Chuyện Xưa ở đất Gò Công - Tin Tức Miền Tây

Đến 1976, Gò Công không còn là đơn vị hành chính cấp tỉnh nữa và trực thuộc tỉnh Tiền Giang (mới) cho đến ngày nay.

Về tên gọi, Gò Công được giải thích như sau: Chúa Nguyễn Phúc Tần (1620- 1687) cho tổ chức Nam tiến, người Việt bắt đầu khai khẩn vùng đất hoang hóa ở phương Nam. Khu vực Gò Công bây giờ xưa là một gò đất khá cao, có nhiều chim công trú ngụ, nên người ta gọi là “Gò Công”.

Một truyền thuyết khác lại kể: Lúc mới khai phá vùng đất này, có một người đàn bà tên Thị Công, mở một hàng quán bán thức ăn. Người ta gọi khu vực đó là Quán Bà Công, Gò Bà Công. Lâu ngày thành quen, gọi ngắn gọn lại là Gò Công.

Do vùng đất này được khai khẩn khá sớm, nên ở Gò Công có nhiều câu chuyện lịch sử, huyền thoại, giai thoại gắn với không gian, bối cảnh thuở Gò Công còn mới phôi thai, hình thành.

Đám Lá Tối Trời

Cách nay hơn 160 năm, ở làng Gia Thuận (nay thuộc huyện Gò Công Đông- Tiền Giang), nơi đây là vùng hoang dã, cây cối sầm uất với nhiều đầm lầy, lung, bàu, mương, rạch.

Tại đây có một khu rừng dừa nước lớn, um tùm, rậm rạp. Ở bên trong khu rừng lá, dù là ban ngày trời nắng, người ta vẫn thấy tối om bởi lá dừa nước mọc dày đặc, che phủ nhiều lớp, nên dân địa phương gọi là “Đám Lá Tối Trời”. Theo thời gian, tên này trở thành địa danh.

Tháng 2-1859, quân Pháp đánh đại đồn Chí Hòa do Nguyễn Tri Phương chỉ huy phòng thủ, Trương Định là bộ tướng. Đại đồn thất thủ, Trương Định rút quân về vùng Gò Công tiếp tục chiến đấu.

Ông được triều đình Huế phong chức Phó lãnh binh rồi Lãnh binh. Năm 1863, Pháp đánh chiếm Gò Công, Trương Định dẫn nghĩa quân lui về Đám Lá Tối Trời, sử dụng nơi đây làm căn cứ chống giặc. Ông đã tổ chức nhiều cuộc phục kích, đánh tiêu hao lực lượng địch.

Sau, thuộc hạ của Trương Định là Huỳnh Công Tấn đầu hàng Pháp, dẫn binh vào Đám Lá Tối Trời để bắt ông. Trương Định và các nghĩa quân đã chiến đấu chống giặc rất dũng cảm. Ông bị thương nhưng quyết không hàng giặc và đã rút gươm tự sát (1864).

Từ sau trận Trương Định tuẫn tiết, các nghĩa quân bị giặc Pháp tàn sát, Đám Lá Tối Trời trở nên hoang vắng, thê lương.

Có một vài người gan dạ rủ nhau đi xuồng nhỏ, giả vờ giăng câu, thả lưới, tiếp cận Đám Lá Tối Trời… Họ kể lại rằng, khi đến gần thì nghe có tiếng gào thét, tiếng binh khí va chạm nhau, tiếng quân reo, ngựa hí, tiếng trống trận thì thùng và những bóng người trùng trùng như thiên binh, vạn mã!

Họ rất kinh hãi. Không ai dám vào sâu hơn nữa và câu chuyện lan truyền âm ỉ trong dân gian. Người ta cho đó là những oan hồn, quân binh của ngài Trương Định diễn tập để chờ ngày phục hận! Trong cuốn Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (1909), Nguyễn Liên Phong ca tụng ông:

Tiếng đồn Đám Lá Tối Trời

Có ông Trương Định trải phơi gan vàng

Hiền vi cơ chưởng nan minh

Lưỡi gươm đâm bụng liều mình như chơi!

