Chuyện Diều - Báo Nhân Dân

Bãi sau biển Vũng Tàu bữa ấy xanh ngằn ngặt. Gió lồng lộng. Rồi thấy trăm hồng ngàn tía diễu hành qua bầu trời. Ai đó kêu to. Diều các bác ơi! Diều! Tôi leo lên gác thượng khách sạn, cùng chiếc máy ảnh du lịch. Phóng tầm mắt ra xa. Biển thì xanh thẫm. Bầu trời thì xanh trong. Bên trái tôi, phía đường chân trời, có những đám mây chuyển động. Cao lên và rõ dần. Cơ man diều, những cánh diều mang hình sinh vật biển. Một chiếc diều hình cá khổng lồ, chuyển mầu từ đỏ sang vàng, kéo theo một lá cờ lớn. Rồi những chú bạch tuộc xanh và đỏ, hiền khô bơi chầm chậm trong không khí, vây quanh là đàn sinh vật biển nhỏ nhắn, li ti. Rồi một đàn cá lớn, kéo lê những chiếc đuôi rất dài, diễu qua như những thứ vũ khí hạng nặng của biển. Những chiếc đĩa bay mầu xanh chứa chất huyền hoặc về một thế giới khác bay qua, đủ chậm để nuôi dưỡng trí tưởng tượng. Giờ thì mới thấy những đoàn diều người bay. Có vẻ đúng quy luật tạo dựng thế giới. Biển sinh ra trước tiên. Những chiếc diều người soãi rộng hai cánh tay, mắt nghiêng ngó mặt đất, miệng ngoác cười, làm râm ran cả bãi biển. Hai bên là những cánh diều chim, hậu cần phía sau là những chiếc xe bay không cần ngựa kéo.

Rồi bất ngờ tĩnh lặng.

Tôi phóng xuống đường, ghé quán cà-phê. Cà-phê vỉa hè, dựa vào bóng mát cây thông. Chủ quán là một nữ nhân tầm ngoài bốn mươi, vẫn còn mặn mà, nhanh miệng. Sao bác dậy muộn thế, không kịp xem lễ hội diều quốc tế? Chưa kịp đáp thì một ông khách đang gặm bánh mì chen vào, phần hay nhất vẫn còn găm đấy. Vừa cà-phê nữ nhân vừa ngắm, cũng đã à nghen. Tôi kêu một li nâu đá, hướng về phía ông khách gặm bánh mì, hỏi độp, ông người đồng bằng Bắc Bộ, tỉnh nào vậy? Ông khách vặn lại, sao biết tôi người Bắc? Nghe giọng thì biết dù tiếng đã pha trộn, tôi vốn thích diều. Ông khách gật đầu, tôi người Thái Bình, chui lủi địa đạo Bà Rịa mãi, rồi thương gái địa phương, giờ thành dân địa phương. Rồi thêm, diều là một thú chơi. Tôi móc túi ra gói chè Thái nói, nhờ cô chủ xinh đẹp pha giúp ấm chè Thái. Tôi muốn đãi đồng hương "Bắc cờ".

Có nhiều tiếng hò reo. Diều Huế! Tôi ngẩng nhìn lên. Những chiếc diều tạo hình rồng uốn khúc uy nghiêm bay ngang bầu trời. Những cánh diều chim phượng hoàng sang trọng, thanh thoát, quý phái. Ông khách buông một câu, vẻ ỡm ờ. Sản vật Kinh kỳ, mua vui thôi. Đúng lúc đó, từ thinh không văng vẳng tiếng sáo diều. Ngân nga, trầm bổng. Cái ồn ã của vùng biển Vũng Tàu không át nổi. Ông khách vỗ đùi, đó đó, ông bạn thấy không, tiếng của đồng bằng Bắc Bộ đó! Đấy là hồn của đồng bằng. Nữ chủ quán cà-phê cũng ngước lên bầu trời. Những cánh diều cong như vầng trăng im phắc trên không trung. Tiếng sáo vi vút như được thiên tiên gửi mây chở tới. Những vầng mây rất nhẹ. Đôi má cô chủ quán chợt hồng lên, hỏi nấu cho bác bát mì trứng nhé. Ừ thì mì trứng, một trứng thôi nhé. Rồi cùng im lặng. Tiếng sáo diều vẫn vi vút lưng chừng trời. Ông khách tự tay rót một chén trà. Trà Thái, thơm riêng. Nhấm nháp. Bất ngờ, tôi nhìn thấy hai giọt nước mắt to, lặng lẽ lăn trên đôi gò má nhăn nheo của ông khách. Cô chủ quán cà-phê đang định nói gì, lời liền nuốt vào trong.

