Chuyên Gia Giải đáp: Bất Dung Nạp Lactose Là Gì? Khắc Phục Ra Sao?

1. Định nghĩa bất dung nạp lactose là gì?

Rất nhiều người có chung một thắc mắc bất dung nạp lactose là gì và điều này có phương pháp khắc phục hay không. Cụm từ này được dùng để miêu tả hiện tượng thiếu hụt enzyme lactase do ruột non tiết ra để phân giải lactose. Như chúng ta đã biết thì lactose được tìm thấy nhiều trong các loại sữa, phô mai và các chế phẩm khác làm từ sữa,...

Ở những người bị bất dung nạp lactose thì khi tiêu thụ những thức uống hay thực phẩm được làm từ sữa, ruột non sẽ không tiêu hóa được đường lactose có trong các sản phẩm này và sẽ được đẩy xuống ruột già. Khi lưu lại đây, lactose sẽ bị các loại vi khuẩn phân rã thành khí và chất lỏng khiến người bệnh gặp phải các triệu chứng như tiêu chảy, đầy hơi. Mặc dù bất dung nạp đường lactose không gây nguy hiểm gì nhưng lại khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và thường e ngại mỗi khi ăn uống sữa cũng như các chế phẩm của sữa.

2. Triệu chứng và nguyên nhân gây bất dung nạp lactose là gì?

Sau khi uống sữa hoặc ăn sản phẩm chứa sữa khoảng 2 giờ, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng khó chịu như buồn nôn, đầy hơi, tiêu chảy, đau bụng, chuột rút,...

Ở trẻ nhỏ, triệu chứng này có phần khác biệt hơn: đôi khi ói mửa, viêm da, tiêu chảy có bọt, đầy chướng bụng, sôi bụng, trung tiện nhiều,...

Bất dung nạp lactose khiến người bệnh gặp các triệu chứng khó chịu ở hệ tiêu hóa 

Bất dung nạp lactose khiến người bệnh gặp các triệu chứng khó chịu ở hệ tiêu hóa

Nguyên nhân chủ yếu khiến một người gặp phải chứng bất dung nạp lactose đó là do sự thiếu hụt enzyme lactase - một loại enzyme có tác dụng giúp cơ thể hấp thụ đường lactose. Phần lớn ruột non của chúng ta sẽ bắt đầu giảm tiết lactase sau 2 tuổi (tức là sau khi cai sữa). Tuy nhiên về sau chúng ta vẫn có thể tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ sữa mà không bị bất dung nạp lactose.

3. Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ bất dung nạp lactose ở người bệnh

Bên cạnh nguyên nhân chính là do thiếu hụt lactase, những yếu tố sau được cho là cũng góp phần dẫn đến hiện tượng bất dung nạp lactose ở người:

  • Chủng tộc: những người châu Á, Mỹ gốc Phi hay gốc Mexico là đối tượng hay bị bất dung nạp lactose;

  • Tuổi tác: người lớn tuổi dễ gặp tình trạng này hơn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ;

  • Mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa: khi một người mắc các bệnh liên quan đến tiêu hóa như viêm hay chấn thương ruột non, bệnh Celiac (đây là bệnh khiến thành ruột non bị phá hủy gây cản trở quá trình phân giải và hấp thu các chất dinh dưỡng có trong thức ăn), bệnh Crohn,... cũng góp phần làm giảm lượng lactase trong ruột.

  • Bất dung nạp lactose bẩm sinh: có những trẻ đã bị bất dung nạp lactase ngay từ khi mới sinh ra;

  • Trẻ sinh non: giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3 chính là thời điểm tăng nồng độ enzyme lactase, do đó nếu trẻ sinh non sẽ bị thiếu hụt enzyme này, nguy cơ bất dung nạp lactose là rất cao;

  • Tác dụng phụ của các biện pháp điều trị ung thư: nếu người bệnh từng gặp các biến chứng về tiêu hóa do điều trị ung thư bằng hóa trị hoặc xạ trị thì tỷ lệ bị bất dung nạp ở những trường hợp này cũng xảy ra khá nhiều.