Năm Thìn bão lụt

“Năm Giáp Thìn hồng thủy phát trùng trùng, người thất lạc chẳng còn hoài sự nghiệp” (Nguyễn Đình Chiểu).

“Năm Thìn bão lụt” xảy ra vào năm 1904. Các tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất là Gò Công, Mỹ Tho (Tiền Giang); Tân An (Long An); Chợ Lớn, Gia Định (TP Hồ Chí Minh) và dọc theo vùng duyên hải.

Nhiều làng xóm ở cận bờ biển đã bị những đợt “sóng thần” cao hơn 10m cuốn phăng đi mất. Vùng Gò Công thuở ấy có câu ca dao:

“Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc/ Gió nào độc cho bằng gió Gò Công/ Một trận Đông phong xiêu lạc vợ chồng/ Em nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi!”

Theo tư liệu cũ ghi chép: Trận bão năm Giáp Thìn xảy ra vào ngày 1-5-1904 nhằm ngày 16-3 âm lịch, gây thiệt hại cho hầu hết các tỉnh ở Nam Bộ.

Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là Gò Công và vùng phụ cận với trên 60% nhà bị sập đổ, 5.000 người chết trôi, 80% gia súc bị chết...

Còn theo dân gian, truyền miệng qua thơ, vè thì số người chết khoảng “một muôn hai” (tức khoảng 12.000 người).

Bắt đầu khoảng 16 giờ chiều ngày 16-3 âm lịch năm Giáp Thìn, gió thổi liu riu từng lúc kèm theo mưa giông; rồi gió thổi mạnh lên và lốc xoáy dữ dội!

Các nhà lá sập, nhà ngói tốc nóc, tường xiêu vách đổ. Buổi chiều, những ngư dân đánh cá ngoài biển không vào bờ kịp. Các nông dân còn ở trên đồng. Lễ cúng đình đang diễn ra, dân chúng tụ họp xem hát bộ…

Ở các làng ven biển, nước dâng cao bất ngờ, sóng to nhiều đợt tràn lên bờ cao hơn 10m, đánh văng, cuốn trôi các tàu thuyền ra xa trên 10km.

Những người may mắn trèo được lên cây, kẻ nằm trên đụn rơm trôi lềnh bềnh trên biển nước mấy ngày rét lạnh, đói lả…

Mấy hôm sau, khi bão tan, nước rút, xác người chết, xác thú vật trương sình trôi tấp khắp nơi. Nhà sập, đất lở, cây cối đổ gãy ngổn ngang… Cảnh tượng hãi hùng chưa từng có!

Công việc cứu trợ sau bão được tiến hành khẩn trương… Cha mẹ mất con, chồng vợ chia lìa, xóm làng tang tóc. Từ năm ấy về sau, hàng năm những người có thân nhân chết bởi trận thiên tai Giáp Thìn tổ chức một lễ giỗ chung gọi là “Giỗ hội”.

Dân miệt biển Nam Bộ có câu: “Tháng Ba bà già đi biển”. Nhưng thực tế không phải vậy. Trận đại cuồng phong năm Giáp Thìn 1904 rất bất ngờ và không theo một quy luật nào hết!

Nạn hoàng trùng, bạch đồng

Cơn Ất Tỵ cào cào sinh điệp điệp/ Kẻ nông tang đà hết tưởng điền trù./ Họa đâu mà họa phát tu du,/ Tai chi có tai sinh bất cập (Hoàng trùng trập khởi- Nguyễn Đình Chiểu (tạm dịch Năm Ất Tỵ châu chấu sinh lớp lớp,/ Kẻ làm nông tưởng mất hết ruộng vườn./ Họa đâu mà phát trong chốc lát;/ Tai nạn sinh ra chẳng kịp ngừa).