*

Ông khách có một cái tên rất Thái Bình, Trần Lúa. Kém tôi vài ba tuổi, cứ bác bác, em em. Nghe bác cũng có nghiên cứu về diều. Em hỏi khí không phải, diều có từ bao giờ? Đáp rằng, theo như sách vở còn ghi lại, thì diều được khai sinh từ thời Xuân Thu, cách đây cũng ngót ba ngàn năm. Từ khi con người có trí khôn, thì con người đã nuôi khát vọng trả lời câu hỏi, tại sao chim diều hâu có thể bay liệng hàng giờ trên không chả cần vỗ cánh, mà con người thì không? Chính là con diều hâu đã thúc đẩy con người làm ra diều. Tôi có thể cược với chú, con diều lúc đầu được mô phỏng từ con chim của sa mạc ấy đấy. Trần Lúa bảo, có lí. Ngày bé em đứng trên bờ đê Trà Lí, ngắm cánh diều hâu liệng đi liệng lại trên trời, say đến mức quên cả màn đêm phủ kín cánh đồng. Em cũng mê thả diều. Thời ấy ở tận bên Song An, Vũ Thư, cứ vào dịp cuối tháng Ba âm lịch là mở hội thi thả diều. Năm nào em cũng trốn nhà đi bộ sang Vũ Thư coi thả diều. Bác đã nghe nói đến Hội thi thả diều Song An chưa? Em cũng đi nhiều, thấy có một không hai. Hội thi kéo dài cả tuần lễ, từ ngày 20 đến 27 tháng ba Âm lịch. Luật thi độc đáo lắm, nghe nói hơn trăm năm nay vẫn như nguyên thủy. Người chủ diều sau khi chọn hướng gió kéo dây, ban tổ chức sẽ cắm hai bên dây diều hai cây sào với khoảng cách chỉ 50 centimet, trên đầu sào có buộc hai lưỡi mác bén lạnh. Khi trống lệnh nổi, các chủ diều chỉnh chuẩn cho diều kéo căng dây rồi đâm lên. Cánh diều nào không chuẩn đảo qua đảo lại, dây diều sẽ chạm phải hai lưỡi mác trên hai ngọn sào, đứt dây là bị loại. Diều đoạt giải nhất là diều đậu được đến ngày cuối cùng của hội thi. Nhưng diều thì phải có sáo. Ở đây diều chở sáo. Sáo hút gió mà cất tiếng bổng trầm. Chú em Trần Lúa này càng nói càng hay. Diều đã cuốn cả tâm trí gã vào rồi. Chú lại nói, những tay tổ sáo diều quê em, gọt sáo mới là thiên tài. Giàn sáo họ làm, ít thì ba sáo, năm sáo. Nhiều thì chín, mười ba, mười bảy. Nhưng chỉ có ba cây sáo chủ. Gọt sao để cho chúng ăn tiếng, thì đó lại là tài năng. Tôi bỗng nổi tò mò, chú có nhiều thực tế về diều? Chú có biết làm diều không? Trần Lúa sững người, có vẻ ngạc nhiên. Làm diều ư? Ôi sao bác hỏi câu hỏi ác thế. Thú thực em chưa bao giờ làm thành một con diều thực thụ.

*

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, làng của Trần Lúa bị địch chiếm. Đi học muộn, sau khi miền bắc giải phóng mới đến trường. Năm học lớp năm, Trần Lúa đã phạm một sai lầm chết người, nếu bị phát hiện, thì coi như xong đời. Chuyện ấy chỉ có Lúa biết, thêm nữa chắc trời đất biết. Bây giờ mới nói.

