Chuyện Bí ẩn Về Tòa Khách Sạn Bề Thế Một Thời, Nay đã Bỏ Hoang ...

Ông "Vua" không ngai của giới tài phiệt Sài Gòn trước năm 1975

Ông Nguyễn Tấn Đời sinh năm 1922 tại làng Bình Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Ông nội Nguyễn Tấn Đời là một trong những người giàu có và tiếng tăm ở làng Bình Hòa thời bấy giờ. Vì vậy, từ nhỏ Nguyễn Tấn Đời được gia đình cho ăn học khá đàng hoàng.

Năm 1945, Nguyễn Tấn Đời lên Sài Gòn theo học bậc Cao đẳng tiểu học. Cách mạng Tháng Tám diễn ra, Nguyễn Tấn Đời tham gia lực lượng Việt Minh tại Sài Gòn, sau đó ông trở lại Long Xuyên. Khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, chiến loạn lan đến quê nhà, ông đành trốn lên Sài Gòn một lần nữa.

Khi mới lên Sài Gòn, không tiền bạc, không người thân thích, hàng ngày ông lân la khắp nơi tìm kiếm việc làm, đêm đến thì ngủ ngoài hiên một ngôi nhà ở đường Champagne (nay là đường Lý Chính Thắng, quận 3). Một thời gian sau, ông được giới thiệu vào làm sổ sách cho một hãng buôn của người Pháp. Không lâu sau, ông bỏ việc và bước vào nghề môi giới, tập trung vào hai mặt hàng là vật liệu xây dựng và vải vóc. Ông giàu lên rất nhanh, nhưng cũng nhanh chóng phá sản năm 1949 khi tham gia vào ngành kinh doanh tiền tệ.

Chuyện bí ẩn về tòa khách sạn bề thế một thời, nay đã bỏ hoang của ông trùm giới tài phiệt Sài Gòn xưa - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tấn Đời được xem như một hiện tượng tài năng xuất chúng của giới kinh doanh Sài Gòn. Sách về cuộc đời của ông được NXB Văn hóa Sài Gòn phát hành vào năm 2007.

Chán nản, ông định quay trở về nghề môi giới để làm lại từ đầu, nhưng rồi ông cảm thấy nghề này có phần hơi ác đức, khó mà vững bền nên quyết định chuyển sang một nghề hoàn toàn mới: mở Hãng gạch ngói Đời Tân.

Nhờ sự thành công của Hãng gạch ngói Đời Tân, đầu thập niên 1950, ông mở rộng kinh doanh ra nhiều lĩnh vực khác và đều thành công, cả trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và cạnh tranh luôn trong nhiều lĩnh vực với các doanh nghiệp nước ngoài. Cũng trong thời gian này, ông bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây cao ốc cho thuê, nổi danh với các cao ốc Mai Loan (đường Trương Định), Tân Lộc (số 177 – 179 Lê Thánh Tông), Victoria (số 937 Trần Hưng Đạo), President (số 727 Trần Hưng Đạo), Đức Tân (số 491 Phan Thanh Giản), Prince (số 175 - 177 Phạm Ngũ Lão)... Các tòa cao ốc khá đồ sộ lúc đương thời, đều được cho thuê hết và đem lại cho ông những món lợi kếch xù.

Năm 1966, ông thành lập Tín Nghĩa Ngân Hàng và nhanh chóng thống lĩnh thị trường. Những năm đầu của thập niên 70, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đã đến hồi khốc liệt thì cũng là thời điểm cực thịnh của hệ thống ngân hàng tư nhân ở Sài Gòn, trong đó Tín Nghĩa Ngân Hàng (dân gian gọi là Ngân hàng Ông Thần Tài) của Nguyễn Tấn Đời luôn ở vị trí đứng đầu.

Khách sạn 13 tầng nay trở thành chung cư bỏ hoang không người ở

Rất ít người biết rằng, chung cư 727 Trần Hưng Đạo đã bỏ hoang có bề ngoài tồi tàn, xuống cấp trầm trọng này là khách sạn President được ông Nguyễn Tấn Đời đầu tư khởi công vào năm 1960. Có thể nói, đây là một trong những công trình bề thế và hiện đại nhất Sài Gòn trước năm 1975.

Chuyện bí ẩn về tòa khách sạn bề thế một thời, nay đã bỏ hoang của ông trùm giới tài phiệt Sài Gòn xưa - Ảnh 2.

Tòa nhà President Hotel nay trở thành chung cư 727, đã bỏ hoang nhiều tháng nay.

Khách sạn được thiết kế gồm 13 tầng, chia làm 6 tòa nhà và ngăn ra thành 530 phòng, mỗi phòng có diện tích 20m2. Điều đặc biệt của tòa nhà này là luôn bị gắn liền với những điều bí ẩn, ma mị kể từ khi còn đang thi công. Giai thoại nổi tiếng nhất, mà người Sài Gòn vẫn thường nhắc đến đó chính là câu chuyện về "4 hồn ma trinh nữ trấn yểm tòa nhà".

