Chuyện Mùa Dịch: Ấy đừng đi Trốn, Nhiều Người đi Tìm! | VTV.VN

Trốn tìm vốn là một trò chơi được xếp vào hàng top trending của tuổi ấu thơ. Những tưởng trò chơi quốc dân 5, 10, 15, 20 này chỉ được ưa thích bởi trẻ nhỏ, ai dè, nhiều người trưởng thành nhưng suy nghĩ và hành động lại chỉ như đứa trẻ nhiều tuổi, quyết định chơi trò trốn tìm ngay trong mùa dịch COVID-19. Nhưng, khác với trò chơi ngày xưa, một nhóm trốn chỉ một người đi tìm; giờ, một người trốn, thì cả một hệ thống chính trị, y tế với hàng trăm con người phải căng mình khoanh vùng, truy vết. Hãy cùng VTV điểm lại hành trình của KẺ TRỐN và NGƯỜI TÌM trong mục Điểm tuần của Chuyển động 24h!

Chuyện TRỐN và TÌM trong mùa dịch

Niềm cô đơn của những người trưởng thành/ Là khi muốn trốn nhưng không ai tìm/ Nhiều khi ta muốn ta được bé lại/ Để khi đi trốn có người đi tìm…/

Trốn tìm – Đen Ft MTV Band

Đó là trong thơ ca, trong âm nhạc, khi muốn trốn nhưng không ai tìm thì chắc hẳn là niềm cô đơn của người trưởng thành trong tình yêu mà thôi. Còn trong mùa dịch, nếu đã trốn cách ly hay trốn tránh trách nhiệm khai báo y tế, thì cứ an tâm, sẽ có rất nhiều người tìm đến bạn, vấn đề là sớm hay muộn mà thôi…

Xin ngừng trốn – tìm trong mùa dịch!

Chuyện mùa dịch: Ấy đừng đi trốn, nhiều người đi tìm! - Ảnh 3.

Nguyễn Trần Tuấn Anh - người đưa 14 "chuyên gia" vào Việt Nam với giá 2500USD/người

Nguyễn Trần Tuấn Anh là một vị giám đốc sở hữu ba công ty ở Đà Nẵng. Anh này vất vả dùng mọi thủ đoạn làm các thủ tục để nhập cảnh cho 14 vị chuyên gia vào nước ta làm việc. Ấy thế mà các vị chuyên gia này lại còn chả biết đến công ty bảo lãnh cho mình là công ty nào, bởi chỉ là những kẻ núp bóng chuyên gia. Chuyện thật như đùa này không hề hiếm khi nhiều cá nhân trong nước đã lợi dụng chính sách nhập cảnh chuyên gia của Chính phủ để tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép.

Vậy cái giá để được nhập cảnh là bao nhiêu? Vị giám đốc tại Đà Nẵng này sẽ thu 2500 USD/ người, tức là khoảng 60 triệu đồng cho một ca trót lọt. Thế nhưng, hãy thử đặt ra giả thiết, nếu một trong những vị chuyên gia rởm đó mang mầm bệnh virus Sars CoV-2 vào Việt Nam, thì chi phí mà xã hội phải gồng gánh chi trả là bao nhiêu? Để có được những thông tin so sánh đối chiếu khác, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một ví dụ sau.

Chuyện mùa dịch: Ấy đừng đi trốn, nhiều người đi tìm! - Ảnh 4.

Tờ khai y tế sai sự thật của cặp vợ chồng Giám đốc Hacinco. (Ảnh: BV Hữu nghị cung cấp)

Trong tờ khai y tế của ca bệnh 3633 và 3634 là cặp vợ chồng Giám đốc Hacinco đi du lịch Đà Nẵng về, do Bệnh viện Hữu Nghị cung cấp, ở cả ba mục được hỏi, câu trả lời đều có chung một đáp án là KHÔNG. Ngay cả câu hỏi đầu tiên, đơn giản và dễ trả lời nhất - đó là: Có từng đi ra khỏi Hà Nội hay chưa? Câu trả lời được tích là KHÔNG. Chỉ đến khi có kết quả test nhanh dương tính với Sars-CoV-2, bệnh nhân mới khai với bác sĩ cấp cứu là mình vừa đi Đà Nẵng về. Tờ khai y tế, vốn được xem là một trong những lá chắn COVID-19 hữu hiệu của tiền tuyến, giờ trở thành một tờ A4 đúng nghĩa - khi những lời khai trên đó không xuất phát từ sự thật.

Và kết quả là trong số ít nhất 5 địa điểm tại Hà Nội bị cách ly y tế, phong tỏa tạm thời liên quan đến hai vợ chồng trên, có ba tòa chung cư. Như vậy, sơ bộ cuộc sống của khoảng hơn 3000 người dân ở 3 tòa chung cư trên bị xáo trộn. Đi cùng với đó là sự tốn kém trong chi phí xét nghiệm, an ninh, tiêu dùng…Lực lượng chức năng, lực lượng y tế lại có thêm việc phải làm khi mà họ đã có quá nhiều việc trong tiết trời Hà Nội nắng nóng gay gắt.

Lời nói không mất tiền mua?

Chuyện mùa dịch: Ấy đừng đi trốn, nhiều người đi tìm! - Ảnh 5.

Nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng MXH Việt Nam đăng bài quảng cáo tiền ảo rồi tự xóa ngay sau 1 đêm.

