Chuyến Công Tác Lúc Giao Thời - Sự Kiện Nhân Chứng

Trực thăng “cõng” ô tô

Ngày 29-3-1975, TP Đà Nẵng được giải phóng. Bộ Quốc phòng cử một đoàn cán bộ do Thiếu tướng Doãn Tuế, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh (sau này là Trung tướng, Phó tổng Tham mưu trưởng) phụ trách vào B2. Tôi lúc đó mang quân hàm Thiếu tá, là bí thư của Tư lệnh Doãn Tuế. Theo kế hoạch, trên đường đi, đoàn sẽ qua Bộ tư lệnh Quân khu Trị Thiên, Quân khu 5, Quân đoàn 2, Bộ tư lệnh Trường Sơn và các sư đoàn vận tải chiến lược để nắm tình hình, truyền đạt ý định của bộ và đôn đốc việc chuẩn bị lực lượng, hậu cần cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Đoàn đi trên hai xe GAZ-69. Do thời gian rất khẩn trương, bộ đã cho đoàn được “trực thăng vận” từ Hà Nội vào Huế.

leftcenterrightdel
Đồng chí Doãn Tuế. Ảnh tư liệu

8 giờ sáng 1-4, đoàn đến sân bay Bạch Mai đã thấy một chiếc trực thăng Mi-8 chờ sẵn. Xe chui vào bụng trực thăng. Chúng tôi dùng dây chão chằng buộc xe vào những móc bên thành máy bay để khi bay, xe không bị xô, lắc. Nửa giờ sau, máy bay cất cánh. Lần đầu tôi được ngắm nhìn non sông đất nước từ trên cao. Những cánh rừng xanh trải rộng trên sườn dãy Trường Sơn, những dòng sông uốn lượn lấp lánh trong ánh nắng ban mai. Quốc lộ 1 mảnh mai, những cây cầu nhỏ bé, xinh xắn như đồ chơi trẻ con. Ở các vùng dân cư, vết thương chiến tranh đang được hàn gắn nhưng hàng vạn hố bom còn nham nhở, lở loét, gây nhức nhối cả đôi mắt và con tim.

Qua sông Bến Hải, máy bay hạ dần độ cao. Hàng nghìn lá cờ nửa đỏ, nửa xanh bay trên các xóm làng Quảng Trị, Thừa Thiên mới được giải phóng, làm tôi xúc động như sống lại những ngày Cách mạng Tháng Tám: Cờ đỏ bay trên nền trời xanh, cờ reo vui trong lòng người được giải phóng. Bao nhóm người lớn, trẻ con múa tay, giơ nón vẫy chào. Những chú bê con lồng lên trong tiếng động cơ vọng xuống.

11 giờ, chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Phú Bài, xe ô tô chui ra, chạy về thành Mang Cá, nơi đóng Sở chỉ huy của Bộ tư lệnh Quân khu Trị Thiên. Quãng đường Hà Nội-Huế, xe con chạy nhanh cũng mất 3 ngày, chúng tôi bay trong gần 3 tiếng, thực hiện được khẩu hiệu “thần tốc” trong chặng đường đầu tiến về Sài Gòn.

Sáng hôm sau, xe chúng tôi đi tiếp vào phía Nam. Quốc lộ 1 phẳng lỳ nhưng xe không sao chạy nhanh được vì trên đường còn ngổn ngang quân trang, quân dụng của ngụy. Xe vào rất ít nhưng ngược chiều là hàng trăm xe đủ loại, xe nào cũng đầy ắp người và đồ đạc. Đó là nhân dân các tỉnh Quảng Trị-Thừa Thiên trước bị địch hù dọa, sợ “cộng sản tắm máu”, bỏ nhà cửa theo chúng chạy vào, nay “cộng sản” đã giải phóng Đà Nẵng và cũng giải phóng luôn cho họ khỏi nạn cướp bóc của hàng chục vạn quân ngụy hỗn quân, hỗn quan, nổi loạn trong thành phố nên họ đang vui mừng quay về quê cũ.