Chuyện bí ẩn về tòa khách sạn bề thế một thời, nay đã bỏ hoang của ông trùm giới tài phiệt Sài Gòn xưa - Ảnh 3.

Sau khi đưa vào sử dụng, khách sạn này được quân đội Mỹ thuê lại cho lính Mỹ ở.

Người xưa đồn đoán rằng, tòa chung cư 727 đứng vững đến thời điểm hiện tại là nhờ vào một loại thuật phong thủy cổ quái của người Trung Hoa do một vị pháp sư cao tay đứng ra làm phép. Theo đó, do bản thiết kế tòa nhà này có 13 tầng, nên vị thương gia người Pháp hùn vốn cùng ông Tấn Đời xây dựng President Hotel đã tỏ ra quan ngại vì theo quan niệm của người phương Tây, con số 13 là một con số của quỷ dữ.

Chuyện bí ẩn về tòa khách sạn bề thế một thời, nay đã bỏ hoang của ông trùm giới tài phiệt Sài Gòn xưa - Ảnh 4.

Ông Đời vẫn cho xây dựng theo đúng thiết kế dù đã được cảnh báo về con số 13. Đây là hình ảnh bên trong một căn phòng ở chung cư bỏ hoang này, sau khi người dân đã dọn đi hết.

Bỏ ngoài tai sự phản đối gay gắt của người cộng sự, ông Đời vẫn cho công nhân xây đúng theo bản thiết kế ban đầu. Mọi chuyện vẫn diễn ra suôn sẻ cho đến khi thi công tầng cuối cùng của tòa nhà thì liên tiếp nhiều vụ án mạng xảy ra.

Chuyện bí ẩn về tòa khách sạn bề thế một thời, nay đã bỏ hoang của ông trùm giới tài phiệt Sài Gòn xưa - Ảnh 5.

Nhiều chuyện liên tiếp xảy ra khi tầng 13 bắt đầu được xây dựng.

Đứng trước nhiều nguy cơ xấu trong việc kinh doanh, ông Đời đã cho dừng thi công 3 ngày liền để lập đàn giải hạn. Sau khi lập đàn, việc thi công đã diễn ra suôn sẻ cho đến khi khách sạn được khánh thành, người đời khi ấy truyền tai nhau câu chuyện về một vị pháp sư người Hoa khi được mời về làm phép đã tìm mua cho bằng được xác của 4 trinh nữ, đem về chôn tại 4 góc của tòa nhà để làm phép trấn yểm yêu ma.

Quân đội Mỹ đã thuê lại toàn bộ tòa nhà này trong 10 năm để dành làm nơi nghỉ ngơi cho lính của họ. Tầng 12, được quân Mỹ cải tạo thành quán bar, nhà hàng, nơi vui chơi, riêng tầng 13 không được đưa vào sử dụng.

Chuyện bí ẩn về tòa khách sạn bề thế một thời, nay đã bỏ hoang của ông trùm giới tài phiệt Sài Gòn xưa - Ảnh 6.

Người Sài Gòn đồn rằng vị pháp sư đã chôn 4 xác trinh nữ xuống 4 góc của tòa nhà để trấn yểm yêu ma.

Chuyện bí ẩn về tòa khách sạn bề thế một thời, nay đã bỏ hoang của ông trùm giới tài phiệt Sài Gòn xưa - Ảnh 7.

Tòa nhà có 13 tầng và luôn gắn với những câu chuyện kỳ bí.

Tháng 4/1975, tòa nhà được quân giải phóng tiếp quản và trở thành nhà ở cho cán bộ, công nhân viên nhà nước. Vì tầng 12 trước đây được lính Mỹ sử dụng là quán bar nên bị khóa lại, duy còn tầng 13 thì vẫn tiếp tục bị bỏ hoang.

Giai thoại về hồn ma trinh nữ trải qua rất nhiều năm vẫn luôn khiến mọi người rùng mình mỗi khi bước vào tòa nhà. Thế nhưng chưa có một chứng cứ nào xác thực câu chuyện ấy là có thật. Và những câu chuyện về tiếng khóc trong đêm, những bóng trắng lảng vảng trong những góc tối, góc cầu thang vẫn được truyền miệng từ đời này đến đời khác, khiến chung cư 727 luôn nằm trong top những địa danh ma ám bí ẩn nhất Sài Gòn.

Chuyện bí ẩn về tòa khách sạn bề thế một thời, nay đã bỏ hoang của ông trùm giới tài phiệt Sài Gòn xưa - Ảnh 8.

Nhiều tin đồn về ma quái liên tục xuất hiện kể từ khi tòa nhà được xây dựng. Đặc biệt tầng 13 luôn bị bỏ hoang từ khi được khánh thành.

Di dời toàn bộ hộ dân để tháo dỡ chung cư xuống cấp

Sau hơn nửa thế kỷ hoạt động, chung cư 727 đã dần xuống cấp. Do không được tu sửa thường xuyên nên tòa nhà bề thế ngày nào nay đã trở nên cũ kỹ và âm u. Nhiều hộ dân sinh sống tại chung cư đã di dời đi nơi khác vì nhiều lý do.

