Chuyện Buồn Gắn Với Loạt Tranh Về Hoa Hướng Dương Của Van Gogh

Van Gogh từng viết trong lá thư gửi người em trai về một bức tranh khắc họa hoa hướng dương của mình rằng:

“Anh đang làm việc cật lực với bức tranh này, vẽ bằng tất cả sự nhiệt tình mình có, giống như người dân thành phố cảng Marseillais hăm hở ăn món xúp cá. Có lẽ em sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng bức tranh anh đang vẽ khắc họa những bông hoa. Cả bức tranh là một bản giao hưởng của sắc xanh và sắc vàng. Anh làm việc mỗi buổi sáng kể từ khi mặt trời mọc, hoa này héo đi nhanh lắm”.

Vậy là lần đầu tiên sau 65 năm, hai bức tranh mang tính biểu tượng trong sự nghiệp hội họa của Van Gogh - hai phiên bản cùng có tên “Hoa hướng dương” sẽ được trưng bày cạnh nhau trong triển lãm mỹ thuật quốc gia National Gallery ở thành phố London, Anh.

Cách sắp đặt đối xứng sẽ cho phép người xem được dịp so sánh, đối chiếu hai siêu phẩm hội họa của vị danh họa lừng danh.

Bức “Hoa hướng dương” vẽ năm 1888
Bức “Hoa hướng dương” vẽ năm 1888
Bức “Hoa hướng dương” vẽ năm 1889
Bức “Hoa hướng dương” vẽ năm 1889

Vị họa sĩ nổi tiếng với tâm trạng lên xuống thất thường đã làm việc với cường độ cao khi vẽ những bông hoa hướng dương. Các nhà tâm lý nói rằng khi vẽ những bông hoa này cũng là khi tâm trạng của Van Gogh rất tốt, đó là những giây phút vui vẻ hiếm hoi trong cuộc đời ông. Sắc vàng đối với Van Gogh là biểu tượng của ánh mặt trời, sự ấm áp và tình bạn.

Giám đốc triển lãm National Gallery cho biết: “Việc đặt hai bức tranh của Van Gogh cạnh nhau sẽ giúp các nhà nghiên cứu và những người yêu tranh có cơ hội được quan sát kỹ lưỡng cách sáng tạo của Van Gogh. Ông đã sử dụng cùng một đối tượng, cùng một chất liệu nhưng lại tạo ra những tác phẩm khác nhau, với giá trị nghệ thuật và những thông điệp cảm xúc khác nhau. Điều này sẽ khiến các học giả thêm trân trọng vị danh họa có khả năng vẽ ra cảm xúc”.

Câu chuyện buồn sau loạt tranh về hoa hướng dương của Van Gogh

Bức “Hoa hướng dương” vẽ năm 1889

Loạt tranh về hoa hướng dương là loạt tranh nổi tiếng nhất của Van Gogh. Đây cũng là loạt tranh khiến ông tự hào.

Van Gogh đã thực hiện những bức tranh này trong trong tâm trạng lạc quan, vui vẻ hiếm có bởi ông đang chờ đợi một người bạn, một vị họa sĩ mà ông rất nể trọng - Paul Gauguin tới sống với mình ở thành phố Arles, miền Nam nước Pháp. Hai người hi vọng họ sẽ có thể lập nên một thành phố họa sĩ ở mảnh đất xinh đẹp và đầy nắng này.

Những bức tranh về hoa hướng dương được Van Gogh thực hiện với mong muốn sẽ gây ấn tượng mạnh với người bạn Paul Gauguin, một cách để biểu hiện tình bạn chân thành. Tuy vậy, Van Gogh không thể ngờ rằng mối quan hệ của họ rồi sẽ kết thúc trong bi kịch.

Bức “Hoa hướng dương” vẽ năm 1889

Hoa hướng dương có một vị trí rất đặc biệt đối với Van Gogh, sinh thời ông từng thực hiện 11 bức tranh khắc họa hoa hướng dương. Màu vàng, đối với ông, là biểu tượng của niềm vui, hạnh phúc.

Trong văn học Hà Lan, hoa hướng dương là biểu tượng của sự hy sinh, sự cống hiến tận tụy và sự trung thành. Loạt tranh về hoa hướng dương của Van Gogh khắc họa hoa từ khi nở cho tới khi tàn, còn nhắc nhớ về vòng tuần hoàn sinh tử.

Tháng 2/1888, khi chuyển tới Arles và chờ bạn tới sống cùng, Van Gogh đã phải một mình chịu đựng sự đơn độc, trống vắng. Đối với một người có vấn đề về tâm thần như ông, đó là một cực hình đáng sợ. Tuy vậy, nghĩ về tương lai của thành phố họa sĩ, ông vẫn cố gắng chịu đựng.

Bức “Hoa hướng dương” vẽ năm 1889

Để bạn thêm quyết tâm cùng mình kêu gọi họa sĩ tới Arles sinh sống, Van Gogh đã thực hiện loạt tranh khắc họa hoa hướng dương với những gam màu tươi sáng, đặc trưng của mùa hè để gây ấn tượng và thuyết phục Gauguin về miền đất hứa dành cho họa sĩ.

Cuối cùng, sau 8 tháng, Gauguin cũng đến, tuy vậy, thay vì truyền cảm hứng cho nhau, tình bạn của họ đã bị phá hủy khi hai người bất đồng sâu sắc về nhiều vấn đề. Những chỉ trích của Gauguin khiến Van Gogh đau đớn, khổ sở và cảm thấy không thể chịu đựng nổi.

Ngày 23/12/1888, Van Gogh đã có một hành động vượt ngoài kiểm soát, ông chạy bổ về phía Gauguin với chiếc dao cạo nhưng may mắn, ông đã kịp thời dừng lại và quay lưng bỏ đi. Chính hành động bột phát đó đã khiến Van Gogh thấy ăn năn vô cùng và ngay đêm hôm đó, ông đã tự cắt tai mình rồi đi tới một nhà thổ, đưa chiếc tai cho một cô gái điếm. Cô gái này đã gặp cảnh sát trình bày sự việc và cảnh sát đã kịp thời tìm đến nhà Van Gogh để cấp cứu cho ông khỏi chết vì mất máu.

Van Gogh sau khi cắt tai đã thực hiện bức tranh tự họa nổi tiếng.
Van Gogh sau khi cắt tai đã thực hiện bức tranh tự họa nổi tiếng. Ngay sau khi sự việc này xảy ra, Gauguin rời bỏ thành phố Arles, sự trống vắng mà người bạn để lại càng làm Van Gogh khổ sở hơn và rơi vào tình trạng bất ổn tâm lý trầm trọng.

2 năm về sau, Van Gogh càng ngày càng quẫn trí, phải vào trại tâm thần điều trị, tuy vậy những bức tranh ông vẽ ra trong thời kỳ này lại là những tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp hội họa của ông.

Cuối cùng, chưa đầy 2 năm sau, vào tháng 7/1890, vị họa sĩ 37 tuổi, mới bán được một bức tranh duy nhất với giá rẻ như cho đã tự vẫn để chấm dứt chuỗi ngày khốn khổ vật lộn với căn bệnh tâm thần đã hành hạ ông dai dẳng.

Bích NgọcTheo Huffington Post

Từ khóa » Họa Sĩ Van Gogh Hoa Hướng Dương