Chuyện Chưa Kể Những Tên đường Nước Việt - Kỳ 2: Thiên Lôi, Cổ ...

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 2:  Thiên Lôi, cổ đạo xa xưa nhất Hải Phòng - Ảnh 1.

Phố Thiên Lôi là con đường được đặt tên sớm nhất Hải Phòng - Ảnh: VŨ TUẤN

Đường có tên sớm nhất Hải Phòng

Chiều xuân, mưa bụi giăng mờ. Phố Thiên Lôi chạy dài từ ngã ba chợ Đôn Niệm đến gần cầu Rào (quận Lê Chân). Con đường cổ xưa không như câu "Hải Phòng không lòng vòng" mà nhiều khúc ngoặt.

Đường đông đúc, hàng quán tràn cả ra vỉa hè, tắc đường chiều muộn ở đoạn chợ Đôn Niệm, Nghĩa Xá. Đường thẳng hơn nhưng cấm ôtô đi chiều từ ngã tư Nguyễn Văn Linh đến khúc cua gần ngõ 649.

Từ khúc cua này chạy ra đến cầu Rào đường thông thoáng, nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn mọc lên như nấm. Vài năm trước, đoạn này giáp con mương nước đen sì, đặc quánh đã được cống hóa.

Bên chiếc quán nhỏ của ngôi nhà cũ kỹ nhưng có hai mặt tiền ở ngã tư Thiên Lôi - Nguyễn Văn Linh, cả chủ lẫn khách hít hà cốc trà nóng bốc hơi nghi ngút trong cái rét cắt da cắt thịt của cơn mưa phùn miền biển.

Ông Bùi Văn Thành, một cựu binh già người "cố thổ" của làng Niệm Nghĩa, uống cốc trà cho ấm sau khi kiếm được "cuốc" xe ôm. Ông khẳng khái: "Dân chúng tôi gọi ông là Thiên Lôi vì có sức khỏe phi thường. Nghe các cụ kể thì con đường này ông đắp trong một đêm".

Người đàn ông dạn dày đọc vanh vách từng nơi thờ vị tướng quân của vùng đất cảng xưa: làng Nghĩa Xá có Từ chính Nghĩa Xá, làng Đôn có lăng Đôn, là nơi chôn thủ cấp của ông, còn làng Niệm Nghĩa có đình Niệm Nghĩa. Ngày xưa đình ở sát bờ sông Niệm, nay dời vào trong.

Ông Thành kể từ ngày còn chân đất, quần cộc áo hở rốn lùa trâu ra đồng đã biết con đường nối ba làng Đôn, Nghĩa, Niệm có tên đường Thiên Lôi rồi. Ngày ấy đường đất cao hơn mặt ruộng như con đê nhỏ, hai bên toàn lau sậy. Đến thời hợp tác xã, nhiều nơi bên đường trở thành vườn ươm.

Hơn mươi năm trước, nhiều đoạn đường Thiên Lôi vẫn còn phức tạp, là "sân sau" của bến xe, nhiều ngõ nhỏ, nhiều bụi cây, bãi vắng, những kẻ dặt dẹo ở nơi khác mang xilanh chích choác bỏ lại đầy bờ mương.

Rồi nhiều phụ nữ váy ngắn chưa đủ gang tay, tô son, kẻ mắt cợt nhả với những anh thợ xa nhà say rượu. Ngay cả khu gần đình Niệm Nghĩa - nơi tôn nghiêm nhất của dân làng cũng không được yên tĩnh như bây giờ.

Người trong làng kể lại khu vực đường Thiên Lôi, đoạn từ nghĩa trang của làng đến bờ sông Lạch Tray mươi năm trước toàn lau lách, cỏ rác. Người lạ đến không để ý "vấp phải nghiện", học sinh, phụ nữ trời tối không dám đi qua.

Từ khi có vài khu đô thị mọc lên quanh khu vực, đất sốt lên từng ngày, nhà cửa phố xá cũng khang trang hơn. Những phụ nữ "đứng đường vẫy khách" cũng dạt đi nơi khác.

