Chuyện Về Vụ án Ôn Như Hầu - Báo Bình Phước
Có thể bạn quan tâm
Đầu tháng 4-1946, lực lượng Trinh sát chính trị Sở Công an Bắc Bộ nhận được nguồn tin hết sức quan trọng từ cơ sở mật báo về sự cấu kết giữa thực dân Pháp và bọn phản động Quốc dân đảng Việt Nam âm mưu lật đổ và chiếm chính quyền ở Hà Nội. Tuy nhiên, chưa biết rõ kế hoạch cụ thể và cũng chưa có chứng cứ cụ thể về âm mưu này. Trong lúc đó, tháng 5-1946, Đội trinh sát đặc biệt đã bí mật bắt Tham Trân, tay sai của Pháp, qua khai thác Tham Trân cũng tiết lộ sẽ có một cuộc đảo chính lật đổ chính quyền cách mạng vào tháng 7-1946, nhưng y không biết nội dung kế hoạch này bắt đầu và thực hiện như thế nào… Trong bối cảnh đó, tại Hà Nội, chỉ huy quân đội Pháp đã chính thức đề nghị Chính phủ ta cho phép quân đội Pháp được diễu binh qua các đường phố Hà Nội, nhân ngày kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa Pháp 14-7, trong đó có cả những nơi ngoài phạm vi quy định của Hiệp định Sơ bộ 6-3.
Đội trinh sát đặc biệt của Công an tham gia khám xét, bắt bọn Quốc dân đảng ngày 12-7-1946. Ảnh tư liệu |
Nha Công an Trung ương nhận được tin ngày càng nguy cấp và đã nhiều lần họp bàn, nêu kế hoạch dùng lực lượng truy quét tất cả 41 trụ sở của Quốc dân đảng để phá âm mưu đảo chính của chúng. Đồng chí Lê Giản, Tổng giám đốc Nha công an nhiều lần xin ý kiến Trung ương thực hiện kế hoạch trên, song chưa được chấp nhận. Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo: Việc trấn áp bọn phản cách mạng là rất cần thiết, nhưng trước khi hành động phải có chứng cứ cụ thể. Đây là vấn đề rất quan trọng, nó có quan hệ đến vận mệnh của đất nước. Hơn nữa, lúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn đại biểu của Chính phủ ta dự hội nghị Phông-ten-nơ-blô đang thăm Pháp. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, quyền Chủ tịch nước luôn nhắc đến ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải hết sức cảnh giác để không mắc vào âm mưu khiêu khích của thực dân Pháp. Vì vậy, nhiều lần Nha Công an xin ý kiến nhưng Cụ kiên quyết không cho phép hành động nếu công an không đưa ra được chứng cứ cụ thể. Đồng chí Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Nội vụ trực tiếp phụ trách Nha Công an yêu cầu phải thu thập được đầy đủ chứng cứ, trấn áp dứt điểm và nhất là không được mắc vào âm mưu khiêu khích của kẻ thù. Phải ngăn chặn được cuộc đảo chính, đồng thời vẫn giữ được hòa bình, kéo dài thời gian hòa hoãn để chuẩn bị kháng chiến và đảm bảo an toàn cho phái đoàn Chính phủ cùng Hồ Chủ tịch đang ở Pháp... Đây là mệnh lệnh, là khó khăn thử thách bản lĩnh chính trị, trí thông minh sáng tạo, phẩm chất quyết đoán, dũng cảm của lực lượng Công an non trẻ, trực tiếp là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu lực lượng Công an lúc bấy giờ.
