Chuyện Ghi ở "thung Lũng Chết" - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

“Nghiện ma túy và "nghiện tiền", hai loại nghiện đã để lại cho vùng đất này một nền kinh tế kiệt quệ và những cảnh ngộ quá thương tâm...

Theo thông tin từ Công an xã thì La Hiên chỉ có 1.679 hộ gia đình nhưng có đến 64 điểm buôn bán ma túy trong đó 77 hộ đã thường xuyên “chạy hàng”; gần 300 người từ 15 tuổi trở lên từng lấy buôn bán ma túy làm kế sinh nhai.

Nỗi ám ảnh

Giờ tổng kết lại, có xóm hoàn toàn “trắng” về ma túy như Khuân Vạc; nhiều gia đình gần như “tiệt nòi” hoặc tất cả các thành viên đều ngồi chung một nhà đá. Một số dòng họ được mệnh danh bằng những cái tên không ai muốn - dòng họ ma túy, dòng họ “nghiện tiền”.

Điểm buôn bán khá... tấp nập một thời ở xóm Khuân Vạc - nhà của Lê Văn Mạnh bây giờ là một căn nhà bỏ hoang. Từ một gia đình làm nông lương thiện, vợ chồng thương yêu nhau và có 2 mặt con, đồng tiền đã khiến hai vợ chồng mờ mắt chạy theo việc buôn bán thứ hàng chết người này. Rồi ăn chia không sòng phẳng, vợ đi đường vợ, chồng đi đường chồng.

Từ chỗ bán lẻ, Mạnh chuyển sang bán buôn nên hằng đêm, các con nghiện đói thuốc cứ kêu gào trước sân nhà và sự kiên nhẫn hết giới hạn nên chúng đã giết chết Mạnh. Chồng chết, vợ vẫn buôn như... thường. Ngồi tù 2 năm được thả, tưởng chị ta về chăm sóc con nhưng "ngựa quen đường cũ", tiếp tục vào nhà đá 12 năm nữa. Hai đứa con côi cút trở thành gánh nặng cho cô em gái của Mạnh.

Chính lòng tham bất tận của Mạnh đã đẩy em trai út của mình - Lê Văn Vinh đến chỗ chết. Một thanh niên hiền lành, chăm học đi theo anh trai để rồi nghiện ngập và mất mạng vì sốc thuốc khi chưa qua tuổi 18.

Lê Văn Thanh, cũng là em trai của Mạnh một thời bị nàng tiên nâu mê hoặc, nhưng chứng kiến sự trả giá quá đắt của anh mình và rất nhiều người trong xã La Hiên nên đã chủ động bảo vợ trói tay vào cột nhà hàng tháng để cai nghiện. Dứt cơn nghiện ma túy, buồn vì gia cảnh của anh trai và em trai, Thanh vùi mình trong rượu, thành một kẻ nghiện... rượu.

Ở La Hiên bây giờ, những ngôi nhà vô chủ như nhà Mạnh không phải ít. Gia đình ông Hoàng Văn Hùng có 8 người con, trừ 1 người chết vì bệnh tật số còn lại hoặc chết vì AIDS, hoặc “tạm trú dài hạn” trong nhà tù.

Cháu của ông Hùng cũng “nối nghiệp cha chú” và bây giờ, tuổi thanh niên trôi qua trong 4 bức tường đá. Khi các thành viên trong gia đình họ Hoàng “thoát ly” hết, còn một đứa cháu nội của ông Hùng chưa đủ lớn để biết ma túy là gì, ông bà ngoại... hoảng quá vội vàng đưa cháu về cưu mang.

Bà Nguyễn Thị Nga, 77 tuổi ở xóm Khuân Vạc, là mẹ của 4 đứa con và 2 cô con dâu đều dính dáng đến ma tuý. “Năm ngoái một mình tôi nuôi cháu, già cả còn phải đi làm lấy từng đồng tiền lẻ lo bữa ăn. Năm nay, con Năm nó mãn hạn tù về, mẹ con cùng nhau làm ăn” - Bà Nga kể.

Năm (Hoàng Thị Năm) là con dâu út của bà Nga, có chồng là Dương Văn Dương giờ vẫn cùng các anh trai và chị dâu mình... trong trại.

Trong trại, vợ chồng Năm vẫn được các cán bộ công an tạo điều kiện cho gặp nhau. Năm kể lại rằng những ngày trong trại, chị đã suy nghĩ rất nhiều và kiên quyết gặp chồng để thuyết phục bằng được chứ không để xảy ra tình trạng ra trại lại tiếp tục buôn ma túy như một số người khác.