Tiếp nối một câu chuyện khác cũng làm dậy sóng cộng đồng mạng trong tuần, đó là nhiều người có tầm ảnh hưởng ở Việt Nam đã thể hiện "tình yêu động vật" quá mức trên mạng xã hội (MXH). Hài hước hơn, tình yêu này biến mất chỉ sau một đêm. Tỉnh dậy sáng hôm sau, muốn tìm lại cũng chả thấy, mọi thứ bỗng mông lung như một trò đùa.

"xxx, yyy, zzz, fff, eee… Chốt lại danh sách crypto nè các tình yêu…" (tên của các loại tiền mã hóa đã được thay đổi - PV) - Nhiều người nổi tiếng trên mạng ở Việt Nam đã đồng loạt đăng bài quảng cáo về tiền mã hoá, tạm gọi là các đồng coin mang tên các con vật, với nội dung gần như giống hệt. Có người còn nhận đã đầu tư hàng trăm nghìn USD. Và những bài đăng này cũng được tự xóa ngay sau 1 đêm. Điều đáng nói là trong các mã coin đình đám này, còn có 1 đồng "coin rác" đang có những dấu hiệu bất thường, khiến nhiều người tham gia hoang mang vì có nguy cơ mất sạch tiền tên là FXT của Lion Group, mà bản tin Tài chính Kinh doanh đã liên tiếp phản ánh tới khán giả thời gian qua.

Và như vậy, một trò chơi trốn tìm trong câu chuyện này lại được bắt đầu, với câu hỏi đặt ra là: làm sao tìm được ý thức trách nhiệm của người nổi tiếng với những nội dung họ đăng tải trên MXH? Và liệu rằng những người đăng tải có hiểu hết những gì họ đăng hay không?

Người nổi tiếng, nhờ vào công chúng, có được những thứ đặc quyền đong đếm được rất rõ ràng như các hợp đồng quảng cáo tiền trao cháo múc. Nhưng nghịch lý, trách nhiệm của họ với thứ được quảng cáo lại mù mờ như giá trị của mấy đồng tự phong là tiền số. Khi thứ mù mờ này kéo đi, để lại là những trường hợp hàng chục, hàng trăm tỷ đồng của "nhà đầu tư" bốc hơi theo các dự án. Không ít trong số này là tiền tích cóp cả đời, hay tiền đi vay mượn lãi cao với tham muốn "nắm bắt cơ hội".

Vụ việc mới đây một lần nữa cho thấy, đã đến lúc nhà quản lý cần xử lý quyết liệt hơn với tình trạng quảng cáo bát nháo. "Kêu gọi" sự tự giác, hay đánh động đạo đức của người nổi tiếng có lẽ sẽ khó hơn nhiều so với việc xử lý làm gương một số trường hợp. Tạo tiền lệ để người nổi tiếng tự nhìn lại mình, và cũng để người dân nhìn vào mà bỏ đi thứ ảo tưởng "nghệ sĩ quảng cáo thì uy tín".

Chinh Vũ – Góc Admin VTV Digital

Xin được nhắc lại một lần nữa, khi trưởng thành đừng sợ cô đơn khi muốn trốn mà ko ai tìm. Vì nếu chúng ta trốn cách ly, trốn tránh trách nhiệm hay ôm tiền đầu tư của người khác đi trốn, thì sẽ rất nhiều người tìm đến bạn. Trốn tìm có hai vế, trốn và tìm. Thay vì chỉ chăm chăm lo đi trốn cho được việc vào thân, tại sao lại không tìm hiểu kĩ các quy định, vai trò, trách nhiệm của cá nhân mình với cộng đồng, với xã hội khi quyết định làm một điều gì đó?

Bản nhạc Làm ơn hãy hợp tác của tác giả Lê Xuân Đức dường như là thứ nhiều người cần vào lúc này...

Làm ơn hãy hợp tác - Sáng tác và thể hiện: Lê Xuân Đức

Lời bài hát:

Một cây làm chẳng nên non nhiều cây chụm lại nên hòn núi cao, những y bác sỹ tuyến đầu, cảm ơn những công lao

Đồng nghiệp của tôi đã bật khóc khi đi lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng

Nhiều ngày vật vã trên đường xóc, nhiệm vụ trên vai nghỉ được không?

Lấy mẫu cho mấy ngàn người, mặc đồ bảo hộ với 2 lớp kính

Cả ngày chẳng biết đến tiếng cười, hơi thở mồ hôi đầy nhớp dính

Hè về trời nắng nóng như thiêu, nhưng nước lại chẳng dám uống nhiều

vì không có cách nào đi tiểu mà không cởi bộ đồ bảo hộ xuống.

Một ngày nghỉ trưa chỉ nửa tiếng, 9h tối mới về đến cơ quan

trệu trạo bát cơm được vài miếng, lấy sức chiến đấu những thở than

Mắt mờ và cay vì mồ hôi, hay là vì cơ thể mệt rã rời

Chỉ xin cộng đồng hợp tác thôi, mong ước ấy liệu có xa vời?

Xin hãy thông cảm cho chúng tôi, vì chúng tôi cũng chỉ là người thường

Ở trong căng thẳng và mệt mỏi, cảm xúc rất dễ bị tổn thương...

Cùng chung tay người Việt Nam, cùng chung niềm tin để cùng vượt qua những khó khăn, sẻ chia những nỗi vất vả, ngành y tế sẽ vững vàng.

Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây chụm lại nên hòn núi cao, những y bác sỹ tuyến đầu, cảm ơn những công lao

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Từ khóa » điểm Tuần Trốn Tìm