Chụp MRI Là Gì? Khi Nào Thì Nên Chụp MRI? | Medlatec

1. Giải đáp: Chụp MRI là gì?

MRI là thuật ngữ được viết tắt từ cụm từ tiếng anh là Magnetic Resonance Imaging, hay còn gọi là chụp cộng hưởng từ. Theo kiến thức y khoa, chụp MRI được xem là một phương pháp giúp chẩn đoán bệnh lý thông qua hình ảnh giải phẫu chụp được từ cơ thể. Dựa trên sóng radio và từ trường, bác sĩ sẽ có được những hình ảnh bao quát và cụ thể nhất đối với phần cơ thể được kiểm tra. Đặc biệt, hình thức kiểm tra này không có tia X nên bệnh nhân hoàn toàn yên tâm vì sức khỏe không bị ảnh hưởng sau khi chụp.

Lý giải thắc mắc chụp MRI là gì

Lý giải thắc mắc chụp MRI là gì?

Nhờ sự phát triển của công nghệ hiện đại mà thiết bị chụp cộng hưởng từ có thể giúp bác sĩ nhìn thấy chính xác hình ảnh các bộ phận trong cơ thể được cắt lớp rõ ràng. Quá trình thực hiện cũng diễn ra nhanh nên bệnh nhân không mất nhiều thời gian để chờ đợi. Do đó, phương pháp này được ứng dụng rất phổ biến trong việc thăm khám và điều trị bệnh trên toàn thế giới.

Những năm gần đây, công nghệ chụp cộng hưởng từ ngày một phát triển mạnh mẽ và có thể chụp cắt lớp hầu hết tất cả các bộ phận, cơ quan bên trong con người. Trong đó, kết quả ghi nhận được khi chụp não, dây cột sống được đánh giá rất cao vì có ý nghĩa lớn đối với việc chẩn đoán và chữa bệnh. Đặc biệt, việc chụp cộng hưởng từ trước khi tiến hành phẫu thuật cũng giúp bác sĩ lựa chọn phương thức điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.

2. Khi nào nên chụp MRI?

Mặc dù chụp MRI không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân nhưng không phải vì thế mà các bạn có thể tự ý chụp cộng hưởng từ. Theo kinh nghiệm làm việc của nhiều bác sĩ, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện phương thức kiểm tra chụp cắt lớp nếu gặp phải một số vấn đề dưới đây, cụ thể như:

  • Gặp một số biểu hiện bất thường và nghi ngờ có liên quan đến một vài bệnh lý như u thần kinh sọ não, u não, động kinh, tai biến, viêm não, chấn thương, viêm màng não,...

  • Những đối tượng có biểu hiện hoặc nghi ngờ mắc bệnh về mạch máu, những bệnh lý dị tật bẩm sinh.

Khám, phát hiện bất thường thông qua chụp cộng hưởng từ

Khám, phát hiện bất thường thông qua chụp cộng hưởng từ

  • Bệnh nhân có biểu hiện bất thường liên quan đến một vài bệnh lý về tai - mũi - họng và mắt. Điển hình như chấn thương, viêm nhiễm hoặc bị u.

  • Những người được chẩn đoán là viêm, u hoặc chấn thương tủy sống, thoái hóa đốt sống,...

  • Những trường hợp bị đau khớp vai, khớp khuỷu tay, cổ chân, cổ tay, khớp háng và khớp gối.

  • Người có biểu hiện u phần mềm hoặc nghi ngờ bị ung thư một số bộ phận bên trong cơ thể như phổi, gan, lá lách. Bao gồm cả những bệnh lý liên quan đến tử cung, vú, tức phụ khoa hoặc nam khoa.

  • Đối với những thiết bị hiện đại, bác sĩ có thể tiến hành chụp cộng hưởng từ để kiểm tra tim, tưới máu cho não,...

Tùy vào tình trạng bệnh lý và mục đích điều trị ở từng đối tượng mà thời gian hoàn tất khi chụp MRI ở mỗi bộ phận, bệnh nhân có thể kéo dài từ 15 - 20 phút. Ngoài ra, trong những trường hợp cơ thể có những dấu hiệu bất ổn, bác sĩ cần nhiều thời gian hơn để kiểm tra kỹ lưỡng. Một số ca nặng và khó, bác sĩ có thể kéo dài thời gian chụp MRI lên đến vài giờ.

3. Những bộ phận được phép chụp MRI

Đến thời điểm hiện tại, phương pháp chụp MRI đã được sử dụng rất phổ biến trong quá trình chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, không phải bộ phận nào cũng được thực hiện chụp cộng hưởng từ để tìm kiếm mầm mống bệnh. Vậy trong cơ thể, những bộ phận nào được phép chụp? Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn, dưới đây là những chia sẻ chi tiết nhất từ bác sĩ chuyên ngành:

  • Chụp sọ não: giúp tầm soát những bệnh lý như u dây thần kinh sọ não, chảy máu não, u não, dị dạng mạch máu não, tai biến mạch máu não, động kinh,...

