Chuyến Leo Núi định Mệnh Của 5 Cậu Bé - VnExpress

Ngày 26/3/1991, đa số người dân thành phố Daegu được nghỉ làm để đi bầu cử. Nhóm 5 cậu bé gồm Woo Cheol-won, Jo Ho-yeon, Kim Yeong-gyu, Park Chan-in và Kim Jong-sik được nghỉ học, rủ nhau dậy sớm lên núi tìm trứng kỳ nhông. Năm cậu bé ở độ tuổi từ 9 đến 13, học cùng trường tiểu học Seongseo, sống gần nhà nhau nên rất thân thiết. Cả nhóm chuẩn bị lon thiếc và gậy chống để leo núi Waryong, thuộc quận Dalseo.

Nhiều giờ sau, không ai trong 5 cậu bé trở về. Bố mẹ họ lo lắng đi tìm con khi mặt trời bắt đầu lặn. Sau vài giờ tìm kiếm vô ích, họ quyết định báo cảnh sát. Một cuộc tìm kiếm kỹ lưỡng hơn được tổ chức cho đến sáng sớm hôm sau nhưng vẫn không thấy các cậu bé.

Núi Waryong. Ảnh: CNA

Núi Waryong. Ảnh: CNA

Cảnh sát ban đầu nghi ngờ các cậu bé bỏ trốn nhưng ngay sau đó đã bị bác. Họ cũng nghĩ các cậu bé bị lạc nhưng người dân địa phương phủ nhận giả thuyết này vì thị trấn được chiếu sáng vào ban đêm, giúp những du khách đi lạc dễ dàng tìm thấy đường về nhà.

Trong hai ngày, vụ 5 đứa trẻ mất tích trở thành tin tức được lan truyền khắp thành phố. Sau một tuần, câu chuyện được biết đến trên cả nước.

Chương trình phát sóng trực tiếp từ trường tiểu học Seongseo của 5 cậu bé giúp vụ việc được quan tâm rộng khắp. Sau chương trình, Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Roh Tae-woo ra lệnh tăng cường điều tra để tìm kiếm những đứa trẻ. Khoảng 300.000 nhân viên cảnh sát và quân đội được huy động, cùng sự hỗ trợ của các tình nguyện viên dò xét núi Waryong hơn 500 lần nhưng không có kết quả.

Hàng triệu tờ rơi được phát ra cùng tiền thưởng 35.000 USD được quyên góp bởi cộng đồng cho bất kỳ ai có manh mối giúp tìm thấy những đứa trẻ. Hình 5 cậu bé với biệt danh "Những cậu bé ếch" được in lên vỏ hộp sữa, biển quảng cáo, thẻ điện thoại, giấy gói kẹo và báo chí để nhiều người biết đến.

Các cậu bé đi tìm trứng kỳ nhông, nhưng truyền thông đưa tin họ "lên núi bắt ếch", nên 5 cậu bé được gọi với cái tên rút gọn là "Những cậu bé ếch".

Tờ rơi tìm kiếm 5 cậu bé được dán khắp nơi. Ảnh: CNA

Tờ rơi tìm kiếm 5 cậu bé được dán khắp nơi. Ảnh: CNA

Cảnh sát nhận được hàng trăm manh mối nhưng vụ án vẫn bế tắc. Năm người bố bỏ việc, thuê một chiếc xe tải nhỏ dán ảnh 5 đứa trẻ và tiếp tục tìm kiếm khắp đất nước.

Thời điểm đó, nhiều bản tin về các cậu bé mất tích liên tục chỉ hướng đến căn cứ quân đội trên núi Waryong. Bố của Woo Cheol-won thắc mắc tại sao cảnh sát không điều tra căn cứ dù mọi người đều nhắc đến. Các phụ huynh khác cũng tự hỏi liệu vụ việc có liên quan đến quân đội không vì trường bắn nằm ngay gần đó.

"Vào ngày bọn trẻ mất tích, bạn của Cheol-won nghe thấy một tiếng súng và một tiếng hét. Sau đó là sự im lặng", ông Woo kể. Họ đã đến gặp cậu bé và nhận được câu trả lời khẳng định về việc nghe thấy một tiếng ồn lớn.

Tuy nhiên, quân đội khẳng định trong một cuộc họp báo rằng họ không liên quan đến vụ việc và không có cuộc tập bắn nào vào hôm đó vì là ngày nghỉ lễ. Năm 1994, trường bắn được chuyển đến một thị trấn gần đó.

Năm 1996, một trong số những người bố bất ngờ bị cảnh sát điều tra.

Kim Ga-won, một nhà tâm lý học tội phạm từng học ở Mỹ, cho rằng những đứa trẻ được chôn cất ngay trong nhà của Kim Jong-sik bởi bố cậu bé "không thể giải thích rõ đã làm gì trong ba tiếng đầu tiên vào ngày bọn trẻ mất tích".

Thời điểm đó, hiếm có nhà tâm lý học tội phạm nào ở Hàn Quốc, điều này khiến mọi người tin tưởng Kim Ga-won. Vị giáo sư này cũng cho biết ông đã đọc về cuộc điều tra và phân tích tất cả bằng chứng.

Các phụ huynh khác phản đối giả thuyết này. Dù vậy, cảnh sát vẫn khám xét nhà vệ sinh của gia đình Kim và tìm thấy đôi giày trẻ em. Sau đó, họ đào tung căn nhà bằng máy xúc nhưng không tìm thấy gì. Nhà tâm lý học Kim Ga-won bị phản đối dữ dội và bị sa thải sau vụ việc.

