Chụp Cộng Hưởng Từ Sọ Não để Làm Gì? | TCI Hospital

Não là cơ quan quan trọng điều khiển nhiều hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên đây cũng là bộ phận dễ bị tổn thương, gây ra các bệnh lý về não. Hiện nay, chụp cộng hưởng từ sọ não là một kỹ thuật hiện đại giúp kiểm tra các tổn thương của não. 

Menu xem nhanh:

Toggle
  • 1. Chụp cộng hưởng từ não là gì?
    • 1.1 Ưu điểm và hạn chế
    • 1.2 Hoạt động của máy chup cộng hưởng từ
  • 2. Chụp cộng hưởng từ não có tác dụng gì?
  • 3. Khi nào nên chụp MRI sọ não?
    • 3.1 Các triệu chứng nên chụp cộng hưởng từ sọ não
    • 3.2 Các trường hợp bệnh lý cần chụp cộng hưởng từ sọ não

1. Chụp cộng hưởng từ não là gì?

Bộ não của con người được bao bọc bởi hộp sọ bên ngoài. Với cấu tạo là một hộp xương cứng, hộp sọ bảo vệ nhu mô não, giúp hạn chế các chấn thương. Tuy nhiên chính đặc điểm này lại cản trở việc nghiên cứu thăm dò các hoạt động và chức năng của não, đặc biệt là khi người bệnh gặp những tổn thương hay mắc các bệnh lý.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiến tiến, hiện đại, được áp dụng phổ biến trong việc chẩn đoán các bệnh lý thần kinh, não bộ. Trong đó, chụp MRI sọ não là phương pháp sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh chi tiết của não và thân não, giúp tìm kiếm các tổn thương ở vùng này. 

Chụp cộng hưởng từ sọ não có tác dụng gì?

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiến tiến, hiện đại, được áp dụng phổ biến trong việc chẩn đoán các bệnh lý thần kinh, não bộ.

1.1 Ưu điểm và hạn chế

– Không sử dụng bức xạ, không xâm lấn nên an toàn hơn so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp cắt lớp vi tính, X quang, chụp số hóa xóa nền… 

– Hình ảnh có độ sắc nét vượt trội, độ tương phản khi chụp mô mềm cao, mô tả giải phẫu chi tiết, nhạy cảm và cụ thể hơn với các bất thường trong não, đặc biệt là các phần che lấp bởi xương hộp sọ. Nhờ đó giúp đánh giá các bất thường của sọ não từ rất sớm mà các phương pháp khác không làm được.

– Có khả năng tái hiện hình ảnh 3 chiều.

– Giúp đánh giá được chức năng của não, chức năng vùng cảm giác, vùng vận động, phát hiện khối u, rối loạn trao đổi chất…

– Thường không phải dùng đến thuốc cản quang.

Tuy nhiên, trong những trường hợp cấp cứu, đặc biệt là chấn thương sọ não, ổ bụng thì chụp cắt lớp vi tính lại có ưu thế hơn. Bởi thời gian chụp nhanh hơn, không phụ thuộc vào chuyển động của bệnh nhân. Các bệnh nhân có kim loại, dụng cụ cấy ghép và đặc biệt các tổn thương có nhiều vôi, khí sẽ khó đánh giá trên cộng hưởng từ.

1.2 Hoạt động của máy chup cộng hưởng từ

Máy chụp cộng hưởng từ gồm một nam châm lớn và đường hầm ở trung tâm. Người bệnh khi chụp MRI sẽ nằm trên 1 mặt bàn chụp và được đưa vào đường hầm này. Khi sóng radio gặp các vị trí từ của các nguyên tử H+ trong cơ thể sẽ phát ra tín hiệu gửi đến một ăng-ten và máy tính. Hệ thống này thực hiện các phép tính để cho ra hình ảnh đen và trắng, tái hiện hình ảnh các mặt cắt ngang của sọ não. Sau đó, hình ảnh có thể được chuyển đổi thành dạng 3D. Điều này giúp xác định các bất thường ở sọ não một cách dễ dàng hơn.

