Chuyện Kể Từ Phim Trường - Tuổi Trẻ Online

jTF7pe19.jpgPhóng to

Chương Tử Di trong Hồi ký của một geisha

TTCN - Quyển Hồi ký của một geisha (Memoirs of a geisha, một bestseller của Arthur Golden ấn hành năm 1997, từng được trích dịch trên TTCN cách đây vài năm) nay đã được dựng thành phim (công chiếu tại châu Á đầu tháng 12-2005 và thị trường Mỹ hạ tuần tháng 12).

Bộ phim của đạo diễn Rob Marshall là câu chuyện với bốn nhân vật chính. Mụ đàn bà ác tâm và cay độc Hatsumomo (Củng Lợi) luôn tìm cách nhấn chìm kiều nữ Nitta Sayuri (Chương Tử Di) - cô gái tội nghiệp xuất thân từ ngôi làng ngư dân nghèo và bị bán cho nhà geisha. Trong thế giới geisha đầy sân si, Sayuri được dạy bảo và che chở từ “má” Mameha (Dương Tử Quỳnh).

Vẻ đẹp kiều diễm của Sayuri khiến một vị quí tộc (Ken Watanabe - đề cử Oscar diễn viên phụ trong The last samurai) si tình. Kịch bản diễn ra trong bối cảnh kéo dài gần hai thập niên, từ 1927-1946, và hai kịch tác gia Robin Swicord và Doug Wright kể lại với thủ thuật dắt chuyện từng hồi chậm rãi, như gót chân sen thon thả chậm rãi của kiều nữ geisha.

Hồi ký của một geisha thật ra là một câu chuyện cô bé lọ lem kiểu Á Đông: Sayuri là cô bé lọ lem; Mameha là bà tiên; Hatsumomo là mụ mẹ kế gian xảo; và vị quí tộc là hoàng tử đáng yêu. Hồi ký của một geisha gợi lên môtip phim lãng mạn kiểu truyền thống kinh điển. Đó là sự trở lại của thể loại thuật chuyện, một công thức quen thuộc của điện ảnh châu Á (bộ phim bắt đầu bằng câu: “Một câu chuyện như của tôi lý ra không nên bao giờ được kể…”).

Như bản thân quyển truyện (bán được 4 triệu bản bằng tiếng Anh và được dịch sang 32 ngôn ngữ), phim Hồi ký của một geisha cũng ít nhiều gây tranh cãi (tác giả Arthur Golden bị geisha Mineko Iwasaki kiện). Ngay từ đầu, nhiều lời ra tiếng vào đã cho rằng không bình thường khi bộ phim hoàn toàn về văn hóa Nhật (do Steven Spielberg sản xuất) nhưng sử dụng gần như toàn diễn viên Trung Quốc (dù diễn viên Nhật Suzuka Ohgo thủ vai Sayuri thời bé) và ngôn ngữ trong phim lại là tiếng Anh.

Một số diễn đàn người hâm mộ tại Trung Quốc cũng bất bình việc diễn viên Trung Quốc thủ diễn geisha bởi nhiều người còn ngộ nhận rằng geisha là gái điếm (trong một cuộc họp báo tại Hong Kong, phóng viên đã cật vấn tới tấp Dương Tử Quỳnh rằng tại sao cô lại nhận một vai như vậy). Việc phân vai đúng là gây rắc rối. Thoạt đầu nhận ghế đạo diễn, Spielberg đã định mời Trương Mạn Ngọc thủ vai Mameha.

x8xF0DxH.jpgPhóng to
Củng Lợi trong vai ác
Sau năm năm và nhiều kịch bản liên tục ra đời thay thế, Spielberg rút khỏi vị trí đạo diễn; và với nhiều cân nhắc, cuối cùng Hãng Columbia Pictures mời Rob Marshall sau thành công vang dội Chicago. Thậm chí đạo diễn Trần Khải Ca cũng nói ở một diễn đàn về giá trị châu Á tại Đại học Kobe (Nhật) hồi tháng 11-2004 rằng “geisha là một phần của giá trị Nhật Bản”, đồng thời chỉ trích việc Marshall sử dụng dàn diễn viên chủ lực người Trung Quốc.

Trong thực tế, việc diễn viên nước này thủ vai nhân vật nước khác là điều bình thường ở Hollywood. Diễn viên Anh Vivien Leigh từng thủ vai cô gái Mỹ Scarlett O’Hara (Cuốn theo chiều gió); diễn viên Ai Cập Omar Sharif thủ vai bác sĩ người Nga Zhivago hoặc diễn viên Mỹ Johnny Depp đóng vai nhân vật Scotland J. M. Barrie trong Finding Neverland (2004).

Vấn đề ở chỗ có lẽ một số quốc gia châu Á còn ấm ức việc phát xít Nhật bắt phụ nữ các nước bị xâm lược làm nô lệ tình dục thời Thế chiến thứ hai. Cần nhấn mạnh, chính phủ quân phiệt Nhật từng dùng hình ảnh geisha làm công cụ tuyên truyền để quảng bá ý tưởng thống nhất các nước châu Á thành một gia đình thuần Á kiểu… Nhật (cuối thập niên 1930, lễ hội mùa xuân hằng năm Miyako Odori từng được tổ chức tại Kyoto với màn múa hát geisha ăn mừng nhiều sự kiện kinh khủng trong đó có vụ thảm sát man rợ tại Nam Kinh - Trung Quốc).

Nói cách khác, sự “dị ứng” của một số khán giả châu Á đối với việc diễn viên Trung Quốc thủ diễn geisha là điều có thể hiểu được. Diễn viên Hàn Quốc Kim Yoon Jin đã khước từ lời mời tham gia Hồi ký của một geisha và hãy thử nghe cô nói lý do: “Tôi không muốn thủ vai geisha Nhật. Đó là vấn đề danh dự quốc gia”.

Một chi tiết bên lề: đạo diễn Rob Marshall đã được trả 5 triệu USD cho Hồi ký của một geisha (cộng 5% doanh thu vé), so với vỏn vẹn 500.000 USD khi ông thực hiện Chicago… Dù thế nào, Hồi ký của một geisha bây giờ đã như chuyện “gạo nấu thành cơm”.

Ở góc độ người hâm mộ thuần túy, hãy chờ xem câu chuyện đậm chất châu Á này được thuật bằng ngôn ngữ điện ảnh của đạo diễn Mỹ Rob Marshall như thế nào; và đặc biệt kỹ năng múa hát của Chương Tử Di có xuất sắc hơn tuyệt kỹ múa trống ngoạn mục trong Thập diện mai phục hay không (Tử Di vốn là diễn viên múa trước khi bước vào điện ảnh)…

Từ khóa » Phim Geisha Cuối Cùng