Ngày đi học, em là một thằng nhóc sáng ý, tiếp thu nhanh. Học lực luôn được xếp vào loại khá. Không hiểu sao, suốt những năm học cấp I, rồi lên cấp II, lúc nào em cũng chỉ mơ có được một cây bút máy. Một cây bút máy mầu đỏ, có sẵn mực tha hồ viết, sạch sẽ, không dây mực ra tay. Lớp em cũng chỉ có vài ba bạn là có bút máy. Giời ạ, túi ngực gài chiếc bút máy thì thật hãnh diện. Hồi chiến dịch Điện Biên Phủ, bọn Pháp đóng bốt ở quê em tháo chạy. Em có một ông chú họ, trốn nhà đi bộ đội sớm, bất ngờ về làng, đến thăm bố em. Chú có một cây bút máy đẹp tuyệt trần, gài nơi túi ngực. Em mon men đến bên, gạ cho xem. Chú rút cây bút nghe cái tách, bảo Parker đấy, chú lấy được của một thằng Tây. Em cứ mân mê cây bút, không muốn rời ra, bèn lựa lúc chú đang vui chuyện mới thì thầm, chú cho cháu nhé. Chú hơi sững người, nhưng cũng gật đầu. Chú về rồi, mẹ em nói, cây bút quý thế, sao con dám xin! Em đáp, chú ấy đồng ý cho rồi. Cha em im lặng, không nói gì. Bảnh mắt hôm sau, chú phái thằng cháu ruột lớn hơn em năm, sáu tuổi đến đòi lại cây bút. Nhìn cặp mắt nghiêm khắc của cha, em không dám ho he nửa lời, trả lại cây bút. Bài học. Cha chỉ nói vậy. Và rồi em cũng bẵng quên đi.

Thời gian ấy em chơi thân với thằng Nghiêm lớp trưởng. Thân đến mức em đã về tận nhà thăm cha nó ốm. Mẹ nó còn giữ lại ăn cơm. Lẽ dĩ nhiên, theo cách nhìn của em, gia cảnh nhà nó khá hơn nhà em. Chưa bao giờ em nghĩ sẽ làm một việc gì đó hại nó.

Hôm ấy đến lớp, bất ngờ Nghiêm trình diện một chiếc bút máy, chắc là bố nó mua cho. Em ngồi bàn trước. Nghiêm ngồi bàn sau. Trong lúc thầy giáo đang viết đầu bài lên bảng, em quay lại sau định mượn Nghiêm chiếc thước kẻ, thì thấy chiếc bút máy. Chiếc bút máy mầu đỏ, đúng như chiếc bút trong mơ em thấy. Tự nhiên em không sao tập trung nghe giảng được nữa. Chỉ nghĩ đến mầu đỏ của chiếc bút. Giờ giải lao, Nghiêm ra trước để lại chiếc bút trên bàn. Em ra liền sau, quờ tay lấy chiếc bút nhét vào cạp quần, nằm chung với dải rút. Định bụng trêu Nghiêm, cho nó lo sốt vó một phen. Ai ngờ, vào lớp, phát hiện chiếc bút không cánh mà bay, Nghiêm liền thưa thầy giáo. Đòi khám lớp lập tức. Em chết sững. Không kịp phản ứng gì, đành phó cho may rủi. Nếu khám thấy, em sẽ thành thằng ăn cắp, sẽ bị đuổi học.

Thầy giáo bắt cả lớp ra ngoài, xếp hàng dọc, để lớp phó đi khám túi từng người. Em run. Nhưng vẫn đủ bình tĩnh chìa tất cả các túi áo cho cô lớp phó nắn bóp. May cô lớp phó không nắn cạp quần. Nếu nắn, chắc em đã thăng. Rồi thầy giáo cùng cô lớp phó và Nghiêm đi khám ngăn bàn và cặp sách. Chiếc bút hoàn toàn mất tăm.

Nghiêm tỏ ra rất buồn. Em cũng tìm cách xa lánh Nghiêm. Vấn đề của em là xử lí cây bút máy mầu đỏ. Em bỗng thấy căm thù nó vô cùng.

Buổi ấy tan học, cả lớp lặng lẽ tản đi. Cái không khí ồn ã, nhộn nhạo mọi khi lặn đâu mất. Dọc đường về nhà, em tạt qua Cống Đá. Từ đó ra biển chả bao xa. Thấy rõ rặng phi lao. Ngửi thấy cả mùi tanh của tôm cá, vị mặn của muối. Dòng nước chảy qua cống phát ra âm thanh rì rào, buồn buồn. Em ngồi cho tới khi nhá nhem, rặng phi lao chỉ còn là một dải tím sẫm. Cây bút máy mầu đỏ vẫn nằm trong cạp quần, như một của nợ. Đến lúc em phải lựa chọn, làm gì với cây bút vô tri nhưng oan nghiệt này. Bây giờ, bác có thể suy diễn điều này điều kia. Lúc ấy em chỉ có một ý nghĩ duy nhất, hủy nó. Em vớ một cục đá, đặt cây bút máy xuống miệng cống, đập đến nát vụn, rồi gạt xuống nước.