Sau cơn bão lịch sử năm Giáp Thìn, sang năm Ất Tỵ (1905), Gò Công lại bị nạn “hoàng trùng” (giặc châu chấu) phá hoại mùa màng. Người ta cho rằng loài châu chấu này từ Châu Phi tràn đến.

Chúng bay rợp trời, có đến hàng mấy triệu con mỗi đàn, đậu đáp ở đâu thì chỗ ấy cây cỏ trơ xương, trụi lá! Tai họa vô cùng khủng khiếp! Ruộng vườn xơ xác, mùa màng, hoa lợi mất trắng. Nạn đói đe dọa dân chúng!

Trước tình hình này, Tham biện Gò Công truyền lệnh xuống tận các làng, thôn, quyết liệt chống nạn cào cào. Các biện pháp thực hiện như: phun xịt dầu lửa, rải vôi, tro, giăng lưới, đập chổi được dân chúng áp dụng triệt để nhằm tiêu diệt bọn “hoàng trùng” ác ôn!…

Châu chấu xuất hiện, hoành hành, phá hại mùa màng, cây cối ở Gò Công khoảng gần nửa tháng, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp rất nặng nề! Các vị bô lão và nhân dân chơn chất thì tự an ủi rằng đó là kiếp nạn của người Gò Công!

Nhưng những thiên tai vẫn chưa buông tha dân Gò Công. Sau “loạn hoàng trùng” năm 1905, năm sau thì đến nạn “Bạch Đồng”! Suốt từ tháng 6 âm lịch đến tháng 10 năm Bính Ngọ (1906), trời trong xanh không có lấy một giọt mưa! Ban đêm sao sáng đầy trời!

Khô hạn nhằm vào lúc nông dân sửa soạn làm lễ Hạ điền xuống giống. Đất ruộng, rẫy ban đầu từ màu đen chuyển dần sang trắng, rồi nứt thành những lằn dài, khô cứng như đá.

Cỏ cây chết rụi. Chỉ những cây cổ thụ rễ sâu mới sống sót! Nước dưới sông trong xanh do mặn xâm nhập, ao hồ khô cạn! Một hiện tượng khí hậu, thời tiết rất lạ lùng, chưa từng có! Mọi năm, thời gian này là mùa mưa bão.

Hạn hán gây nắng nóng làm người già, trẻ em dễ nhiễm bệnh, chết nhanh, cứu chữa không kịp! Gia súc, gia cầm thiếu nước, suy kiệt, chết lần mòn. Nước ngọt không đủ uống!

Dân chúng vô cùng thống khổ! Trước tình cảnh này, các vị cao niên và hương chức trong làng ăn chay, nằm đất, gióng trống, động chuông, cầu xin thần linh, đất trời độ hộ cho mưa xuống cứu dân.

Ở nhiều nơi, người ta tổ chức cầu đảo, bơi xuồng trên cạn. Mục đích cho ông trời thấy hạn hán, dân tình khổ sở mà động lòng cho mưa.

Mỗi người cầm một cái dầm, đi theo chiếc thuyền có nhiều người khiêng, làm động tác bơi gió. Phía sau là lân múa, có ông Địa cầm quạt phe phẩy dẫn đường. Đoàn người vừa đi vừa hát đồng dao:

Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước dân uống/ Lấy ruộng dân cày/ Lấy nồi nấu cơm/ Lấy rơm đun bếp.

Chuyện xưa, tích cũ ở đất Gò Công có rất nhiều. Những câu chuyện kể trên là những sự kiện lịch sử có thật.

Tuy nhiên, nó có thể được người xưa, dân gian thêm thắt nhiều tình tiết phụ, gây sự chú ý cho người nghe. Về cơ bản, những câu chuyện ấy đã phản ánh khá rõ nét về một thời quá khứ nhiều biến động của vùng đất Gò Công.

Theo ĐẶNG HOÀNG THÁM (Báo Vĩnh Long)

Từ khóa » Sự Tích Gò Công