Chuyện Của 1 Giang Hồ Khét Tiếng ẩn Tu ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Với gia đình, Phạm Văn Hưởng là người con bất hiếu, là người em hư đốn, là người chồng, người cha không xứng mặt, “chưa một ngày tròn trách nhiệm”. Đến một ngày, “đầu gấu đầu bò” Phạm Văn Hưởng giật mình nhìn lại thì mẹ cha đã mất, vợ con từ lâu đã xem là người dưng.

Chỉ còn người chị gái đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để yêu thương, lo lắng cho cậu em trai du thủ du thực kia là vẫn vẹn nguyên tử tế với Hưởng. Chị thay Hưởng nuôi nấng, dạy dỗ con cái. Ngẫm tấm tình ấy mà Hưởng đã bặm môi, bẻ lái con thuyền hư hỏng và tha hóa, để “hồi đầu thị ngạn”. Ngoảnh lại yêu thương để thấy bờ!

Chuyện của 1 giang hồ khét tiếng ẩn tu ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 1.

Nụ cười tự tại của nhà sư Minh Thuỷ trong thiên nhiên hoang sơ của núi Thị Vải.

Dùng cả quá khứ “cha làm thầy, con đốt sách” để cứu đời
Quyết tâm là thế, song cũng phải mất rất nhiều năm kiên gan vượt qua chính mình, Phạm Văn Hưởng mới giác ngộ và nhờ Phật pháp mà được sinh ra một lần nữa. Bây giờ, sau gần 20 năm ẩn tu trên núi Thị Vải (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), người ta chỉ còn biết đến ông là thiền sư Minh Thuỷ. Ông Thuỷ đã làm nhiều điều đức độ giúp đời.

Mặc cho chúng tôi một câu “thầy”, hai câu “thầy”, nhà sư Thích Minh Thuỷ trước sau chỉ xưng “sư”. Với những phật tử lớn lớn tuổi, sư Thuỷ xưng hô “con trò - quý phật tử” đầy khiêm cung và đạo hạnh. Quả thực trước nụ cười an nhiên tự tại, trước cách nói chuyện đầy thông tuệ của nhà sư Thích Minh Thuỷ hôm nay; ngoài “dấu tích giang hồ” là dòng mực xăm “đời vinh nhục” còn xanh lèo trên cánh tay ra, thì rất khó để chúng tôi hình dung được đây từng là tướng cướp giang hồ khét tiếng, từng là đệ tử thân tín của Năm Cam!

Nghe nhắc chuyện quá khứ không lấy gì làm tốt đẹp của mình, sư Thuỷ không mảy may khó chịu hay có ý giấu giếm, lảng tránh; ông cười - nụ cười gân guốc của người ăn chay trường đã trên dưới hai mươi năm: “Cha sư là Phạm Văn Thụ, đặt tên sư là Phạm Văn Hưởng với mong muốn sư sẽ được hưởng thụ cuộc đời. Sư hưởng thụ trọn vẹn cuộc đời này thật, chỉ có điều những thụ hưởng đó lại hoàn toàn trái ngược với mong muốn của cha sư”.

Chuyện của 1 giang hồ khét tiếng ẩn tu ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 2.

Một cụm đá rất đẹp nơi sư Thuỷ tu tập.

Thân sinh sư Thuỷ là một thầy đồ Nho đất Bắc. Cụ Phạm Văn Thụ là người Thái Bình, mở hiệu thuốc Bắc ở Phố Hiến, Hưng Yên. Vốn là thầy đồ Nho, lại thạo cả Tây học nên cụ vào Nam làm quản lý đồn điền cao su cho Pháp. Chạy đi chạy lại hai miền, đến năm 1954 đất nước chia cắt, cụ Thụ phải ở lại miền Nam, hai chị em sư Thuỷ là hai người con với bà vợ thứ hai ở Sài Gòn.

Sinh ra và lớn lên ở miền Nam, nhưng từ khi biết đọc, biết viết là Tết năm nào cụ Phạm Văn Thụ cũng mang gia phả ra bắt các con “học thuộc” để nắm rõ gốc tích, tổ tiên ở ngoài quê Thái Bình. Hưởng được nuôi nấng, dạy dỗ dưới sự sát sao của một ông đồ vừa Nho học, vừa Tây học nên được gia đình kỳ vọng sau này sẽ trở thành bác sĩ.