Lực lượng Công an ngày đêm tiếp tục khẩn trương điều tra sự việc và suy nghĩ để hành động đúng lúc. Đồng chí Nguyễn Tạo, phụ trách Ty tập trung tài liệu xây dựng được hai cơ sở bí số H120 và C3 đánh vào cơ quan Trung ương của Quốc dân đảng. Đặc biệt, cơ sở C3 hoạt động trong trụ sở 132 Đuy-vi-nhô (nay là phố Bùi Thị Xuân, Hà Nội) cung cấp nguồn tin: Quốc dân đảng đang khẩn trương in tài liệu, truyền đơn phản động kêu gọi lật đổ chính quyền. Nhưng khi ta yêu cầu cơ sở lấy ra một tờ truyền đơn để làm chứng cứ thì không thể thực hiện được, vì tại trụ sở này bọn phản động canh gác hết sức cẩn mật, kiểm soát rất gắt gao, công việc in ấn được bảo vệ tuyệt đối bí mật; những người làm trực tiếp và khu vực làm việc được đặt trong tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Đứng trước tình thế vô cùng cấp bách, ngày càng nguy hiểm, nhất là trước yêu cầu của Bộ chỉ huy quân đội Pháp thúc bách phía Chính phủ ta phải trả lời đề nghị của chúng vào sáng ngày 12-7-1946, đồng chí Giám đốc Nha Công an Lê Giản đã triệu tập cuộc họp đặc biệt ngay trong đêm 11-7-1946, gồm có các đồng chí Bùi Đức Minh, Nguyễn Tạo, Lê Hữu Qua để bàn kế hoạch và phương án hành động và đã đi đến một quyết định táo bạo, dũng cảm: Phải đột nhập bí mật vào trụ sở 132 Đuy-vi-nhô của bọn phản động để lấy được chứng cứ tài liệu phản cách mạng. Và cũng vào lúc 24 giờ cùng ngày, cơ sở lại khẩn cấp báo tin: Tại 132 Đuy-vi-nhô, Quốc dân đảng đã in xong tài liệu kêu gọi lật đổ chính quyền, một số truyền đơn và lời hiệu triệu quốc dân đã được chuyển đi. Sáng 12-7, chúng sẽ phân tán tài liệu, các trụ sở khác của Quốc dân đảng sẽ rút vào bí mật và chuẩn bị thực hiện kế hoạch đảo chính.
Thực hiện quyết định của Nha Công an, đúng 4 giờ 30 phút ngày 12-7-1946, một tiểu đội gồm các chiến sĩ trinh sát và công an xung phong, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Tạo, Lê Hữu Qua đã bí mật, bất ngờ đột nhập vào trụ sở 132 Đuy-vi-nhô, nhanh chóng bắt gọn 20 đối tượng phản cách mạng; các loại tài liệu phản động, truyền đơn, khẩu hiệu, áp phích, thông cáo hô hào lật đổ chính quyền vừa in xong, buộc thành bó đã bị tịch thu tại chỗ. Đặc biệt, ta thu được một bản tài liệu do chính Trương Tử Anh viết về "Kế hoạch đảo chính Chính phủ Hồ Chí Minh". Theo kế hoạch này thì đến ngày 14-7-1946, khi quân Pháp diễu binh qua Bắc Bộ phủ và một số đường phố Hà Nội, bọn Quốc dân đảng sẽ ném lựu đạn vào đám lính da đen gây tiếng nổ và đổ máu. Lấy cớ đó, Pháp đổ lỗi cho chính phủ ta không giữ được an ninh trật tự, chống lại quân Đồng minh và ngay lập tức quân Pháp sẽ ập vào Bắc Bộ phủ bắt toàn bộ Chính phủ ta, tuyên bố đảo chính lập ra một chính phủ Quốc dân đảng để thay thế. Tại Pháp, phái đoàn Chính phủ ta và Hồ Chủ tịch sẽ bị bắt giữ và đưa đi an trí....