Không biết Nghiêm có nghi ngờ em không? Không biết thầy giáo và các bạn trong lớp có nghi ngờ ai không? Nhưng không khí của lớp từ đó cho đến khi kết thúc niên học không còn như xưa nữa. Ở trong lớp luôn tồn tại một thằng ăn cắp mà chưa bị vạch mặt.

*

Học hết lớp bảy, kiên quyết không học lên, Trần Lúa rẽ ngang đi học làm thợ máy chiếu, được phân công về một đội chiếu bóng lưu động của tỉnh. Tuần tuần kéo máy đi chiếu bóng từ làng này sang làng khác, vất vả, nhưng nhàn tâm. Có nhiều thời gian rảnh, Trần Lúa quay về với đam mê cũ: diều.

Đi lại nhiều trong tỉnh, Trần Lúa phát hiện ra một phiên chợ đặc biệt, hàng năm chỉ họp một lần vào tiết trung thu, chuyên bán diều. Đó là chợ diều Cầu Quan. Tương truyền cầu này được xây từ thời quan Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đưa dân về khẩn hoang, lập nên hai huyện Tiền Hải và Kim Sơn. Riêng phiên chợ diều Cầu Quan thì không rõ có từ khi nào, ai sáng lập nên thì đang chờ khảo cứu.

Trần Lúa chỉ nghe kể về chợ này chứ chưa mục sở thị. Thành thử trung thu năm ấy, anh thợ máy chiếu nhất quyết xin nghỉ phép năm. Khó khăn lắm lãnh đạo công ty chiếu bóng mới kiếm được người thay. Lúa về nhà nghỉ vài hôm, rồi rong một mạch lên Cầu Quan đón chợ diều.

Phiên chợ họp từ mờ đất. Gọi là chợ diều, nhưng người ta bán đủ. Từ rau cỏ, gà qué đến cá mú. Bán diều chỉ có hai ông già, một ông Béo, một ông Gầy. Mỗi ông giữ một đầu Cầu Quan. Khách mua diều đông, có người địa phương, có người ngoại lai. Chợ diều Cầu Quan không có thách giá, không có mặc cả. Người bán hàng nói bao nhiêu, người mua trả bấy nhiêu.

Trần Lúa đi vào chợ từ phía bắc, toàn thấy bán gà. Đi tiếp thì thấy bán cá. Rồi thấy bán chuối. Rồi thấy bán rau. Hỏi mới biết, diều bán ở nam chợ, ngay trên cầu. Cầu Quan bắc ngang con sông đào. Ông Béo chiếm lĩnh bờ bắc, bày bán những chiếc diều được làm rất đẹp, nan diều được trau chuốt, giấy bồi phất nhựa hồng chắc chắn. Giá rẻ chỉ có một đồng rưỡi. Sáo diều toàn đồng bộ ba chiếc một, bán riêng. Dây cũng bán riêng. Khách mua diều tập trung quanh ông Béo. Râm ran trao đi đổi lại. Buộc dây thế nào? Gắn sáo vào đâu? Rồi, chốc lại có người mang diều đi. Quá trưa thì ông Béo bán hết chỗ diều và sáo. Dây thì người chơi có thể tự se lấy ở nhà, chả cần mua. Những người mua, mang diều đi rồi, chả biết khi thả có bay cao? Chả biết tiếng sáo có trầm bổng du dương?

