Chuyện Về Những “doanh Nhân – Ca Sĩ Hát Rong” Trên Phố Sài Gòn

Chuyện về những “doanh nhân – ca sĩ hát rong” trên phố Sài Gòn

Hãy cứ tạm gọi họ - những người bán vé số dạo, là những “doanh nhân”. Bởi thực tế là họ đang kiếm sống bằng nghề… kinh doanh. Nhưng họ còn có tài hoa cùng tâm hồn nghệ sĩ đầy nhạy cảm, lúc nào cũng có thể cất tiếng hát, gảy ngón đàn, bất chấp bị nghèo khó luôn bủa vây…

Ông Nguyễn Huỳnh Tâm, 61 tuổi và bà Huỳnh Thị Nhung 59 tuổi

Một chiều cuối tuần, đang ngồi nhậu ở quán vỉa hè đường Phạm Hùng, quận 8, TP. HCM, tôi đã bị cuốn hút bởi tiếng đàn và giọng hát của một người đàn ông khoàng 60 tuổi.

Ông vừa ôm cây ghi ta điện, vừa hát ca khúc “Cát bụi” của cố nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn. Giọng ông thật trầm ấm, truyền cảm: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai vươn hình hài lớn dậy/ Ôi cát bụi tuyệt vời…Bao nhiêu năm làm kiếp con người/ Chợt một chiều tóc trắng như vôi/ Lá úa trên cao rụng đầy/ Cho trăm năm vào chết một ngày…”.

Tiếng đàn và lời ca vừa dứt, rất nhiều thực khách vỗ tay rào rào và yêu cầu hát thêm vài bản nhạc Trịnh nữa. Ông so lại dây đàn rồi tiếng đàn, giọng hát tiếp tục vang lên với ca khúc “Một cõi đi về” thật da diết, xót xa về thân phận kiếp người: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/ Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt/ Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/ Rọi suốt trăm năm một cõi đi về…”.

Lúc này, dường như những ca từ và âm nhạc phiêu diêu của Trịnh Công Sơn, qua ngón đàn, giọng hát của ông đã chạm tới trái tim đang xúc động của những thực khách trong quán nhậu. Rất nhiều người trong các bàn nhậu đứng dậy, cầm ly bia đi về phía ông vừa mời uống, vừa mua vé số ủng hộ người “ca sĩ đường phố”.

Tôi chọn mua 2 tờ vé số để có cớ làm quen trò chuyện, qua đó được biết ông tên Nguyễn Huỳnh Tâm, 61 tuổi, quê huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, còn người đàn bà đi cùng ông tên Huỳnh Thị Nhung 59 tuổi, quê huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang (là người vợ sau của ông).

Ông kể: “Những năm đầu thập niên 80, của thế kỷ trước, tui là nhân viên Đội Bốc xếp và là một thành viên của Đội Ca khúc chính trị của Bến xe miền Tây. Có việc làm ổn định, lại được thỏa mãn niềm đam mê ca hát, tôi cảm thấy tràn đầy hạnh phúc. Nhưng rồi một biến cố đau thương đã xảy ra với gia đình tui. Đó là vụ tại nạn giao thông đã cướp đi vĩnh viễn người vợ hiền, khi con trai tui mới lên 10 tuổi. Lâm và cảnh cô đơn, gà trống nuôi con với vô vàn khó khăn, tui quyết định đi hát rong bán vé số mưu sinh. Tui mê nhạc Trịnh, chủ yếu hát nhạc Trịnh, cứ thấy chỗ nào đông khách là tui hát, từ quán nhậu tới quán cà phê. Nhọc nhằn lắm, nhưng mỗi khi cất tiếng hát thì bao nhiêu nỗi buồn phiền bỗng tan biến hết. Nhờ có ngón đàn, giọng hát nên mỗi ngày từ sáng sớm, tới đêm khuya tui và bà xã cũng bán được khoảng 4000 tờ vé số các loại. Tiền lời mỗi tháng đủ trang trải cuộc sống cho hai người và phụ giúp thêm cho con cái ở quê cũng rất nghèo, chúng tui không muốn là gánh nặng thêm cho tụi nó”.

