Chuyện Nào Vẫn Nên Thuật Lại (3) - NW Vietnamese News

Share

Trích Nhật Ký

Cái tôi, nó vốn như thế nào nhỉ [1]

Tự NhủSáng mùng ba Tết nắng lên tươihương nồng từ biển gió lay mờingoài hiên giò lan tía nở rộlòng ta mở rộng đón đất trời

Tết về thời tiết chầm chậm trôicho tuổi tám mươi chớm đâm chồinhận diện được ta vào năm mớithong thả bước đi giữa cuộc đời

Dĩ vãng dầy thêm một tuổi nữamà đã tan vào hiện tại đâyVậy nhá – chuyện người thôi vướng bậntâm này từng trải cứ chơi vơi.08/02/2022Phạm Quốc Bảo.

Hiện giờ cái tuổi tám mươi (80) nó làm như đang lởn vởn trước mặt tôi. Thế mà mỗi khi nhớ tới nó, tôi vẫn còn váng vất lơ tơ mơ một cảm giác ngẩn ngơ …Cách đây độ mười lăm năm, khi phải lấy hẹn gặp nhân viên xã hội quận hạt để ghi danh vào tuổi chính thức được về hưu theo luật lệ ở Mỹ, tôi lặng người đi, trong lòng thoảng thốt ” mình đã trên sáu mươi lăm tuổi rồi ư!”Ồ! (thở dài)…Đồng thời tôi nhớ lại cái thời mới bước chân vào Mỹ : Trong một loạt thủ tục nhập cư, tôi đi tái khám toàn bộ sức khỏe và được cho chạy điện mục đích để khích thích hệ thống thần kinh và gân hồi phục, mỗi tháng một lần, kéo dài gần hai năm. Hồi ấy, tuổi mới gần bốn mươi, tôi đã nghĩ, với hiện trạng cơ thể này, mình chỉ có thể sống tới sáu mươi là cùng.Thế rồi bẵng đi bốn chục năm, tôi cứ thế mà quay cuồng theo nhịp của cuộc sống ở đây…Vài năm trước đây, tôi quyết định nghỉ hẳn ở nhà nhân đại dịch Covid-19 lây lan, bằng hữu hỏi thăm như một cách gián tiếp chúc mừng, và tôi cũng lẩm nhẩm ” chẳng ngờ mình lại có thể sống được đến tầng tuổi này”…Và tôi liên tưởng đến Nguyễn Trãi ( 1380 – 1442), ông không những nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam là một chính trị gia lỗi lạc mà còn là một tác giả với những tác phẩm như Bình Ngô đại cáo (1428), Dư địa chí (Ức Trai di tập Nam Việt dư địa chí), Quốc âm thi tập… Cuối đời ông còn để lại bộ “Gia Huấn Ca”, một tập sách bàn về đạo lý căn bản làm người, cách đối nhân xử thế trong gia đình và ngoài xã hội sao cho cùng biết người biết ta. Tôi nghĩ rằng về hưu dưỡng ở quê nhà Chí Linh, cùng với tâm tình quyến luyến hằng ngày với con cháu quây quần, những hồi tưởng về chính cuộc đời mình xem ra đã thúc đẩy ông sáng tác Gia Huấn Ca.Không khác gì nhà văn Pháp Victor Hugo ( 1802 – 1885): Ông này đã từng vang danh với những tác phẩm để đời như “Nhà thờ Notre-Dame ở Paris”( Notre-Dame de Paris; 1831), ” Những kẻ khốn cùng” (Les Misérables; 1862)… Thế mà cuối đời ông cũng đã viết nên mấy cuốn như “Ngày mai, vào lúc Bình minh” (Demain, dès l’aube), “Nghệ thuật làm ông” (L’Art d’être grand-père, 1877)…Từ những liên tưởng đại khái như trên, tôi tự nhủ: Những tiền nhân tài ba cái thế kia mà cuối đời cũng tự động quay về quấn quít với những gì hết sức gần gũi trong đời sống tuổi già của mình, bắt đầu từ những hồi tưởng về tuổi thơ.Hiện tượng hợp lý này khá phổ biến cho đời người: Thời trẻ sung mãn thì người ta chỉ chăm chú phóng tầm mắt và sức lực về phía trước mặt, gặp thời thế thì tha hồ vẫy vùng thi thố với người – với đời. Còn khi tuổi tác đã lớn, người ta bắt đầu có xu hướng quay về với đời sống hằng ngày, với những gì xẩy ra và cần xẩy đến trong hiện tại, lấy kinh nghiệm cuộc đời để tự xét, tự an ủi và .. có chăng nữa, trao lại chút gì cho hậu thế…Ấy này! Coi chừng nhá. Suy tư như vậy có phải là để tự bào chữa cho chính tâm tư của mình đang phản ứng bây giờ đó chăng?…Nếu đúng, thì cũng có sao đâu nhỉ…Dù thế nào đi nữa tôi cũng phải diễn tả một cách linh hoạt và chính xác nhất về hiện tượng này: Gần một năm nay, khi có dịp nghĩ rằng mình sắp sửa tám mươi tuổi, tôi không còn như bị sốc nữa. Nghĩa là mỗi lúc nhắc nhớ như vậy, tôi cảm thấy bớt hụt hẫng dần. Tuy nhiên, tâm tư vẫn ngây ngất như vừa hớp một ngụm rượu vang, và… tự dưng tôi nhẩn nha ngoái nhìn về quá khứ của mình. Đời là giấc mộng [2] – 1 –Mang máng nhớ lại được rằng vào lúc độ 4 tuổi , tôi đã chết đi rồi sống lại. Mang máng nhớ như thế bởi phần lớn là nhờ người nhà kể lại nhiều hơn, và rồi dựa vào nhắc nhớ ấy mà ký ức của tôi nổi lên một số chi tiết đặc sắc tự nhiên trở thành rành mạch một cách thân thuộc hẳn.Số là thuở ấy cả gia đình theo chân bố tôi vào sinh sống trong khu kháng chiến. Lúc ở đồn điền Vạn Lại, mạn ngược thuộc tỉnh Thanh Hóa, trong lúc bố tôi đi công tác xa thì dịch sốt rét ngã nước tấn công mạnh: Người đầu ốm là mẹ tôi rồi khi tôi bị nặng lên thì bà chị kế tôi, tên là Nhiên 6 tuổi, lẫn cô Tài ( bà vú đã nuôi chị tôi – và cả tôi – từ lúc mới sinh ra đời) bắt đầu nhuốm bệnh, trái lại tôi thì được khỏe dần. Cả tuần lễ hai cá nhân này cứ lây lất sống: cô Tài bệnh tình xem ra càng lúc càng nặng nhưng dường như cô cứ đang cố gắng nấn ná..Cho tới khi tiếng của bố tôi vang lên từ cổng nhà… Ông bước vội vào tới giường buồng trong thì cô Tài nấc lên rồi thiếp đi luôn…Một chi tiết nữa tôi còn nhớ được là dịch sốt rét ấy đã giết hàng loạt dân ngụ cư vùng ấy. Người thân trong gia đình tôi cũng đều đang bị sốt hành hạ mà phải vác hai xác chất lên xe bò và cùng nhau đẩy đến đồi nghĩa trang là mọi người đã kiệt sức rồi, còn sức đâu mà đào hố chôn nữa…Loay hoay sao đó mà tự nhiên lại thấy ra ở gần đấy có hai lỗ sâu – làm như người ta vừa tảo mộ mới đưa cốt đi. Thế là bỏ xác cô Tài lẫn chị Nhiên tôi xuống rồi hì hục lấp đất lên cho bằng mặt đường, trước khi mọi người khó khăn bò về được tới nhà…Rồi khi tôi được độ 5 tuổi thì gia đình giọn về ở vùng Núi Nhồi. Thỉnh thoảng bố tôi được về thăm nhà đôi ba ngày, thì đó là thời gian tôi luôn cảm thấy khổ ải đến độ bị ám ảnh thật sâu đậm: Cứ sáng ra, đúng 5 giờ là tôi bị bố dựng dậy, bắt chạy lúp xúp theo ông ra đến bờ sông rồi bao giờ cũng bị ông quăng xuống nước! Đối với một đứa trẻ như tôi, cái trò thể dục kiểu này quả là một cực hình!Và một hôm từ thành phố trở về, hai anh trai của tôi đã “diện” mỗi người một bộ áo trắng cụt tay – chiếc quần sóoc kaki nhuộm xanh da trời và đi đôi săng đan da bò bóng lưỡng. (Sau này tôi mới được cho biết rằng bộ quần áo ấy đều may bằng vải nội hóa sản xuất từ nhà máy sợi Nam Định cả). Lần đầu tiên được nhìn thấy thế, tôi đã yêu cầu cả hai anh đứng hẳn lên trên bàn để tôi có thể ngắm nghía, chiêm ngưỡng cả tiếng đồng hồ mà vẫn còn mê mẩm, đến độ đêm ấy ngủ mê mà tôi thấy là chính mình được diện một bộ quần áo “sang cả” y như vậy! – 2 –Đầu năm 1951, gia đình từ Thanh Hóa được mẹ tôi lén đem hết về Hà Nội. Lúc ấy bố tôi đã thay tên đổi họ mà cũng chưa chắc gì sống được yên thân với những người cộng sản nằm vùng thì làm gì để có thể nuôi đủ một vợ với bẩy mặt con. Do đó mẹ tôi lại phải ‘ra tay’, bà xin được chân may quần áo cho cơ sở thầu quân nhu. Nhưng xưa nay người ta vẫn bảo” hết cơn bỉ cực tới hồi thái lai”. Quả thật vậy, vốn nhờ bản tính điềm đạm, ăn nói chừng mực, còn nhớ được tiếng Pháp từ thời nhỏ đi học trung học bấy giờ mới có cơ hội thực dụng để kiếm sống, mà chỉ trong vòng nửa năm mẹ tôi đã may mắn được cất nhắc lên làm thư ký của cơ sở thầu cắt may quần áo nhà binh ấy, chuyên lo thủ tục quản trị, từ vụ nhận vải, giao hàng – đến việc kế toán chi phí thực hiện – và giao tế. Thế là gia đình chúng tôi từ chỗ ăn nhờ ở đậu chuyển tới nơi thuê được nhà riêng, từ việc xin giấy tờ hợp lệ cư ngụ đến vấn đề chúng tôi bắt đầu dần dần đủ ăn đủ mặc và đi học, nhất nhất đều ổn định một cách nhanh chóng không ngờ.Nhưng thời gian trên ba năm cư ngụ ở Hà Nội, anh chị em tôi người nào xem ra cũng tạm ngoan, nghĩa là chẳng đến nỗi ‘hoang’ quá; chỉ riêng tôi, bắt đầu bước vào tuổi trổ mã thiếu niên, sao lại đổ đốn ra hẳn, cứ liên tục ‘hoang đàng’ – phá phách:– Nhà thì ban đầu ở làng Vạn Phúc sau giọn ra ở dẫy nhà tư gia thuộc khu Kim Mã. Tôi vào học lớp Ba trường tiểu học Đỗ Hữu Vị. Hằng ngày cuốc bộ đi học, thường tụ năm tụm ba đứa la cà đủ chỗ: Nào là ghé vào khu chùa Một Cột đổ hang bắt dế gáy, tạt qua vườn hoa Con Cóc ( vốn có ba cái bồn tròn lớn đường kính rộng đến bốn năm thước tây , được đắp nổi và trên ấy có bốn con cóc đá ở bốn góc, miệng chúng phun liên tục nước vào tượng đá giữa bồn), bọn tôi bu lại tha hồ tạt nước nghịch đùa với nhau. Rồi sau đó băng qua vườn Bách Thảo, qua đền Quán Thánh – chùa Trấn Quốc . Và đi dọc theo con đường Cổ Ngư chia đôi – bên phải là hồ Trúc Bạch – bên trái cạnh Hồ Tây. Đến đây thì chúng tôi không thể quên cái tật tha thẩn tò mò trọc ghẹo các cặp tình nhân đang ngồi rù rì tâm sự ở những băng ghế hai bên đường – dưới gốc mấy cây phượng vĩ – cạnh mé hồ. Đi tiếp tới ngã tư rẽ phải là bọn tôi đến trường.– Ở lớp học, tôi chỉ còn nhớ những lần nằm bò trên băng ghế để chăm chú đá dế: Những con dế phùng vung cánh đen- cánh nâu gáy trước khi xông vào nhau cắn xé. Bọn tôi mải mê theo dõi…Chỉ đến khi đầu thước kẻ của thầy từ đâu dí xuống chết cả hai con dế đang phùng cánh gáy, bọn tôi mới sực tỉnh, thế là cả lũ phải ra quì gối dọc ngoài cửa lớp!– Những giờ ra chơi thì nào là trò u-mọi, trốn-tìm, đánh khăng, cướp cờ…Nếu không thì ra phá quấy bọn con gái đang chơi rải – ranh, ô ăn quan, hay nhẩy lò cò…Tôi nghịch ngợm đến nỗi sau một năm, mẹ tôi dù phải khóc nức nở trong ấm ức mà không dám lên tiếng can gián – khi bố tôi quyết định bắt tôi vào học lớp Nhì ở trường Dũng Lạc, cạnh nhà thờ lớn Hà Nội.Niên học ở đây cho tôi mấy kỷ niệm khó quên, như:– Vào lớp mỗi buổi, phải quì trên băng ghế đọc kinh xong mới bắt đầu học.– Thứ sáu mỗi tuần lễ là đóng cửa lại, học sinh ngồi trên băng mà xem phim Thánh Tử Đạo chiếu ngay trong lớp.– Sáng thứ bẩy nào cũng phải lên xưng tội ở Nhà Thờ Lớn. Mà lần nào tôi cũng thú nhận rằng không sao thuộc hết được một đoạn kinh nào cả! Riết rồi có một lần vị linh mục ở bên kia tấm màn rủ hỏi rằng: ” Thế ở nhà con có kính yêu cha mẹ hay không?” Tôi thành kính đáp: ” Dạ có”- ” Thế con có thật tình thương mến anh chị em trong nhà không?” Tôi liền gật đầu: ” Có chứ ạ” ” Ồ. Như vậy là được rồi. Đừng lo âu gì cả, nhá. Sớm muộn gì rồi con cũng sẽ thuộc được kinh thôi mà!”Mấy câu đối đáp này sở dĩ đến tận bây giờ mà tôi còn nhớ đại khái được như thế , là nhờ vào niên học đâu 1963 – 64 gì đấy, linh mục già Gautier đang là một trong những giáo sư dạy cho chứng chỉ môn Lịch sử Triết Tây ở Văn Khoa – Sàigòn. Hồi ấy, linh mục Gautier cư ngụ trong khu hưu dưỡng thuộc trung tâm Đắc Lộ . Tôi vào đó để mua tập cours bài giảng quay ronéo do người trình bầy về triết gia Hy Lạp Platon, thì tình cờ gặp lại được chính vị linh mục người đã phụ trách mục xưng tội tại Nhà Thờ Lớn Hà Nội của tôi, người bấy giờ cũng đã ngồi xe lăn hưu dưỡng ở đấy,.. và tôi đã xúc động đến chẩy nước mắt trong khi run giọng thưa chuyện với người…– Thêm nữa, nhờ niên học ấy mà tôi có dịp đôi ba lần mua vé thiếu nhi một đồng vào rạp cinê Lửa Hồng để được xem những phim như “Tarzan, chúa tể rừng xanh” hay ” Scaramouche” với tài tử Stewart Granger lịch thiệp mà múa kiếm hết sức là bay bướm điệu nghệ!Tuy nhiên, đáng lý ra thì những trò nghịch phá khoái hoạt của thời ấy vốn dầy đặc trong tiềm thức, tôi nhớ thế. Vậy mà cho tới bây giờ thì chúng lại xem ra lãng đãng, chỉ khi cố moi móc thì chúng mới chịu trồi lên một cách khá mơ hồ – lúc ẩn lúc hiện, như chơi trò hú tìm trong ký ức của tôi:– Chẳng hạn ở vùng Đồi Bò – đền Voi Phục – hồ sen – trại huấn luyện chó loại quân khuyển. Vùng này rộng độ 2-3 cây số cạnh khu Kim Mã – làng Vạn Phúc là nơi ‘hành quân’ có thể nói là mỗi ngày bọn nhóc tụi tôi đều có mặt để quậy tung lên, trong suốt trên ba năm cư ngụ ở Hà Nội của gia đình tôi…Vui thú tuổi thơ xôn xao đến như thế mà sao bây giờ nhớ lại, tôi chỉ thấy những hình ảnh của thời ấy chúng cứ nhẩy cóc chớp nhoáng hiện lên rồi mờ đi trong đám sương mù ! Bằng chứng rằng hình ảnh của những đợt mưa dẫn vào thu, cá rô từ dưới hồ sen lách leo lên mấy lạch nhỏ, tìm nơi đẻ trứng …Hoặc khi nhắc tới đền Voi Phục, ký ức tôi chỉ cho thấy được cửa đền lờ mờ giữa một rừng cây si – cây đề um tùm che khuất nẻo…– Chỉ có một cuốn phim quay lại trong ký ức rõ nhất là vào ngày Tết nào đó trong ba năm nọ, tôi đã ‘diện’ bộ quần áo dạ đi dạo một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, mưa bụi chỉ đọng lại thành những hạt nước trong li ti bám trên lớp tơ dạ mong manh trông như khảm kim cương bao khắp thân người tôi…Một cái thúng được bao gạo làm bằng dây gai xù xì trùm phủ kín, đặt ở phía sau chiếc xe đạp cũ kỹ. “Phát xa nóng ròn, đây!” ” Lạc rang húng lìu. Nào!” Rút ra một đồng bạc đông dương, là được người bán hàng mở cái bao tải gai ấy ra để trao cho một túi giấy báo hình chóp nón( cone) lộn ngược. Bỏ cái túi chóp nón ấy vào túi quần, rồi vừa đi vừa bốc ra một hạt lạc ( đậu phọng) còn nóng hôi hổi – cho vào miệng – nhai nghe ròn tan; đồng thời vị thơm – ngọt – bùi lan tỏa khắp vòm miệng và xộc lên mũi đang hít hơi gió lạnh ngoài trời vào buồng phổi… Ôi! Thật là dễ chịu – thú vị một cách tuyệt!Còn những hình ảnh nào trực tiếp có sự hiện diện của mẹ tôi xem ra mới đặc biệt lưu lại rõ nét trong tâm khảm tôi, đến độ làm như tôi vốn cảm thấy muốn ‘kiêng kỵ’?… Nên cuối cùng tôi tự quyết định là chỉ cần nhắc tới mấy chi tiết sắc nét nhất, sắc nét đến mức chính mấy hình ảnh này tích cực thúc ép tôi phải đề cập tới ngay tức thời:– Chẳng hạn cứ mỗi năm, mùa thu tới, món chả rươi độc đáo không những đã in sâu trong tiềm thức tôi mà dường như nó vẫn còn đọng lại trong khứu- vị giác của cơ thể tôi, cho tới giờ vẫn còn phảng phất…Theo như nghe kể lại và nhớ được cho đến ngày nay thì: Rươi như một thứ sâu ngọ ngậy trong một dung dịch sền sệt mầu đất. Ở dưới ruộng lúa vừa gặt xong, mưa rỉ rả rơi xuống, những bó rạ chưa kịp đem về mà còn nằm vất vưởng trên mặt ruộng xâm xấp nước mưa. Và rươi từ những gốc rã ấy sản sinh ra. Người ta lấy vợt hớt rươi từng mảng cho vào thúng rồi đem bán. Rươi được mua về làm mắm rươi…, nhưng thực ra chỉ có món chả rươi thì năm nào vào mùa thu ở Hà Nội hồi ấy tôi cũng được mẹ làm cho ăn: Đại khái tôi nhớ là rươi được mua về phải đãi lọc qua nhiều lần nước ấm mới loại hết được những cái lông rươi nhỏ và mỏng li ti ,rồi hành tây – thì là – vài lát gừng, vỏ quít – nấm – thịt lợn băm nhuyễn trộn với trứng gà đập ra – thêm chút bột mì ngào vào, đem rán ( chiên) với một chút dầu- một chút nước mắm, để đem ra ăn cơm ngay với rau cải bẹ xanh – tía tô – kinh giới thái mỏng. Ôi…Sao mà thơm – ngậy – béo – bùi – Thật là tuyệt cú mèo!