Chuyển động Của Bản đồ Sao - Saturn Cafe

Chuyển động của bản đồ sao

27/06/2019

Understanding Chart Movement – Bill Herbst

Khi bắt đầu học chiêm tinh, mọi người thường bắt đầu với việc ghi nhớ ý nghĩa những thành phần của bản đồ sao – hành tinh, cung, nhà, và góc hợp. Điều đó dĩ nhiên không sai, nhưng việc học các mảnh ghép rời rạc sẽ không giúp người học chuẩn bị được hành trang để hiểu bản đồ sao là gì và nó hoạt động như thế nào.

Các bản đồ sao trông có vẻ đứng yên, nhưng không phải vậy. Chúng chỉ đang trong trạng thái đóng băng – ngưng hoạt động. Mọi thứ thực ra đều đang chuyển động. Hiểu rõ về các chuyển động ấy sẽ giúp bạn nhiều hơn trong việc đọc bản đồ sao.

Với mục đích ấy, một phép ẩn dụ bằng hình ảnh có thể sẽ hữu ích.

Hãy tưởng tượng bạn đang ở trên một chiếc trực thăng cách mặt đất khoảng 610 mét. Tiếp tục tưởng tượng rằng bạn có thể nhìn thẳng xuống mặt đất ngay bên dưới và thấy một đường ray tàu hỏa hình tròn. Đường ray này được chia thành mười hai khu vực khác nhau. Có lẽ sẽ dễ hình dung hơn nếu bạn tưởng tượng phần đất hình tròn bên trong đường ray giống như một cái bánh, và tại đó bạn cắt chiếc bánh thành mười hai miếng.

Trên đường ray là một chiếc tàu hỏa. Chiếc tàu này có mười hai toa tất cả – đầu tàu, mười toa có giường, và một toa ở cho nhân viên – và độ dài của đoàn tàu, trùng hợp thế nào, lại vừa bằng độ dài của đường ray, vậy là mặt trước của đầu tàu sẽ chạm đúng vào đuôi của toa cuối cùng.

Đường ray = Nhà

Đường ray giống như hệ thống nhà với mười hai khu vực được đánh số. Các cung tròn của đường ray này không chuyển động, dĩ nhiên là vậy. Nó chỉ đứng đó, cố định trên mặt đất. Cũng tương tự như vậy, các nhà có vị trí cố định trong bản đồ sao. Nhà 1 luôn nằm ở bên trái (phía đông), nhà 7 luôn ở bên phải (phía tây), nhà 10 luôn ở chính giữa phía trên, và nhà 4 chính giữa phía dưới.

Mỗi khu vực có hình miếng bánh bên trong đường ray đại diện cho một nhà. Nếu muốn mọi thứ trông rực rỡ hơn, chúng ta có thể tưởng tượng các gam màu đại diện cho tính chất của mỗi nhà hay mỗi khu vực của đường ray nối đuôi nhau. Ví dụ, chúng ta có thể dùng màu đỏ cho nhà 1, 5, 9, xanh lá cây cho nhà 2, 6, 10, vàng cho nhà 3, 7, 11 và xanh nước biển cho 4, 8, 12.

Ở đây, chúng ta chỉ cần tưởng tượng được là đường ray có mười hai khu vực.

Đoàn tàu = Vòng hoàng đạo và các Cung của nó

Đoàn tàu mười hai toa đại diện cho vòng hoàng đạo với mười hai cung. Toa đầu tàu đại diện cho cung Bạch Dương trong khi toa cuối cùng đại diện cho cung Song Ngư. Đoàn tàu liên tục chuyển động quanh đường ray, nhưng rất chậm. Đoàn tàu của chúng ta chỉ hoạt động “trong địa phương” – mỗi ngày nó hoàn thành trọn vẹn một chuyến, một vòng tròn hoàn hảo quanh đường ray.

