Chuyến Hàng Dừa Sáp - Báo Cần Thơ Online

Những ngày cận Tết, vừa làm hàng đưa ra thị trường vừa gởi hàng qua Nhật, qua Singapore đúng là "gấp gì hơn gấp Tết". Tuy từng xuất khẩu kẹo dừa, dừa sáp sợi sang Nhật, nhưng Trần Duy Linh, Giám đốc VICOSAP chưa bao giờ trải qua cảm xúc hiếm hoi này.

Tín hiệu bất ngờ

Trần Duy Linh và sản phẩm mới yaourt từ nhựa dừa sáp.

Trần Duy Linh và sản phẩm mới yaourt từ nhựa dừa sáp.

Quá bất ngờ khi chào hàng dừa sáp sấy khô - giòn tan, Linh nhận được phản hồi nhanh từ đầu cầu bên Nhật. "Sản phẩm nóng hổi, mới ra lò lại nhận được đặt hàng tức thì là nhờ giá trị mới, sáng tạo trước thực trạng nhiều người dùng ngán ngọt" - Linh nói.

Ngày Tết là cuộc phô diễn của thế giới "ngọt". Dừa sáp sợi, kẹo dừa sáp tam vị (nguyên chất, hương ca cao, hương dứa) và trái dừa sáp hút chân không của VICOSAP là bộ sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao.

Ở miền Tây, nổi tiếng là vùng "hảo ngọt", nhiều người nhận xét như vậy. Canh cũng nêm nếm ngọt hơn so vùng miền khác. Vậy mà Linh quyết định làm sản phẩm dừa sấy giòn - tan ít ngọt, lại nghĩ tới nhu cầu uống trà, cà phê… là tự đặt mình vào khúc quanh vận hội.

Theo cách giải thích của Linh, sự ngọt ngào giờ đây là thể hiện mối quan tâm chăm sóc sức khỏe của nhau, làm sao có nhiều lựa chọn hơn cho người dùng.

Người ta nói Cầu Kè là nơi bảo tồn loại dừa sáp và theo nhiều người mua trái dừa sáp là chuyện "hên - xui", huyền bí… vì không phải tất cả trái trong cùng một buồng dừa đều là trái sáp. Hiếm hoi nhưng diệu kỳ vì đã là trái sáp thì dinh dưỡng rất cao và hương vị hết sức độc đáo.

Linh đã từng tạo ra công thức cho 7 sản phẩm từ dừa sáp để tham gia thị trường, nhưng đố xem đâu là trái sáp, anh chịu thua. Không để người mua dừa rơi vào chỗ "hên xui". Nghĩ vậy, Linh tìm cách chế biến, nhưng nếu cứ tiếp tục làm kẹo thì mọi sản phẩm kẹo từ dừa sáp luôn bị đồng hóa theo mẫu số chung "kẹo dừa Bến Tre", không có gì khác biệt giữa hai anh em xứ dừa. Có cần phải nhập cuộc để cạnh tranh, chen lấn nhau không? Nghĩ vậy, Linh tự chọn lựa con đường mới. Thực ra, con đường đi tìm thị trường dù nội địa hay xuất khẩu đều đòi hỏi tiềm lực thương mại và cách mà Linh tiếp cận những người hết sức thận trọng với ngọt.

Với số vốn đầu tư trên 2 tỉ đồng để làm 7 loại kẹo từ dừa sáp, con đường mới khiến anh phải đầu tư thêm nữa. Đối với sản phẩm sấy giòn tan - quy trình khá phức tạp, trải qua nhiều công đoạn và thường phải mất 2 ngày để ra được một mẻ, phải chỉn chu từng khâu, kiểm tra nguyên liệu đầu vào chặt chẽ. Nhưng anh mạnh dạn hơn vì phản hồi từ người đặt hàng tại Nhật.

Nhu cầu đổi mới từ địa phương

Khách dùng cà phê với dừa sáp sấy giòn - tan.

Khách dùng cà phê với dừa sáp sấy giòn - tan.

Có may mắn nào đó khi anh lựa chọn công nghệ và phát triển sản phẩm mới. Hiện nay, cứ 1kg nguyên liệu dừa sáp thu về 300gram cơm. Sản phẩm không chất bảo quản; không chất tẩy trắng; không phẩm màu hóa học; không chất tạo ngọt nhân tạo; không hương vị nhân tạo đầu tiên là dừa sáp sấy giòn - tan, giờ có thêm nhựa dừa sáp lên men làm yaourt (con men nhập từ Úc) rồi sấy giòn tan. Nhiều người tại Cầu Kè dùng thử, hỏi mua không cần hỏi giá - vì sao? "Vì người dân địa phương đòi hỏi sự đổi mới và anh đã làm đúng mong muốn đó".

Linh cho biết: Phòng kiểm nghiệm chất lượng chia vui với Linh "công nghệ sấy giòn tan giữ được giá trị tự nhiên của dừa sáp. Thậm chí dừa sấy giòn tan cho vào nước có thể hoàn nguyên, lưu giữ hương vị tự nhiên của dừa sáp".

Linh từng tham dự cuộc thi khởi nghiệp và có nhiều sáng chế giải pháp hữu ích được công nhận. Hiện nay, đơn đặt hàng trong suốt năm 2022 khoảng 7 tấn thành phẩm xuất khẩu. Việc nghiên cứu của Linh đã sử dụng dòng nhựa giàu dinh dưỡng lên men tự nhiên, không bỏ phí giá trị trời ban cho dừa sáp.