– Trung bình cứ trên dưới một tháng là mẹ tôi tự tay dắt từng đứa cho xem phim thiếu nhi ngoài rạp. Bước qua cửa hàng bánh kẹo, thế nào bà cũng ghé vào mua cho mấy viên kẹo nougat ( kẹo sữa ngào với bột – đường – chút socola – đậu phọng và mè vụn) để vừa xem phim vừa mút kẹo. Tan xuất, ra đến cửa rạp là đã thấy mẹ tôi đứng đón sẵn rồi. Trên đường về nhà, bao giờ cũng được cho uống một ly sữa đậu nành ấm để ‘yên bụng về nhà dễ ngủ’ đêm ấy, mẹ tôi bảo thế.– Nhưng một sự kiện tôi không bao giờ có thể quên được: Hằng đêm, đến giờ lên giường, anh chị em chúng tôi vào phòng có tới bốn cái giường tầng. Khi chúng tôi đã nằm yên ấm dưới chăn, mẹ tôi ngồi ở chiếc ghế bành kê trước nửa vòng bốn bộ giường tầng ấy. Tay bà vẫn như múa trong công việc đan- thêu hay may vá gì đấy, miệng bà liên tục đọc hay kể chuyện với một giọng đều đều. Từ những câu chuyện cổ tích, thần thoại Việt – Tây – Tầu rồi qua các truyện Ngụ Ngôn của La Fontaine (1668), Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ ( Les Trois Mousquetaires, 1844, của Alexandre Dumas )…Cho tới khi chúng tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay, thiếp lịm dần đi và hòa vào âm kể chuyện êm đềm của mẹ tôi dẫn chúng tôi tan vào trong những giấc mơ thần tiên ấy…Theo như tôi còn nhớ lại được, thì mẹ tôi đã đọc và kể như vậy hằng tối suốt mấy năm trời mà xem ra chưa bao giờ lập lại một câu chuyện nào! Mộng thực – Thực mộng [5]Rồi mấy tháng cuối năm 1954, gia đình tôi di cư vào Sàigòn bằng chiếc máy bay vận tải Dakota- C 47 đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất.Chỉ một vài tháng sau là mẹ tôi ngã bệnh, không dậy nổi nữa. Đặc biệt nhờ ông bác tôi đang là y sĩ của bệnh viện Grall ( sau gọi là bệnh viện Đồn Đất) vận động, mẹ tôi được vào nằm chữa trị trong đấy. Nhưng khốn thay, mẹ tôi cứ thế mà kiệt sức dần đi, và qua đời vào đầu tháng 5 năm 1955, nguyên do người ta thường gọi là hậu sản.Theo tây y phân tích thì hồi ấy tuổi mới trên bốn mươi nhưng đã sinh tới mười mặt con, cuộc sống bà suốt đời vất vả lo toan, rồi lại mới sinh đứa út được vài tháng là di cư vào Nam, sự sản bỏ lại hết ngoài Hà Nội, một gia đình trên mười miệng ăn, tâm tư mẹ tôi bức bách triền miên.. Bấy nhiêu thứ bấn bíu ấy đổ dồng vào một lúc thì thử hỏi, thuốc nào mà giải cứu được nữa đây…Thời gian ấy, ba đứa em mới ra đời ở Hà Nội: Đứa em gái lớn nhất sinh 1952 chập chững biết đi, đứa trai kế ra đời vào giữa năm 1953 đang tập bò, và đứa trai út thì còn nằm ngửa vì mới sinh được vài tháng trước khi vào Nam. Cả nhà tôi kể từ ông cụ thân sinh ra chúng tôi trở xuống đều phải đi làm, gia đình mới đủ ăn một cách chật vật. Chỉ có ông anh kế tôi học lớp đệ tứ còn tôi, đệ thất trung học. Ông anh tôi nếu học buổi sáng thì tôi phải chọn học buổi chiều, để thay phiên nhau ở nhà vừa học – làm bài tập vừa chăm sóc ba đứa em nhỏ, chiều bao giờ cũng phải nấu một nồi gang cơm to đùng để tối về cả nhà cùng ăn.Sau khi đậu Trung học đệ nhất cấp, ông anh kế tôi thi vào Quốc gia sư phạm, 2 năm sau ông ấy ra trường là đi dạy học ở xa.Riêng mình tôi 6 năm trung học, mỗi ngày ngoài buổi đến trường còn thì ở nhà trông và nuôi dạy ba em miết. Những lúc rảnh rỗi trong ngày đã xui khiến dần dà tôi tự tìm ra cách tiêu khiển thuận tiện cho hoàn cảnh hiện tại của mình, riết thành một thói quen là chịu khó kiếm mượn sách – truyện từ cái kho mang danh là “tổng thư viện” nằm ngay trong khu vườn hoang tàn sát cạnh trường tôi học về mà nghiền ngẫm.Mang tiếng là tổng thư viện nhưng thực thụ nó chỉ là một căn biệt thự cũ nát, bao nhiêu sách chở từ ngoài Bắc đem vào chỉ một số ít được rỡ ra và để lộn xộn trên vô số các kệ dọc ngang trong ấy; còn lại rất nhiều thùng sách khác coi bộ chẳng bao giờ được mở ra để sắp xếp lại, chúng nằm ngổn ngang – chất từng đống ở bốn góc và ngay khu vực giữa nhà!Vị thủ thư già lúc ấy, duy nhất lầm lũi có một mình ông, chỉ đủ sức ngồi cặm cụi tại chiếc bàn nhỏ kê gần cửa ra vào. Mỗi lần nghe tiếng động lục đục phía bên trong, cụ thủ thư lại gióng tiếng hỏi vọng vào. Thực ra cụ vốn biết rằng chẳng qua đấy là mấy thằng học trò đã lẳng lặng nhẩy cửa sổ vào lục lọi xem sách, cụ hỏi để nghe giọng chúng nó đáp lại cho cụ yên chí đấy thôi. Trong số mấy đứa học trò ấy bao giờ cũng có mặt tôi…Nói cho chính xác ra thì cũng chỉ ở 4 năm trung học đệ nhất cấp là tôi phải bấn bíu suốt ngày với đám ba đứa em nhỏ ấy . Đến khi chúng lớn lên và bắt đầu đi học mẫu giáo là tôi bớt dần tình trạng thường trực phải trông chừng chúng. Thêm nữa, sau khi lên học đệ Tam, tôi may mắn kiếm được một chân kèm trẻ: Vừa dạy trẻ của người ngoài – vừa kèm cặp mấy đứa em mình mà lại còn được phát mỗi tháng ít nhất là trăm rưởi đồng trở lên, tôi xem ra tự cảm thấy thoải mái hẳn:– Trước kia, được đặc biệt một bạn học nhà ở dưới Hạnh Thông Tây có nuôi bò và đàn dê để vắt sữa bán, bố của người bạn ấy ưu ái thương tôi nên mỗi ngày lái xe ngựa giao sữa trên chợ Phú Nhuận, thuận đường ông ấy ghé vào trao một thùng trên chục chai sữa bò để cho tôi phụ giao những nhà mua mỗi sáng ở xóm nhà tôi; mỗi tháng tôi được chia trên chục bạc tiền công nên thỉnh thoảng vài buổi trong tuần là tôi lại mua xôi hay bánh mì để cùng hí hửng ăn sáng với ba đứa em.– Tới khi kèm trẻ tháng đầu được phát cho một lúc trăm rưởi bạc, tôi run run bầy từng tờ 5 đồng đầy hết trên bàn học để ..ngắm chơi! Sau đó là đi may một bộ quần soọc kaki nhuộm xanh da trời với chiếc áo trắng cụt tay mới tinh mà chỉ tốn có chín chục đồng! Rồi thỉnh thoảng lại còn “sang cả” bao ba đứa nhỏ đi xem ciné (phim) ở rạp Văn Cầm, gần chợ Phú Nhuận…Nhưng mặt khác, cái thú im lặng đọc sách một mình mà tôi đã liên tục thực hành mấy năm trước đấy thì nay đã thành một nếp hằng ngày của tôi rồi. Đang ở ngưỡng cửa của lớp tuổi thanh niên, trí não đòi hỏi suy luận nhiều hơn và tâm tư tự nhiên bung mạnh về mặt liên tưởng – phiêu bồng, tôi không còn hứng thú với những loại truyện cổ tích – thần thoại nữa. Đồng thời, khi lên trung học đệ nhị cấp tôi chọn ban C nên cổ văn thì những Chinh Phụ Ngâm Khúc ( của Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm, 1705- 1746 ?), Cung Oán Ngâm Khúc ( Nguyễn Gia Thiều, 1741-1798 ), Truyện Kiều ( Nguyễn Du, 1766 – 1820) đã giúp tôi tiếp cận dễ dàng với những bộ truyện tàu; còn kim văn thì những Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, và các tác phẩm – tác giả của Tự Lực Văn Đoàn đã bồi bổ mở mang kiến thức một cách linh hoạt về những bước phát triển của văn chương – nghệ thuật việt ngữ cho riêng cá nhân tôi.Thêm vào đó, thuở ấy, phong trào học ngoại ngữ nổi trội trong giới học sinh, khiến trong lớp học chúng tôi tự động họp lại từng nhóm cố gắng cùng nhau thực hiện được chương trình tự nguyện mỗi tháng từng cá nhân một phải kiếm ra sách anh – pháp ngữ đọc rồi kể lại hay chuyền cho bạn khác cũng được nghiền ngẫm những loại như ” Con cá voi trắng” (Moby -Dick – 1851) của Herman Melville (1819 – 1891), truyện ngắn”Miếng Thịt Bò”( A piece of Steak) của Jack London (1876 -1916)…nhất là hai cuốn phiêu lưu ký [The Adventures of Tom Sawyer,1876 và Adventures of Huckleberry Finn,1885] do Mark Twain ( 1835 – 1910) sáng tác. Rồi cuốn ” Le Livre de mon ami” của Anatole France ( 1844 – 1924) [3] và tập “Lettres de mon moulin” (1869) của Alphonse Daudet ( 1840 – 1897), trong ấy có truyện ngắn Les Étoiles : Từ ngôi làng quê, cô con gái chủ đưa đồ tiếp tế cho anh chàng chăn cừu mướn cho gia đình cô đang ở với đàn cừu trên vùng núi đồi hoang cỏ. Đêm ấy hai người nằm cạnh nhau, lặng ngắm lên bầu trời vằng vặc đầy sao. Khung cảnh lãng mạn kỳ thú ấy đã tái hiện trong ký ức, nhân một tối vào giữa thập niên 1960 tình cờ tôi nghe đọc trên đài phát thanh sàigòn về một cặp vợ chồng thủ thỉ với nhau giữa một đêm trăng thanh, truyện ngắn Trăng Sao của tác giả Doãn Quốc Sĩ (1923 – ) … – 2 –Và nhờ đó tôi vượt qua hai cửa ải tú tài 1 và 2 của bậc trung học ngay ở kỳ thi đầu một cách khá dễ dàng mà bước vào ngưỡng cửa đại học, đúng vào mấy năm đầu thập niên 1960 (1960 – 63). Đây là thời gian biến động chính trị của Miền Nam Việt Nam tự do mà có một lúc người ta đã mệnh danh là ‘cách mạng’.Thực ra giai đoạn ấy, theo tôi, cũng chỉ là một hiện tượng thay đổi nhóm lãnh đạo chính quyền, đúng như nội dung sự kiện nghĩa là chấm dứt thời ‘đệ nhất cộng hòa’, thay đổi cá nhân lãnh tụ; chứ thực chất và nội dung xem ra chưa đủ chín mùi để thật sự cho cả xã hội Miền Nam thức tỉnh để có được biến đổi toàn diện.Nhưng đồng thời, sự thay đổi bề mặt này cũng vẫn có tác dụng như là tạo một chất xúc tác thúc đẩy cho nếp sinh hoạt tự do của dân cư bắt đầu tiến độ mạnh hẳn lên.Chẳng hạn như ảnh hưởng Pháp thực sự chấm dứt để chuyển sang ảnh hưởng của Hoa Kỳ lan rộng, từ thế lực chính trị sang kinh tế rồi quân sự… Rõ rệt và cụ thể nhất phải là nhờ gần một thập niên trước đấy nỗ lực liên tục thể hiện được phần nào mức độ tự do – dân chủ ở thể chế mà đến lúc ấy bộ mặt giáo dục – văn hóa [4] bắt đầu phát triển nhanh chóng.Còn riêng hoàn cảnh cá nhân tôi thì hầu như thay đổi gần hết:– Không còn bấn bíu gì với ba đứa em đã lớn vào tuổi thiếu niên cả, lên đại học, tôi bung hẳn ra mọi mặt, đến độ thường khi vắng nhà, có khi cả tháng chưa về một lần!– Mỗi niên học thì chỉ vài tháng trước ngày thi mới đâm đầu vào học, còn bao nhiêu thời gian tôi bị cuốn hút vào những sinh hoạt sinh viên – tổng hội – trại công tác hướng về nông thôn, văn nghệ – báo chí sinh viên…Tôi quay cuồng trong cơn lốc hiếu động mà trước đấy chưa bao giờ được như vậy.– Đồng thời, nhu cầu đọc để tìm hiểu của tôi bung ra mọi hướng. Từ thần thoại Hy Lạp sang đến thời tôn giáo thượng tôn lấn chế độ quân chủ của giai đoạn phát triển xã hội Trung Cổ tây phương. Từ các tác giả – tác phẩm cận lẫn hiện đại Việt đến những bộ tiểu thuyết kinh điển trung hoa Hồng Lâu Mộng, Kim Bình Mai, Liêu Trai Chí Dị …sang đến các tiểu thuyết hóa lịch sử Trung hoa như Đông Châu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí, Thủy Hử.., rồi tới những bộ tiểu thuyết triết lý dựa vào cốt sườn lịch sử Tầu của Kim Dung. …– Và tôi bắt đầu mường tượng ra những bước tiến hóa của lịch sử phát triển tư tưởng và sự thực dụng của xã hội con người:Chẳng hạn như cuộc cách mạng dân chủ- dân quyền 1789 bùng nổ ở Pháp là kết quả của những phát kiến của khoa học được lần lượt ứng dụng vào thành mấy nấc cách mạng công nghệ lan rộng ra mọi tầng lớp dân cư, tạo ảnh hưởng lớn mạnh cho sức phát triển kinh tế – nâng cao đời sống – xã hội; nhưng cũng chỉ đủ điều kiện đặt nền tảng mà thôi, chứ để biến thành thiết kế của xã hội thì cứ phải biến động liên miên để được tôi luyện trong đời sống xã hội cho đến một thế kỷ sau mới thực sự bắt đầu thành hình thực hiện được tại Hoa Kỳ , nhờ vào yếu tố địa- chính trị của lãnh thổ nước này mà giới trí thức của dân cư này đã dồn sức lực nhắm vào nỗ lực biến những tư tưởng thành hiện thực ở xã hội đang sống…Chẳng hạn, hiện tượng cọ sát giữa nếp sinh hoạt của dân cư vùng đông bắc (vì nhu cầu ứng dụng các phát minh máy móc mà dân cư da đen ở đấy đã dần thành công nhân, thoát khỏi nội dung nô lệ cũ ) với các đồn điền trồng bông và lúa mì ở phía nam vẫn tiếp tục duy trì lớp nô lệ da đen, đã khiến nổ ra cuộc nội chiến ( 1861-65) ở Hoa Kỳ. Cộng thêm sự phát triển các tổ chức nghiệp đoàn, như Ngày Quốc Tế Lao Động [6]. Nhưng tình trạng này cũng đã được tích cực liên tục điều chỉnh trong đời sống dân cư, để đến sự hiện diện của phong trào bất bạo động tranh đấu cho dân quyền thì giới dân cư da đen ở Hoa Kỳ mới bắt đầu thực sự dần dần được đối đãi một cách cởi mở hẳn (ít nhất là tại xã hội trọng pháp) trong đời sống hằng ngày tại đây [7]…– Và cho đến khi cuộc chiến Tết Mậu Thân 1968 xẩy ra, tôi mới bắt đầu dần dà nhìn ra ngõ bí của thế cuộc Việt Nam. Rồi khi thi hành lệnh tổng động viên, tôi thực sự chứng kiến sự bi thảm của bước đường chông gai hiểm trở thực thi tự do – dân chủ của dân tộc này./.Chú thích:[1] Hay ” Cái tôi đáng ghét ” nôm na dịch từ câu « Le moi est haïssable » của Blaise Pascal ( 1623 – 1662)[2] Xem cõi thế gian này giống như là cơn mộng lớn: ” Xử thế nhược đại mộng” câu thơ đầu của bài “Xuân nhật tuý khởi ngôn chí“ 春日醉起言志 ; tác giả Lý Bạch (701 – 762):Xuân Nhật Túy Khởi Ngôn Chí. Xem toàn bài thơ trong phần Phụ Lục.[3] Cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ những câu như ” Tôi muốn kể cho bạn nghe những gì tôi còn nhớ, hằng năm bầu trời vần vũ mùa thu…đó là lúc những chiếc lá vàng rơi từng cánh từng cánh xuống bờ vai trắng nhờ nhờ vì bị rêu bám của các bức tượng ( trong vườn Luxembourg) “Je vais vous dire ce que me rappellent tous les ans, le ciel agité de l’automne… c’est le temps où les feuilles tombent une à une sur les blanches épaules des statues.” trích ” Le Livre de mon ami” của Anatole France ( 1844 – 1924)[4] muốn biết vào chi tiết, xem thêm bài ” Nhân dáng thầy Vũ Khắc Khoan” trong phần Phụ Lục.[5] ‘Mộng hồ điệp’ hay ‘Trang Chu mộng hồ điệp’, tức là tích “Trang Chu mộng hồ điệp” như một huyền thoại, được rút ra từ sách Nam Hoa Kinh của Trang Tử (365 – 286 trước Tây Lịch). Trang Tử họ Trang người nước Tống (Trung Hoa). Tương truyền thời ông ở ẩn nơi chân núi Nam Hoa , đã diễn đạt tinh hoa Đạo giáo của Lão Tử ( 571 – 471 trước Tây Lịch viết ra Đạo Đức kinh, lập thành Đạo giáo) thành bộ sách gọi là Nam Hoa kinh.[6]Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 (1/5/1886). Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ.[7] Mục sư Baptist Martin Luther King, Jr. nổi danh nhờ lãnh đạo phong trào bất bạo động tranh đấu cho dân quyền ở Hoa Kỳ. Ông để lại câu nói bất hủ ” Tôi có một ước mơ” ( “I Have a Dream” vào năm 1963).

