Chuyện 'hồi Sinh' Chữ Thái Lai Pao ở Nghệ An - Vnbusiness

Ngoài hát khắp, múa khèn, múa sạp… chữ viết là một sản phẩm văn hóa tinh thần vô cùng quan trọng của người Thái ở Nghệ An. Mặc dù được coi là hệ chữ “bản địa” của người Thái ở Tương Dương nhưng những người còn sử dụng được chữ Lai Pao còn rất ít, phần lớn họ là những người đã cao tuổi, già yếu… còn người trẻ tuổi hầu như không ai biết sử dụng chữ Thái Lai Pao.

Khó khăn “kiếm tìm” con chữ

Tên gọi Lai Pao theo tiếng Thái nhóm “Tay Mương” có nghĩa là “chữ viết của người Thái vùng dọc sông Pao”, gồm các huyện Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn. Sông Pao (tiếng Thái gọi là Nặm Pao) là tên gọi con sông Cả (sông Lam) của người Việt ở tỉnh Nghệ An.

Chữ Lai Pao còn có tên gọi khác - Lai Liệp Nặm, nghĩa là xuôi theo dòng nước. Được biết, cuối thế kỷ XIX, người Thái vùng Sông Pao này vẫn còn sử dụng loại văn tự này trong đời sống hàng ngày.

image-6487327-2-JPG-4396-1630916840.jpg

Chữ Thái Lai Pao cổ (Ảnh: TL).

Ông Vi Tân Hợi, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương là người chỉ cần nhìn mặt chữ là biết ngay chữ Thái của vùng nào. Ông bảo, chữ Lai Pao viết ngang, còn chữ Lai Tay lại viết dọc, ngoài ra, mỗi vùng có một số ký tự khác nhau.

Với mong muốn bảo tồn giá trị văn hóa này, ông Hợi đã cùng một số người cùng chung chí hướng thành lập nhóm nghiên cứu để thực hiện nghiên cứu khoa học, tìm kiếm nhiều tư liệu bằng chữ Lai Pao trước nguy cơ chữ viết dân tộc mình đang đứng trước nguy cơ thất truyền.

“Nếu mình không làm thì trông chờ ai làm? Không lẽ ngồi nhìn chữ viết của dân tộc mình bị thất truyền?”, ông Hợi tâm sự.

Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm, nhóm nghiên cứu đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Trong đó, nguồn tư liệu, văn bản bằng chữ Lai Pao hầu như không còn lưu lại trong dân gian chính là khó khăn lớn nhất. Tuy rằng đã ngược xuôi khắp nơi, tiếp xúc hàng trăm người cùng nhiều kênh thông tin khác nhau, nhưng nhóm thu được kết quả không được như mong muốn. Bên cạnh đó, số người biết viết, đọc chữ Lai Pao cũng hầu như không còn.

“Nhóm đã đưa ra hướng tiếp cận khác là tìm tư liệu từ Viện Dân tộc học. Song, không phải cứ ra Hà Nội là gặp được người cần gặp. Không chỉ vậy, từ trước đến nay, chưa hề có một nghiên cứu nghiêm túc nào về loại chữ viết này, nên tư liệu cũng không phải nhiều”, ông Hợi chia sẻ.

Qua nhiều khó khăn trở ngại, nhóm nghiên cứu đã tiếp cận được một số tư liệu của Phó GS.Trần Chí Dõi và Nhà khoa học người Pháp Michel Ferlus về chữ Thái Lai Pao. Đồng thời, nhóm cũng nghiên cứu thêm về chữ Thái ở Mường Lò (Yên Bái), Sơn La, Lai Châu, Thanh Hoá… Từ đó chữ Lai Pao như dần được sáng tỏ thêm.

Sau một năm, nhóm nghiên cứu đã khẳng định được 46 chữ cái và các ký hiệu (mái). Ngoài ra, còn bổ sung thêm một số ký tự để phù hợp với hiện tại như tên người, địa danh…

Nỗ lực truyền dạy cho thế hệ kế cận

Cũng theo ông Hợi chia sẻ, năm 2005 ngay khi được thầy giáo Lô Văn Thông, ở thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương) giảng giải từng chữ, từng câu, ông tự thấy mình phải có trách nhiệm nghiên cứu và truyền lại cho đời sau.

