Chụp Cộng Hưởng Từ (MRI): Ưu Nhược điểm, Lưu ý Khi Nào Cần Chụp

1. Chụp cộng hưởng từ MRI là gì?

Máy chụp MRI 1.5 Tesla

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn được sử dụng để phát hiện, chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh. Chụp MRI khác chụp cắt lớp vi tính (CT) ở chỗ MRI không sử dụng tia X mà sử dụng sóng vô tuyến và từ trường. Máy MRI được hình dung như một khối nam châm lớn.

MRI đặc biệt hiệu quả để kiểm tra hình ảnh các mô mềm và bộ phận không có xương. MRI có thể được sử dụng để chụp sọ não; cột sống các đoạn: cổ, ngực, thắt lưng và toàn bộ cột sống; bụng; vùng chậu; các loại mạch máu; vú; các khớp, xương và mô mềm chi trên, chi dưới.

Trong chấn thương đầu gối và vai, MRI cung cấp hình ảnh về cơ, dây chằng và gân rõ ràng hơn nhiều so với chụp X-quang và CT thông thường.

Trong não, MRI có thể phân biệt giữa chất trắng và chất xám, vượt trội hơn hẳn so với CT trong việc chẩn đoán các tổn thương có kích thước nhỏ, như tổn thương xơ hóa rải rác trong não, tình trạng phình động mạch hay khối u não.

2. Khi nào cần chụp cộng hưởng từ MRI?

MRI tạo ra hình ảnh có độ phân giải cao, thường được chỉ định trong chẩn đoán nhiều vấn đề như:

- MRI não chẩn đoán nguy cơ đột quỵ và các bệnh lý như: phình mạch máu não, các vấn đề về mắt và tai trong, bệnh đa xơ cứng, u não, rối loạn tủy sống, chấn thương đầu.

- MRI tim và mạch máu đánh giá: kích thước và chức năng buồng tim, độ dày thành tim, mức độ tổn thương do đau tim hoặc bệnh tim, viêm màng ngoài tim, cấu trúc động mạch chủ, viêm hoặc tắc nghẽn mạch máu.

- MRI các cơ quan để kiểm tra khối u hoặc bất thường khác: gan và đường mật, thận, lách, tuyến tụy, tử cung, buồng trứng, tuyến tiền liệt.

- MRI xương khớp đánh giá: các bất thường khớp do chấn thương, bất thường đĩa đệm, viêm khớp, nhiễm trùng xương, khối u, đau cổ hoặc thắt lưng với các dấu hiệu thần kinh.

- MRI vú được sử dụng để tầm soát ung thư vú ở những người có nguy cơ cao, đánh giá mức độ khối u và di căn, kiểm tra hiệu quả điều trị ung thư vú.

3. Ưu và nhược điểm của chụp cộng hưởng từ MRI?

a. Ưu điểm của chụp MRI

- Tạo ra hình ảnh có độ phân giải cao, rõ ràng, dễ đọc, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng bên trong cơ thể.

- Sử dụng thay thế khi bệnh nhân có chống chỉ đỉnh với chụp CT có cản quang.

- Chụp dựng hình mạch máu không cần sử dụng thuốc tương phản.

- MRI không sử dụng tia bức xạ, rủi ro xảy ra khi chụp MRI là cực kì hiếm. Do đó, MRI được lựa chọn khi cần chụp thường xuyên để chẩn đoán hoặc điều trị, đặc biệt là bệnh lý não. MRI cũng có thể chụp cho cả phụ nữ mang thai từ tuần 13 trở đi.

- MRI có nhiều góc chụp (cắt ngang, đứng dọc và đứng ngang)..

b. Nhược điểm của chụp MRI

- Thời gian chụp MRI lâu hơn CT, không thích hợp sử dụng cho trường hợp khẩn cấp.

- MRI có các loại xảo ảnh. Vài trường hợp vì tính an toàn không thể chụp MRI, ví dụ đặt máy tạo nhịp tim.

- MRI gây ra phản ứng với kim loại, vì vậy những người cấp phép kim loại trong cơ thể không thể chụp MRI.

- Máy MRI phát ra tiếng ồn lớn.

- Chi phí chụp MRI khá cao.