4. Phương pháp giúp điều trị chứng bất dung nạp lactose là gì?

Để xác định một người có bị bất dung nạp lactose hay không, bác sĩ cần khai thác bệnh sử và quan sát các biểu hiện lâm sàng. Kết hợp với đó là một số chỉ định xét nghiệm cần thiết với mục đích kiểm tra khả năng hấp thụ lactose trong đường tiêu hóa, ví dụ như xét nghiệm khí Hydro trong hơi thở, test lactose, đối với trẻ em cần được test hàm lượng axit trong phân.

Dưới đây là một số biện pháp có tác dụng cải thiện tình trạng bất dung nạp lactose:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi bị bất dung nạp lactose thì không nên tiêu thụ những thực phẩm chứa loại đường này;

  • Người lớn và trẻ lớn hơn không cần thiết phải kiêng đường lactose một cách triệt để. Thay vào đó nên cân nhắc lượng đường phù hợp để ăn mỗi ngày, biết được giới hạn của bản thân dựa trên những triệu chứng bất dung nạp lactose có thể sẽ xuất hiện;

Người bệnh có thể cân nhắc dùng các sản phẩm từ sữa không chứa lactose

Người bệnh có thể cân nhắc dùng các sản phẩm từ sữa không chứa lactose

  • Đối với trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, các mẹ bầu, các mẹ đang cho con bú hay phụ nữ tiền mãn kinh thì canxi đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Do đó nếu không sử dụng được sữa và chế phẩm làm từ sữa sẽ khiến những đối tượng này bị thiếu hụt canxi và vitamin D. Vì vậy cần phải bổ sung nguồn cung cấp các dưỡng chất này thay thế cho sữa từ viên uống, thực phẩm chứa nhiều canxi như rau quả xanh, tôm, súp lơ,... hoặc uống enzyme lactase để khắc phục tình trạng này;

  • Áp dụng một thói quen sinh hoạt lành mạnh, phù hợp;

  • Tuân thủ lịch khám đúng hẹn để được bác sĩ theo dõi và cập nhật tình trạng sức khỏe cũng như triệu chứng bất dung nạp lactose đã thuyên giảm hay chưa;

  • Không được tự ý bỏ thuốc, thay đổi liều lượng hay tự ý mua thuốc về dùng mà không có chỉ định từ bác sĩ;

  • Thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng vì trong đó có thể chứa thành phần đường lactose;

  • Nếu mẹ có tiền sử không dung nạp được lactose thì cần quan sát phản ứng của trẻ đang trong giai đoạn sơ sinh: có dị ứng với sữa mẹ hay sữa công thức hay không. Nếu có, cần hỏi ý kiến bác sĩ khoa Nhi để được tư vấn về loại sữa khác thay thế nên dùng dành cho trẻ;

  • Nếu chế độ ăn không sữa ảnh hưởng tới sức khỏe hoặc không giúp bạn cải thiện tình trạng bất dung nạp lactose, hãy liên hệ với bác sĩ.

Lựa chọn các thực phẩm thay thế sữa là điều cần thiết để bổ sung canxi nếu bạn bị bất dung nạp lactose

Lựa chọn các thực phẩm thay thế sữa là điều cần thiết để bổ sung canxi nếu bạn bị bất dung nạp lactose

Mong rằng thông qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn về khái niệm bất dung nạp lactose là gì, làm sao để giải quyết hiện tượng này cũng như những lưu ý về chế độ ăn uống phù hợp để cải thiện triệu chứng bệnh.

Quý bạn đọc có thể liên hệ tới hotline 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để đăng ký khám trực tiếp với các chuyên gia hoặc lắng nghe tư vấn, giải đáp của tổng đài viên về các dịch vụ khám chữa bệnh hiện đang được triển khai tại MEDLATEC.

Từ khóa » Dị ứng Lactose Là Gì