Năm Hưởng 17 tuổi, thi tú tài lần 1 (chương trình giáo dục của chế độ cũ, tương đương lớp 11 hiện nay) xong thì cha đột ngột qua đời. Bấy giờ Hưởng có 2 điều kiện để được miễn lính: Đang theo học tú tài, và là con trai độc nhất. Nhưng 17 tuổi, cái tuổi luôn muốn khẳng định mình bằng mọi cách và không biết sợ, Hưởng bỏ dở việc học, nộp đơn vào trường Hạ sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hoà tại Đồng Đế, Nha Trang.

Sư Thuỷ hồi tưởng: “Hồi đó sư có sẵn “máu yêng hùng”. Những năm 70, phong trào Hippie của Mỹ lại tràn sang ồ ạt. Thanh niên để tóc dài, mặc quần ống loe và theo chủ thuyết hiện sinh, chỉ thích tình yêu chứ không thích chiến tranh; và hễ thích là làm mà không cần biết đến ngày mai. Vừa do bản tính, vừa do bước ngoặt gia đình - cha sư mất, lại đúng thời điểm du nhập vô vàn cái xấu nên sư nhanh chóng “học cái xấu” để rồi trượt chân. Xuống dốc không phanh. Chỉ sau ba tháng ở trường, sư đã bập vào ma tuý”.

Sư Thuỷ lặng im chốc lát rồi dốc lòng tâm sự: “Sư có cái tính vừa là ưu điểm lại vừa là nhược điểm: Bất kể làm việc gì, dù là học hay chơi sư cũng rất đam mê. Đã không học thì thôi, còn học thì phải hơn hoặc ít nhất là bằng chúng bạn. Cả chơi cũng thế, nên sư không chỉ chơi ma tuý mà còn hút, chích, buôn bán.

Ngẫm lại ngày đó, ở góc nhìn chính trị, bao nhiêu những ăn chơi, truỵ lạc đó họ đưa vào – cùng với tiền bạc, của cải vật chất là để huỷ hoại ý chí của nhiều thế hệ thanh niên. Và sư cũng không nằm ngoài”. Ngày đó 17 tuổi, Hưởng đã “nổi tiếng” khắp trường Hạ sĩ quan vì thích đánh nhau, có những tuần gây ra đến 3 - 4 vụ đánh đấm với cả học viên bên trong và ngoài trường. Sau hơn một năm quậy phá, hút sách, Hưởng bỏ trường về nhà ăn bám người chị gái và buôn ma tuý đường dài để có tiền hút, chích.

Chuyện của 1 giang hồ khét tiếng ẩn tu ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 3.

Một nhà sư ngồi thiền trên đỉnh núi Thị Vải.

Sư Thuỷ bảo: Cha và chị gái sống nguyên tắc, đạo đức Nho gia bao nhiêu thì mình ngược lại bấy nhiêu: “Ngày đó sư sống đúng với câu “cha làm thầy, con đốt sách”. Cha sư mất, “quyền huynh thế phụ”, chị gái sư thay cha kèm cặp em nhưng bả không có cách nào quản sư cho được. Ngày đất nước thống nhất, sư lừa với chị gái xin mấy chỉ vàng để đi làm ăn xa, nhưng kỳ thực là ra Bắc, về quê thăm người anh trai cùng cha, khác mẹ.
Ngày gặp nhau anh em mừng lắm, nhưng chén rượu thâu đêm suốt sáng nên bản chất hưởng thụ cùng những thứ tha hoá trong con người cứ thế “lời ra, rượu vào”. Anh trai cùng cha, khác mẹ của sư cũng là người giữ gìn Nho đạo, thấy sư nói năng ba trợn, ổng trừng mắt: “Chú ăn nói lạng quạng là tôi bợp tai chú đó””.

Vốn được cha mẹ chiều chuộng, ngoài “giang hồ” lại được đám đàn em xưng tụng; nay lại bị anh trai giáo huấn trước đàn con cháu nên “máu nóng bốc lên, sư thấy nhục nhã quá. Sư xuống bếp xách con dao bầu: “Ông đã nói vậy thì tui với ông không còn là anh em nữa”. Vừa dứt câu là sư vung dao chặt đứt đốt tay út rồi đùng đùng bỏ về Nam”.

