Chuyên Gia Tư Vấn Các Cách điều Trị Triệu Chứng Căng Cơ Hiệu Quả

1. Căng cơ có đau không? Nguyên nhân do đâu?

Khi các cơ bắp gặp phải tình trạng kéo giãn quá mức chịu đựng thì được gọi là căng cơ. Có những trường hợp căng cơ nghiêm trọng tới nỗi rách cơ do các cơ bị căng cứng quá độ không có cơ hội thư giãn.

Bệnh nhân khi trải qua hiện tượng này thường có biểu hiện đau buốt và khó cử động. Vùng cơ bị ảnh hưởng bị sưng kèm theo vết bầm tím. Căng cơ có thể xảy ra ở các vị trí như cổ, tay, vai hoặc thắt lưng,... sau khi người bệnh chơi thể thao hoặc mang vác vật nặng nhưng không đúng tư thế.

Căng cơ là hiện tượng các cơ bắp bị kéo giãn quá mức

Căng cơ là hiện tượng các cơ bắp bị kéo giãn quá mức

Nguyên nhân dẫn tới căng cơ là do những yếu tố sau:

  • Vận động thể lực: những động tác khởi động sẽ giúp làm nóng cơ thể, máu nhờ thế mà được tuần hoàn đến các cơ, thích ứng nhanh với các bài tập vận động sắp diễn ra. Vì thế bỏ qua khâu khởi động trước khi tham gia thể dục thể thao là một sai lầm dễ gây chấn thương. Bên cạnh đó, nếu tập luyện với cường độ mạnh hoặc tập luyện nhẹ nhàng nhưng sai tư thế cũng khiến các cơ phải chịu áp lực lớn;

  • Căng thẳng: cảm xúc tiêu cực sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới hệ thần kinh, làm rối loạn quá trình truyền tải tín hiệu thần kinh từ não bộ đến cơ, gây áp lực lên các mạch máu dẫn tới giảm lưu lượng máu cung cấp cho các cơ vận động. Do đó các cơ không được cung cấp đủ máu nên dễ lâm vào tình trạng căng cứng;

  • Chuyển động lặp lại nhiều lần cùng một vị trí: nếu một người sử dụng cơ bắp liên tục, quá mức trong thời gian dài như chạy nước rút, chạy bộ, thể dục dụng cụ sẽ khiến các cơ mất dần tính linh hoạt và bị đau nhức dai dẳng.

2. Biện pháp giúp điều trị chứng căng cơ

2.1. Khắc phục căng cơ tại nhà

Hầu hết các trường hợp bị căng cơ đều chữa được ở nhà với phương pháp R.I.C.E như sau:

  • Rest (nghỉ ngơi): tạm ngừng các vận động thể thao hoặc công việc để nghỉ ngơi trong vài ngày;

  • Ice (chườm đá): giúp nhanh chóng giảm triệu chứng sưng cơ. Bọc đá vào trong một chiếc khăn hoặc sử dụng túi chườm lạnh áp lên vùng bị căng cơ trong khoảng 15 - 20 phút/lần từ 2 - 3 ngày, mỗi lần cách nhau 1 tiếng;

  • Compression (băng ép): quấn quanh vùng căng cơ bằng băng vải y tế hoặc băng thun nhằm giảm sưng. Không nên quấn chặt quá vì sẽ làm cản trở sự lưu thông máu;

  • Elevation (nâng vùng bị tổn thương đến vị trí cao hơn tim): có tác dụng giảm đau, giảm sưng và hạn chế nguy cơ bị viêm cơ.

2.2. Điều trị căng cơ bằng biện pháp y tế

Phụ thuộc vào tình trạng căng cơ và nguyên nhân mà sẽ lựa chọn phương án điều trị y tế phù hợp:

  • Sử dụng thuốc:

  • Thuốc giãn cơ: được chỉ định nhằm cải thiện các triệu chứng khó chịu của căng cơ như giảm đau, giảm co thắt và co cứng cơ và tăng khả năng vận động;

  • Thuốc kháng sinh: dùng cho các trường hợp bị nhiễm trùng ở vị trí căng cơ;