Phụ lụcXuân Nhật Túy Khởi Ngôn Chí.Xử thế nhược đại mộngHồ vi lao kỳ sinh?Sở dĩ chung nhật túyđồi nhiên ngọa tiền doanh.Giác lai miện đình tiềnNhất điểu hoa gian minhTá vấn thử hà nhật?Xuân phong ngữ lưu oanh.Cảm chi dục thán tức,Đối chi hoàn tự khuynh.Hạo ca đãi minh nguyệt.Khúc tận dĩ vong tình.Ngày xuân, say rồi thức giấc,thổ lộ tình – cảnh mình.Cuộc đời như giấc mộng dàilàm chi cho cực nhọc hoài tấm thânChi bằng say trọn ngày xuânngả nghiêng một giấc ngoài sân trước nhà..Giật mình sực tỉnh ngó raHừng đông – cảnh vật gần xa rõ dần.Hôm nay ngày mấy? Chợt buồn:Con oanh học nói – gió xuân đây rồi..Thở than xiết nỗi bồi hồirượu ngon vài chén cho vui trót ngày.Nghêu ngao đợi ánh trăng chơirứr xong khúc hát cũng vơi hết buồn.Phạm Quốc Bảo phóng dịch. Nhân dáng thầy Vũ Khắc Khoan