Thiên Lôi bây giờ chưa có những siêu thị, cửa hàng sang trọng nhưng nhộn nhịp, sầm uất. Mặt hàng nhiều nhất bên đường là đồ ăn. Từ thịt thà, rau cỏ cho tới đồ ăn chín. Giờ tan tầm, người ta vây kín vài chiếc xe thịt quay thơm lừng, ngay gần con mương lớn, nước thum thủm như bao con mương ở thành phố khác.

Dân làng Niệm Nghĩa tự hào về ngôi đình làng của họ, nơi thờ chính của Tứ dương hầu Phạm Tử Nghi. Đình được chuyển từ vị trí ban đầu chỗ bờ sông Niệm về đây năm 1951 nhưng những cấu kiện, khung gỗ và những mảnh điêu khắc được giữ gần như nguyên vẹn từ năm Tự Đức thứ 34 (1881).

Ông Nguyễn Minh Đức, phó chủ tịch Câu lạc bộ Hải Phòng học, trầm ngâm: "Nếu nói trong cả nước thì tôi phải xem lại tư liệu, nhưng tôi chắc chắn một điều: ở Hải Phòng, đường Thiên Lôi là con đường được đặt tên chính thức sớm nhất đất này".

Ông Đức viện dẫn trong sách Đại Nam nhất thống chí (năm 1882) đã ghi con đường gần đê do Phạm Tử Nghi đắp ở An Dương, Vĩnh Niệm gọi là đường Thiên Lôi.

Có sách ghi lại đường Thiên Lôi chính là một phần con đê được Phạm Tử Nghi đắp năm xưa. Cũng có tài liệu ghi con đường này gần con đê ông đắp. Đến thời Nguyễn, đê vẫn còn, dân làng trong vùng hằng năm vẫn gánh đất tu sửa ngăn mặn.

"Điều đặc biệt là con đường này được đặt tên mang yếu tố lịch sử. Trước đây, người dân chỉ đặt tên địa danh theo đặc điểm địa lý, tự nhiên. Mãi sau này đến thời Pháp thuộc rồi chính quyền cách mạng mới đặt tên đường theo tên các nhân vật lịch sử, người có công... còn riêng Thiên Lôi đã được đặt tên theo biệt hiệu của tướng Phạm Tử Nghi rồi" - ông Đức cho hay.

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 2:  Thiên Lôi, cổ đạo xa xưa nhất Hải Phòng - Ảnh 2.

Đình Niệm Nghĩa - nơi thờ tự chính danh tướng Phạm Tử Nghi, tức ông Thiên Lôi - Ảnh: VŨ TUẤN

Sắc phong cho "phản nghịch"

Theo cuốn Đại Việt sử ký toàn thư, Phạm Tử Nghi, còn được quân dân tôn xưng là ông Thiên Lôi với sức khỏe hơn người, sinh năm 1509, mất năm 1551, người làng Vĩnh Niệm, tổng An Dương, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, Hải Phòng). Ông là người có tài sức hơn người, được nhà Mạc phong tước Tứ dương hầu.

Năm 1546, Mạc Hiến Tông (Mạc Phúc Hải) mất, hoàng thân Mạc Kính Điển và quan thái sư Nguyễn Kính định tôn con trai Mạc Hiến Tông là Phúc Nguyên khi ấy còn nhỏ tuổi lên làm vua. Phạm Tử Nghi phản đối, muốn phò con thứ của Mạc Chính Trung làm vua.

Ông đưa ra quan điểm vận nước đang loạn, nhà Mạc vừa đối chọi với nhà Lê ở trong nước, vừa phòng bị nhà Minh ở phương Bắc lăm le cướp nước. Mạc Chính Trung từng cầm quân ra trận, có nhiều chiến công nên phù hợp làm vua lúc này.