"Có 3 khó khăn đối với VICOSAP: 1/Vùng nguyên liệu cấy mô chưa đủ lớn và dừa sáp đúng yêu cầu vẫn là số ít nên giá nguyên liệu khá cao; 2/ VICOSAP phải mua qua vựa nên lượng nguyên liệu và chi phí khiến tỷ suất lợi nhuận thấp; 3/Công nghệ thích ứng nhưng thiết bị có công suất nhỏ. Nhưng Linh vẫn làm vì lợi ích lớn hơn - vì giá trị khác biệt của dừa sáp Cầu Kè, Trà Vinh" - Trần Duy Linh, 36 tuổi, quán quân cuộc thi dành cho Start Up năm 2020, vẫn hừng hực khí thế.

Kỳ vọng dừa sáp

Có mối lương duyên nào đó khi dừa sáp sấy giòn tan sang Nhật vì nó gợi nhớ một câu chuyện về GS.TS Yutaka Hirata - Đại học Công nông Tokyo. Sinh năm Canh Dần (1950) tại tỉnh Kyusu, Nhật Bản, từ những năm 1996, GS.TS Yutaka Hirata đã gánh vác trọng trách thắt chặt quan hệ giữa hai Trường Đại học Nokodai và Trường Đại học Cần Thơ.

"Năm 1998, GS.TS Yutaka Hirata chính thức sang Việt Nam giảng dạy ngành di truyền phân tử, kỹ thuật điện di protein SDS-PAGE, giúp chúng tôi nâng cấp kiến thức. Lúc đó, nước mình đi sau rất lâu về trang thiết bị và kỹ thuật, rất khó khăn về tài chính… Hiểu hoàn cảnh của học trò nên ông cố lèo lái để chúng tôi có được những thiết bị dù đã xài rồi, làm sao cho chúng tôi có thêm năng lực đóng góp cho sự phát triển đất nước" - PGS.TS Võ Công Thành, Trường Đại học Cần Thơ, học trò của thầy Hirata, nói: "GS.TS Yutaka Hirata tin rằng kỹ thuật này sẽ dẫn dắt các học trò theo đường tắt tới khoa học hiện đại ít tốn kém nhất, phù hợp nhất đối với nước nghèo".

Nhiều cuộc hội thảo đánh giá triển vọng nguồn nhiên liệu sinh học diễn ra tại Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Công nông Tokyo. GS.TS Yutaka Hirata từng nói: "Điều này ở Nhật không làm được vì không có đủ nguyên liệu, trong khi chỉ những vùng nhiệt đới mới có triển vọng cung cấp nguyên liệu phong phú, đa dạng". Theo thầy Hirata, ĐBSCL nguồn nguyên liệu sinh học từ động vật là mỡ cá tra và dừa sáp là nguồn năng lượng tự nhiên vô cùng quý báu.

Lần cuối cùng, thầy Yutaka Hirata trao bằng cho TS Lý Thị Liên Khai tại Trường Đại học Cần Thơ. Niềm vui giữa thầy và trò không làm cho những cơn đau thôi oặn thắt. Thầy đã cố hết sức để trao bằng, dặn dò công việc của dự án năng lượng tái tạo và dẫn dắt cuộc hội thảo Green Biomass đến phút cuối (ngày 19 và 20-9-2010). Sau hôm đó, bà Katsuko Hirata đã bay từ Nhật sang Cần Thơ để đưa ông về nhà. Trên giường bệnh, ông vẫn còn dặn dò các học trò theo đuổi các dự án Miniproject, vận động để 5 nông dân Cần Thơ đi Nhật tập huấn, giúp họ làm quen với kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến. Vẫn là Yutaka Hirata đề xuất hướng nghiên cứu phát triển đa dạng sinh học gắn với cây dừa sáp Trà Vinh, rơm rạ để phát triển nhiên liệu sinh học, thu hút các nhà khoa học từ các nước đến đây. Ông Takeshi Nakashima, Daiichi Co.,Ltd, người đến ĐBSCL theo lời mời của thầy Hirata nói rơm rạ ở Việt Nam hết sức dồi dào vì mỗi héc-ta gặt xong để lại ngoài đồng 5-6 tấn. Chỉ cần gom được 20 triệu tấm rơm/năm sẽ có hàng triệu lít nhiên liệu sinh học. Nhưng lâu nay nguồn nguyên liệu đó bị đốt bỏ. Daiichi Co., Ltd là nhà cung cấp enzym hỗ trợ ý tưởng biomass từ nguồn nguyên liệu cellulose thành nhiên liệu sinh học.

Phút cuối, thầy Yutaka Hirata vẫn đặt hình ảnh ĐBSCL vào trái tim mình. Ngày 18-11-2010 (tức ngày 13 tháng 10 năm Canh Dần), trái tim tưởng như không mệt mỏi ấy đã ngừng đập…

Bên chân cầu Cần Thơ, những cánh hoa vạn thọ vàng bồng bềnh trôi, bà Katsuko Hirata gởi gắm thân xác tro than của người chồng dấn thân ở lại nhánh sông này, một chi lưu của dòng Mekong kỳ vĩ. Mọi người ngậm ngùi "Vĩnh biệt sensei Yutaka Hirata" và cầu nguyện cho những vì sao sáng ra đời.

Linh đã gởi dừa sáp sấy giòn - tan qua Nhật, một nguồn năng lượng trong thực phẩm từ những ý tưởng đổi mới sáng tạo, một lời cảm ơn với người đã tìm mọi cách bảo tồn và phát huy năng lượng từ dừa sáp.

Bài, ảnh: CHÂU LAN

Từ khóa » Bán Dừa Sáp ở Cần Thơ