Chuyện ít Người Biết Về Dinh Độc Lập
Có thể bạn quan tâm
Theo tác giả D.K.L trong bài viết Dinh Độc Lập được 89 tuổi! Mời quý bạn tìm hiểu tiểu sử dinh Độc Lập đăng trên báo Dân Tộc - xuân Đinh Dậu 1957, khi người Pháp đặt chân đến Việt Nam, dinh Toàn quyền đầu tiên là một nhà tranh vách gỗ.
Cho đến năm 1865, người Pháp mua ở Singapore một sườn nhà bằng gỗ có tháp bù-lon đem về cất dinh Toàn quyền tại phía gần trường Taberd ngày nay.
Tranh vẽ dinh Toàn quyền tạm bằng gỗ, ngôi nhà này sẽ được thay thế bởi dinh Norodom một vài năm sau đó. Tác giả: Henri Amirault (1834 - 1914) là thiếu úy, sĩ quan tùy viên của Tham mưu trưởng cho Thống đốc Nam Kỳ Pierre-Paul de La Grandière, vẽ bằng mực tàu và màu nước (20x37cm) khoảng năm 1865. Nguồn: lưu trữ gia đình của Pierre-Paul de La Grandière (1807-1876), Thống đốc Nam Kỳ 1863 - 1868.
Sau đó, để có một trụ sở to lớn thể hiện quyền lực của chính quyền thuộc địa, kiến trúc sư Hermite được giao chỉ huy xây dựng dinh Toàn quyền. Ông đưa bản họa đồ cùng chi tiết dinh Toàn quyền lên cho viên Đô đốc Toàn quyền Pierre-Paul de La Grandière xem xét. Dự án này đệ trình ngày 7.2.1868, được Đô đốc Toàn quyền chấp thuận ngày 22.2 cùng năm và qua ngày hôm sau làm lễ đặt viên đá đầu tiên kỷ niệm ngày khởi công xây dinh thự mới này (ngày 23.2.1868).
Dinh Norodom: Tìm không ra nhân công xây dựng dinh kiểu phương Tây ở Sài Gòn
Theo tác giả D.K.L, lúc đó có một trở ngại lớn. Sài Gòn lúc bấy giờ là một thành phố nhỏ và vắng vẻ. Chế độ cai trị của người Pháp chưa ăn sâu vào đời sống dân chúng Việt Nam. Nhà cầm quyền thuộc địa tìm không ra thầu khoán, cai thợ và phu phen tại chỗ.
Viên đá đầu tiên đã đặt rồi nhưng… lấy ai làm nhân công mà xây cất? Lúc ấy Sài Gòn có một người Hoa có máu mặt là ông Hoàng Đại (Wang Tai), chủ sở hữu tòa nhà lớn hiện nay là trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, nhờ làm ăn với Pháp nên rất giàu có. Người Pháp nhờ Hoàng Đại qua Trung Hoa tuyển mộ, tổ chức dân phu và thợ người Hoa bên đó gởi qua Việt Nam. Hoàng Đại đi từ tháng 2 qua Trung Hoa tuyển mộ 10.000 thợ thầy dân phu. Họ bồng bế vợ con đi xe bò vượt Móng Cái rồi đi ghe vào Nam cho đến đầu tháng 5 mới tới Sài Gòn. Từ đó, mới có thể khởi công xây dinh.
Việc xây cất dinh Toàn quyền hoàn thành vào năm 1871.
Lối vào dinh Norodom (*)
Những người phu Trung Hoa sang Việt Nam xây dinh đã ở lại định cư, nhiều thanh niên trai tráng lập gia đình với người Việt, các thế hệ sau dần hòa nhập với cuộc sống ở đây và trở thành người Việt. Bài báo cho rằng, số dân phu mà thầu khoán Hoàng Đại mộ từ Trung Hoa mang sang miền Nam để làm nhân công xây phủ Toàn quyền, dinh Đốc lý, nhà Bưu điện, nhà thờ Đức Bà… có thể lên đến vài trăm ngàn.
Tài liệu để lại của người Pháp thống kê tất cả số nguyên liệu dùng để cất phủ Toàn quyền là: béton: 581 thước vuông, đá sạn: 2.000 thước vuông, cát: 2.890 thước vuông, ciment: 151.000 kilo, gạch: 4.360.000 viên, gạch lót: 100.000 viên, gỗ và danh mộc: 802.000 kilo (?), sườn sắt: 150.000 kilo, tiền công thợ hồ: 52.600 quan, thợ làm sườn nhà: 22.105 quan, thợ gọt đá: 25.661 quan, thợ làm nhà: 7.618 quan, thợ rèn: 305 quan, phu phen: 32.508 quan. Rất tiếc bài báo không dẫn nguồn.
Phòng khánh tiết (*)
Tác giả cho biết nhà Bưu điện được xây cất hồi năm 1886 và Nhà hát Lớn xây cất hồi năm 1894. Trước đó, Sài Gòn chỉ có một nhà hát của ông Hoàng Đại cho đến khi nhà cầm quyền Pháp lựa một miếng đất ở đầu đường Lê Lợi ngày nay (Bonard cũ) nhưng cho đến mười năm sau mới bắt đầu xây cất.
Miếng đất chọn lựa để cất dinh Đốc lý tức trụ sở UBND TP.HCM ngày nay có từ hồi năm 1871 nhưng 28 năm sau mới bắt đầu xây cất và phải mất hai năm mới hoàn thành. Hầu hết công việc xây cất chậm trễ phần lớn đều do nguyên nhân thiếu thợ chuyên môn phải tìm kiếm hoặc ở Singapore hoặc ở Trung Hoa mang sang Việt Nam. Thợ lành nghề xây dựng ở Việt Nam lúc đó chỉ giỏi xây dựng nhà gỗ tập trung ở Huế.