Chiều 4-4, chúng tôi vào đến Quy Nhơn, nghỉ lại đó để sáng hôm sau ngược Đường 19 lên Pleiku, rồi bắt vào Đường 14 đi B2. Bữa cơm chiều ở nhà khách tỉnh đội có nhiều cá biển. Khi chúng tôi hỏi, đồng chí trợ lý tỉnh đội vui miệng kể: “Mấy hôm nay cá ở đây rất rẻ vì bà con không dám mua, sợ cá ăn xác lính ngụy trôi dạt rất nhiều trên biển”. Thế là chúng tôi không ai bảo ai, chỉ chòi đũa vào đĩa rau và mấy lần phải gọi thêm nước mắm. Cuối bữa, mấy đĩa cá om, cá rán vẫn còn nguyên. Đồng chí trợ lý tỉnh đội hơi ngỡ ngàng nhưng chắc cũng đã hiểu ra.

Mặc quần đùi, áo lót tiếp phái đoàn của bộ

Ngày 3-5-1975, cơ quan chỉ huy chiến dịch mới vào thành phố Sài Gòn giải phóng. Chúng tôi được bố trí vào những biệt thự trong khu gia đình sĩ quan cao cấp của bộ tổng tham mưu ngụy. Vẫn còn nguyên vết tích của cuộc tháo chạy hoảng loạn. Các tủ quần áo vơ vội còn tung tóe. Nhiều nhà, trên bàn, bữa cơm chưa kịp ăn. Những đĩa thức ăn, những chai bia rót dở đã lên mùi chua mốc.

Ngày 7-5, tôi cùng đoàn cán bộ do đồng chí Thiếu tướng Doãn Tuế dẫn đầu ra thăm Côn Đảo. Máy bay trực thăng hạ cánh xuống sân bay Cỏ Ống. Hai chiếc xe Jeep thu được của địch do anh em tù chính trị lái, đón chúng tôi về nhà khách thị trấn đảo. Đảo được anh em tù chính trị nổi dậy giải phóng từ ngày 1-5. Nhiều đồng chí bị giam ở đây hàng chục năm không có tin tức gia đình và chắc gia đình cũng không biết còn hay mất, nhưng vẫn tình nguyện ở lại để quản lý đảo. Chỉ có vài đồng chí làm nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy, còn tất cả hầu như kiêm nhiệm mọi việc: Khoác súng tuần tra canh gác, phục vụ, lái xe, lái ca nô, hướng dẫn khách tham quan đảo.

Mấy ngày chúng tôi ở đảo được các đồng chí đón tiếp rất chu đáo. Nhưng tiếp xúc với chúng tôi từ lúc làm việc, lúc đãi tiệc cũng như dẫn đi tham quan, cả chỉ huy và chiến sĩ chỉ một kiểu “đồng phục”: Đầu trần, chân đất, quần đùi, áo lót cổ vuông cộc tay màu xanh công nhân và trên ngực áo là một ngôi sao năm cánh cắt bằng tôn sơn màu đỏ. Đồng chí chỉ huy nói như thanh minh:

- Lúc ở tù, chị em còn mấy manh quần áo rách che thân; nhiều anh em còn manh nào cũng chuyển cho chị em, không nỡ để chị em phải phơi da thịt. Còn chúng tôi tất cả đều trần như nhộng. Sau ngày giải phóng, chúng tôi vào kho của địch lấy vải may cho anh em mỗi người hai bộ thay đổi, không đủ vải, chỉ cắt được quần đùi, áo lót. Và áo lót cũng làm kiểu cổ vuông truyền thống của bộ đội thời kháng chiến chống Pháp cho dễ may.

Trưa 9-5, chúng tôi lên tàu, cũng là tàu hải quân thu được của địch để về Vũng Tàu. Phút chia tay trên bến sao mà bịn rịn. Kẻ ở, người về ôm nhau, nước mắt chảy dài trên những khuôn mặt sạm gió chiến tranh và những khuôn mặt xanh xao vì tù ngục.

(*) Đại tá, nguyên Phó trưởng phòng Quân huấn, Binh chủng Pháo binh

TÔ BỈNH (*)

Từ khóa » Doãn Tuế