Trong khi đó ông Gầy ở đầu cầu phía nam, suốt từ sáng sớm tới trưa chả ai ngó ngàng. Bởi vì giá diều của ông đắt quá. Những bốn đồng rưỡi. Ông Béo sau khi kiểm đếm, lận tiền chắc vào lưng, bèn bước qua cầu sang đầu nam. Dừng lại coi kĩ những chiếc diều của lái diều đối thủ. Ông thấy nan diều vót còn thô, thiếu hẳn trau chuốt. Lối buộc dây lèo có gì đó khác lạ, nhất thời ông chưa nghĩ ra. Chưa nhận ra khác lạ chỗ nào. Nhưng ông nghĩ việc đó là của người chơi, không phải việc của ông. Việc của ông là làm ra cánh diều và bán. Khi cánh diều trở thành sản phẩm, thì cần người làm chuyên nghiệp. Ông Gầy ỉu xìu, chẳng hề để ý đến ông Béo. Một số khách mua ngó giá cao ngất ngưởng bốn đồng rưỡi, liền quay đi. Ông Béo ngứa miệng góp với ông Gầy, hạ giá mà bán ông anh ạ. Dân ít tiền chả ai mua đắt thế đâu. Ông Gầy chỉ nói cảm ơn, nhưng chẳng có ý định hạ giá. Ông Béo cũng im lặng quay vào trong chợ. Mất hút giữa những gồng và gánh...

Ông Béo đi rồi, ông Gầy kiên trì canh giữ đầu cầu phía nam cho đến chiều. Khách mua diều vẫn e ngại, vì giá treo cao quá. Đến giờ mùi. Gió nam thổi mạnh. Ông Gầy thấy Lúa xoắn xuýt bên những con diều suốt từ sáng, bèn bảo, cậu giúp lão một tay. Rồi ông lấy dây buộc vào con diều phất giấy nam mầu nâu thẫm, có buộc giàn sáo ba chiếc. Ông bảo Lúa đỡ con diều, nghe lệnh ông, được gió thì đâm diều lên. Thật là một vinh hạnh bất ngờ. Lúa đỡ con diều, cẩn thận như bà già ở quê chuẩn bị đỡ đẻ.

Đâm diều, ông già ra lệnh. Chiếc diều được gió bay vút lên cao. Không trung đột ngột tràn ngập tiếng vi vút trầm bổng. Buổi chiều Cầu Quan trở nên huyền hoặc. Có ai đó xướng to, tôi mua chiếc diều này. Cứ vậy, ông Gầy bán những chiếc diều của mình với giá bốn đồng rưỡi. Chả thấy ai kêu đắt. Còn chiếc diều cuối cùng ông thả lên trời. Chiếc diều bay rất cao, đứng yên trên không trung, nom không khác cánh chim diều hâu. Con diều này được gắn bộ sáo năm chiếc. Âm thanh của nó mới thật sự kì thú. Quá nhiều người muốn mua. Có người trả gấp đôi giá đặt. Tức thị chín đồng. Ông lão nhìn mọi người, rồi nhìn Lúa, hỏi có biết DIỀU LÀ GÌ không? Mọi người ồn ào. Sao lại không biết, diều là diều chứ còn gì nữa! Riêng Trần Lúa im lặng. Lúa không biết diều là gì. Ông Gầy lắc đầu, rút từ tay nải khoác lưng ra một cây kéo to. Đám đông trố mắt, chưa biết ông lão định làm gì. Thì phựt! Ông lão cắt đứt sợi dây diều. Ôi trời, tiếng kêu đồng loạt vang lên. Con diều mang theo bộ sáo năm chiếc bay đi, bay đi mãi. Ông lão nói với Trần Lúa, trời xanh rất công chính.

*

Trần Lúa bắt tay tôi, nói chúc bác một kì nghỉ mĩ mãn, không nói ngộ ra điều gì. Còn tôi thì bắt đầu suy nghĩ. Thế nào là trời xanh công chính?

Lời bình của nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Truyện ngắn này làm tôi nghĩ đến những võ lâm cao thủ trong sách xưa, những người không dùng binh khí mà ra những đòn với sức mạnh kinh hoàng chỉ bằng một cái phẩy tay nhẹ nhàng như múa. Nhà văn Hà Phạm Phú đã viết truyện ngắn này với một tuyệt chiêu của nghệ thuật truyện ngắn.

Người bán diều đã cắt đứt sợi dây để chiếc diều bay vào trời xanh vô tận. Không ai trong đám đông trên mặt đất này có quyền sở hữu chiếc diều ấy bởi không ai hiểu được sự kỳ vĩ của nó. Người làm diều đi bán diều nhưng không phải đợi chờ người mua diều mà đợi kẻ thấu hiểu điều ông muốn gửi gắm. Chiếc diều đã biến vào trời xanh, và ông già Hà Phạm Phú cũng bỏ đi khỏi đám đông ồn ảo. Không ai biết ông đang cười hay đang khóc.

Từ khóa » Diều Bị Liệng