Trước khi cùng nhau chúng ta bắt đầu thưởng thức mấy chi tiết rất đời thường mà khá độc đáo liên quan tới thầy Vũ Khắc Khoan, tôi thấy nên điểm sơ qua vài nét tiêu biểu cái bối cảnh của nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa:Bắt nguồn từ chủ trương phát xuất ở thời chính phủ Trần Trọng Kim(17 tháng Tư đến 25 tháng Tám năm 1945), nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa (VNCH, từ cuối năm 1954 đến tháng Tư năm 1975) đã được áp dụng phổ cập và phát triển tại lãnh thổ Miền Nam Việt Nam rõ rệt nhất là ở bốn yếu tố chính:– Ngôn ngữ (tiếng nói và chữ viết) Việt (tức Việt ngữ) là quốc ngữ, đồng thời Việt hóa và phổ thông hóa nền giáo dục Việt ngữ rộng khắp lãnh thổ [1]. Chẳng hạn Việt ngữ đã là ngôn ngữ chính và duy nhất được giảng dạy từ vườn trẻ – mẫu giáo lên các bậc tiểu và trung học. Chẳng hạn cụ thể là ở phân khoa Văn Khoa Sàigòn, trước năm 1963 vẫn hiện diện song song hai hệ thống Dự Bị Pháp giảng dạy bằng Pháp ngữ và Dự Bị Việt giảng dạy bằng Việt ngữ, nhưng sau năm đó Dự Bị Pháp không còn nữa, duy nhất chỉ còn Dự Bị Việt cho đủ mọi môn chuyên khoa mà thôi.– Bốn cấp từ vườn trẻ – mẫu giáo lên đến tiểu – trung và đại học công tư đều được khuyến khích rộng mở ở khắp mọi vùng đất nước, nơi nào có thể, cho tòan dân. Do đó sĩ số học sinh-sinh viên cũng như số lượng giáo viên – giáo sư cứ được bổ túc liên tục mà tăng gấp bội lên theo cấp số nhân ở từng niên học. Các môn học ở các cấp cũng được cố gắng cập nhật theo tầm mức tân tiến chung trên thế giới mà bớt hoặc thêm vào từng năm. Chẳng hạn về công tác điều chỉnh, chúng ta có thể kể đến việc lọai bỏ đi lớp Tiếp Liên (lớp học cuối của cấp tiểu học), và ở trung học đệ nhị cấp đã dẹp đi Ban D (ban cổ ngữ, học Hán Văn và La Tinh)… Còn việc bổ túc các ngành học, chúng ta có thể kể sự kiện thêm môn Tân Tóan Học cho lớp 12 ban B (ban chuyên Tóan, lớp chót của trung học đệ nhị cấp) bắt đầu từ niên học 1970-71. Trên cấp đại học, chúng ta cụ thể ghi nhận hai sự kiện: Ở phân khoa Khoa Học Sàigòn, từ niện học 1961 trở về trước, lớp P. C. B (viết tắt của Physique-Chimie-Biologie animale) vốn là chứng chỉ Lý-Hóa-Sinh của văn bằng cấp cử nhân Khoa Học mà cũng là lớp Dự bị Y Khoa, nhưng sang niên học 1962-63, lớp P. C. B. vẫn là một chứng chỉ thuộc hệ thống trường Khoa Học, còn Dự Bị Y Khoa lại bắt đầu có tên riêng, A. P. M. (viết tắt của Année Préparatoire de Médecine) [2]. Trong khi ấy, phân khoa Văn Khoa Sàigòn niên học 1964- 65, ban Triết học chia ra thành hai phân ban, Triết học tây phương và Triết học đông phương…– Sách giáo khoa thì được Trung Tâm Học Liệu của bộ Quốc Gia Giáo Dục chính thức xuất bản cho từng cấp học, nhưng nhiều nhất phải kể là vô số những tài liệu tiểu luận và luyện thi mọi môn học các cấp đã được các giáo sư chuyên ngành thi nhau soạn, xuất bản và phân phối rộng khắp.– Các kỳ thi những văn bằng Tiểu Học, Trung Học Đệ Nhất Cấp (dẹp đi vào năm 1967), Tú Tài I (dẹp đi bằng nghị định chính thức vào năm 1973) dần dần được lược bỏ. Chỉ còn một kỳ thi tốt nghiệp ban Trung Học(mà trước kia gọi là kỳ thi Tú Tài Hai) và được bắt đầu thử nghiệm áp dụng thi viết cho một số môn học theo hình thức Trắc Nghiệm IBM (nôm na gọi là thi ABC khoanh, để có thể chấm điểm thật nhanh gọn bằng máy điện tóan), vào kỳ thi giữa năm 1974…Những yếu tố đại để nêu trên tiêu biểu minh chứng cho mục tiêu giáo dục đã được kiên trì liên tục áp dụng vào thực tế theo nhu cầu đời sống và theo đà dân số phát triển ở xã hội Miền Nam Việt Nam, dựa trên ba châm ngôn căn bản cốt lõi là Nhân Bản- Dân Tộc- Khai Phóng.