2. Chụp cộng hưởng từ não có tác dụng gì?

Nhờ khả năng tái hiện hình ảnh một cách rõ nét và đa chiều, chụp cộng hưởng từ sọ não cho phép phát hiện rất nhiều tình trạng bệnh lý của não bộ, thần kinh. 

– Các bất thường về cấu trúc não: bao gồm các khối u, nang, tình trạng xuất huyết, phù nề, viêm, nhiễm trùng…ở não.

– Các bệnh lý về mạch máu não: phổ biến nhất là phình mạch, dị dạng mạch não, thông động tĩnh mạch, dị dạng tĩnh mạch, thông động mạch cảnh xoang hang… mà không cần thuốc cản quang.

– Các bệnh lý thân não, tuyến yên: nhờ khả năng tái hiện hình ảnh các thành phần nhu mô não vượt trội so với chụp cắt lớp vi tính, siêu âm hoặc X-quang thông thường.

– Các bệnh lý thần kinh mạn tính: điển hình là đau đầu kéo dài, yếu liệt cơ…

– Chấn thương sọ não: nhờ đánh giá tình trạng chảy máu ở các màng não.

– Đột quỵ: chụp cộng hưởng từ não cho phép phát hiện bệnh đột quỵ ngay từ giai đoạn sớm, tạo định hướng cho việc điều trị, tránh nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.

nên chụp cộng hưởng từ não khi gặp triệu chứng nào?

MRI não thường được chỉ định trong các trường hợp đau đầu kéo dài, nghi ngờ các tổn thương não.

3. Khi nào nên chụp MRI sọ não?

3.1 Các triệu chứng nên chụp cộng hưởng từ sọ não

Chụp MRI não thường được chỉ định để chẩn đoán trong các trường hợp người bệnh có các triệu chứng sau:

– Chóng mặt, không cải thiện trong thời gian dài

– Đau đầu kéo dài ở nhiều dạng và mức độ khác nhau, có thể là đau nửa đầu hoặc cả đầu, đau âm ỉ hoặc thành cơn…

– Suy nhớ suy giảm, tư duy kém, giảm khả năng tập trung, thường xuyên nhầm lẫn, hay quên…

– Mất ngủ thường xuyên, ngủ không sâu giấc, khó ngủ, hay thức giấc sớm sau đó không ngủ lại được…

– Các triệu chứng đột quỵ như: yếu, liệt nửa người, gặp khó khăn cầm nắm, khó vận động, rối loạn cảm giác, làm rơi thức đồ một cách vô thức…; thị lực giảm rõ rệt, đau một bên mắt, méo miệng hoặc mặt, khó nói hoặc khó nghe.

– Táo bón, cứng gáy, nôn, co giật, động kinh.

3.2 Các trường hợp bệnh lý cần chụp cộng hưởng từ sọ não

Một số bệnh lý có thể được phát hiện qua chụp cộng hưởng từ não dù chưa biểu hiện thành triệu chứng như:

– Chấn thương sọ não

– U dây thần kinh sọ não

– U não

– Tai biến mạch máu não, gồm nhồi máu não, xuất huyết não

– Viêm não, viêm màng não

– Dị dạng mạch máu não, xung đột thần kinh – mạch máu

– Dị tật bẩm sinh ở não như khuyết não, teo não….

– Xơ cứng rải rác

– Thoái hóa chất trắng

Ngoài ra, chụp MRI não có thể được dùng sau phẫu thuật để theo dõi quá trình phục hồi. 

Chụp MRI não giúp phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn

Thoái hóa chất trắng là một bệnh lý có thể được phát hiện qua chụp MRI não.

Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu thêm về kỹ thuật cộng hưởng từ sọ não. Phương pháp này có nhiều ưu điểm nhưng cũng có những chỉ định và chống chỉ định riêng. Người bệnh nên thăm khám để được các bác sĩ chỉ định chẩn đoán phù hợp. Đặc biệt, phối hợp và thực hiện theo hướng dẫn của kỹ thuật viên để quá trình chiếu chụp thuận lợi và cho kết quả chính xác nhất.

Từ khóa » Mri Sọ Nao