Hỏi về tương lai các con, chị bảo: “Tội nhất là thằng cả, thôi thì động viên cháu cố học lấy tấm bằng rồi sau này đi học lấy cái nghề. Còn thằng thứ hai thì dù có thế nào chị cũng quyết cho cháu lấy được tấm bằng đại học hoặc cao đẳng”.

Căn nhà của bà Mộc Thị Nhì, một người tảo tần sớm hôm một mình nuôi con khôn lớn nay lại vô tình cùng con dính vào tội lỗi; giờ chỉ còn cô con gái Lê Thị Hà và đứa cháu nội 3 tuổi Lê Văn Hoài. Bố cháu là Lê Văn Sơn vì nghiện ma túy và buôn bán ma túy nên đã sa lưới pháp luật. Mẹ cháu vì uất ức bố nhiều chuyện, trong đó có chuyện ma túy, đã treo cổ tự tử khi cháu mới đi chập chững.

Khi mẹ và anh bị bắt, Hà đang học năm thứ hai của Trường cao đẳng Thương mại ở Hà Nội, phải bỏ học để về chăm cháu. Giờ đây suốt ngày cô tần tảo với những luống chè, thửa ruộng. “Em đã 24 tuổi, rồi đây em cũng phải lo phận mình. Giờ công ăn việc làm không có, anh em lại dính đến ma túy nên chẳng có người nào đến với em cả. Có lẽ hai cô cháu em phải trả giá thay cho gia đình. Cái giá quá đắt phải không anh?”.

Đói cho sạch...

Ông Hoàng Văn Ân, bố của 8 người con nghiện ngập và tù tội là một trong số ít ỏi những phụ huynh trong xã La Hiên mạnh dạn đứng ra... tố cáo con và dâu mình. “Đông con tưởng trẻ cậy cha già cậy con, cuối cùng chúng nó đua nhau làm ăn một cách tội lỗi, giờ thì đứa đã rũ xương vì HIV, đứa thì tù tội".

Ông còn kể, khi một số đứa con ông bị bắt, nếu đứa nào đang chui lủi buôn bán "chất trắng" ông đều lên công an xã tố cáo. “Thà cho nó ngồi tù còn hơn để nó buôn rồi nghiện ngập. Con nghiện rồi cháu cũng sẽ nghiện. Tôi đành mất con chứ không thể mất cháu được!”.--PageBreak--

Anh Vũ Đại Hải, xóm phó Khuân Vạc, công an viên xã La Hiên, anh là người sót lại trong một gia đình ma túy. Anh trai của anh Hải, Vũ Văn Thủy đã bị tử hình. Sau khi chồng bị xử, vợ Thủy vẫn ngoan cố theo vết xe đổ, hiện đang thi hành án. Vũ Văn Sơn, em trai của anh Hải vừa ra trại với tội danh như người anh cả...

“Ngày trước tôi bất lực khi can ngăn anh và em mình, không những không có tác dụng mà còn bị chính em mình chửi là “ngu”, là ngồi yên mà chịu nghèo” - anh Hải nhớ lại.

Ngày đầu tiên khi Sơn ra trại, “người anh nghèo” đến nhà và nói một câu: “Nghèo cũng được em ạ, chứ hèn thì đừng. Anh nghèo nhưng đâu có hèn và thất đức như anh cả và các em. Thôi, ngày mai vẫn còn để làm lại, đừng bi quan!”.

Thực ra, trong thời gian anh trai, em trai, em dâu và em gái bị cuốn theo cơn "lốc trắng", anh Hải vẫn âm thầm cùng tổ an ninh theo dõi những điểm buôn bán ma túy. Trong cuốn sổ nhật ký của anh ghi lại những điều mà có lẽ, với một người dân bình thường khó có thể làm được như thế:

"...Ngày 20/1/2005: tôi cùng ông Hoàng Văn Dũng, công an viên đi tuần tra trong khu vực xóm Khuân Vạc và đến gia đình Nguyễn Văn Nghĩa và Nguyễn Văn Hiếu nhưng họ không có nhà. Đùng một cái, Lê Văn Toán, hàng xóm của Nghĩa, Hiếu cầm chai bia vỡ đáy xông vào tôi. Đúng lúc đó, vợ của Hiếu xông ra giật lại chai bia. Toán dọa nếu chúng tôi còn phá đường làm ăn thì có ngày Toán sẽ lấy mạng chúng tôi".