Người dân hồ hởi di dời khỏi "chung cư tử thần" 727 vào cuối tháng 6. Nguồn: VTV1

Đến những năm 2015, 2016 tại đây chỉ còn lại khoảng 10 hộ dân sinh sống, vì chưa chấp nhận các điều kiện đền bù giải tỏa. Sự hoang tàn của tòa nhà vì thế cũng kéo theo nhiều câu chuyện ma quái và rùng rợn, đặc biệt thu hút sự tò mò của giới trẻ Sài thành.

Chuyện bí ẩn về tòa khách sạn bề thế một thời, nay đã bỏ hoang của ông trùm giới tài phiệt Sài Gòn xưa - Ảnh 10.

Những hộ dân từng sinh sống trước đây lần lượt dọn ra ngoài, chỉ để lại một đống đồ đạc bừa bộn, cũ kỹ ở mỗi góc nhà.

Chuyện bí ẩn về tòa khách sạn bề thế một thời, nay đã bỏ hoang của ông trùm giới tài phiệt Sài Gòn xưa - Ảnh 11.

Theo thời gian, chung cư dần xuống cấp nghiêm trọng.

Hai tháng trước, toàn bộ chung cư cũ kỹ này bỗng dưng bị rào lại bởi lô cốt và được khóa bằng nhiều ổ khóa, nghiêm cấm không cho người khác vào. Những lời đồn tiếp tục bủa vây chung cư này khi mọi người nghĩ rằng những hộ dân cuối cùng rời bỏ nơi này chỉ vì bị 4 hồn ma trinh nữ quấy phá mỗi đêm.

Cuối tháng 8/2016, chúng tôi tìm đến chung cư 727 Trần Hưng Đạo để tìm hiểu về giai thoại bí ẩn này cùng lý do mà các hộ dân đã bỏ đi. Qua tìm hiểu, được biết sau khi có sự chỉ đạo của lãnh đạo TP.HCM, sự vào cuộc của chính quyền cùng cố gắng của chủ đầu tư, người dân sống tại chung cư 727 đã ra đi với tâm thế rất hồ hởi vì được đền bù xứng đáng.

Ông Năm (bán nước dưới chung cư) chia sẻ: "Hai tháng trước tất cả 10 hộ dân còn lại đã chấp nhận bồi thường giải tỏa để đi nơi khác sinh sống. Hiện tại tòa nhà này không còn ai sinh sống và đã được khóa kỹ lưỡng không ai được phép vào bên trong".

Chuyện bí ẩn về tòa khách sạn bề thế một thời, nay đã bỏ hoang của ông trùm giới tài phiệt Sài Gòn xưa - Ảnh 12.

Người dân sống tại chung cư khẳng định chưa từng nhìn thấy ma quỷ suốt hàng chục năm qua.

Khi được hỏi về giai thoại "hồn ma trinh nữ", người đàn ông này cười to rồi nói: "Ma quỷ gì? Nhà tui là nhà ở lại đây cho đến phút chót mà có thấy con ma nào đâu. Nhà nước cấp cho gia đình tui từ năm 1990, sống tới bây giờ vẫn chưa thấy gì lạ như lời đồn. Có chăng là tòa nhà bị sử dụng quá lâu mà không tu sửa nên nhìn âm u và rác thải nhiều nên không khí có mùi vậy thôi".

Ông Năm cho biết, mấy tháng trước Bí thư Đinh La Thăng có đến xem xét chung cư và tỏ ra quan ngại về sự nguy hiểm của các hộ dân đang sống tại đây, nên đã yêu cầu chính quyền quận 5 nhanh chóng giải quyết việc di dời để đảm bảo an toàn. Mỗi hộ dân được bồi thường 600 triệu để tái định cư nên họ đã đồng ý chuyển đi.

Cùng ngồi với ông Năm, một người làm bảo vệ ở chung cư này 20 năm qua cũng khẳng định tất cả những lời đồn đều do thêu dệt nên. "Chuyện trấn yểm bằng 4 xác trinh nữ thực chất cũng là những câu chuyện truyền miệng từ đời xưa, rồi ở những tầng cao thỉnh thoảng có gió mạnh, rít thành tiếng hú nên ai đến tham quan đều nghĩ là tiếng ma kêu khóc mà thôi".

Chuyện bí ẩn về tòa khách sạn bề thế một thời, nay đã bỏ hoang của ông trùm giới tài phiệt Sài Gòn xưa - Ảnh 13.

Sau hơn nửa thế kỷ hoạt động, tòa nhà đã chính thức được khóa chặt và kết thúc nhiệm vụ của nó.

Thế là sau hơn nửa thế kỷ tồn tại với Sài Gòn, chung cư 727 rồi sẽ được tháo dỡ, rồi đây sẽ có một công trình mới được xây lên tại mảnh đất này, nhưng tin rằng người Sài Gòn sẽ luôn nhớ về một công trình ấn tượng vào hàng bậc nhất của vị tỷ phú Sài Gòn xưa.

Từ khóa » Chung Cư 727 Ngày Xưa