Hình ảnh những người cao tuổi, người khuyết tật (khiếm thị, dị tật chân, tay) vừa bán vé số, vừa đàn hát ở những quán nhậu, quán cà phê vỉa hè từ lâu đã trở nên quen thuộc với người dân TP. HCM. Chính nhờ vào khả năng trời phú cho ngón đàn, giọng ca khiến cho không ít người nghe động lòng, mà công việc bán vé số của họ cũng được suôn sẻ hơn so với những người bán vé số bình thường khác.

Cổ nhân nói, trời rất công bằng, khi đã lấy đi của ai đó cái này, thì đồng thời cũng bù lại cho người ta thứ khác. Câu nói này thật đúng với số phận, cảnh ngộ của bà Phan Ngọc Lệ, 58 tuổi, quê ở huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Bà cho biết, cả hai mắt bị chứng bệnh cườm nước từ khi mới hơn 10 tuổi, nhưng vì nhà nghèo không đủ tiền chữa trị, nên đành chịu phận mù lòa.

Bà Phan Ngọc Lệ, 58 tuổi, quê ở huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu

Tuy là người khiếm thị, nhưng trời lại phú cho bà có nhan sắc, biết đàn và có một giọng ca rất ngọt ngào, mùi mẫn khiến nhiều chàng trai say mê. Năm 23 tuổi bà đã kết hôn với một chàng trai trong nhóm đờn ca tài tử cùng quê và sinh được một con gái, nhưng rồi chồng bà lâm trọng mệnh mất sớm.

Bà nói: “Nhiều đêm trăn trở suy tính cách mưu sinh mà cảm thấy bất lực và tuyệt vọng. Nhưng may thay, năm 2000 chị Lê Thị Dung trong xóm cùng cảnh ngộ chồng góa con côi đã thấu hiểu, đồng cảm, sẵn sàng theo tui lên TP. HCM bươn chải bằng nghề hát rong, bán vé số kiếm tiền nuôi con”.

Từ đó những bản vọng cổ, tân cổ giao duyên nổi tiếng như: “Dạ cổ hoài lang”; “Tình anh bán chiếu”, “Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà”; “Gánh nước đêm trăng”…qua tiếng đàn, giọng ca của bà đã vang lên ở những quán nhậu, quán ăn, quán cà phê vỉa hè trên nhiều tuyến đường các quận: 3, Tân Bình, Phú Nhuận ( TP. HCM), làm rung động bao trái tim người nghe.

Gần 20 năm qua, một trong những bản vọng cổ mà bà ca được nhiều người nghe yêu thích nhất chính là bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Ca từ của bản vọng cổ vừa ngọt ngào tình tứ, vừa khắc khoải ngậm ngùi về thân phận người vợ nhớ chồng trong những đêm dài đằng đẵng đợi chờ, qua giọng ca của bà cứ như níu chân từng lữ khách và không ai trong số họ đành lòng đi qua mà không mua với bà vài tấm vé số. Nhờ đó mà bà và người bạn đồng hành cùng bà mỗi ngày bán vé số, sau khi trừ mọi chi phí ăn uống, phòng trọ cũng còn dư khoảng từ 350.000 đ – 400.000 đ (tùy ngày).

Trong số những người hành nghề hát rong, bán vé số mà tôi được tiếp xúc trò chuyện, có không ít người bị khuyết tật cả tay lẫn chân, rất khó khăn khi di chuyển và hành nghề, nhưng ở họ luôn toát lên sự tự tin với một nghị lực thật đáng khâm phục. Chàng thanh niên khuyết tật Nguyễn Tấn Hùng, 35 tuổi, quê huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long là một trường hợp như thế.

Chàng thanh niên khuyết tật Nguyễn Tấn Hùng, 35 tuổi

Tuy giọng hát không xuất sắc lắm, nhưng khi nghe Tấn Hùng hát ca khúc “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, dường như ai cũng bùi ngùi xúc động. Chứng kiến hoàn cảnh của anh nhiều người đã thể hiện sự cảm thông, chia sẻ bằng cách mua ủng hộ anh vài tờ vé số, tạo cơ hội cho anh vượt lên số phận, ổn định cuộc sống một cách đầy tự tin.

Trang Lương

Từ khóa » Chú Lùn Hát Rong đường Phố