Chuyện Về Loài Cá Có Tên Trong Sách đỏ Thế Giới - Báo Cần Thơ

Cách đây hàng chục năm, những ngư dân trên sông Tiền, sông Hậu thường đồn nhau về một loài cá quý hiếm, thịt ngon không thua kém gì với loại cá “tiến vua” (*) là cá anh vũ ở sông Hồng miền Bắc. Đó là cá trà sóc (hay còn gọi là cá sọc dưa). Vì ngày càng ít người bắt được cá trà sóc nên người ta càng thêu dệt nhiều huyền thoại về loài cá này mà không biết sự thật chúng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng!

* Đi tìm loài cá quý hiếm tên trà sóc

Cá trà sóc đang được bảo tồn tại Trung tâm TSNNNB.

Trong một chuyến công tác về cồn Quy (ấp 3, xã Tân Thanh, nằm giữa sông Tiền) cách đây vài năm, tôi có nghe bác Sáu Hiếm (70 tuổi), một lão nông kỳ cựu ở đây kể về cá trà sóc nhân buổi “trà dư tửu hậu”. Theo lời bác Sáu, cá trà sóc (có nơi kêu bằng cá sọc dưa) là loại cá quý, thịt cực ngon và hiếm nên ngư dân bắt được ít dám ăn mà chỉ để bán cho các nhà giàu. Ông già của bác Sáu qua cồn Quy khẩn đất rất sớm (vào thời Pháp thuộc, cồn này thuộc quyền quản lý của ông Biện Quy ở tỉnh về mướn người khai hoang) dùng lưới bắt được một con cá trà sóc nhưng không dám ăn mà lúc đó đã đem biếu cho ông Biện Quy. Rồi sau này, nhiều ngư dân ở đầu nguồn sông Tiền cũng có bắt được nhưng thường là ở miệt An Giang, đặc biệt là ngã ba Vàm Nao.

Theo miêu tả của số ít ngư dân hiếm hoi bắt được cá trà sóc, loài cá này có hình dáng tương tự cá chép, vảy to. Thân cá thon, dài, hơi dẹp, chuyển màu từ nâu sang đỏ, điểm từ 6-8 sọc nâu sẫm được tạo ra bởi những chấm đen ở trên các vảy cá, kéo dài từ đầu đến đuôi (vì vậy mà còn có tên sọc dưa). Đuôi và vây cá màu đỏ, mõm cá tròn có hai đôi râu, râu hàm dài bằng đường kính mắt, râu mõm và môi rất nhỏ. Vây đuôi xám nhạt, các vây khác màu hồng nhạt. Con lớn nhất trọng lượng 20 kg/con, thịt thơm ngon và giá bán cao hơn cả cá hô.

Cách đây hơn chục năm, vào mùa nước lũ từ thượng nguồn đổ về, ngư dân đánh bắt trên sông Tiền thường bắt được cá trà sóc nhưng sau này ngày càng ít đi nên loài cá quý này dần dần ít được người biết đến. Trên mạng Internet, cá trà sóc (tên khoa học là Probarbus jullieni) có tên trong sách đỏ của thế giới về động vật “bị đe dọa”; còn ở Việt Nam thì được xếp vào loại có nguy cơ tuyệt chủng, phân bố ở sông Mê Công, hệ thống sông Chao Praya ở Thái Lan, Pahang và Perak ở Malaysia...

Mang theo sự nuối tiếc về loài cá quý hiếm này, tôi đến Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ (TSNNNB) thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II tọa lạc ở xã An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) để tìm hiểu. Tiến sĩ Phạm Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện trung tâm đang thực hiện việc bảo tồn cá trà sóc, loại cá quý hiếm có tên trong sách đỏ. Người thực hiện chương trình bảo tồn cá trà sóc là thạc sĩ Thi Thanh Vinh, Trưởng bộ môn Sản xuất giống và Công nghệ nuôi. Quá phấn khởi với thông tin trên, tôi liên hệ ngay với thạc sĩ Vinh hẹn gặp vào ngày hôm sau vì anh đang đi dự hội thảo chuyên ngành ở TP Hồ Chí Minh.

* Gian nan bảo tồn cá quý

Thạc sĩ Thi Thanh Vinh, chủ nhiệm chương trình bảo tồn cá trà sóc, có dáng người gầy với nước da sạm nắng. Thoạt đầu, anh ít nói nhưng khi nói đến việc bảo tồn các loài cá quý hiếm là anh sôi nổi hẳn lên. Anh về công tác tại Trung tâm Giống TSNNNB từ năm 1991 và gắn bó với công việc “bảo tồn nguồn gien cá nước ngọt” được Bộ Thủy sản (trước đây) giao phó cho Trung tâm đến nay. Từ năm 1992, Trung tâm bắt đầu thực hiện chương trình “bảo tồn lưu giữ nguồn gien các loại thủy sản nước ngọt” quý hiếm và có giá trị kinh tế cao và đến năm 2005, cá trà sóc được bổ sung vào danh mục lưu giữ. Theo thạc sĩ Vinh, cá trà sóc thuộc nhóm cá đen, con lớn nhất trọng lượng khoảng 20kg, thân cá có màu vàng nhạt, lườn bụng điểm nhiều chấm đen. Loài cá này thường xuất hiện nhiều ở đầu nguồn sông Tiền và ngã ba Vàm Nao (An Giang), thịt cá thơm ngon, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, ở ngoài môi trường tự nhiên loài cá này bị đánh bắt gần như tận diệt.