Nhất quỷ nhì ma thứ ba học tròNhưng dù sao, trong mỗi giai đọan chuyển đổi của nền giáo dục như thế cũng đều có những sự kiện bất cập. Như chương trình giáo dục thời tôi theo học bậc trung học VNCH có một điểm lạ ở chỗ Quốc văn (tức là Việt văn) các lớp Đệ Tứ (lớp 9 bây giờ), Đệ Nhị (lớp 11) thì học Kim văn; còn các lớp Đệ Ngũ (Lớp 8) và Đệ Tam (Lớp 10) lại phải học tòan Cổ văn.Cổ văn tức là các lọai văn được sáng tác từ xa xưa, câu chữ các cụ dùng trong quá khứ bao nhiêu thế kỷ trước của dân tộc ta bây giờ đã không còn thông dụng trong xã hội ngày nay nữa. Lại thêm văn chương cổ vốn được chủ trương “văn dĩ tái đạo” tức là các cụ viết văn chương với mục đích chuyên chở những đạo lý ở đời (nhưng nội dung của những đạo lý ấy hầu hết là nhắc lại những ý tưởng của sách vở xưa để lại một cách lý thuyết mà chứa đựng rất ít tư tưởng mới sáng tạo được rút ra từ kinh nghiệm sống thực tế trong đời sống cụ thể của các cụ); và những câu những chữ của thứ văn chương được gọi là ‘bác học’ ấy thường bao gồm nhiều điển tích mà muốn hiểu thấu đáo câu văn của các cụ đã viết ra thì phải thuộc nằm lòng những câu chuyện chứa đựng trong các điển tích ấy!Quí vị độc giả hãy thử nghĩ lại xem: Học sinh mới lớn, tuổi trung bình từ 14-16, chúng tôi mới chỉ là những thiếu niên ở cái tuổi đang “nhổ giò”, cái tuổi “ăn ít khi thấy no, lo chưa bao giờ kỹ” cả, thế mà phải “nhá” những thứ văn chương xưa cũ chứa đựng quá nhiều điển tích (chuyện xưa tích cũ, bên ta lẫn bên Trung Hoa), đọc lên nghe đã trúc trắc rồi, nói chi đến vấn đề có thể dễ tạo nên niềm thích thú học hỏi sao nổi!Cho nên một hiện tượng thường xuyên phổ biến diễn ra là trên bàn thầy đang diễn đọc cuốn thơ nôm Truyện Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu (1822- 1888), chẳng hạn đến đọan tả nhân vật Lục Vân Tiên giữa đường ra tay đánh dẹp bọn cướp để cứu Kiều Nguyệt Nga: Khi nàng Kiều Nguyệt Nga tính bước xuống xe lạy tạ ơn, thì chàng họ Lục(vốn theo quan niệm cổ điển “nam nữ thọ thọ bất thân”) vội ngăn lại mà thốt lên rằng:“Thôi thôi ngồi đó chớ raNàng là phận gái, ta là phận trai”Ở dưới mấy hàng ghế cuối lớp, nhóm học sinh tinh nghịch một cách ‘nhất quỷ- nhì ma- thứ ba học trò’ cũng liền đọc lên mấy câu vè bình dân mà ngòai xã hội lúc ấy người ta thường “lẩy”:“Vân Tiên cõng mẹ chạy raĐụng phải cột nhà, cõng mẹ chạy dzô!”Thế đấy… Và Việt văn lớp Đệ Tam C hồi tôi học do thầy Vũ Khắc Khoan đảm trách.

