để được hỗ trợ thuốc khi cần thiết.

Cho đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy MRI ảnh hưởng đế thai nhi. Tuy nhiên người ta khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tránh chụp MRI, đặc biệt trong 3 tháng tháng đầu của thai kỳ khi các cơ quan của thai nhi đang được hình thành.

Những lưu ý khi chụp MRI

Trước khi chụp

Nói cho bác sĩ biết về tình trạng sức khỏe hiện tại, đặc biệt đối với các bệnh nhân có vấn đề ở gan hoặc thận (đang lọc thận hay cần ghép gan hoặc thận), bị ứng với thuốc hoặc chất cản quang, đã từng phẫu thuật trước đây, đang mang thai hoặc có thể đang mang thai.

Nếu có kim loại bên trong cơ thể, có thể bệnh nhân sẽ không được chụp MRI. Thảo luận điều này với bác sĩ trước khi lên lịch chụp MRI nếu bệnh nhân có sử dụng các thiết bị sau:

  • Máy trợ thính
  • Máy tạo nhịp tim
  • Tấm kim loại, vít hoặc thanh
  • Van tim nhân tạo
  • Vòng tránh thai (IUD)
  • Một máy cấy bơm thuốc
  • Khớp nhân tạo
  • Trám răng hoặc niềng răng
  • Làm việc trong ngành công nghiệp gia công kim loại (và có thể bị bụi kim loại bay vào mắt)
  • Hình xăm

Tương tự, bệnh nhân sẽ không được phép đeo bất cứ thứ gì bằng kim loại trong quá trình chụp MRI. Vì vậy hãy để đồng hồ, đồ trang sức hoặc bất cứ thứ gì làm từ kim loại ở nhà. Ngay cả một số loại mỹ phẩm cũng chứa một lượng nhỏ kim loại, vì vậy không nên trang điểm trước khi chụp MRI.

Bệnh nhân đôi khi sẽ được tiêm chất cản quang vào tĩnh mạch để cải thiện khả năng hiển thị của một mô cụ thể có liên quan đến quá trình quét.

Nút tai hoặc tai nghe sẽ được cung cấp để chặn tiếng ồn lớn của máy quét.

Trong khi chụp MRI

Khi ở trong máy quét, kỹ thuật viên MRI sẽ hỏi thăm bệnh nhân qua hệ thống liên lạc nội bộ để đảm bảo rằng họ cảm thấy thoải mái. Kỹ thuật viên sẽ không bắt đầu quét cho đến khi bệnh nhân sẵn sàng.

Bệnh nhân sẽ nghe thấy tiếng vỗ hay tiếng gõ rất lớn. Thời gian ở giữa những lần chụp thường yên lặng. Trong khoảng thời gian yên lặng này, bệnh nhân có thể nói chuyện với chuyên viên qua hệ thống liên lạc.

Trong quá trình quét, điều quan trọng là phải giữ yên. Bất kỳ chuyển động nào cũng sẽ làm gảnh hưởng đến kết quả.

Bệnh nhân có thể cảm thấy cơ thể co giật. Điều này là bình thường và không có gì phải lo lắng. Chúng xảy ra khi MRI kích thích các dây thần kinh trong cơ thể.

Nếu cảm thấy không thoải mái trong quá trình chụp, bệnh nhân có thể nói chuyện với kỹ thuật viên MRI qua hệ thống liên lạc và yêu cầu dừng quá trình quét.

Sau khi chụp

Sau khi chụp hình, bác sĩ sẽ xem lại các hình ảnh để kiểm tra xem có cần thêm bất kỳ hình ảnh nào không. Bệnh nhân được yêu cầu chụp thêm nếu cần thiết.

Đối với trường hợp tiêm thuốc cản quang, bệnh nhân sẽ được theo dõi trong 15 phút để xem các triệu chứng bất kỳ nếu có. Sau đó, họ có thể trở về sinh hoạt như bình thường.

Câu hỏi khi gặp bác sĩ

  • Tại sao cần chụp MRI?
  • Chụp MRI sẽ mất bao lâu?
  • Có nên nhịn ăn trước khi chụp MRI không?
  • Kỹ thuật viên MRI có sử dụng chất cản quang không?
  • Tôi có bọc răng bằng kim loại. Tôi có thể chụp MRI không?
  • Có thể chụp MRI nếu đang mang thai hay cho con bú không?
  • Khi nào có kết quả?
  • Bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm của tôi ngay cả khi bình thường chứ?
  • Tôi sợ ở một mình. Tôi có thể chụp MRI không?
  • Có cần thuốc an thần trước khi chụp MRI không?
  • MRI có làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư không?

Lời kết

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một xét nghiệm hình ảnh rất hữu ích và an toàn, do đó phương pháp này được sử dụng rộng rãi trong các cơ sở y tế. Nếu có bất kỳ băn khoăn hay thắc mắc nào trước khi thực hiện chụp MRI, hãy trao đổi thông tin đầy đủ với bác sĩ.

References

  1. International Society for Magnetic Resonance in Medicine. Information for Patients. Retrieved March 11, 2021 from https://www.ismrm.org/resources/information-for-patients/
  2. Food and Drug Administration. MRI (Magnetic Resonance Imaging). Retrieved March 11, 2021 from https://www.fda.gov/radiation-emitting-products/medical-imaging/mri-magnetic-resonance-imaging/
  3. American Academy of Family Physicians. Magnetic Resonance Imaging (MRI). Retrieved March 11, 2021 from https://familydoctor.org/magnetic-resonance-imaging-mri/
  4. U.S National Library of Medicine. MRI Scans. Retrieved March 11, 2021 from https://medlineplus.gov/mriscans.html
  5. National Institute of Biomedical Imaging and Bioengineering. Magnetic Resonance Imaging (MRI). Retrieved March 11, 2021 from https://www.nibib.nih.gov/science-education/science-topics/magnetic-resonance-imaging-mri
  6. National Health Service. MRI scan. Retrieved March 11, 2021 from https://www.nhs.uk/conditions/mri-scan/
  7. Mayo CLinic. MRI. Retrieved March 11, 2021 from https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/mri/about/pac-20384768
  8. RadiologyInfo. Magnetic Resonance Imaging (MRI) Safety. Retrieved March 11, 2021 from https://www.radiologyinfo.org/en/info/safety-mr

Từ khóa » Mri Scan Là Gì