Chụp Cộng Hưởng Từ ổ Bụng Là Gì, Thực Hiện Ra Sao? | TCI Hospital

Chụp cộng hưởng từ ổ bụng là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại giúp phát hiện các tổn thương và nhiều bệnh lý trong ổ bụng. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về phương pháp này trong bài viết dưới đây.

Menu xem nhanh:

Toggle
  • 1. Khái niệm chụp cộng hưởng từ ổ bụng
    • 1.1. Chụp cộng hưởng từ là gì?
    • 1.2. Chụp cộng hưởng từ ổ bụng là thế nào?
  • 2. Các trường hợp chỉ định chụp MRI ổ bụng
    • 2.1. Lách
    • 2.2. Tuyến tụy
    • 2.3. Thận, niệu quản, sau phúc mạc
    • 2.4. Đường mật và túi mật
    • 2.5. Phúc mạc và ống tiêu hóa
  • 3. Các trường hợp chống chỉ định chụp MRI ổ bụng
    • 3.1. Chống chỉ định tuyệt đối
    • 3.2. Chống chỉ định tương đối
  • 4. Nên đi chụp MRI ổ bụng khi có triệu chứng gì?
  • 5. Quy trình chụp MRI ổ bụng
    • 5.1. Trước khi chụp
    • 5.2. Thực hiện chụp cộng hưởng từ ổ bụng
    • 5.3. Sau khi chụp

1. Khái niệm chụp cộng hưởng từ ổ bụng

1.1. Chụp cộng hưởng từ là gì?

Chụp cộng hưởng từ được viết tắt là MRI (Magnetic Resonance Imaging) là một kỹ thuật chẩn đoán giúp tạo ra hình ảnh giải phẫu của cơ thể nhờ sử dụng từ trường và sóng radio. Phương pháp này không sử dụng các tia bức xạ nên rất an toàn và không hề ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ có độ tương phản cao, rõ ràng sắc nét và vô cùng chi tiết, kỹ thuật này còn có khả năng tái tạo 3D mang lại hiệu quả chẩn đoán tốt hơn so với chụp x quang hay siêu âm thông thường.

Chụp cộng hưởng từ ổ bụng sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh giải phẫu của cơ thể.

Chụp MRI sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh giải phẫu của cơ thể.

1.2. Chụp cộng hưởng từ ổ bụng là thế nào?

Chụp cộng hưởng từ ổ bụng là phương pháp thu nhận các tín hiệu từ các cơ quan cần kiểm tra trong ổ bụng dựa trên hiện tượng vật lý cộng hưởng từ hạt nhân. Cụ thể, dưới tác động của từ trường và sóng radio, các nguyên tử hydrogen bên trong cơ thể sẽ hấp thụ và giải phóng năng lượng để chuyển đổi thành dạng hình ảnh.

Chụp MRI ổ bụng có thể giúp khảo sát được hầu hết các tạng trong ổ bụng, bao gồm thận, lách, tụy, đường mật. Riêng gan là cơ quan có một cấu trúc đặc biệt nên cần được chụp cộng hưởng từ theo một quy trình khác.

2. Các trường hợp chỉ định chụp MRI ổ bụng

Chụp MRI ổ bụng thường được chỉ định để chẩn đoán và theo dõi những bệnh lý liên quan đến các cơ quan sau:

2.1. Lách

– Phát hiện, đặc trưng hóa các bất thường lan tỏa ở lách

– Đánh giá các mô nghi ngờ lách phụ

2.2. Tuyến tụy

– Phát hiện các khối u tụy

– Phát hiện các bất thường trong ống tụy

– Đánh giá tình trạng giãn hoặc tắc ống tụy

– Đánh giá tình trạng rò dịch, tụ dịch trong và quanh tụy

– Đánh giá viêm tụy cấp hoặc mạn tính

– Đánh giá viêm tụy biến chứng

– Đánh giá trước khi phẫu thuật u tụy

– Theo dõi sau khi phẫu thuật hoặc điều trị tụy

2.3. Thận, niệu quản, sau phúc mạc

– Phát hiện các khối u ở thận

– Phát hiện các khối u tuyến thượng thận

– Đánh giá trước phẫu thuật u thận

– Đánh giá tình trạng xơ hóa sau phúc mạc

– Đánh giá các bất thường ở niệu quản

– Đánh giá sinh lý hoặc các bất thường giải phẫu đường niệu

– Theo dõi sau phẫu thuật hoặc sau khi can thiệp phá hủy u thận

2.4. Đường mật và túi mật

– Đánh giá tình trạng giãn đường mật

– Phát hiện sỏi ở đường mật hoặc túi mật

– Theo dõi và phát hiện sau điều trị đường mật, ung thư túi mật

– Đánh giá các giai đoạn ung thư đường mật trong gan trước phẫu thuật

– Đánh giá các trường hợp nghi ngờ bất thường bẩm sinh ở đường mật và túi mật

2.5. Phúc mạc và ống tiêu hóa

– Đánh giá trước phẫu thuật khối u dạ dày

– Đánh giá các giai đoạn ung thư biểu mô trực tràng

– Đánh giá các rối loạn viêm ruột non, mạc treo ruột, đại tràng

– Đánh giá tình trạng đau bụng cấp ở phụ nữ có thai

– Phát hiện và đặc trưng hóa ổ tụ dịch trong ổ bụng

– Phát hiện và đánh giá khối u nguyên phát, mạc treo hay di căn phúc mạc

Ngoài những trường hợp chỉ định trên đây, chụp MRI ổ bụng còn có thể được chỉ định khi:

– Theo dõi các bất thường trong ổ bụng

– Phát hiện các khối u tuyến thượng thận

– Phát hiện và đặc trưng hóa các khối u ngoài phúc mạc

3. Các trường hợp chống chỉ định chụp MRI ổ bụng

3.1. Chống chỉ định tuyệt đối

– Người bệnh mang các thiết bị điện tử trên cơ thể: máy điều hòa nhịp tim, máy chống rung, thiết bị bơm thuốc tự động dưới da,…

– Người bệnh sử dụng các kẹp phẫu thuật bằng kim loại nội sọ, hốc mắt, mạch máu dưới 6 tháng.

– Người bệnh nặng cần có thiết bị hồi sức bên người.

3.2. Chống chỉ định tương đối

– Người bệnh sử dụng kẹp phẫu thuật bằng kim loại trên 6 tháng.

– Người bệnh sợ bóng tối, sợ ở một mình trong không gian kín.

4. Nên đi chụp MRI ổ bụng khi có triệu chứng gì?

Người bệnh nên thực hiện chụp cộng hưởng từ vùng ổ bụng nếu phát hiện những triệu chứng sau:

– Đau bụng dữ dội hoặc âm ỉ, đau theo chu kỳ, đau lan dần ra sau lưng

– Khi đau bụng thấy da tái lạnh, niêm mạc nhợt nhạt, tiêu chảy, buồn nôn, chán ăn, vàng da, sốt, sụt cân,…

– Chướng bụng, đau khắp bụng hoặc đau vùng rốn khi ấn nhẹ

– Tiểu nhiều lần hoặc không đi tiểu được, nước tiểu sẫm màu, tiểu ra máu

– Mắc một số bệnh về gan như xơ gan, viêm gan siêu vi A, B, C, E, gan nhiễm mỡ,…

– Tay, chân, mặt có dấu hiệu sưng tấy, phù, ngứa do phát ban, tiết dịch

5. Quy trình chụp MRI ổ bụng

5.1. Trước khi chụp

Người bệnh cần tháo bỏ tất cả trang sức, vật dụng bằng kim loại đang đeo trên người (nhẫn, dây chuyền, máy trợ thính, răng giả, đồng hồ, kẹp tóc,…), nếu không kết quả chụp có thể bị ảnh hưởng.

Người bệnh cởi bỏ quần áo và thay trang phục mà bệnh viện chuẩn bị sẵn, đồng thời cất hết các thiết bị gắn từ như thẻ tín dụng, thẻ ATM, thẻ nhớ, chìa khóa từ, điện thoại di động,… để tránh bị mất dữ liệu khi chụp cộng hưởng từ.

Tháo bỏ trang sức và vật dụng bằng kim loại để tránh làm ảnh hưởng đến kết quả chụp cộng hưởng từ ổ bụng

Tháo bỏ trang sức và vật dụng bằng kim loại để tránh làm ảnh hưởng đến kết quả chụp MRI

5.2. Thực hiện chụp cộng hưởng từ ổ bụng

Khi bắt đầu chụp cộng hưởng, người bệnh sẽ nằm ngửa trên bàn kết nối với máy quét MRI. Đầu, ngực và cánh tay của người bệnh có thể được giữ cố định bằng dây đai, tránh cơ thể xê dịch khiến kết quả chụp thiếu chính xác.

Khi người bệnh nằm ổn định, bàn sẽ trượt vào không gian chứa nam châm để máy quét MRI có thể chụp lại hình ảnh của bộ phần cần kiểm tra ở nhiều góc khác nhau. Người bệnh có thể đeo tai nghe để tránh được tiếng ồn phát ra từ máy quét MRI.

Thời gian thực hiện chụp MRI ổ bụng có thể kéo dài từ 15-30 phút, người bệnh có thể được yêu cầu nín thở trong một khoảng thời gian ngắn để hình ảnh thu được rõ nét nhất.

Người bệnh có thể đeo tai nghe trong khi chụp cộng hưởng từ ổ bụng

Người bệnh có thể đeo tai nghe để tránh phải nghe tiếng ồn của máy quét MRI

5.3. Sau khi chụp

Sau khi kết thúc các thao tác chụp cộng hưởng từ, người bệnh có thể ngồi dậy, thay lại quần áo và thực hiện các hoạt động khác một cách bình thường.

Chụp cộng hưởng từ ổ bụng cho phép bác sĩ khảo sát được nhiều mặt cắt, mang lại những hình ảnh chi tiết, có độ phân giải cao và an toàn ngay cả với phụ nữ mang thai. Khi có nhu cầu thực hiện chụp MRI ổ bụng, bạn hãy lựa chọn một cơ sở y tế uy tín với đầy đủ máy móc hiện đại để có thể thu được kết quả chính xác nhất. Bạn cũng nên lưu ý thông báo trước cho bác sĩ nếu thuộc nhóm đối tượng chống chỉ định để có thể lựa chọn phương pháp thay thế an toàn hơn.

Từ khóa » Mri Tiếng Việt Là Gì