11 năm sau vụ mất tích, hài cốt của các cậu bé mới được tìm thấy trên núi, cách ngôi làng hai km, ngày 26/9/2002.

Hai người dân địa phương phát hiện một số quần áo cũ giữa những tảng đá khi đi dọc con đường mòn để nhặt quả sồi, sau đó là những bộ xương dưới ngôi mộ nông.

Hiện trường khai quật thi thể. Ảnh: Criminallyintrigued

Hiện trường khai quật thi thể. Ảnh: Criminallyintrigued

Điều kỳ lạ là hài cốt của một đứa trẻ được tìm thấy với chiếc quần dài lộn qua vai và tay áo buộc lại với nhau. Khi nút thắt được cởi ra, vài vỏ đạn rỗng và đạn chưa sử dụng được tìm thấy.

Cảnh sát đã gọi nhà khoa học pháp y Chae Jong-min, giáo sư tại Đại học Quốc gia Kyungpook, đến hiện trường vụ án. Ông Chae chỉ trích cảnh sát mắc nhiều lỗi khi khai quật thi thể trước. Họ dùng rìu cày xới đất, chỉ biết đào bất cứ thứ gì có thể tìm thấy, xếp những chiếc xương dài và đầu cạnh nhau, bỏ trong bao tải. Thông thường, một chuyên gia sẽ sắp xếp xương thành một cơ thể hoàn chỉnh, đặt trong túi đựng thi thể.

Một ngày sau khi hài cốt được tìm thấy, cảnh sát trưởng cho biết nguyên nhân tử vong có khả năng nhất là hạ thân nhiệt. Phát biểu tại hiện trường, ông nói với các nhà báo rằng nhiệt độ thấp nhất được ghi nhận vào thời điểm đó là 3 độ C, nhưng khi trời mưa vào buổi sáng, gió lạnh sẽ làm giảm nhiệt độ và các thi thể được tìm thấy trong tình trạng túm tụm vào nhau, được cho là để giữ ấm.

Tuyên bố này bị bác bỏ bởi một đội cứu hộ vùng núi thuộc Korea Alpine Federation. Họ chắc chắn đây không phải là trường hợp tử vong do hạ thân nhiệt. Khu vực đó không cao, cách đường phố chưa đến 100 m, nếu trời lạnh và mưa, chỉ mất 5 phút để chạy về nhà.

Theo ông Chae, bằng chứng rõ nhất về tội ác là nếu một đứa trẻ chết một cách tự nhiên, xương sẽ được tìm thấy trên lớp đất. Ông nói: "Khi một xác chết nằm trên lớp đất, với tác đôngj của môi trường xương sẽ được tách ra. Tuy nhiên, những mảnh xương đều được chôn cất, đồng nghĩa với việc ai đó đã sát hại những đứa trẻ và che giấu chúng một cách tỉ mỉ".

Đội pháp y của ông Chae tìm thấy hai lỗ đạn trên một hộp sọ và những "vết cắt sắc" trên các hộp sọ khác - vết thương do con người tạo ra. Theo ông Chae, một đứa trẻ có quần áo bị lộn ngược, cho thấy thủ phạm đã che mắt cậu bé bằng quần áo, sau đó sát hại chúng bằng cách đánh vào đầu bằng một số loại vũ khí.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc này được thực hiện bởi một kẻ tâm thần. Nhưng theo ông Chae, nếu đó là một kẻ tâm thần, đáng lẽ phải có những trường hợp khác giống thế, mà cả trước đây hay sau này đều chưa có trường hợp tương tự nào xảy ra.

Khi ngày càng có nhiều người suy đoán về nguyên nhân cái chết, cảnh sát đã xem xét tất cả hồ sơ vụ án từ năm 1991. Nhưng cuộc điều tra thất bại khi họ không thể tìm thêm bằng chứng.

Hai năm sau khi hài cốt được tìm thấy và cất giữ trong nhà xác của bệnh viện đại học, cuối cùng các cậu bé cũng được tổ chức tang lễ, vào 25/3/2004.

Luật sư của bố mẹ nạn nhân đệ đơn kiện cảnh sát vì không làm đúng chức trách, như làm hỏng bằng chứng tại hiện trường vụ án. Tuy nhiên, họ bị thua kiện trong cả ba phiên tòa. Các thẩm phán không đưa ra bất kỳ phán quyết nào về sai lầm của cảnh sát.

Không có cuộc điều tra thêm nào được tiến hành, cũng không ai từng bị bắt vì cái chết của những đứa trẻ. Vì vậy, các phụ huynh chỉ có thể đưa ra suy đoán của riêng mình. Bố Kim Yeong-gyu nghĩ một đứa trẻ đã thiệt mạng do một vụ nổ súng vô tình, và những đứa trẻ còn lại bị giết để che đậy vụ tai nạn.

Năm 2006, vụ án "Những cậu bé ếch" hết thời hiệu sau 15 năm, nghĩa là cuộc điều tra bị dừng lại và kẻ sát nhân không thể bị truy tố về tội giết người nữa. Tuy nhiên, năm 2015, Hàn Quốc đã xóa bỏ thời hiệu đối với tội giết người cấp độ một, nghĩa là bất kỳ bằng chứng mới nào được tìm thấy cũng có thể khiến cảnh sát mở lại vụ án.

Vụ án "Những cậu bé ếch" từng được khắc họa qua hai bộ phim điện ảnh Come Back, Frog Boys (1992), Children (2011) và phim tài liệu In Search of the Frog Boys (2019).

Tuệ Anh (Theo CNA, Criminallyintrigued)

Từ khóa » Hình Những Cậu Bé Bắt ếch