Dinh Norodom nhìn từ trên cao (*)
Sau năm 1954, người Pháp rút khỏi Việt Nam. Việt Nam bị phân chia thành hai vùng lãnh thổ riêng biệt. Tại miền Nam, năm 1955, ông Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và quyết định đổi tên dinh này thành dinh Độc Lập, nơi làm việc của tổng thống. Ngày 27.2.1962, hai phi công thuộc quân lực VNCH lái hai máy bay ném bom làm sập toàn bộ phần chính cánh trái của dinh.
Dự định sửa dinh Độc Lập chứ không xây mới
Theo nhật báo Tự Do ra ngày 29.4.1962, đúng hai tháng sau khi dinh bị ném bom, sáng ngày 27.4.1962, Ủy ban Trung ương “Phong trào nhân dân tái thiết dinh Độc Lập” đã nhóm họp đại hội toàn quốc tại trụ sở các ủy ban quốc hội của chế độ VNCH. Tham dự đại hội có đông đủ báo chí trong nước. Vị chủ tịch ủy ban đã trình bày kế hoạch tổ chức một cuộc quyên tiền trên tinh thần tự nguyện trong người dân miền Nam.
Phòng tiếp tân (*)
Đáp lại câu hỏi của báo chí, vị chủ tịch cho biết Tổng thống Ngô Đình Diệm muốn sử dụng ngân sách cho các kế hoạch khác của quốc gia nên quyết định chỉ sửa chữa lại dinh Độc Lập mà không xây mới. Trước khi sửa chữa phải tiến hành vẽ hiện trạng, dự định là kiến trúc sư Ngô Viết Thụ sẽ phác họa đồ án mới và thay đổi mặt tiền dinh cho hợp với Việt Nam hơn. Vấn đề là các bức tường dinh bị rạn nứt nhiều sau cuộc bỏ bom nhưng các nhà chuyên môn cho rằng vẫn sửa chữa chắc chắn được.
Kinh phí sửa chữa dự định từ 15 đến 20 triệu đồng thời đó. Thời gian dự kiến ít nhất cũng mất 6 tháng. Theo báo cáo của các ủy ban địa phương thì số tiền quyên được ở mỗi địa phương có thể lên tới từ 300 đến 500 ngàn, đổ đồng mỗi cử tri chỉ cần giúp từ 3 đến 5 đồng. Những người giàu có thể đóng nhiều hơn để người nghèo không phải đóng góp dù có thiện chí. Công tác sẽ được Tổng nha Kiến thiết đảm nhận để trao cho một công ty tư nhân đầy đủ uy tín hoạt động. Dự kiến sau khi sửa chữa, dinh sẽ có hầm trú ẩn chắc chắn cho vị nguyên thủ quốc gia.
Biên nhận đóng góp để sửa dinh Độc Lập. Ảnh: TLTG
Nếu việc này được tiến hành, Sài Gòn đã lưu giữ được một dinh thự to lớn và rất đẹp từ trong ra ngoài với từng chi tiết rất cầu kỳ.
Tuy nhiên, có lẽ khi xem xét hiện trạng, thấy không thể khôi phục lại (có người cho rằng còn do ý muốn xóa vết tích của chế độ thực dân), Tổng thống Ngô Đình Diệm đã cho san bằng và xây một dinh thự mới ngay trên nền đất cũ theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Khôi nguyên La Mã, như chúng ta đã biết. Lần này, dinh Độc Lập được xây mới từ đầu tháng 7.1962 hoàn toàn do người Việt Nam thiết kế, xây dựng và trang trí vì đã có khả năng đảm nhiệm.
Việc xây dinh do Cục Công binh VNCH phụ trách. Công trường tuyển mộ từ 200 đến 500 công nhân và thợ chuyên môn dân sự, được hỗ trợ bởi một số đơn vị công binh. Hầu hết vật liệu xây cất là sản phẩm quốc nội, ngoại trừ một số ít vật liệu phải đặt mua tại nước ngoài. Dinh được khánh thành năm 1966.
Phạm Công Luận
______________
(*) Ảnh tư liệu sưu tầm của trang manhhai flickr
Từ khóa » Dinh độc Lập ở Sài Gòn
-
Dinh Độc Lập - Di Tích Lịch Sử Nổi Tiếng Sài Gòn - Vinpearl
-
Dinh Độc Lập – Wikipedia Tiếng Việt
-
Dinh Độc Lập - Nơi Lưu Giữ Một Phần Lịch Sử Sài Gòn - Klook Blog
-
Trang Chủ - Di Tích Dinh Độc Lập
-
Lịch Sử Dinh Độc Lập
-
Tham Quan Dinh Độc Lập – Công Trình Lịch Sử đặc Biệt Của Sài Gòn
-
Kinh Nghiệm Khám Phá Dinh Độc Lập Từ A đến Z 2021 - Tràng An
-
Khám Phá Dinh Độc Lập Sài Gòn: Biểu Tượng Của Chiến Thắng Và ...
-
Du Lịch Dinh Độc Lập - Chứng Nhân Lịch Sử Trăm Năm Sài Gòn
-
Tham Quan Dinh Độc Lập Có Những Gì ? | Cuộc Sống Sài Gòn
-
Di Tích Lịch Sử Dinh Độc Lập - Cục Di Sản Văn Hóa
-
Dinh Độc Lập - Dấu ấn Lịch Sử Không Thể Quên
-
Khám Phá Dinh độc Lập – địa điểm Nổi Tiếng Tại Sài Gòn
-
10 điểm Tham Quan Không Thể Bỏ Qua Khi đến Thành Phố