BÓNG DÁNG THẦY QUA TIỂU SỬTừ những tài liệu trên Internet tìm qua Google, có thể tóm tắt tiểu sử của thầy Vũ Khắc Khoan bằng mấy đọan sau: “… Vũ Khắc Khoan sinh ngày 27/02/1917 tại Hà-nội, là học trò trường Bưởi. Lên đại học, ông theo ngành y khoa hai năm, trước khi vào trường Cao đẳng Canh nông. Tốt nghiệp, làm kỹ sư canh nông được một năm rồi chuyển hẳn sang nghề dạy học, dạy lịch sử tại hai trường Nguyễn Trãi và Chu Văn An, Hà-nội; đồng thời ông hoạt động kịch nghệ, viết văn, thành lập nhóm Quan Điểm với Nghiêm Xuân Hồng. Từ 1948 Vũ Khắc Khoan bắt đầu in bài trên báo Phổ Thông, hai vở kịch Thằng Cuội ngồi gốc cây đa (1948) và Giao thừa (1949) và bài tùy bút Mơ Hương Cảng (1953). Giao thừa có thể coi là vở kịch có nội dung đề cập đến tính chất phi lý đầu tiên của Việt Nam.Ngay từ thời còn là sinh viên y khoa, Vũ Khắc Khoan đã đạo diễn những vở Thế Chiến quốc và Nửa đêm truyền hịch của Trần Tử Anh, trình diễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Ông viết và dựng kịch bản đầu tay Trường ca Mông Cổ, tác phẩm làm nền cho vở Thành Cát Tư Hãn (1961) sau này. Năm 1952, vừa dựng vừa diễn vở Thằng Cuội ngồi gốc cây đa tại Nhà Hát Lớn. 1954 di cư vào Nam, Vũ Khắc Khoan cộng tác với nhật báo Tự Do, dựng lại nhóm Quan Điểm (với Nghiêm Xuân Hồng và Mặc Đỗ). Ngòai ra ông còn dạy sử, văn chương và văn học sử tại các trường Nguyễn Trãi, Chu Văn An ở Sài-gòn. Từ 1962 ông lên dạy đại học. Chủ trương nguyệt san Vấn Đề cùng với Mai Thảo, ông dạy và làm giám đốc Kịch nghệ tại trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Sài-gòn.Di tản sang Hoa Kỳ năm 1975, ông dạy Pháp văn tại đại học Minnesota trong hai năm, cộng tác với tờ Đất Mới (của Thanh Nam) và tờ Văn của Mai Thảo. Cuối đời ông sáng tác Đọc kinh (1990), Đoản văn xa nước (1995), và hai bài thơ văn xuôi: Berceuse en pluie mineure (Ru em theo gam mưa thứ) và Le petit oiseau, la petite branche et le printemps (Con chim nhỏ, cành cây nhỏ và mùa xuân) và viết một số tác phẩm chưa hoàn tất: Như truyện dài Bướm đêm và kịch Ngọa triều. Vũ Khắc Khoan mất tại Minnesota ngày 12/9/1986 vì ung thư… ”[3]