Đây là những gì xảy ra trên bầu trời từ điểm nhìn của chúng ta; khi Trái Đất tự xoay quanh trục của nó, chúng ta ở đây trên mặt đất của Trái Đất cảm thấy mình đang giữ nguyên vị trí, và chúng ta cảm tưởng rằng bầu trời xung quanh mình xoay trọn một vòng trong quãng thời gian 24 tiếng. Đó là lý do tại sao mặt trời trông như “mọc” và “lặn”.

Một vài tên phê bình ngu ngốc đã khép cho chiêm tinh tội không biết chuyển động “khách quan” của hệ mặt trời, ám chỉ rằng chúng ta không hiểu trái đất quanh quanh mặt trời. Ôi, đúng là ngớ ngẩn. Đương nhiên chúng ta hiểu. Nhưng đó không phải là vấn đề mà chúng ta đang nói đến.

Vấn đề nằm ở một trong những góc nhìn. Chẳng ai nói là “trái đất mọc” hay “trái đất lặn”. Chúng ta nói dựa trên trải nghiệm chủ quan của chính mình – mặt trời mọc và mặt trời lặn. Bản đồ sao ngày sinh, chủ yếu, là một môn lấy con người làm trung tâm. Chúng ta cố gắng thấu hiểu một cách trừu tượng vũ trụ thông qua lăng kính cuộc sống của một cá nhân, nên chúng ta sử dụng góc nhìn đặc biệt của cá nhân ấy. Công bằng mà nói, chiêm tinh có cung cấp bản đồ sao nhật tâm, cho những ai muốn quan sát mọi thứ từ góc nhìn của Mặt Trời. Nhưng đó là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Bài có thể cùng chủ đề: Cung, Nhà, Hành tinh: Công thức Cơ bản

Từ góc nhìn của chúng ta, đoàn tàu hoàng đạo hoàn thành một vòng quanh đường ray nhà mỗi ngày. Quy tắc chung là, mỗi toa tàu (cung) sẽ mất khoảng hai tiếng để đi qua một khu vực đường ray nhất định (nhà), dù khoảng thời gian này cũng du di vì đoàn tàu không di chuyển với tốc độ ổn định mà thay vào đó, dao động giữa tăng tốc và giảm tốc dần dần. Vậy nên hãy tưởng tượng đoàn tàu tăng tốc một chút rồi lại chậm lại khi nó chạy quanh đường ray mỗi ngày. [Vấn đề này có thể tìm hiểu thêm với từ khóa “long and short ascension”–ND]

Đến giờ thì mọi thứ vẫn ổn. Tiếp theo, chúng ta sẽ thêm các hành tinh vào, và chính tại đó phép ẩn dụ này trở nên thú vị.

Hành khách = Hành tinh

Các hành tinh giống như hành khách trên chuyến tàu. Có bao nhiêu hành khách lên tàu? Chiêm tinh truyền thống sử dụng mười người khách (Mặt Trời và Mặt Trăng, vốn được gọi là “nguồn sáng”, và tám hành tinh quan trọng khác). Từ những năm 1970, khoa học đã xác định thêm hàng ngàn thiên thể trong hệ mặt trời, vậy nên các chiêm tinh gia giờ có quyền lựa chọn thêm rất nhiều hành khách nữa vào chuyến tàu – tiểu hành tinh, sao chổi, vân vân. Có những bản đồ sao của một số chiêm tinh gia được nhét đầy hành khách, trong khi có những chiêm tinh gia khác lại chỉ ưa trung thành với các hành tinh chính. Cá nhân tôi dùng mười một thiên thể trong bản đồ sao – mười hành tinh như truyền thống cộng thêm Chiron.

