Chuyện Cắm Cờ Tại Dinh Độc Lập - Tiền Phong

Linh hoạt đơn vị cắm cờ

Gần đây, tôi có dịp gặp đại tá-nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt, Trưởng Ban Liên lạc Cựu chiến binh Đại đội 4 (Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2), đơn vị của hai xe tăng 390 và 843 - những xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 lịch sử. Thời điểm đó, đại tá Nguyệt là chiến sĩ lái xe tăng 380 của đại đội 4, từng tới Dinh Độc Lập sau hai chiếc xe tăng nói trên của đơn vị không lâu. “Lá cờ được đại đội trưởng Bùi Quang Thận cắm trên nóc Dinh Độc Lập là cờ được cắm trên xe tăng của anh. Trải qua nhiều trận đánh, lá cờ trận mạc này đã sờn rách, khi được cắm tại Dinh Độc Lập phản ánh rõ tính thực tế của cuộc chiến”- đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt cho biết.

Chuyện cắm cờ tại Dinh Độc Lập ảnh 1 Sau khi cắm cờ, đại đội trưởng Bùi Quang Thận được các nhà báo quốc tế chụp ảnh tại sân Dinh Độc Lập.

Sau này, khi tìm hiểu tư liệu để viết một số cuốn sách về bộ đội xe tăng (như “Bút ký lính tăng: Hành trình đến Dinh Độc Lập”, “Bão thép” (bộ tiểu thuyết 4 tập về Binh chủng Tăng-Thiết giáp), “Một chọi mười: Trận đấu tăng bi tráng”...), đại tá-nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt có dịp hiểu rõ hơn về chuyện cắm cờ chiến thắng tại Dinh Độc Lập. Ông cho biết, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, để giành thắng lợi nhanh nhất với tổn thất ít nhất, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã tổ chức năm cánh quân đồng loạt tiến công vào Sài Gòn theo 5 hướng khác nhau. Với mục tiêu cụ thể được phân công cho từng hướng, Quân đoàn 4 thuộc cánh quân phía đông có nhiệm vụ đánh chiếm Dinh Độc Lập. Khi đó, một sĩ quan tham mưu của Quân đoàn 2 (cũng thuộc cánh quân phía đông) đã phát biểu: “Trong trường hợp Quân đoàn 2 vào trước thì có được đánh chiếm Dinh Độc Lập không?”. Nhận thấy đây là ý kiến hợp lý, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Chiến dịch kết luận: Kế hoạch là như vậy, nhưng đơn vị nào vào trước thì đánh chiếm Dinh Độc Lập trước.

Trải qua thực tế cuộc chiến, lực lượng Quân đoàn 2 trở thành mũi tiến công có cơ hội đánh chiếm Dinh Độc Lập. Sau khi dùng một phần lực lượng đánh “bóc vỏ”, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 tổ chức một binh đoàn thọc sâu với lực lượng nòng cốt là Lữ đoàn xe tăng 203 nhằm hướng Sài Gòn tiến đánh. Sau khi chọc thủng một loạt phòng tuyến của địch, sáng 28/4/1975, Tư lệnh Quân đoàn 2 Nguyễn Hữu An đã trao cờ “quyết chiến, quyết thắng” cho Lữ đoàn xe tăng 203 để cắm tại Dinh Độc Lập. Trước nhiệm vụ vinh quang này, Ban chỉ huy Lữ đoàn xe tăng 203 lựa chọn đại đội 3 (tiểu đoàn 1) là đơn vị sẽ tiến vào Dinh Độc Lập để thực hiện việc cắm cờ. Sáng ngày 30/4/1975, khi tiểu đoàn 1 của Lữ đoàn xe tăng 203 tiến đến cầu Sài Gòn, địch chống trả rất quyết liệt. Chúng thậm chí còn có ý định đánh sập cầu Sài Gòn để cản bước tiến của ta. Trước tình thế khẩn trương, khi nhô ra khỏi xe tăng để chỉ huy đơn vị, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Ngô Quang Nhỡ trúng đạn hy sinh. Đại đội xe tăng 3 đảm nhận mũi chủ công, trong trận kịch chiến với địch cũng bị thiệt hại đáng kể về quân số. Trước tình hình đó, cấp chỉ huy đại đội 4 gồm đại đội trưởng Bùi Quang Thận, chính trị viên Vũ Đăng Toàn, đại đội phó phụ trách kỹ thuật Lê Văn Phượng đã nhanh chóng hội ý rồi cho đơn vị vượt qua cầu sài Gòn, tiến thẳng vào nội đô.

Lá cờ trận mạc trên nóc Dinh Độc Lập

Để tìm hiểu rõ hơn khoảnh khắc vào Dinh Độc Lập, người viết bài này có dịp hỏi chuyện ông Ngô Sĩ Nguyên, cựu pháo thủ số 1 xe tăng 390, xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ông Nguyên cho biết, trong quá trình tới Dinh Độc Lập, xe tăng 843 (do đại đội trưởng Bùi Quang Thận là trưởng xe) và xe tăng 390 (do chính trị viên Vũ Đăng Toàn là trưởng xe, đại đội phó Lê Văn Phượng ngồi cùng xe) là hai xe dẫn đầu. Tới gần Dinh Độc Lập, các thành viên kíp xe tăng 390 thấy xe tăng 843 đang mắc ở cổng phụ bên trái Dinh. Trước tình thế khẩn trương, khi được đồng đội hỏi ý kiến, trưởng xe 390 Vũ Đăng Toàn đã hạ lệnh: “Cho xe tiến thẳng vào”. Lái xe Nguyễn Văn Tập lập tức tăng tốc để xe tăng 390 lao tới húc văng hai cánh cửa cổng chính Dinh Độc Lập, rồi băng qua thảm cỏ để tới trước Dinh. Lúc này, xe tăng 843 vẫn mắc ở cổng phụ nên đại đội trưởng Bùi Quang Thận quyết định ra ngoài, cầm theo lá cờ cắm trên tháp pháo và chạy bộ vào Dinh. “Thấy vậy, anh Toàn vội xách khẩu AK và xuống xe để bảo vệ anh Thận. Sau đó, tôi cũng xuống xe, vào trong Dinh. Lúc này anh Thận đã lên nóc Dinh Độc Lập để cắm cờ. Tôi cùng với anh Toàn dồn nội các của Tổng thống Dương Văn Minh vào một chỗ, rồi ra gác cửa chờ bộ đội ta vào”- cựu pháo thủ Ngô Sĩ Nguyên cho biết.

