Chuyên Gia Cảnh Báo Trẻ Có Ngày Mất Tay Vì Trò Chơi Nhào Nặn Slime

Nhập viện sau khi chơi đồ chơi slime

Vừa qua, 35 học sinh ở trường Tiểu học Hòa Khương, quận Hòa Vang, TP Đà Nẵng sau khi chơi trò chơi slime đã có những biểu hiện khó thở, ngứa da. Ngay sau đó, các em đã được đưa vào bệnh viện và được xác định ngộ độc do chơi slime.

Nguyên nhân các cơ quan xác định ban đầu là do một học sinh tự chế theo hướng dẫn trên Youtube từ các miếng slime dạng nước và mua thêm miếng hạ sốt, hồ nước, nước muối… Em đem ngâm chúng trong nước nhiều giờ và phối trộn với các chế phẩm đó với nhau để tạo ra một slime nước "đặc biệt" rồi bán lại cho các bạn cùng trường. Sau khi các học sinh cùng chơi, ngửi mùi từ slime tự chế có biểu hiện đau đầu, khó thở, nôn ói…

Trường hợp này không phải là đầu tiên ngộ độc từ loại trò chơi đang thu hút trẻ em. Bệnh viện Da liễu Trung ương đã từng điều trị cho một bé trai 7 tuổi đã bị sưng phồng ngón tay, nhiễm trùng da nặng do chơi slime.

Từ vụ 35 học sinh ở Đà Nẵng nhập viện vì đồ chơi slime, chuyên gia cảnh báo trẻ có ngày mất tay vì trò chơi nhào nặn này - Ảnh 2.

Chơi slime có thể gây hại cho trẻ nếu như không rõ nguồn gốc. Ảnh TL

Những sự việc này như lời cảnh báo đối với nhiều cha mẹ trong việc thả nổi trẻ nhỏ chơi đồ chơi, nhất là các đồ chơi tự chế. Trên thực tế, hiện nay loại trò chơi slime hay còn gọi là xà lam được các bạn nhỏ rất yêu thích. Đồ chơi này có nhiều màu sắc được trộn từ nhiều chất khác nhau để tạo ra chất nhờn dẻo nhưng dai như cao su giúp trẻ có thể nhào nặn thành những hình thù mà mình yêu thích. Khi chơi không dính vào nhau như đất nặn. Hơn nữa, slime còn được giới thiệu là đồ chơi giúp kích thích sự sáng tạo, thư giãn và rèn luyện sự khép léo tay, phản xạ linh hoạt cho trẻ. Chính vì những điều này mà rất nhiều gia đình cho con sử dụng.

Bên cạnh việc mua sẵn ở các cửa hàng tạp hóa, nhiều em nhỏ cũng đã học theo youtube hướng dẫn để có thể chế tạo ra cho mình đồ chơi này từ các nguyên liệu rất dễ kiếm như keo sữa, hồ nước, các chất tạo màu… Nhiều khi các em nhỏ còn tận dụng các đồ dùng trong nhà như kem đánh răng, bột giặt, nước rửa chén… để tạo slime và thành phần bắt buộc để tạo độ dính cho sản phẩm không thể thiếu là chất borax (hàn the). Và muốn cho slime bắt mắt hơn có thể cho thêm chất tạo mùi hương, nhũ, kim tuyến…

Trước loại đồ chơi nhìn có vẻ vô hại này với trẻ nhỏ, cơ quan an ninh Y tế quốc gia Pháp đã từng có cảnh báo rằng, các loại bột tạo hình có tính dẻo và nhờn chứa nhiều chất độc hại, có thể gây dị ứng, gây bỏng, ảnh hưởng thần kinh… Ngoài ra, Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã xếp chất này vào nhóm các chất có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của con người khi tiếp xúc thường xuyên.

Nguy cơ hỏng tay

PGS.TS Trần Hồng Côn – Khoa Hóa (Trường Đại học KHTN, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, để tạo ra đồ chơi slime cần phải dùng hóa chất và phụ gia. Nếu chúng được làm từ những thành phần an toàn, đúng tỷ lệ thì sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. Thế nhưng rất khó để biết người sản xuất cho thêm các loại hoá chất gì vì mỗi nhà sản xuất có công thức sản phẩm khác nhau. Bằng mắt thường khó có thể biết hóa chất độc hại trong đó. Đặc biệt là hiện nhiều em lại học trên mạng để tự chế ra món đồ chơi này.

Khi các em nhỏ chơi, nặn rồi lại cho lên miệng sẽ không tốt cho sức khỏe. Cho dù là slime được làm từ thành phần an toàn cũng không phải là thứ ăn được. Để chơi được trò chơi này trẻ nhỏ bắt buộc phải dùng tay để trộn, nhào nặn và thường chơi rất lâu.

  • Cho trẻ chơi đất nặn - thứ đồ chơi vừa rẻ lại vừa có nhiều lợi ích không thể ngờĐọc ngay

Nhiều trẻ không có ý thức rửa tay sau khi chơi mà cầm thức ăn trực tiếp đưa lên miệng hoặc trong quá trình chơi không may lại dính vào miệng, mắt. Khi chơi slime không rõ nguồn gốc, nguy cơ ngộ độc rất cao và tùy vào liều lượng sẽ có biểu hiện khác nhau.

Các chuyên gia cũng cho biết, trong slime chứa nhiều thành phần. Nếu slime được sử dụng từ baking soda thì rất nguy hại. Bởi đây là chất tẩy rửa mạnh có thể gây ăn mòn da tay, ngứa, viêm da tiếp xúc.

Hay borax là chất tạo độ dẻo dính nhưng trong môi trường có nước, ẩm lại phản ứng tỏa nhiệt. Nếu được cho vào mà không đúng liều lượng, phản ứng mạnh mà da trẻ còn non dễ gây bỏng. Bên cạnh đó, slime thường có thêm những phẩm màu để tạo màu sắc sặc sỡ, bắt mắt. Nếu các phẩm màu không có trong danh mục được cho phép của Bộ Y tế có thể gây ra tổn hại đến các cơ quan của cơ thể như thận, gan…

Bởi vậy, cha mẹ cần chú ý khi cho trẻ chơi đồ chơi này. Cần chọn những sản phẩm uy tín, không cho trẻ tự chế loại đồ chơi này. Cần nhắc trẻ khi chơi không cho vào miệng nếm thử, chơi xong phải rửa tay. Đối với những trẻ da nhạy cảm, cơ địa dị ứng, có vết thương hở không nên cho trẻ chơi.

Từ khóa » Trò Chơi Slime Có Hại Không