Quy trình bảo vệ cá trà sóc khỏi nguy cơ tuyệt chủng gồm nhiều công đoạn: sưu tầm, lai tạo, thuần chủng cá trước khi thả về môi trường tự nhiên. Để thực hiện, thạc sĩ Vinh và nhóm cộng sự đã dày công hoàn thành đề cương sơ lược về cá trà sóc từ nguồn tư liệu tham khảo sách bảo tồn thế giới để sau đó kết hợp với những thông tin tiếp nhận từ các Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các trung tâm khuyến ngư, ngư dân... thậm chí kể cả từ người mua bán cá. Theo anh, điều khó nhất vẫn là sưu tầm cá nên khi nghe thông tin về cá trà sóc là lập tức cử người hoặc trực tiếp đến ngay để tìm hiểu. Thậm chí, các anh còn phải lặn lội tìm đến các ngư dân sống lâu năm bằng nghề chài lưới bắt cá trên sông Tiền, sông Hậu và đặc biệt là lên tận lưu vực Vàm Nao (tỉnh An Giang)... để tìm hiểu, hướng dẫn cách nhận biết cá trà sóc; cách đánh bắt; nơi nào có cá xuất hiện; và đặc biệt là ngư cụ để bảo quản đến khi các nhà khoa học đến tiếp quản chuyển về Trung tâm. Bởi loài cá này hễ đánh bắt lên khỏi mặt nước là chết nên các nhà khoa học phải đặt hàng sống và giá mua cao gấp hai lần giá thường. Giá mua cá trà sóc dao động từ vài chục ngàn (vài gram) đến vài trăm ngàn đồng/con (vài kg trở lên). Khi dân chài phát hiện cá trà sóc phải đem lên nhẹ nhàng, bỏ ngay vào bồn sục khí và chuyển nhanh về Trung tâm. “Có lần, chúng tôi đi lên Tân Châu (An Giang) để mua cá trà sóc nhưng khi đến nơi sau khi lội ao cùng chủ nhà bắt cá quý lên mới vỡ lẽ đó chỉ là con... cá tra”, thạc sĩ Vinh kể lại một kỷ niệm đáng nhớ trong những lần săn tìm cá quý như vậy.

Từ năm 2005 đến nay, Trung tâm đã thu thập được 68 con cá trà sóc, trong đó con lớn nhất có trọng lượng 13 kg, con nhỏ nhất vài gram. Mỗi con cá nuôi trong hồ đều được lập hồ sơ “lý lịch” và lưu trữ cẩn thận vì đây là những thông số dữ liệu quan trọng phục vụ nghiên cứu lâu dài. Việc nuôi thuần dưỡng loài cá tại trung tâm là rất quan trọng vì đây là công đoạn quyết định sự thành công của việc bảo tồn. Từ những con cá trà sóc hiếm hoi để có được đàn cá hàng chục con đang phát triển tốt như hiện nay, các nhà khoa học và nhân viên Trung tâm đã phải dày công nghiên cứu khả năng thích nghi của chúng trong môi trường nhân tạo, đặc biệt là nguồn thức ăn. Nếu như ngoài tự nhiên, cá trà sóc chỉ thích ăn những loại thực vật và động vật nhỏ thì khi sống trong ao chúng chỉ được ăn thức ăn nhân tạo nên phải tính đến thành phần dinh dưỡng trong thức ăn để chúng thích nghi.

Theo kết quả kiểm tra đàn cá gần đây, đàn cá trà sóc của Trung tâm đang thích nghi với môi trường nuôi dưỡng nhân tạo và phát triển tốt. Căn cứ vào đặc điểm sinh thái của đàn cá, thạc sĩ Vinh cho biết sang năm 2010 sẽ bắt đầu thăm dò khả năng sinh sản để hướng đến sinh sản khả năng và hứa hẹn khả năng sẽ tiến đến ương ép cho cá đẻ nhân tạo. Thạc sĩ Vinh lạc quan: “Vì cá trà sóc là giống loài nằm trong họ cá chép nên khả năng sinh sản cao, điều này cho thấy chuyện cho cá trà sóc đẻ nhân tạo thành công là rất cao”. Đây sẽ là một tin vui cho người dân ở ĐBSCL nói riêng và người dân ở các nước thuộc lưu vực sông Mê Công nói chung sẽ có cơ hội được thấy và có thể nuôi được loại cá trà sóc quý hiếm trong tương lai không xa!

Bài, ảnh: NGUYỄN HỮU

(*) Sách Đại Nam thống nhất chí viết: “Cá anh vũ còn có tên là giả ngư. Hằng năm, cứ đến mùa rét mới có. Vị cá rất ngon mà âm bổ”. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi có dòng ngắn ngủi: “Cá anh vũ được dùng làm vật cúng tế thần linh...”, “hoặc dùng để tiến Vua”.

Từ khóa » Các Loài Cá Nằm Trong Danh Sách đỏ