Sau này, các câu chuyện bi hài kinh khủng rất đáng xấu hổ đó, sư Thuỷ đã cho cả vào “giáo trình” đi nói chuyện ở trại cai nghiện hay với các Phật tử nói chung. Mục đích là để giúp đời.

Xiết cò bắn công an, vào tù vẫn có tiền vàng gửi về nhà

Nhiều phật tử tò mò hỏi, với người chơi bời, nghiện ngập “có số” như Phạm Văn Hưởng ngày đó, thì lấy đâu ra tiền để mua ma tuý? Sư Thuỷ vẫn thẳng thắn không một chút giấu giếm: “Con trò lừa mẹ già và chị gái lấy hết tiền bạc, của nả, rồi cả ngôi nhà cũng bị con trò đưa ra cầm cố. Đến khi không còn gì để bán nữa thì tính chuyện rủ nhau đi cướp” - sư Thuỷ kể chuyện rất sinh động, thông minh - “Con trò vẫn nhớ đó là ngày 13.7.1981. Con trò và một bạn nghiện là chú Trần Phước đã đi ăn cướp.

Chuyện của 1 giang hồ khét tiếng ẩn tu ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 4.

Tại đỉnh núi Thị Vải, hang núi linh thiêng trong lòng phiến đá lớn được làm cửa, khóa kín, bên ngoài dựng tượng con hổ trắng bảo vệ.

3 giờ sáng hôm đó con trò và chú Phước chở nhau lên Hóc Môn chích hai liều ma tuý để lấy dũng khí thực hiện kế hoạch. “Con mồi” là hai vợ chồng chủ hụi sống gần nhà một người quen, vợ chồng cô chú đó thường chở nhau đi thu tiền bằng xe Honda sơn màu nho. Cướp được cái giỏ đựng tiền và cái xe là có đến mấy chục ngàn (khi đó mới đổi tiền) lận.

Con trò và chú Phước đi theo hai vợ chồng họ, khi cô vợ vào chợ mua đồ, chỉ còn chồng đứng chờ ven đường thì con trò sáp lại rồi lên đạn để hai viên đạn văng ra cho chú đó biết là đạn thật. Con trò có trình độ, lại là sĩ quan chế độ cũ nên khi giơ súng đe doạ chú đó là con trò đã kẹp áo mưa ở nách để che rồi.

Người đi đường qua lại chỉ nghĩ là hai người đang đứng nói chuyện với nhau thôi. Khi hai viên đạn văng ra, con trò mới nói “đứng im không được nhúc nhích, nhúc nhích là bắn nát đầu”. Chú đó sợ quá tròn mắt, miệng há hốc rồi đành phó mặc mọi chuyện cho con trò. Con trò lấy tiền, lấy giỏ, lấy bóp của chú đó; còn chú Phước thì chạy lại lấy xe Honda của nạn nhân rồi nổ máy. Con trò lên xe, hai chú cháu chạy được khoảng hai chục mét thì xe chết máy. Đúng là thiên tính vạn tính không bằng trời tính!

Con trò và chú Phước bỏ xe chạy bộ, chú kia lúc đó hô “ăn cướp, ăn cướp”. Loáng một cái đã thấy có hai chú công ăn chặn đầu chú Phước. Con trò chạy vọt lên gí súng vào đầu chú công an và bóp cò”.

Bất chợt sư Thuỷ cúi mặt: “Kể đến đây con trò thấy xấu hổ quá”.

Ông cười ngượng nghịu, gãi gãi đầu rồi kể tiếp: “Lúc bỏ hai chỉ vàng mua súng, con trò và chú Phước đã mang súng nổ thử dưới nước rồi, nhưng có lẽ ông trời có mắt, không dung túng cho những việc bất lương, nên khi con trò gí súng vô đầu chú công an và bóp cò thì dính phải viên đạn thúi nên không nổ.

Thấy vậy, con trò bỏ chạy, hai chú công an biết là súng thiệt nên cũng tá hoả chạy luôn. Con trò quăng giỏ tiền cho chú Phước chạy trước còn mình ôm súng chạy theo sau bảo vệ. Được một lát thì thấy hai chú công an lúc nãy lấy ra hai cây súng từ trụ sở dân quân tự vệ. Hai chú quỳ gối nhằm con trò và chú Phước mà bắn. Khi súng nổ thì may mắn là lúc đó súng ngắm ở tầm thấp nên bắn trúng... con gà.

