Chuyển đổi Vị Trí Công Tác Theo Luật Phòng, Chống Tham Nhũng (3)

IV. KHÁI NIỆM, NGUYÊN TẮC VÀ NHỮNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ CHUYỂN ĐỔI VỊ TRÍ CÔNG TÁC

1. Khái niệm

Trước khi Luật Phòng, chống tham nhũng được ban hành năm 2005, bản chất về chuyển đổi vị trí công tác đã được thể hiện ở những hình thức, tên gọi và có ý nghĩa tương đồng với khái niệm luân chuyển, điều động và biệt phái. Những khái niệm này đều được hiểu là cán bộ, công chức, viên chức được chuyển từ vị trí công việc hiện tại đến làm ở vị trí công việc khác.

Khái niệm "chuyển đổi vị trí công tác" có những đặc điểm riêng và trong chuyên đề này có thể được hiểu là "việc cán bộ, công chức, viên chức khi có đủ thời hạn làm việc theo quy định được chuyển từ vị trí công việc hiện tại đến vị trí công việc khác có tính chất tương đương trong các lĩnh vực, ngành, nghề dễ nảy sinh tham nhũng".

Mục đích của giải pháp này nhằm phòng ngừa tình trạng cán bộ công tác tại một vị trí, một bộ phận quá lâu dẫn đến việc nắm bắt được những sơ hở về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực mình công tác, quản lý để lợi dụng thực hiện hành vi tiêu cực; có sự móc ngoặc, thông đồng với đối tượng bị quản lý để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực; khắc phục tình trạng cục bộ trong từng địa phương, đơn vị; nhằm kiểm soát công việc lẫn nhau, người làm việc sau kiểm tra công việc của người trước đó, góp phần ngăn chặn hành vi tiêu cực và tăng cường ý thức kỷ luật công tác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Việc chuyển đổi vị trí công tác không những tạo môi trường, điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ mà còn giúp họ tích lũy kinh nghiệm thực tế ở những vị trí công tác khác nhau. Ngoài ra, việc chuyển đổi vị trí công tác cũng góp phần điều chỉnh, tăng cường cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ cho các lĩnh vực quản lý, địa bàn cần thiết khi có yêu cầu (đặc biệt là các địa bàn biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa...). Đây là biện pháp quan trọng để rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có điều kiện để tiếp cận và thông thạo nhiều lĩnh vực công việc ở nhiều vị trí khác nhau, có năng lực thực tiễn đề thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao khi có yêu cầu.

Việc chuyển đổi vị trí công tác khác với luân chuyển về mục đích, đối tượng, thời hạn và cách làm. Luân chuyển là một chủ trương quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, của toàn bộ hệ thống chính trị và các lực lượng vũ trang, nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước; tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn cần thiết; khắc phục tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ, khép kín trong từng ngành, từng địa phương và từng đơn vị. Đối tượng luân chuyển là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thời hạn luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung từ 3 năm trở lên và luân chuyển cán bộ chỉ có quy hoạch, kế hoạch thực hiện, là công việc của Đảng, do các cấp uỷ đảng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.

2. Một số nguyên tắc

a) Nguyên tắc hoán vị trong chuyển đổi vị trí công tác

Để thực hiện biện pháp này phải phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, đúng nguyên tắc hoán vị; không ảnh hưởng đến tăng, giảm biên chế và hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

b) Nguyên tắc công khai, minh bạch

Tính công khai trong chuyển đổi vị trí công tác thể hiện ở việc cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công bố, phổ biến hoặc cung cấp thông tin một cách rõ ràng, đầy đủ về kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác thông qua các phương tiện trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị để cán bộ, công chức, viên chức có thể tiếp cận được kế hoạch một cách dễ dàng.

c) Nguyên tắc cân bằng hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cơ quan và hiệu quả phòng ngừa tham nhũng

Khi thực hiện chuyển đổi vị trí công tác cần có đánh giá tác động hiệu quả của biện pháp phòng ngừa tham nhũng này với việc đảm bảo sự vận hành của tổ chức, bộ máy cơ quan.

d) Nguyên tắc kết hợp đồng bộ giữa việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác với các biện pháp phòng chống tham nhũng khác

Để thực hiện hiệu quả biện pháp này cần kết hợp triển khai song song, đồng bộ với các biện pháp phòng ngừa tham nhũng khác theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng.

Hoàng Yến

(Còn nữa)

Từ khóa » Nhũng Vị Trí Nào Sau đây Phải được Chuyển đổi Vị Trí Công Tác