CHUNG QUANH BÓNG DÁNG KỊCH TÁC GIẢ VŨ KHẮC KHOANPhải nói ngay rằng cho đến bây giờ, 75 tuổi, tôi vẫn đặc biệt hãnh diện là đã có thời được học thầy.Trước tiên, những chi tiết và những nhận xét về hành trạng văn nghệ của cuộc đời ông thì trong Google và quá nhiều tác giả khác đã viết ra rồi [4], không cần thêm thắt gì ở đây nữa. Chỉ xin kể ra ở đây mấy hình bóng của ông khá sừng sững trong trí nhớ của cá nhân tôi, với những kỷ niệm có liên quan tới nhiều bạn hữu của tôi mà đa số họ nay cũng đã ra đi khỏi cõi đời này.Chẳng hạn vào đầu thập niên 1960, thầy Vũ Khắc Khoan đang dạy trong bộ môn kịch ở trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ-Sàigòn. Lúc ấy tôi mới bắt đầu rời bậc trung học & cũng không học bất cứ một môn nào ở trường ấy, nhưng lại thường xuyên đến sân khấu của ấy để được tham dự những buổi hòa nhạc, nhất là để được thưởng thức những vở kịch do thầy dàn dựng và các môn sinh của thầy thủ những vai cốt cán chính.Những vở kịch như Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Đa, Nghêu Sò Ốc Hến, vở chèo Quan Âm Thị Kính… Nếu tôi nhớ không lầm thì những vở kịch này đều được thầy điều động ít nhất là một lần tại sân khấu trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ tọa lạc tại góc đường Nguyễn Du Sàigòn, và do những diễn viên kịch như Hà Bay, Vũ Hạ… Họ vừa tốt nghiệp những năm trước và sau 1965, họ đảm trách phần trình diễn một cách xuất sắc, gây được tiếng vang cho ngành kịch nghệ của trường này. Nay Hà Bay đã mất hay chưa, cư ngụ hiện tại ở đâu, tôi không rõ. Nhưng Vũ Hạ thì sau tháng Tư năm 75 anh đã sang định cư tại miền Nam Cali, đi học lại và tốt nghiệp kỹ sư, làm ăn sinh sống rất mực thước. Trong hai thập niên 1980 và 90, thỉnh thỏang chúng tôi tình cờ gặp nhau ở những tiệm sách cũ thuộc các cửa hàng như Goodwill hay Salvation Army. Và rồi anh cũng đã ra đi ở lớp tuổi 60, cách đây trên một thập niên.Riêng vở Thành Cát Tư Hãn tôi nhớ là đã được cho diễn hai lần tại trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ và một lần trên viện Đại Học Đà Lạt. Trong đó, vai Thành cát Tư Hãn đều do Trần Quang thủ diễn, còn Phạm Thanh Nhàn và Vũ Hạ đóng vai Sơn Ca; nhưng khi vở này được cho diễn trên Đà Lạt thì lại do Đinh Ngọc Mô đảm nhiệm vai Sơn Ca, và được khán thính giả khen là xuất sắc.Trần Quang, theo như lời anh tiết lộ thì anh sinh ra bên Lào, người to lớn, bệ vệ trong vai Thành Cát Tư Hãn nhưng hồi ấy anh phát âm tiếng Việt hơi trớt; sau này nhờ liên tục chịu khó tập luyện, giọng nói của anh đã chuẩn hẳn và anh nổi tiếng hơn nữa khi sang làm diễn viên điện ảnh.Phạm Thanh Nhàn, hồi năm 1975 anh sang tị nạn sớm ở Mỹ và chưa có cơ hội trở lại ngành diễn kịch thì đã qua đời trong tai nạn khi đi câu cá tại Long Beach vào khỏang cuối năm 1979 đầu 1980.Còn Đinh Ngọc Mô, sau khi tốt nghiệp khóa Đại học Sư Phạm ĐàLạt, anh trở thành một trong vài người điều khiển nổi tiếng cho chương trình truyền hình Đố Vui Để Học của Trung Tâm Học Liệu ở mấy năm cuối thập niên 1960, sau anh được cho đi du học. Vào năm 1982, vừa sang định cư ở Nam Cali chưa đầy một năm là tôi đã nghe tin Mô đột ngột qua đời bên Canada [4]

BÓNG DÁNG THẦY TỪ MẤY KỶ NIỆM CÒN NHỚ ĐƯỢC

Một dáng đời thườngNhững niên học cuối thập niên 1950, hiện tượng ‘cúp cua’ (trốn học) không hiểu tại sao lại thành phổ biến đến độ khá quen thuộc đối với học trò, nhất là các học sinh thuộc 3 lớp đệ nhị cấp (lớp 10, 11 và 12), ở Chu Văn An Sàigòn. Hiện tượng trốn học đi chơi đương nhiên là không “phải đạo” rồi, bằng chứng rằng hiện tượng này xem ra rất ít xảy ra ở lớp học sinh trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, ngôi trường đã vì nhu cầu và cũng vì tuân theo chỉ thị của bộ Quốc Gia Giáo Dục mà phải chịu ‘san sẻ’ mấy dãy nhà để xe cùng cả tòa nhà vốn dành làm khu nội trú cho học sinh từ tỉnh lên học, để sửa sang lại và thành lập ra trường Chu Văn Anh ở năm sáu niên khóa đầu kể từ năm 1954.Xét cho cùng, hiện tượng trốn học thường xảy ra như vậy cũng là do nhiều nguyên nhân.Đầu tiên phải thành thật mà thú nhận rằng học sinh CVA xem ra kỷ luật không được duy trì nghiêm minh như vốn đã là truyền thống sinh họat học đường ở bên trường Pétrus Ký ngay cạnh đó. Trong nguyên nhân này cần phải liệt kê 2 yếu tố khác nữa, tôi nghĩ có liên quan đến sinh họat học vấn có thể nói là dễ dãi và cởi mở mà ban quản trị trường Chu Văn An Sàigòn hồi ấy đã thực hiện:Kể từ niên khóa 1954- 55, từ lớp Đệ Thất (lớp 6) trở lên thì thường học sinh sàn sàn nhau 11 tuổi nhưng chúng tôi vẫn học chung với các anh chị lớn hơn, có khi tuổi họ đã 17. Lý do là bộ Quốc Gia Giáo Dục hồi đó đặc biệt cho phép học sinh nào di cư từ Bắc vào mà không có thân nhân đều được ghi danh vào học ở bất cứ lớp nào ở trường di cư Chu Văn An Sàigòn.Và nếu tôi nhớ không lầm thì suốt những niên khóa trong thập niên 1950 ấy, học sinh nào thi nhẩy (tức đang học lớp Đệ Ngũ- lớp 8 – cuối năm thi bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, hay đang học lớp Đệ Tam – lớp 10- cuối năm thi Tú Tài I) mà đậu thì chẳng những không bị “bắt lỗi” mà còn được cho phép học tiếp lên lớp trên, ở niên khóa kế tiếp!Thứ đến là phát xuất từ hệ thống thi cử của thời ấy: Trước thời chúng tôi, cho đến đầu thập niên 1950, ở bậc tiểu học cũng còn có kỳ thi bằng Sơ Học Yếu Lược ở cuối năm lớp Ba, rồi hết năm Lớp Nhất (tức lớp Năm sau này) phải tốt nghiệp bằng Tiểu Học, và gay go hơn nữa là phải thi tuyển vào Lớp Đệ Thất (tức lớp Sáu), đậu mới được vào học trường Trung Học công lập (nghĩa là không phải đóng học phí, mà nếu học xuất sắc lại còn được hưởng học bổng nữa!). Học hết năm Đệ Tứ (tức lớp Chín), phải qua kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp mới được lên học ở ba năm đệ nhị cấp Trung Học. Cho nên khi lên học lớp Đệ Tam, tâm lý hầu hết đều ra vẻ mình là học sinh lớp lớn nhất trường rồi! Hơn nữa, các môn học phụ (Khi thi thì các môn phụ đều hệ số 1, và hầu hết không phải thi viết, chỉ vào Vấn Đáp thôi), học sinh các lớp đệ nhị cấp (tức Đệ Nhị, lớp 11, cuối năm thi bằng Tú Tài I và lớp Đệ Nhất, lớp12, cuối năm thi bằng Tú Tài II) thường vừa không coi trọng lại vừa chẳng chịu chú tâm học các môn phụ cho lắm; đến giờ các môn ấy trong tuần vẫn thường là thời gian học sinh bỏ học trốn đi chơi nhiều nhất.Và phải nói rằng thời đại chúng tôi, trốn học thường ra chỉ như một hình thức nhằm thỏa mãn ý thích tự do của con trẻ là chính: Bỏ học trong lớp hầu hết chỉ vì đã bàn tính với nhau là dự trù đi xem ciné (movies) các rạp chiếu phim hay mà cũ như Lê Lợi hay Vĩnh Lợi, 2 đồng một vé, với một ly cối nước mía 1 đồng (thoang thoảng thơm mùi vài giọt tắc, chanh hay cam)! Ngòai ra trốn học cũng chỉ rủ nhau đạp xe vào lang thang trong Sở Thú hay vườn BờRô là cùng…Tôi nhớ có lần anh Đỗ Quí Tòan thổ lộ đại khái là cũng có học một năm Đệ Tam do thầy Khoan dạy môn Sử. Rồi anh nhắc đến một kỷ niệm mà trên 60 năm rồi còn sót lại trong ký ức của anh:Trong một buổi học, anh và một người bạn ‘cúp cua’, hai chàng đang lang thang chưa biết đi đâu chơi là thích nhất… bất chợt nhìn thấy thầy Khoan đứng vẩn vơ trên một vỉa hè. Trong bụng lo sợ vì chuyện trốn học đi chơi mà chẳng may bị thầy bắt gặp… Hai ‘chàng’ ban đầu khá bối rối, tiến thóai lưỡng nan, chưa biết phải phản ứng thế nào thì đã bị thầy nhìn thấy hai cậu học trò của mình còn đang lớ ngớ, ông bèn vẫy gọi… Và cuối cùng hai chàng cũng gắng gượng líu ríu đến cúi đầu chào. Ngòai mặt thầy vẫn tỉnh bơ như không, ông móc thuốc lá ra hút và thuận miệng thổ lộ rằng đang đi đến đây thì chiếc VéloSolex của thầy bị dính đinh, xẹp bánh xe, phải ghé vào vá lốp mà lục trong túi thì không có đến một đồng bạc nào!… Kết cuộc là hai trò chung nhau cho thầy vay để thanh tóan… Và thế là bữa cúp cua ấy, hai chàng phải… giải khát chung một ly nước mía, thanh thanh vì có pha thêm ít nước trái quất vừa chua chua vừa thơm thơm!