“Nói thật, anh và các em tôi bị cuốn theo ma túy nhanh chóng như vậy, tôi choáng lắm. Bố mẹ là những chiến sĩ chống Pháp, bỗng chốc trở thành một gia đình có nhiều tội phạm. Tôi muốn làm một điều gì đó, để môi trường sống của bà con trong sạch. Để các con cháu tôi sau này ra đời không bị mang tiếng là đi ra từ một làng chứa chất tệ nạn. Chúng còn có tương lai nữa...”.

Chính vì vậy mà anh quyết tâm thành một công an viên mẫu mực giữa một môi trường phức tạp như La Hiên.

Để “thung lũng chết” hồi sinh

Đến nay, sau những đợt truy quét trên diện rộng, Công an tỉnh Thái Nguyên và Công an khu vực La Hiên đã khiến “thung lũng chết” La Hiên hồi sinh, dù cuộc hồi sinh còn chậm chạp. Từ 15/15 làng buôn ma túy, chỉ còn lại 10 làng, các tụ điểm gần như bị xóa sạch, chỉ còn lại những kẻ bán nhỏ lẻ.

Sau nhiều đợt truy quét, các đối tượng buôn bán có nhiều thủ đoạn tinh vi và kín đáo hơn. Cũng có một số đối tượng không còn gì để mất sử dụng chiêu bài “cố cùng liều thân” làm anh em công an nhiều phen vất vả. Nhưng điểm thuận lợi nhất là nhân dân thường xuyên tố giác những đối tượng buôn bán và nghiện hút vì họ sợ ảnh hưởng trực tiếp đến con cái họ.

Nhờ sự tố giác đó, cộng với sự quyết tâm, Lực lượng Công an đã phá được nhiều tụ điểm trong một thời gian ngắn và đặc biệt, điểm nóng Khuân Vạc đã bị dập tắt trong vòng 1 năm.

Đồng chí Linh Viết Thắng, Trưởng Công an xã La Hiên từng là một “bưởng vàng” nên hiểu rất rõ những kẻ tình nghi và nắm chắc nhiều tụ điểm. Anh xây dựng 11 chốt ở 11 xóm, mỗi chốt từ 2 đến 3 công an viên để thường xuyêntheo dõi sự di chuyển hàng của các đối tượng.

Nhưng sống giữa một “xứ sở” ma túy, việc làm của anh em thường xuyên được... trả giá bằng những vụ trả thù của các đối tượng buôn bán ma túy. Nhiều người vì sợ nên đã bỏ cuộc. Tuy nhiên, lực lượng chống ma túy địa phương vẫn kiên quyết bằng mọi giá phải nhổ tận gốc những tụ điểm gây nên cái chết trắng.

Ba năm qua, lực lượng công an khu vực cứ đêm đến là thay nhau “ăn bụi ngủ bờ”với đồng trợ cấp ít ỏi. “Để duy trì những chốt an ninh, tôi phải đi xin tài trợ từ các doanh nghiệp. Họ rất nhiệt tình và kiên quyết đẩy lùi tệ nạn nên sẵn lòng giúp đỡ. Tuy nhiên, tài trợ cũng chỉ có hạn nên kinh phí thường xuyên thiếu nhưng anh em vẫn không lơ là nhiệm vụ, càng cực càng “cay” với tệ nạn" - anh Linh Viết Thắng cho biết.

Với sự nỗ lực ấy cùng với sự giúp đỡ của nhân dân, suốt 3 năm qua, nhiều tụ điểm lớn ở La Hiên đã bị truy quét tận cùng. Những đường dây buôn bán ma túy liên tỉnh bị phát hiện và xử lý. Bên cạnh đó, trong quá trình chốt, lực lượng Công an viên phát hiện nhiều đối tượng bị lôi kéo, dụ dỗ nên đã kịp thời lập hồ sơ giáo dục ở xã, gọi trực tiếp lên xã thuyết phục từ bỏ con đường làm ăn tội lỗi đó.

Sự ám ảnh ma túy với người dân La Hiên đến bao giờ kết thúc, vẫn là một dấu hỏi lớn, và không chỉ với một thế hệ. Cái giá phải trả cho vùng trung du bán bình địa này đã quá đắt, chính vì vậy chính quyền địa phương phải kết hợp với các ban, ngành và cần phải có những biện pháp cứng rắn, không bao che, tiếp tay cho cái ác mới hy vọng "thung lũng chết" thật sự hồi sinh

Từ khóa » Khi Em Qua Thung Lũng Chết