Chuyện “xuất Khẩu” Yoga Của Một Nữ Chủ Tịch - Báo Tuổi Trẻ

Chị Lê Thị Tố Hải (áo trắng) chỉnh tư thế cho các huấn luyện viên trong giờ học - Ảnh: Diệu Nguyễn

Chị Lê Thị Tố Hải (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Trái Tim Vàng) cho biết đó là huấn luyện viên đầu tiên được “xuất khẩu” trong hơn 100 huấn luyện viên chuẩn bị sang Nhật, Úc, Dubai... sắp tới của Trái Tim Vàng.

Vào tháng 10 năm ngoái, ngay tại VN công ty này đã cung cấp huấn luyện viên cho các câu lạc bộ yoga Nhật Bản thuộc Công ty TNHH Renaissance VN. Đây là công ty chăm sóc sức khỏe lớn của Nhật với 120 chi nhánh trên toàn nước Nhật.

Các huấn luyện viên này phải đáp ứng được tiêu chuẩn Nhật: tốt nghiệp giải phẫu học nâng cao, bằng quốc tế của Yoga Alliance và The Yoga Institute (Ấn Độ) cấp, các tiêu chuẩn về kỹ năng, tính cẩn trọng phù hợp với tiêu chuẩn ngành nghề, cần có ít nhất ba năm trau dồi chuyên môn và kinh nghiệm. Và tất nhiên tiếng Anh giao tiếp là một yêu cầu bắt buộc.

Chuyện của nữ chủ tịch sang thánh địa yoga

Ít ai biết rằng sở hữu một công ty đào tạo yoga chuyên nghiệp với hàng trăm nhân sự cấp cao sang nước ngoài giảng dạy là một nữ chủ tịch “tay khoằm”, đó là Lê Thị Tố Hải.

Tố Hải đến với yoga rất tình cờ khi cô thiếu nữ 15 tuổi bắt đầu ý thức được rằng vóc dáng mập, hai tay bị khoằm không khép lại được của mình là xấu xí. Ban đầu chị chọn học aerobic để cải thiện vóc dáng sau khi đã nỗ lực chạy bộ mỗi ngày từ 4g sáng nhưng hai tay vẫn không thể khép vào trong người được.

Yoga lúc bấy giờ là một khái niệm rất mới. Nhưng khi quyết định chọn yoga, Hải đã trở thành một phụ nữ hoàn toàn khác. “Khi cơ thể được cải thiện rõ rệt, sự khao khát đến với nghề yoga của tôi thêm mãnh liệt” - Hải tâm sự.

Nó hối thúc Hải tìm thầy để học, tìm sách để đọc. Lục lọi trong giới để tầm sư học đạo, Hải biết cô Ayuni (người Nhật) dạy tại khách sạn Sofitel (quận 1, TP.HCM) nổi tiếng nhưng cô đã từ chối dạy mà không đưa ra lý do.

“Không từ bỏ, tôi tìm đến nhà cô ở Phú Mỹ Hưng ròng rã một tuần và cô đã đồng ý nhận tôi”- Tố Hải chia sẻ. Và chỉ sau một tháng chị đã lĩnh hội được các kiến thức của cô Ayuni.

Không dừng lại đó, chị theo học lớp do người nước ngoài dạy với giá 100 USD/tháng, không giới hạn giờ học. Hải mang cơm theo ăn trưa để có thể theo học hết cả bốn lớp được dạy trong ngày. Sau đó chị đặt lịch học tại nhà với thầy Joe (người Mỹ) với giá 60 USD/giờ để vừa học được nghề, vừa học tiếng Anh nhanh hơn.

“Tôi như bị thôi miên khi cuốn theo các khóa học để đến với con đường chuyên nghiệp nhanh hơn, khao khát được làm việc cật lực để ra nước ngoài. Bởi tôi biết không có kiến thức từ trường đại học thì phải có từ trường đời. Hơn nữa sống trong một xã hội trọng bằng cấp thì nếu có được bằng cấp quốc tế tôi sẽ dễ dàng được công nhận hơn”- Tố Hải nói. Chị cho biết thêm chỉ trong một thời gian rất ngắn, tiền công dạy của chị lúc đó đã tăng lên 15 USD/giờ.

Năm 16 tuổi, chị ra nước ngoài lần đầu tiên với vốn kiến thức ít ỏi và khoản tiền hạn hẹp. “Sau khi tìm hiểu về các khóa học, tôi chọn Thái Lan vì ở đó có rất nhiều trung tâm yoga, mỗi trung tâm đều có chương trình học thử một tuần miễn phí” - chị kể.

Đỉnh điểm của Hải là lần quyết tâm sang Ấn Độ - “thánh địa” của yoga. Lăn lộn nhiều, kinh nghiệm của chị cũng tăng lên. Sau mỗi chuyến đi Ấn Độ về thì tiền công dạy yoga của Hải tăng lên 24 USD/ giờ.

Mở trung tâm khi 21 tuổi

Dù lúc ấy nếu đi làm thuê thì thu nhập cũng đã khá cao, nhưng chị từ chối để khởi nghiệp với 100 triệu đồng tích cóp được sau khi trừ các khoản chu cấp cho gia đình.

Thời điểm đó chị đang có một quầy bán mỹ phẩm ở chợ Kim Biên, hai quán cà phê ở bờ kè Nhiêu Lộc, dạy cho một tổng giám đốc của công ty vải lớn với thù lao 40 triệu đồng/tháng.

Sau nhiều lần qua các nước, Hải nhận ra rằng tiềm năng xuất khẩu huấn luyện viên yoga người Việt không nhỏ.

Để có được chứng chỉ quốc tế cấp cho học viên là một quá trình hoạt động của chị Tố Hải. Chị hiện là giám đốc đại diện tại VN của Yoga Alliance India và là đại sứ toàn cầu của The Yoga Institute có gần 100 năm uy tín tại Ấn Độ.

Theo chị Hải, nghề huấn luyện viên yoga về cơ bản phù hợp với tất cả mọi người ở mọi thể trạng, tuy nhiên nó đặc biệt phù hợp với cơ địa của người Việt, bởi nghề này đòi hỏi phải có độ dẻo để thực hiện các động tác.

Mà điểm mạnh của người VN nói riêng và người châu Á nói chung là cơ thể linh hoạt, khung xương nhỏ. Bên cạnh đó, nếu được huấn luyện đúng đắn thì tố chất nhiệt tình, chăm chỉ, tỉ mỉ và thân thiện trong công việc là yếu tố quyết định để thành công trong nghề này.

“Sắp tới các thị trường như Úc, Singapore, Dubai, Qatar... đều đang trong quá trình đàm phán. Con số dự tính khoảng 50-100 HLV cho một quốc gia mỗi năm”- chị Tố Hải cho biết.

Từ khóa » Tố Hải ...yoga Lừa đảo