“Con lạy thầy!”Những năm học trung học thời chúng tôi, đa số tuổi trung bình từ 11 đến 18, cái hạn tuổi trổ mã của đời người, nghĩa là ở cái tuổi mà cơ thể lẫn trí tuệ phát triển mạnh nhất của một cá nhân, người ta thường gọi tắt là cái tuổi “nhổ giò”. Ở tuổi này thường có huynh hướng xung động, phá phách mà phần đông không hề có một chủ ý nào cả, nhưng rõ rệt là nghịch ngợm ra trò. Tục ngữ ta có câu “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Trong lớp thế nào cũng có vài ba anh học sinh phá nghịch nhất. Và đi dạy thì mỗi một thầy cô cũng đều có cách thức đối phó khác nhau, tùy theo tâm tính và kinh nghiệm: Thường thì quát mắng, hay bắt lên phòng giám thị để có thể bị phạt cuối tuần phải lên trường học bài dưới sự kiểm sóat của các thầy giám thị… Nhưng cũng có trường hợp là thầy giận dữ bỏ lớp ngang không dạy nữa; và cũng đặc biệt có những thầy cô giáo trẻ mới vào nghề, bối rối đến độ đứng chết trân giữa lớp mà chẩy nước mắt!Riêng thầy Vũ Khắc Khoan, tôi đã được chứng kiến, ông có một thái độ ‘trị’ học trò phá nghịch một cách khá độc đáo mà tôi chưa thấy thầy cô nào áp dụng trong thời tôi học trung học:Buổi đó, trong hai giờ thầy Khoan dạy, thỉnh thỏang có vài ‘cậu’ lén nghịch như thường lệ, nhưng riêng một ‘cậu’ ngồi dẫy bàn giữa ở cuối lớp thì nghịch ngợm luôn chân luôn tay. Thế mà thầy vẫn tỉnh bơ như không biết đến: Tướng thầy vốn to bề ngang, mái tóc bồng bềnh theo bước đi như cái bờm sư tử, đôi mắt thường đỏ của thầy hướng lên trần lớp và miệng thầy vẫn say sưa giảng… Đến khi trống báo hết giờ, cậu vua nghịch kia là người phóng nhanh nhất và định ra khỏi lớp đầu tiên, thì bị thầy Khoan đứng ngăn ngay ở cửa ra vào: – Này. Anh theo tôi!Không hề ngờ là bị thầy chặn lại như vậy, cậu ta miệng ú ớ: – Thưa Thầy… con…– Anh ra sân ‘pạc co’ [5] với tôi!Ngớ mặt ra không hiểu gì cả, cậu ta chết trân!– Ngoài giờ học vừa rồi thì tôi với anh hòan tòan bình đẳng. Chúng ta phải giải quyết vấn đề này với nhau một cách sòng phẳng.– Ơ…– Nếu anh đấu thắng thì đến giờ tôi dạy, anh muốn nghịch gì cũng được. Còn nếu anh thua thì tôi chỉ yêu cầu, giờ tôi phụ trách, anh không được phá nữa, để tôi dạy và những anh em khác học. Đồng ý?– Thưa thầy… con…– Anh cởi áo ra!– Con đâu dám!– Anh nhất định phải đấu tay đôi với tôi lần này!– Con lạy thầy…– Đây có đầy đủ bạn cùng lớp anh chứng kiến, nhá…– Dạ… Xin thầy tha cho con. Từ nay con không dám thế nữa!“Xin lỗi anh nhá”Lớp tôi theo học, có một cậu từ Bắc di cư vào Nam, gia đình đông con nên nghèo đến độ nếu không học được trường công lập thì… xem ra phải thất học. Mấy năm dưới các lớp Đệ Nhất cấp, cậu ta chuyên môn đầu húi gần trọc là để lâu cả tháng mới phải cắt tóc một lần, đặc biệt nhất là áo cậu ta mặc đều là lọai vải dù của quân đội Liên Hiệp Pháp còn sót lại, vốn không được trắng mà ngả mầu vàng, nên bạn trong lớp đặt cho cậu ta cái hỗn danh “Không Không Hòa Thượng”. Cái hỗn danh này kéo dài cho đến hết lớp Đệ Tam mới dần dần mất đi. Số là sau khi đậu được bằng Trung Học Đệ Nhất cấp, cậu ta xin được chân kèm vài đứa trẻ ba buổi tối một tuần, mỗi buổi hai tiếng, tháng được trả 200 đồng tiền VNCH hồi ấy. Lần đầu lĩnh lương tòan giấy 5 đồng, cậu ta đem về bầy kín lên chiếc bàn học rộng thước rưỡi- dài hai thước để mà… ngắm cho thỏa thích! Rồi cậu ta đi may hai bộ áo popeline trắng cụt tay- quần kaki Nam Định nhuộm xanh da trời, chỉ mất có một trăm rưởi đồng bạc!Một hôm đang đạp xe đạp đi học, gặp trời mưa như xối xả, chưa kịp kiếm chỗ trú thì chiếc xe Peugeot 203 rẽ vào sát bên để anh bạn cùng lớp (hiện là con của một dân biểu Đệ Nhất Cộng Hòa) vẫy chào một cái… chơi vậy thôi! Nhưng khi chiếc xe hơi băng ra giữa đường thì đã để hai vết bùn từ bánh xe văng lại suốt dọc trên mặt áo trắng trước ngực cậu học trò đạp xe đạp. Đến trường, cậu ta vội cởi áo ra giặt và phơi ngay ở khung cửa sổ lớp.Trống đến giờ học. Mới bước vào lớp, thầy Khoan thấy ngay một anh học sinh ngang nhiên mặc áo lót. Tự nhiên nổi nóng, thầy quát: – Anh kia! Ra khỏi lớp ngay!Cậu học trò lúng túng, ngượng ngùng vì không ngờ bị thầy đuổi, líu ríu tuân theo…Độ mười lăm phút sau, thầy Khoan mở cửa lớp ra: – Chết rồi! Có phải anh vừa giặt áo bẩn rồi treo ở cửa sổ kia không?Đang chịu đứng lớ ngớ run trong cơn gió lạnh từ cơn mưa thổi tới, cậu học trò lập cập xác nhận:– Dạ…– Thế sao anh không nói rõ cho tôi biết?– Dạ thưa…– Vào đi, không ốm ra bây giờ!… Tôi xin lỗi anh nhá!Chú thích:[1] “Mùng 5 tháng Chín năm 1956: Hội Nghị Thống Nhất Ngôn Ngữ khai mạc tại trụ sở bộ Giáo dục…” trích trang 201, Hai Mươi Năm Qua, 1945-1964, Việc Từng Ngày, tác giả Đoàn Thêm.[2] Có thể xem thêm vào chi tiết ở truyện ngắn “Racoto Féringa”, trong tuyển tập Hốt Một Thang, Việt Hưng xuất bản năm 2006.[3] Xin xem chi tiết thêm về nhân vật Vũ Khắc Khoan trong các bài tiêu biểu khác, như:Thụy Khuê. Vũ Khắc Khoan (1917-1986) Tác phẩm là một thác ngôn;Đào Ngọc Phong. Nhớ thầy Vũ Khắc Khoan.[4] Có thể xem thêm bài tôi Khóc Đinh Ngọc Mô (14-7-1982), trang 79, trong cuốn Thơ, Hai Mươi Năm, Việt Hưng xuất bản, 2002.[5] “Parcorps”: Đấu tay đôi.Phạm Quốc Bảo.Xem phần 1 & 2

Share

Từ khóa » Goodwill Dịch Là Gì