Nhưng rồi con trò cũng không thoát, vì mình làm việc ác nên mình nhận quả ác, dù mình có khôn lanh tính toán cỡ nào. Chạy một đoạn thì ma tuý trong người tan hết nên tay chân, người ngợm mềm như sợi bún. Hai chú cháu chạy vào chỗ ao rau muống ném bỏ khẩu súng, đúng lúc người dân và hai chú công an đuổi đến nơi. Cuối cùng chú Phước bị xử 4 năm, con trò bị xử 7 năm vì ngoài hành vi cướp, còn thêm tội tàng trữ vũ khí trái phép”.

Phạm Văn Hưởng chịu án trước sự “ngưỡng mộ” của bạn tù vì dám dùng súng chống lại công an. Hưởng nhanh chóng xếp vào hàng đại ca, do đó mà dù chịu án tù, Hưởng vẫn có tiền vàng gửi về cho gia đình. Một mặt, Hưởng cùng Hải “móm”, Lan “em”, Lũng “đầu bò”... - là những đàn em sừng sỏ của trùm giang hồ Năm Cam - lập băng đảng ngay trong trại. Ngày mãn hạn, Hưởng từ cổng trại giam về thẳng sào huyệt của ông trùm Năm Cam và trở thành kẻ chuyên bảo kê, “thanh toán” đối thủ cho ông trùm.

Người lầm lỡ nào cũng cần một tác nhân để hoàn lương!

Năm 1992, Hưởng nhận lời nhắn từ chị ruột: “Mẹ mất rồi. Lần cuối cùng tau nói, mi không nghe lời thì tau dứt tình chị em”.

Nhắc đến người chị, sư Thuỷ không giấu được xúc động: “Ngày cha sư mất, cha bắt chị gái sư quỳ trước ban thờ thề phải nuôi dạy cho sư ăn học thành bác sĩ, lo cho sư đầy đủ vợ con thì mới được lấy chồng. Nên với sư, chị vừa là chị, vừa là mẹ. Vì giữ lời thề trước lúc cha sư nhắm mắt xuôi tay mà 34 tuổi chị của sư mới xây dựng gia đình. Khi sư phá phách, chơi bời; bả lo lấy vợ cho sư để mong sư vì trách nhiệm gia đình mà “hồi đầu thị ngạn”.

Nhưng hai đứa con của sư đều do một tay bả nuôi dạy thành người, bà mẹ già của sư cũng do một tay bả phụng dưỡng; sư chưa một ngày trọn đạo làm con, cũng chưa một ngày nào tròn trách nhiệm làm cha, làm chồng”.

Sư Thuỷ nói người chị gái là tác nhân lớn nhất giúp mình giũ bỏ quá khứ để đến với con đường học Phật như ngày hôm nay. Nhưng chuyến “hồi đầu” đó cũng là cả một chặng đường gian khổ vượt lên chính bản thân mình chứ không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai.

Mẹ mất, Phạm Văn Hưởng bấy giờ mới lắng lòng nghĩ đến những hy sinh, yêu thương của chị gái; Hưởng nhún một bước, đồng ý rời bỏ băng nhóm của Năm Cam để vào chùa Hoằng Pháp làm công quả. “Là gượng ép vậy thôi, bởi sư sống trong chùa nhưng tâm tính vẫn lẩn ngoài xã hội.

Ban đêm sư gác chùa, ban ngày sư trốn các thầy đi chơi. Ba năm ở chùa mà sư có tới 5 lần vi phạm. Có những lần sư đua xe gãy chân, bể xương trên mặt. Sau ba năm, thầy trụ trì nói sư nên rời khỏi nơi này. Lúc đó sư còn cự lại: Thầy không cho con ở lại là con lên chánh điện rạch bụng, moi ruột cúng dường Phật cho thầy coi”.