Chuyện cắm cờ tại Dinh Độc Lập ảnh 2 Tấm ảnh của nữ nhà báo Pháp Francoise Demulder chụp lại khoảnh khắc lịch sử ngày 30/4/1975: Xe tăng 390 húc văng hai cánh cửa cổng chính, còn xe tăng 843 bị kẹt ở cổng phụ bên trái Dinh Độc Lập. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận xuống xe, cầm cờ chạy bộ vào Dinh Độc Lập (mũi tên).

Lá cờ mà đại đội trưởng Bùi Quang Thận lấy ở xe không phải cờ được chuẩn bị trước để cắm tại Dinh Độc Lập. Kể về lá cờ này, đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt cho biết: Ngày 19/3/1975, khi đại đội 4 đang đóng quân tại A Lưới (Thừa thiên-Huế) nhận được lệnh lên đường. Trước khi xuất phát, mỗi xe tăng của đại đội đều được cấp một lá cờ giải phóng, kích thước 60x90 cm, may bằng vải phin thông dụng. Mục đích của việc phát cờ nhằm phân định rõ đây là xe tăng của Quân giải phóng để các đơn vị của ta dễ nhận và tránh bắn nhầm nhau. Ngoài ra, mỗi khi xe tăng di chuyển, lá cờ trên tháp pháo thường bay phần phật càng làm cho việc xung trận khí thế hơn. Với ý nghĩa đó, nên từ lúc xuất quân vào ngày 20/3/1975 cho đến trận đánh cuối cùng để vào Dinh Độc Lập, lá cờ trên tháp pháo xe tăng của đại đội 4 chưa lúc nào hạ xuống.

Trở lại câu chuyện khi xe tăng 390 và 843 đến được Dinh Độc Lập, thì nhiệm vụ quan trọng của người lính trong thời điểm đó là cắm cờ. Lúc đó, do không có cờ được chuẩn bị sẵn nên đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã tháo lá cờ trên tháp pháo xuống để vào Dinh. Lá cờ trận mạc này tuy không to, nhưng đã đồng hành cùng xe hàng ngàn cây số, trải qua nhiều trận đánh nên là một biểu tượng rất có ý nghĩa ở thời khắc lịch sử này khi được cắm tại Dinh Độc Lập. Lúc lên tới nóc Dinh, để cắm được cờ, Bùi Quang Thận phải hạ lá cờ “ba sọc” của Việt Nam Cộng Hòa xuống. Lá cờ này to, vải dày nên khá mất thời gian đại đội trưởng Bùi Quang Thận mới hạ được cờ. Trước khi kéo cờ của ta lên nóc Dinh Độc Lập, vì muốn lưu lại khoảnh khắc này, anh đã ghi vào góc cờ: “Bùi Quang Thận -11h30 ngày 30/4/1975”.

Sau khi kéo cờ xong, đại đội trưởng Bùi Quang Thận cuộn lá cờ “ba sọc” lại, cầm theo và đi xuống sân Dinh Độc Lập. Lúc này, bộ đội ta đã vào Dinh rất đông, nhiều lá cờ chiến thắng được phất lên và cắm ở một vài nơi. Thấy Bùi Quang Thận, một số phóng viên đã tới chụp ảnh, trong khi tay anh vẫn cầm theo chiến lợi phẩm là lá cờ “ba sọc” được cuộn tròn. Sau này, khi cần tìm hiểu xem ai là người đã cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, lá cờ “ba sọc” mà đại đội trưởng Bùi Quang Thận cầm theo là minh chứng quan trọng để xác định việc này. “Lá cờ “ba sọc” mà đại đội trưởng Bùi Quang Thận còn giữ có vết rách, và vết rách này hoàn toàn khớp với diềm cờ còn sót lại trên sợi dây kéo cờ tại nóc Dinh Độc Lập. Đây là bằng chứng thuyết phục để xác định đại đội trưởng Bùi Quang Thận là người đầu tiên đã cắm cờ tại Dinh Độc Lập”- đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt cho biết.

“Lúc lên tới nóc Dinh, để cắm được cờ, Bùi Quang Thận phải hạ lá cờ “ba sọc” của Việt Nam Cộng Hòa xuống. Lá cờ này to, vải dày nên khá mất thời gian đại đội trưởng Bùi Quang Thận mới hạ được cờ. Trước khi kéo cờ của ta lên nóc Dinh Độc Lập, vì muốn lưu lại khoảnh khắc này, anh đã ghi vào góc cờ: “Bùi Quang Thận - 11h30 ngày 30/4/1975”.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt

Sau khi cắm cờ tại Dinh Độc Lập, Bùi Quang Thận tiếp tục phục vụ quân ngũ tại Binh chủng Tăng-Thiết giáp, đến năm 2000 nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Năm 2013, đại tá Bùi Quang Thận được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, sau khi ông mất một năm.

Kiến Nghĩa

Từ khóa » Bùi Quang Thận Mất