Dù chúng ta dùng bao nhiêu hành khách chăng nữa, họ đều sẽ dần di chuyển suốt xuyên suốt đoàn tàu, chậm chạp đổi ghế, đi từ đầu toa đến cuối toa cho tới khi họ ngồi hết tất cả các ghế và phải chuyển sang toa tiếp theo. Họ lội ngược đoàn tàu, từ toa động cơ đến toa đuôi, rồi lại đi tiếp một vòng tròn như thế – theo hướng ngược lại với chuyển động của đoàn tàu trên đường ray.

Nói cách khác, đoàn tàu chạy quanh đường ray một lần mỗi ngày theo chiều kim đồng hồ trong khi hành khách chậm chạp lê bước qua các khoang của đoàn tàu theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Tất cả hành khách đều đi qua hết cả đoàn tàu, từ toa này đến toa kia, nhưng với các tốc độ khác nhau. Thực tế, tốc độ di chuyển qua các toa của họ khác biệt nhau rất lớn.

Ví dụ trong chiêm tinh, Mặt Trăng, thiên thể chuyển động nhanh nhất, giống như một đứa trẻ bị kiến bò trong quần, nên nó không thể ngồi yên được, cứ liên tục nhảy từ chỗ này sang chỗ khác, cứ hai ngày rưỡi lại đổi một toa, hay tương đương với mỗi hai “chuyến” rưỡi đoàn tàu chạy quanh đường ray. Để đi qua hết tất cả mười hai toa của đoàn tàu, Mặt Trăng mất một tháng, hay khoảng 28 chuyến đi. [Đó chính là ý nghĩa của “tháng” – độ dài một chuyến đi của Mặt Trăng vòng quanh bầu trời.]

Ở đầu kia của thang tốc độ là Diêm Vương, như một ông lão lụ khụ gần như chẳng đi nổi nữa. Ông đi được hai bước lại phải dừng lại nghỉ ngơi, mỗi lần dài như cả thế kỉ. Hiện tại, Diêm Vương mất khoảng 13 năm chỉ để di chuyển từ toa này sang toa khác. Thế nghĩa là tàu chạy được gần 5000 chuyến hoàn chỉnh thì hành tinh này mới đi hết một toa để sang toa tiếp theo. Và đấy còn là nhanh với Diêm Vương rồi. Ở một vài toa, ông mất tận 22 năm mới qua được. Tóm lại, để hoàn thành dù chỉ một chuyến qua mười hai toa của toàn bộ đoàn tàu thôi, cũng ngốn của ông quãng thời gian tương đương với 90,000 chuyến tàu chạy.

Vì Quý ngài Diêm Vương rất, rất chậm, khi ông đổi toa tàu (cung), đó là một sự kiện vô cùng trọng đại. Diêm Vương bước vào “toa” tên là Ma Kết vào năm 2008, và ông sẽ không sang khoang tiếp theo, Bảo Bình, cho tới năm 2023.

Quan hệ = Góc hợp

Vì các hành khách di chuyển qua các toa tàu với tốc độ khác nhau nên họ thường chạm mặt nhau. Đôi khi họ ngồi cạnh nhau trên cùng một chuyến tàu, và đôi khi họ có thể nhìn qua cửa sổ và thấy một hành khách khác đang đi qua toa đối diện tít tận đầu bên kia của đoàn tàu hình tròn này. Mối quan hệ cá nhân giữa các hành khách với nhau khi họ di chuyển qua các toa tàu đại diện cho mối quan hệ hình học mà các hành tinh tạo với nhau khi chúng di chuyển qua vòng hoàng đạo. Những mối quan hệ này được gọi là góc hợp, và chúng làm nổi bật mối liên kết trao đổi năng lượng của hành tinh này với hành tinh kia.

Bài có thể cùng chủ đề: Chiêm tinh học và Tâm lý trị liệu (2/2)

Không có gì khó hiểu tạo sao bản đồ sao lại phức tạp đến vậy.