  • Thuốc corticoid: tác dụng kháng viêm của thuốc rất mạnh, điều trị chứng viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch và cải thiện triệu chứng sưng đau. Corticoid được dùng đối với những bệnh nhân không đáp ứng với nhóm thuốc NSAID hoặc nguyên nhân căng cơ là do rối loạn tự miễn;

Băng ép để giảm sưng vùng cơ bị căng

Băng ép để giảm sưng vùng cơ bị căng

  • Điều trị vật lý: phục hồi chức năng hệ cơ bằng các bài tập vật lý trị liệu (tập các động tác kéo giãn cơ, nhiệt trị liệu, siêu âm trị liệu, massage,...), nhất là trường hợp bị rách cơ. Đây là phương pháp giúp giảm đau hiệu quả, đồng thời củng cố sức mạnh và khối lượng của cơ;

  • Phẫu thuật: chỉ định khi bị rách gân cơ, rách mạch máu hoặc không đáp ứng điều trị nội khoa.

4. Phòng tránh căng cơ như thế nào?

Căng cơ là tình trạng phổ biến và khó tránh khỏi trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên mỗi người cũng nên ghi nhớ những biện pháp sau để ngăn ngừa tình trạng căng cơ xảy ra:

  • Mỗi ngày nên chăm chỉ vận động cơ thể để rèn luyện phản xạ linh hoạt cho hệ cơ xương khớp;

  • Trước khi làm việc nặng hoặc luyện tập thể dục thể thao hãy khởi động thật kỹ lưỡng;

  • Khi mang vác vật nặng hãy thực hiện đúng cách, đúng tư thế và điều chỉnh khối lượng vật cần mang phù hợp với cân nặng và sức khỏe của mình;

  • Không nên giữ nguyên một tư thế, đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu;

  • Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý: tránh làm việc cũng như vận động quá sức mà nên xen kẽ thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tạo thời gian và điều kiện tốt để các bó cơ được phục hồi;

  • Thực đơn dinh dưỡng cân bằng, khoa học:

  • Uống đủ nước mỗi ngày. Ít ai biết rằng nước có khả năng hòa tan axit lactic trong cơ thể. Axit lactic là một chất sản sinh ra khi các cơ bị mất đi nhiều oxy trong quá trình vận động. Nếu chất này tích tụ quá nhiều sẽ khiến cơ bị nhức mỏi, nóng rát và hạn chế - thậm chí là làm mất khả năng vận động cơ. Do vậy bổ sung nước đầy đủ là việc làm cần thiết để giảm lượng axit lactic ứ đọng nhiều trong cơ thể;

  • Tích cực tiêu thụ các thực phẩm nhiều magie và canxi: 2 khoáng chất thiết yếu này chứa nhiều trong các thực phẩm như rau cải xanh, rau bina, củ cải, các loại đậu, hạt hướng dương, hạt vừng, gạo, bí ngô, yến mạch, phô mai, sữa, tôm, cá,.. Trong đó, canxi là dưỡng chất cần thiết cho sự chắc khỏe cơ xương khớp, magie chính là nguồn cung năng lượng cho cơ có đủ sức mạnh để vận động mỗi ngày;

  • Tăng cường bổ sung vitamin B trong khẩu phần ăn: trứng, ngũ cốc, thịt đỏ, hải sản, sữa,... rất giàu vitamin B đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển đường tới các cơ quan khác nhau trong cơ thể, giảm axit lactic tích tụ trong các bó cơ và bổ sung năng lượng thiết yếu cho các hoạt động sống.

Mỗi ngày nên chăm chỉ vận động cơ thể để rèn luyện phản xạ linh hoạt cho hệ cơ xương khớp

Mỗi ngày nên chăm chỉ vận động cơ thể để rèn luyện phản xạ linh hoạt cho hệ cơ xương khớp

Như vậy những thông tin trong bài viết đã phần nào giải thích được hiện tượng căng cơ là gì và cần phải xử trí ra sao khi gặp phải tình trạng này. Nếu bạn cần được tư vấn bởi bác sĩ về vấn đề sức khỏe hay bệnh lý cần được thăm khám, điều trị, bạn có thể liên hệ và đặt lịch khám tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56.

Từ khóa » Chứng Co Cơ