Mạc Kính Điển nghe theo nhưng nhiều đại thần trong triều không nghe, Phạm Tử Nghi cùng cháu Mạc Đăng Dung là Mạc Văn Minh đưa Mạc Chính Trung về Hoa Dương, huyện Ngự Thiên (nay thuộc Thái Bình) lập triều đình riêng.

Nhà Mạc nhiều lần đem quân đánh nhưng đều bị Phạm Tử Nghi đánh bại. Về sau, Phạm Tử Nghi đưa Mạc Chính Trung chiếm cứ vùng Quảng Yên (nay là Quảng Ninh), đánh cả sang Quảng Đông, Quảng Tây của nhà Minh.

Cả nhà Mạc, nhà Minh nhiều lần đem quân đánh nhưng không thắng nổi Phạm Tử Nghi. Cuốn Ngọc phả Nam Hải Đại vương ghi lại, nhà Minh bắt mẹ của Phạm Tử Nghi rồi ép ông giảng hòa. Sau đó quân Minh lật lọng, bắt Phạm Tử Nghi chém đầu đốt xác.

Nhà Minh để thủ cấp của ông lên bè thả trôi ra biển, bè dạt vào bờ biển Hải Phòng, rồi được một ngư dân đưa lên thuyền vượt sông Lạch Tray mang về quê. Tương truyền thủ cấp của ông được chôn ở lăng Đôn Nghĩa (nay thuộc đường Phạm Tử Nghi, phường Vĩnh Niệm).

Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Hải Phòng học Nguyễn Minh Đức cho hay đối với người dân Hải Phòng, ông Thiên Lôi được tôn là Đức thánh Niệm. Sau khi ông mất, triều đình nhà Lê (vua Lê Huyền Tông) sắc phong cho ông chức Nam Dương Đông nguyên soái, tước Thành quốc công.

"Có công giữ nước giúp dân, có ơn đức rất mực, đã cất quân dấy nghiệp, chức Nam Dương Đông nguyên soái, tóm thâu, làm tiết chế cả mọi dinh thủy bộ của hai nước ở khắp nơi, phò mã đô úy, tước Thành quốc công, phong là Nam Hải linh ứng đại vương" (Sắc phong thời Cảnh Trị, Lê Huyền Tông năm 1670).

Phạm Tử Nghi từng là tướng nhà Mạc, chiến tranh với nhà Lê, nếu theo quan niệm thời phong kiến thì ông được xem là phản nghịch. Tuy nhiên với công trạng giúp dân, giúp nước từ việc đắp đê ngăn mặn, đánh phá nhà Minh..., triều đình phong kiến nhà Lê và sau này là nhà Nguyễn rất coi trọng chí khí anh hùng, bản lĩnh và những công lao của ông với người dân vùng Hải Phòng, Quảng Ninh.

Đến nay, cổ đạo Thiên Lôi vẫn còn đó, được sửa sang khang trang hơn để hậu nhân truyền đời ghi nhớ về ông. Ai phản thần, ai công đức, lòng dân minh định.

Ở Hải Phòng ngày nay có đến 20 nơi thờ ông Thiên Lôi, trong đó nơi thờ chính là đình Niệm Nghĩa, khu thờ và cũng được coi là mộ phần ở lăng Đôn Nghĩa và Từ chính Nghĩa Xá tọa lạc ngay đường Thiên Lôi, trên mảnh đất của gia đình ông trước đây.

------------------

Đường Trịnh Công Sơn ở Huế chính thức được đặt tên ngày 17-3-2011, cũng là con đường đầu tiên đặt tên Trịnh Công Sơn trong cả nước nhân dịp 10 năm người nhạc sĩ tài danh bước vào miền du ca bất tử.

Kỳ tới: Mộng mơ bên đường Trịnh Công Sơn

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt

TTO - Có phố Chả Cá, lại có phố Thiên Lôi. Bên cạnh những con phố vừa gần vừa lạ này là những con đường mang tên đã đi vào trái tim, nỗi nhớ bao người như đường Trịnh Công Sơn, Thạch Lam, Văn Cao đầy hoài niệm...

Từ khóa » Số 1 Thiên Lôi Hải Phòng