Chụp CT Toàn Thân được Thực Hiện Như Thế Nào, Có Thực Sự Cần Thiết?

1. Chụp CT toàn thân - ưu điểm và kỹ thuật thực hiện

1.1. Ưu điểm của Chụp CT toàn thân

Kể từ khi ra đời đến nay, bằng những tác động tích cực đối với y khoa, chụp CT đã trở thành một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại có ý nghĩa đặc biệt đối với phát hiện, chẩn đoán và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý của cơ thể. Vì thế, chụp CT toàn thân đã được đưa vào sử dụng, khẳng định được những ưu điểm nổi trội hơn nhiều so với các phương pháp khác:

chụp CT toàn thân

Bác sĩ hướng dẫn người bệnh các thao tác cần thiết trong quá trình chụp CT toàn thân

- Giúp rà soát, kiểm tra đặc điểm, cấu trúc của những cơ quan chính bên trong cơ thể từ đó phát hiện chính xác tổn thương, sự tồn tại hay tình trạng của khối u. Nhờ đó mà bác sĩ có cơ sở để chẩn đoán đúng bệnh, có hướng điều trị kịp thời hoặc ngăn chặn nguy cơ di căn.

- Phát hiện và sàng lọc ung thư từ giai đoạn sớm. Điều này có ý nghĩa đặc biệt nhất đối với việc điều trị, tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân ung thư.

- Không đòi hỏi quá nhiều từ người bệnh và cũng không gây cảm giác khó chịu cho họ trong quá trình chụp. Vì thế người bệnh cảm thấy yên tâm hơn trong quá trình chụp CT.

1.2. Kỹ thuật thực hiện

- Tư thế của người bệnh: bệnh nhân nằm ngửa, quay đầu về khung máy. Trường hợp chụp cắt lớp tầng sọ cần để xuôi tay theo chiều thân; nếu chụp tầng bụng - ngực thì tay đặt lên phía trên đầu để tránh xương cánh tay gây nhiễu ảnh.

- Kỹ thuật viên đặt kim luồn tĩnh mạch cho người bệnh. Hầu hết các trường hợp sẽ đặt kim ở chi trên, tĩnh mạch dưới đòn hoặc tĩnh mạch cảnh. Riêng đối với tổn thương tầng ngực thì tốt nhất nên đặt kim ở chi đối diện bên tổn thương.

- Thiết lập thông số cho máy: nhập đầy đủ thông tin người bệnh, chọn chương trình chụp cắt lớp với độ dày phù hợp cho từng bộ phận cần chụp.

chụp ct toàn thân

Lát cắt phim chụp CT não cho người bệnh

- Thực hiện chụp: lát cắt đặt theo 2 mặt phẳng đứng dọc và đứng ngang. Trước khi tiêm thuốc chụp liên tục ở tiểu khung trước, bụng, cổ, ngực. Sau khi tiêm thuốc thì chụp ở động mạch và tĩnh mạch.

- Tái tạo cấu trúc và dựng ảnh: ảnh cần được tái tạo theo mặt đứng dọc và ngang với độ dày 1.5 - 3mm. Tùy theo chỉ định và tổn thương mà dựng ảnh 3D theo đúng yêu cầu.

- Sau khi chụp cần theo dõi bệnh nhân: dán chặt bông tại vị trí vừa rút kim để tránh tình trạng chảy máu, theo dõi phản ứng dị ứng ở người bệnh.

2. Những vấn đề cần lưu ý

Hiện nay ở nước ta dịch vụ chăm sóc sức khỏe cao cấp ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Cũng bởi vậy mà không ít người đã thần thánh hóa tác dụng, lạm dụng chụp CT toàn thân, xem nó như một phương tiện có khả năng tầm soát các bệnh lý ung thư hữu hiệu. Đây là cách làm và quan niệm hoàn toàn sai lầm.

Bên cạnh những ưu điểm không thể phủ nhận, chụp CT cắt lớp toàn thân cũng tồn tại những hạn chế nhất định:

- Có thể dương tính/âm tính giả do sự cố kỹ thuật. Điển hình trong đó phải tính đến trường hợp chụp CT không thể có tác dụng đối với các mô mềm nên nếu muốn tầm soát một số bệnh như ung thư vú thì không được. Điều này có nghĩa là vẫn có nguy cơ người có bệnh nhưng không phát hiện được bệnh.

- Lượng bức xạ do tia X phát ra trong quá trình chụp CT tuy được kiểm soát và nguy cơ gây ung thư không cao nhưng khi chụp quá nhiều lần trong một thời điểm ở trên toàn bộ cơ thể thì cũng chưa nói trước được những rủi ro có thể xảy đến.

chụp ct toàn thân

Chụp CT toàn thân chỉ nên thực hiện khi đã được bác sĩ thăm khám kỹ lưỡng và chỉ định

Mặt khác, xung quanh việc sử dụng phương pháp chẩn đoán hình ảnh này để tầm soát sức khỏe vẫn còn nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ như:

- Căn cứ nào chứng minh được chụp CT toàn thân có khả năng xác định rõ người mắc bệnh và người khỏe mạnh?

- Liệu các dấu hiệu bất thường trong kết quả chụp có phản ánh đúng bản chất tình trạng sức khỏe? Nó có kéo theo hệ lụy là bệnh nhân cần phải làm thêm nhiều xét nghiệm tốn kém khác hoặc điều trị bệnh để rồi cuối cùng lại phát hiện ra rằng thực chất các dấu hiệu ấy hoàn toàn vô hại?

- Chỉ cần chụp CT toàn thân thôi liệu có đủ cơ sở để kết luận về tình trạng sức khỏe hay nó sẽ làm người ta “an tâm ảo” mà bỏ sót các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết khác.

- Tầm soát ung thư đòi hỏi một quá trình định kỳ, thực hiện trong nhiều năm, theo dõi một cách có hệ thống cùng với nhiều loại xét nghiệm khác. Nếu chỉ chụp CT cắt lớp toàn thân một vài lần theo kiểu hú họa mà có thể thực hiện được mục đích này thì như vậy liệu có phải vô hình chung biến chụp cắt lớp trở thành một phương tiện có sức mạnh siêu nhiên, chỉ cần thực hiện mình nó mà không cần tới các xét nghiệm khác vẫn có thể phát hiện kịp thời các bệnh lý ác tính?

Về cơ bản, tính đến thời điểm này, chụp CT toàn thân vẫn chưa được giới khoa học xem là phương tiện tầm soát bệnh hữu hiệu. Việc tầm soát bệnh bằng chụp cắt lớp cần thực hiện với từng vị trí, từng đối tượng cụ thể chứ không phải với mọi độ tuổi. Đối với người bình thường và không có chỉ định của bác sĩ tốt nhất không nên tự ý lạm dụng kỹ thuật này.

Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống máy chụp Siemens thế hệ mới nhập khẩu hoàn toàn từ Đức và đội ngũ bác sĩ chuyên khoa đầu ngành, kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, kinh nghiệm lâu năm; là địa chỉ tin cậy về dịch vụ chụp CT trong nhiều năm liền. Tại đây, bạn sẽ được thăm khám kỹ càng, tư vấn chính xác trường hợp nào nên chụp CT toàn thân. Hoặc nếu bạn cần được giải đáp kỹ hơn về kỹ thuật này, hãy liên hệ tổng đài của bệnh viện: 1900 56 56 56, đảm bảo các chuyên viên y tế sẽ giúp bạn có được những thông tin vô cùng hữu ích.

Từ khóa » Chụp Msct Toàn Thân