Dù sống trong chùa mà tâm tính ngoài xã hội; nhưng suốt ba năm đó Phạm Văn Hưởng cũng đã được những lời giảng của các thầy trong chùa thấm dần vào tâm trí. Từ đó, ông Hưởng tìm về tịnh xá Ngọc Phật (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) xin được tiếp tục đường tu. Ở đây, Phạm Văn Hưởng được thầy tổ cho xuống tóc và đặt pháp danh Minh Thuỷ.

Sư Thuỷ cũng không giấu những khó khăn của bản thân khi bước đầu học Phật: “Ngày mới về đây tu tập, sư còn thiển cận lắm. Bởi cả đời sư là đầy rẫy những tội lỗi kinh thiên nên khi tu, sư luôn muốn các thầy của mình phải là những tấm gương thật chuẩn.

Thấy các thầy làm việc gì không gương mẫu là sư không chịu, sư cự lại. Thầy tổ thấy sư chấp ngã, chấp pháp như vậy bèn nói: “Ông này chỉ tu trên núi được thôi”. Thầy tổ quyết định để sư lên núi vì hai lý do: Một là để sư dành trọn thời gian nhìn lại bản thân mình. Thế là từ năm 2000, sư lên núi”.

Thất tu (ngôi nhà nhỏ) của sư Thuỷ là một trong những điểm cao nhất trên núi Thị Vải. Ban đầu sư Thuỷ tu trong một cốc (am) bé xíu, hầu hết thời gian dành cho việc hành thiền. Sau mấy lần xuống núi lấy gạo, thầy tổ thấy sư Thuỷ đã có nhiều tiến bộ rõ rệt nên để các thầy khác trong chùa lên núi giúp sư dựng thất.

Gần hai mươi năm trên vách núi tu tập, có nhiều người từng là “chiến hữu” năm xưa lên Thị Vải tìm sư Thuỷ; có cả người đến thuyết phục ông trở lại giang hồ lẫn người tìm đến để nhờ ông giúp làm lại cuộc đời. Thế nhưng không một ai trong số họ thuyết phục được sư Thuỷ rời núi, và cũng không một ai thành công trong việc “hồi đầu”. Đến bây giờ, tất cả những người “anh em” đó đều đã chết.

Chuyện của 1 giang hồ khét tiếng ẩn tu ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 5.

Hai vị tu hành bàn luận đạo pháp trong vui vẻ ngay trong bếp.

Những ngày đầu giác ngộ, nhận thấy những nhiệm màu của Phật pháp, sư Thuỷ từng đi nói chuyện nhiều nơi với hy vọng đánh thức được lương tâm của những người lầm lạc. Cũng có rất nhiều người tìm đến ông nhờ giúp đỡ, nhưng con số thành công chỉ đếm được vài người.

Theo sư Thuỷ học Phật lâu nhất cho đến bây giờ chỉ có “ông sư lớn” Minh Trì và “ông sư nhỏ” Minh Nguyện – một người sáu năm và một người bốn năm chưa một lần rời thất. “Ông sư nhỏ” Minh Nguyện từng là tài xế xe taxi, nghiện ma tuý đá và làm khốn khổ cả gia đình.

“Sư Minh Nguyện có một người chị gái cũng hết lòng thương em, người chị đó đã tìm đến sư nhờ sư giúp đỡ em trai mình. Cả sư và sư Minh Nguyện đều ngày càng quý kính chị mình khi đã giác ngộ. Nếu không tự thân, không có duyên, và không có tác nhân là những người chị đầy yêu thương và hy sinh đó, thì không chắc sư và sư Minh Nguyện có được ngày hôm nay”.

Từ trên núi Thị Vải phóng tầm mắt ra mênh mông đồng bằng phố thị Tân Thành, giọng sư Thuỷ thoáng nghẹn lại: “Những năm tháng cuối đời, chị gái sư rất hạnh phúc vì sư đã quay đầu - dù lúc đó sư mới ở bậc Sa-di (những người xuất gia đang tập sự để tu tiến).

Cả cuộc đời sư chỉ có ba ngày trong viện trông nom là tròn đạo nghĩa với chị. Những người từng lầm lạc như sư, trên đường tu rất cần một tác nhân để không rơi vào cảnh “ngựa quen đường cũ”. Tác nhân của sư chính là bà chị gái, người vừa là chị, vừa là mẹ của sư”.

Từ khóa » Cậu Thái Vũng Tàu Bắt Ma