4. Chụp cộng hưởng từ diễn ra như thế nào?

Hình ảnh chụp MRI não

Trước khi chụp MRI, bệnh nhân cần làm bảng kiểm tra thông tin về bệnh lý đang mắc, các thiết bị cấy ghép trong cơ thể, tiền sử dị ứng, đang mang thai hoặc cho con bú. Trước khi vào phòng chụp MRI, cần thay đồ và tháo tất cả các đồ vật có thể gây ra phản ứng từ trường như: đồ trang sức, kẹp tóc, tóc giả, đồng hồ, kính mắt kim loại, răng giả, máy trợ thính, áo lót có gọng, điện thoại, chìa khóa… và các thiết bị cá nhân khác.

Khi chụp MRI có thể sử dụng thuốc tương phản từ hoặc không. Thuốc tương phản từ sử dụng trong MRI thường là gadolinium để tăng liên kết với từ trường nhằm tạo ra hình ảnh rõ nét hơn. Thuốc tương phản từ sẽ được tiêm vào tĩnh mạch ở khuỷu tay hoặc bàn tay.

Bệnh nhân nằm vào bên trong máy MRI, đeo thiết bị bảo vệ tai, có thể buộc đai cố định cơ thể trong quá trình chụp để tránh làm mờ hình ảnh. Quá trình này diễn ra trong 15-45 phút tùy thuộc vào kỹ thuật và đối tượng chụp.

Thông thường bệnh nhân có thể tiếp tục hoạt động bình thường ngay sau khi chụp MRI xong.

5. Lưu ý khi chụp cộng hưởng từ MRI?

Kỹ thuật MRI sử dụng một từ trường rất mạnh do đó nó sẽ tác động lên các vật thể bằng sắt, một số loại thép và vật thể nhiễm từ khác, có thể làm biến dạng hình ảnh MRI. Những người cấy ghép thiết bị trong cơ thể, đặc biệt là những thiết bị có chứa sắt cần báo cho nhân viên y tế trước khi vào chụp. Ví dụ như: máy tạo nhịp tim nhân tạo, máy kích thích thần kinh phế vị, máy bơm thuốc, cấy ghép ốc tai điện tử, vật kim loại nội sọ, kẹp kim loại, các bộ phận kim loại như khớp giả, nẹp xương, đinh nội tủy, dụng cụ kim loại trong can thiệp mạch máu, mảnh đạn bom hoặc bất kỳ mảnh kim loại nào khác trong cơ thể…

Máy chụp MRI phát ra tiếng ồn (như tiếng lách cách, tiếng bíp) với cường độ âm thanh cao. Một số máy quét MRI có thể cần sử dụng thiết bị bảo vệ tai đặc biệt. Máy MRI có thể gây kích thích thần kinh, tạo cảm giác rung hoặc co giật nhẹ. Đây là hiện tượng bình thường không cần lo lắng.

Thuốc tương phản từ hiếm khi gây phản ứng dị ứng, nhưng bệnh nhân thận nặng, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cần thông báo cho bác sĩ trước khi thực hiện kỹ thuật này.

Phụ nữ mang thai ba tháng đầu, trừ khi thật sự cần thiết, nếu không nên tránh chụp MRI để đề phòng.

Những người bị hội chứng sợ không gian kín (claustrophobia) có thể cảm thấy khó chịu khi phải nằm lâu trong máy MRI. Trước khi chụp nên trao đổi với bác sĩ để có biện pháp nhằm làm giảm căng thẳng lo lắng.

Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 sử dụng máy chụp cộng hưởng từ MRI 1.5 Tesla. Đây là máy chụp MRI thế hệ mới, có nhiều ưu điểm vượt trội hơn các loại máy trước, tạo ra vùng từ trường mạnh, rút ngắn thời gian chụp, giảm tiếng ồn. Máy MRI 1.5 Tesla cung cấp hình ảnh rõ nét, phát hiện các tổn thương có kích thước nhỏ và các tổn thương ở vị trí khuất mà các phương pháp khác không thực hiện được, hỗ trợ tối đa cho bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

BS CKI TRẦN THỊ LOAN

Từ khóa » Chi Phí Chụp Mri Mạch Máu Não