Chứng cứ phản cách mạng được đưa về báo cáo Cụ Huỳnh Thúc Kháng và trước bằng chứng rõ ràng, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định cho lực lượng công an phối hợp với các lực lượng vũ trang khác đồng loạt thực hiện kế hoạch tấn công, truy quét bọn phản cách mạng tại 41 trụ sở của chúng ở địa bàn Hà Nội và các địa phương lân cận. Trong ngày 12-7, lực lượng Công an đã huy động gần 200 trinh sát, công an xung phong, có thêm 1 trung đội tự vệ chiến đấu phối hợp đồng loạt khám xét trụ sở chính của Đại Việt Quốc dân đảng và Việt Nam Quốc dân Đảng tại số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là Nguyễn Gia Thiều), bắt gần 100 đối tượng phản cách mạng, trong đó có nhiều tên nguy hiểm như Phan Kích Nam, Nghiêm Kế Tổ, Đỗ Đình Đạo. Tại đây, Phan Kích Nam lấy danh nghĩa là đại biểu Quốc hội gây khó khăn cho ta, nhưng với ý chí cách mạng tiến công và bản lĩnh kiên cường, các trinh sát công an đã mưu trí bắt gọn Phan Kích Nam và đồng bọn; thu các tài liệu phản động, dụng cụ làm bạc giả, dụng cụ tra tấn, thuốc mê và khai quật các xác người bị chúng bắt cóc, tống tiền và giết chôn trong vườn. Tại nhà số 80 phố Quan Thánh, trong khi ta tiến hành khám xét, thực dân Pháp mang xe tăng đến can thiệp, uy hiếp. Nhưng với những chứng cứ đầy đủ và có lực lượng quần chúng nhân dân hỗ trợ đã buộc quân Pháp phải rút lui. Ta thu đầy đủ tài liệu và bắt 30 tên phản động. Cùng với Hà Nội, công an nhiều địa phương trong cả nước cũng tiến hành truy quét bọn phản động theo lệnh của Chính phủ. Với thắng lợi này chúng ta đã đưa ra những bằng chứng tội ác của bọn phản động tay sai của Pháp; lột mặt nạ giả danh "cách mạng quốc gia", "cách mạng hải ngoại" của Quốc dân đảng; góp phần nâng cao giác ngộ chính trị của nhân dân và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc chống Pháp xâm lược. Việc đập tan âm mưu đảo chính này “có một tác dụng vô cùng quan trọng; nó lột mặt nạ bọn phản động bên trong, tay sai của bọn phản động bên ngoài, làm cho quốc dân luôn luôn tỉnh táo để khỏi mắc hợm bọn Việt gian đội lốt cách mạng để ủng hộ Chính phủ diệt trừ chúng…”.
Nguồn QĐND
Từ khóa » Trinh Bấy Vụ án ôn Như Hầu
-
Vụ án Phố Ôn Như Hầu – Wikipedia Tiếng Việt
-
Vụ án Ôn Như Hầu - Chiến Công đầu Tiên Của Lực Lượng An Ninh ...
-
Giải Quyết “Vụ án Ôn Như Hầu” - Chiến Công Mở đầu Truyền Thống ...
-
Vụ án Ôn Như Hầu - Những Giá Trị Lịch Sử Và Bài Học Kinh Nghiệm
-
Vụ án Phố Ôn Như Hầu - Chiến Công Lịch Sử Của Lực Lượng Công An
-
Vụ án Ôn Như Hầu: Chặn đứng âm Mưu Phản động Của Quốc Dân ...
-
"Vụ án Ôn Như Hầu" Và Mốc Son Của Lực Lượng An Ninh Nhân Dân
-
Vụ án Phố Ôn Như Hầu Là Gì? Chi Tiết Về Vụ án ... - LADIGI Academy
-
71 Năm Sau Vụ án Ôn Như Hầu: Chặn đứng âm Mưu Phản động Của ...
-
Phá Vụ án Ôn Như Hầu – Chiến Công Chói Lọi Của Lực Lượng An Ninh
-
TỰ HÀO TRUYỀN THỐNG 75 NĂM XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU ...
-
Giải Quyết Vụ án ” Ôn Như Hầu” – Chiến Công đầu Tiên Của Lực ...
-
Công An An Giang - 70 Năm Xây Dựng, Chiến đấu Và Trưởng Thành