  • Chụp cột sống: giúp bác sĩ có thêm nhiều cơ sở để chẩn đoán những căn bệnh liên quan tới vùng đĩa đệm, cột sống hay kể phần mềm cạnh sống. Ngoài ra, bệnh sĩ cũng có thể nhận biết được tình trạng chấn thương, u hoặc viêm tủy sống thông qua hình ảnh chụp cắt lớp.

Có thể chụp cộng hưởng từ những bộ phận nào

Có thể chụp cộng hưởng từ những bộ phận nào?

  • Chụp vùng cổ: giúp phát hiện những chấn thương hoặc tổn thương ở vùng cổ. Ví dụ như tình trạng viêm hoặc xuất hiện khối u, hạch ở cổ. Bên cạnh đó, đám rối thần kinh cánh tay cũng có thể nhận biết được mức độ tổn thương thông qua chụp cộng hưởng từ.

  • Chụp hốc mắt: giúp tìm được những tổn thương liên quan đến mắt, cụ thể như dây thần kinh thị giác, nhãn cầu,...

  • Chụp cơ xương khớp: những hình ảnh thu được sau khi chụp có thể minh họa rõ nét toàn bộ cấu trúc bên trong xương, gân cơ, dây chằng, sụn và ổ khớp. Nhờ đó, bác sĩ có thể phát hiện bệnh ngay trong giai đoạn đầu, nhất là những tình trạng chấn thương, thoái hóa hoặc viêm nhiễm vùng ổ khớp, dây chằng.

  • Chụp vùng xương chậu và bụng: giúp phát hiện sớm những tổn thương liên quan đến gan, thận, tuyến tụy, tuyến thượng thận, lá lách,... Đặc biệt, hình ảnh chụp MRI cho thấy rõ tình trạng ung thư của một số bộ phận như trực tràng, buồng trứng, tử cung và âm đạo,...

Xác định tình trạng ung thư bằng cách chụp MRI

Xác định tình trạng ung thư bằng cách chụp MRI

  • Chụp tuyến vú: giúp chẩn đoán chính xác những vấn đề bất thường xuất hiện bên trong tuyến vú. Điển hình như xác định tình trạng viêm nhiễm hoặc những khối u xuất hiện trong vú.

Ngoài những bộ phận trên thì chụp cộng hưởng từ còn được áp dụng đối với trường hợp thai nhi bất thường nhằm xác định những dị tật bẩm sinh ngay từ lúc còn trong bụng mẹ. Bên cạnh đó, những ca không thể siêu âm để theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng có thể được chi định chụp MRI, nhất là trường hợp thai phụ bị béo phì, thai vô ối,...

4. Những lưu ý khi chụp cộng hưởng từ

Để đảm bảo an toàn trong quá trình chụp MRI, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân tuân thủ một số lưu ý sau đây:

  • Thực hiện theo đúng chỉ dẫn của nhân viên làm việc tại phòng chụp cộng hưởng từ. Mặc dù, hình thức chụp cắt lớp này không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh nhưng từ trường cao có thể gây biến dạng kim loại có trên hoặc trong cơ thể bệnh nhân. Do đó, nếu bạn có sử dụng máy trợ thính, vòng tránh thai, máy tạo nhịp tim, răng giả,... nên báo với nhân viên để được tháo ra trước khi tiến hành chụp cộng hưởng từ.

  • Tuyệt đối không mang những vật dùng làm từ kim loại, điển hình như đồng hồ, chìa khóa, điện thoại, nhẫn, lắc tay,... khi vào phòng chụp.

Không được mang theo đồ dùng bằng kim loại

Không được mang theo đồ dùng bằng kim loại

  • Để có được những hình ảnh chụp cắt lớp chất lượng, người bệnh nên cố định một tư thế và tuyệt đối không cử động khi chụp.

  • Một số trường hợp đặc biệt cần phải sử dụng thuốc tương phản từ trước khi chụp cộng hưởng từ. Mặc dù loại thuốc này hoàn toàn không gây hại nhưng bệnh nhân cũng có thể xuất hiện một vài triệu chứng khó chịu nếu cơ thể dị ứng với thành phần của thuốc.

Với những kiến thức hữu ích từ bài viết này, chắc hẳn các bạn đã hiểu rõ hơn về công dụng của việc chụp MRI trong y khoa. Ngoài ra, mọi người cũng được trang bị cho mình những thông tin cần thiết trước khi tiến hành chụp cộng hưởng từ để bảo vệ sức khỏe bản thân.

Từ khóa » Chụp Mri Tiếng Anh Là Gì