Theo đó, lớp học chữ Thái Lai Pao đầu tiên được ra đời với 5 học viên, do chính ông Hợi làm lớp trưởng. Từ bộ giáo trình 20 trang, chủ yếu là bảng chữ cái, hệ thống dấu thanh (tô mái) của cụ Lô Văn Thoại (xã Xiêng My), học viên chỉ học trong vòng vài tháng là đọc thông viết thạo. Sau này, 5 học viên của lớp đầu tiên này trở thành các giảng viên cho các lớp tiếp theo.

Ong-Hoi-2008-1630922719.jpg

Ông Vi Tân Hợi (bên phải) được thầy Lô Văn Thông giảng giải chữ Thái Lai Pao (Ảnh:TL).

Song, để truyền dạy một cách rộng rãi, thì cần phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và giáo trình cần phải phong phú, khoa học. Do đó, ngay khi đã khẳng định được 46 chữ cái và các ký hiệu, nhóm nghiên cứu đã biên soạn Bộ tài liệu giảng dạy chữ Lai Pao, gồm: Sách giáo khoa, ngữ pháp, sách tham khảo, sách bài tập - tập viết và Văn hoá dân tộc Thái. Trong đó, ông Vi Tân Hợi đã dày công sưu tầm và biên soạn 180 câu tục ngữ, ca dao và 100 truyện cổ của người Thái.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã phối với với Trường Đại học Vinh để số hóa chữ Lai Pao, tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến vào bộ tài liệu dạy học và bộ font, bộ gõ chữ Thái hệ Lai Pao, tạo điều kiện thuận lợi cho những ai muốn nghiên cứu và học tập loại chữ này.

“Đây sẽ là cơ sở để xem xét điều chỉnh, xây dựng bộ tài liệu và bộ font, bộ gõ chữ Thái Lai Pao hoàn thiện, để triển khai mở các lớp trong thời gian tới”, ông Vi Tân Hợi thông tin.

Đến nay, tỉnh Nghệ An đã cho in 5.000 bộ tài liệu nhằm phục vụ công tác giảng dạy chữ Lai Pao trên địa bàn 5 huyện. Các lớp học không chỉ thu hút các học viên là những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người cao tuổi người Thái, mà còn thu hút nhiều học sinh tham gia.

Đáng chú ý, sau khóa học, các học viên sẽ biết viết, đọc thành thạo. Các học viên lớp cán bộ sẽ được Sở Giáo dục cấp Chứng chỉ, còn lớp nhân dân sẽ được UBND huyện cấp Chứng chỉ.

Thầy giáo Lô May Hằng – người dạy chữ Thái Lai Pao tại xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp cho biết, qua các lớp học, nhân dân sẽ biết viết đọc chữ Thái của dân tộc mình để gìn giữ và bảo tồn. Đồng thời, các học viên còn được học tập, rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc viết tiếng Thái và tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Thái.

Tham gia lớp học chữ Lai Pao tại bản Lau (xã Thạch Giám, huyện Tương Dương), chị Vi Thị Mẩy chia sẻ: “Sau hơn 3 tháng học tập nghiêm túc, đầy đủ, được sự nhiệt tình hướng dẫn của giáo viên, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, tôi đã cố gắng khắc phục khó khăn để học tập tốt và đã được cấp chứng chỉ khóa học chữ Thái Lai Pao của huyện”.

Tuy nhiên, để chữ Lai Pao đến được với đông đảo đồng bào thì còn cần nhiều yếu tố như nhân lực, kinh phí, trang thiết bị… và cả tinh thần của bà con nữa. Qua đây ông Vi Tân Hợi cũng đề xuất việc in lịch treo tường. “Lịch sẽ có nhiều thông tin mà người Thái rất quan tâm như xem ngày tốt, xấu; tiết trời theo thời vụ”, ông Hợi nói.

Được biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục gìn giữ bảo tồn và truyền dạy chữ Thái cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người cao tuổi người Thái, đặc biệt chú trọng đến các đối tượng thế hệ trẻ người Thái, để họ có thể viết được tiếng dân tộc mình.

“Tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy chữ Thái Lai Pao. Đồng thời, quan tâm, động viên, khích lệ các nghệ nhân đang từng ngày gìn giữ, trao truyền chữ Thái Lai Pao đến với thế hệ mai sau”, đại diện UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.

Hải Giang

Từ khóa » Khắp Tiếng Thái Nghệ An