Giờ, hãy tưởng tượng tất cả chuyển động này xảy ra cùng lúc. Mọi thứ đều liên tục chuyển động, đổi chỗ cho nhau, thay đổi quan hệ với tất cả những thứ khác. Vào bất kì thời điểm cụ thể nào, một hành khách cụ thể đều đang ở trong một toa cụ thể của đoàn tàu, toa đó lại đang chuyển động qua một khu vực nhất định của đường ray, và các hành khách, trong tương quan một nhóm, biến hóa ra vô vàn hình dạng; đôi khi tất cả ở cùng nhau, đôi khi tản ra, đôi khi tất cả lại nằm ở một nửa đoàn tàu, bỏ trống hoàn toàn nửa còn lại. Sự kết hợp này là vô tận, và không bao giờ lặp lại chính xác lẫn nhau.

Chụp một bức ảnh

Nếu chúng ta chụp một bức ảnh từ trực thăng của mình, đóng băng vô số chuyển động, dừng mọi hoạt động lại giống như một lát cắt thời gian trọn vẹn thì chúng ta sẽ có một bức tranh gồm đoàn tàu, đường ray, hành khách, và mối quan hệ của họ với nhau. Cung, nhà, hành tinh và góc hợp.

Dựng một bản đồ sao ngày sinh bằng tay với lịch thiên văn và bảng nhà giống như chăm chút dần cho bức ảnh trong phòng tối, chính là cách hầu hết các chiêm tinh gia làm việc vào hàng thập kỉ trước. Chúng ta đã phải nỗ lực tính toán vị trí chính xác trong vô vàn chuyển động xảy ra. Tuy nhiên, bây giờ, chúng ta dùng máy tính để dựng các bản đồ sao, tương đương với máy ảnh kĩ thuật số – chụp ngay tức khắc.

Đây chính là bản chất của một bản đồ sao – bức ảnh chụp lại tất cả chuyển động phức tạp của thiên thể và mối quan hệ giữa chúng, đóng băng tại một thời điểm nhất định, được nhìn từ một vị trí quan sát cụ thể trong không gian.

Trong bản đồ sao gốc, ta quan sát từ vị trí của một cá thể tồn tại riêng biệt khi họ hít vào hơi thở đầu tiên, dựng lên sự tồn tại độc lập về thể xác lẫn nhịp điệu thăng trầm cuộc sống của prana, hơi thở của sự sống. Khi chúng ta nhìn vào một bản đồ sao cá nhân với tất cả biểu tượng bí ẩn đó điểm xuyết quanh vòng tròn, và tất cả đường thẳng xanh đỏ được vẽ trong vòng tròn giữa các biểu tượng với nhau, thì thứ chúng ta đang thấy, là một sơ đồ chính xác ghi lại các chuyển động khác nhau trên bầu trời khi chúng được kết nối thành hình lại với nhau, qua điểm nhìn cụ thể của một đứa trẻ vào thời khắc nó sinh ra. Chúng ta đang nhìn vào điểm nhìn cá nhân của người đó đối với hệ mặt trời, quan điểm riêng biệt của cá thể nam hay cá thể nữ ấy đối với vũ trụ, một góc nhìn biến hóa đa dạng như một tấm mạn đà la. Và chúng ta khởi lên mong muốn thấu hiểu ý nghĩa biểu tượng đằng sau khoảnh khắc không-thời gian ấy.

Học về vô số chuyển động trên dù đơn giản, nhưng rất cần thiết. Nếu bạn hiểu được mình đang thực sự nhìn thấy cái gì khi nhìn vào một bản đồ sao gốc, thì dù đó là của chính bạn hay của người khác, bạn cũng sẽ có lợi thế vượt xa trong việc sử dụng chiêm tinh cùng với sự tôn trọng cũng như sự hiểu biết.

__

Dịch từ Understanding Chart Movement với sự đồng ý của tác giả. Copyright © Bill Herbst | Bản dịch © Saturn Cafe Ảnh: Keith Richardson-Jones, “Untitled”, 1974

Từ khóa » Bản đồ Sao Quay