Chuyên Gia Hóa 'mách' Cách Tự Pha Chế Dung Dịch Rửa Tay Khô ...

Phóng viên Kênh VOVGT có cuộc trò chuyện với Chuyên gia Hoá phân tích, Thạc sĩ Lưu Thu Hà - Trưởng bộ môn Hoá - Khoa Khoa học Cơ bản - Đại học Công nghệ Giao thông vận tải về vấn đề này.

PV: Chị có thể chia sẻ cách tự pha chế dung dịch rửa tay bằng những nguyên liệu sẵn có?

Thạc sĩ Lưu Thu Hà: Thành phần chính của nước rửa tay bao gồm cồn có nồng độ từ 70 – 80 độ, nước, tinh dầu, một số các loại gel hoặc glixerin.

Cồn có tác dụng khử trùng, làm biến đổi lớp vỏ bọc protein của virus giúp tê liệt hoạt động của virus; gel và glixerin có tác dụng dưỡng da, mềm da tay; các loại tinh dầu có tác dụng sát khuẩn và tạo mùi.

 tự pha chế dung dịch rửa tay khô
Thành phần chính của nước rửa tay bao gồm cồn có nồng độ từ 70 – 80 độ, nước, tinh dầu, một số các loại gel hoặc glixerin.

Về tỷ lệ, khi nồng độ cồn thấp quá thì không có tác dụng diệt khuẩn còn nếu nồng độ cồn cao quá thì bay hơi nhanh dẫn đến không có tác dụng diệt khuẩn và khô da tay. Do đó, nồng độ cồn phù hợp nhất là từ 70 – 80 độ. Đây là nồng độ tối ưu để đạt được tỷ lệ giữa cồn với nước.

Nếu chúng ta mua được cồn 70 độ thì chỉ việc thêm một số loại tinh dầu, gelatin hoặc glixerin để làm mềm da tay.

Còn nếu chỉ có cồn 90 độ chúng ta cần pha theo tỷ lệ cồn và nước là 4:1, rồi cho thêm vào một lượng nhỏ gel, gelatin hoặc tinh dầu.

Sau khi trộn các hỗn hợp, chúng ta lắc đều lên để hỗn hợp đồng nhất, như vậy là chúng ta đã có thể sử dụng để làm nước rửa tay khô.

PV: Chị có thể làm rõ hơn về tính an toàn của sản phẩm với sức khỏe của người sử dụng?

Thạc sĩ Lưu Thu Hà: Nước rửa tay khô mà mình có thể tự chế được ở nhà đảm bảo được tính an toàn, an toàn khi sử dụng cho cả người lớn và trẻ em.

Khi chúng ta đi tới nơi công cộng hoặc tiếp xúc với các bề mặt nơi công cộng, đồ vật không sạch, chứa nhiều vi khuẩn thì chúng ta nên dùng nước rửa tay khô để diệt khuẩn.

Còn khi ở nhà, cũng có nhiều đồ vật chúng ta không thể mang ra chà rửa xà phòng được, ví dụ như bề mặt ở khu vực bếp nấu ăn, bàn ăn hoặc đồ chơi của trẻ em hoặc những đồ vật thường xuyên tiếp xúc như tay nắm cửa, chìa khóa, tay vịn cầu thang hoặc thậm chí cả điện thoại, chúng ta đều có thể sử dụng nước rửa tay khô để diệt khuẩn các bề mặt đó.

Bản thân tôi cũng có một chai nhỏ để mang theo khi đi làm. Các con tôi cũng sử dụng nước rửa tay khô này. Và qua quá trình sử dụng, tôi thấy rất an toàn.

PV: Sau khi pha chế dung dịch nước rửa tay xong thì chúng ta cất giữ và sử dụng như thế nào?

Thạc sĩ Lưu Thu Hà: Tôi thường pha chế dung dịch nước rửa tay vào những chai lớn, ví dụ như chai 500ml hoặc 1000ml, sau đó chiết sang các chai nhỏ để mang theo người sử dụng khi ra ngoài.

Chúng ta lưu ý lắc lên trước khi dùng cũng như rửa tay theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.

Khi pha chế nước rửa tay khô, chúng ta cần lưu ý mua nguyên liệu đảm bảo yêu cầu, nên mua ở các cửa hàng y tế, không nên mua ở các cửa hàng hóa chất công nghiệp vì có thể bị lẫn nhiều tạp chất.

Nguyên liệu ban đầu của chúng ta là cồn nên rất dễ cháy, do đó, khi pha chế chúng ta phải tránh tiếp xúc với lửa. Cần đeo găng tay khi pha chế để tránh gây kích ứng da. Đây là dung dịch để diệt khuẩn nên là dung cụ pha chế cũng phải đảm bảo sạch. Dung dịch pha chế xong thì rất dễ bay hơi nên chúng ta phải đậy nắp.

PV: Vâng, xin cảm ơn chị!

Các loại hóa chất và dụng cụ các bạn có thể tìm mua tại các cơ sở bán vật tư y tế, riêng glyxerin, gel hay tinh dầu nên chọn mua loại chiết xuất từ thực vật tại các cơ sở bán nguyên liệu thực phẩm, mỹ phẩm. Hi vọng các bạn có thể tự pha chế được dung dịch rửa tay khô ngay tại nhà vừa chất lượng lại vừa kinh tế.

Từ khóa » Cách Pha Dung Dịch Sát Khuẩn Từ Cồn