Có 10 Giống Dây Tây Đà Lạt, Bạn đã ăn Thử Hết Chưa?

Bạn tưởng cứ dâu tây bán ở Đà Lạt thì là dâu tây Đà Lạt? Bạn nghĩ trái dâu tây cứ to, cứ đỏ là ngon? Nếu không muốn bị mua lầm dâu tây dỏm, dở thì đọc trải nghiệm ăn dâu của mình nhé. 

Đầu tiên, trừ giống dâu bạch tuyết có màu trắng, đối với các loại dâu tây có màu đỏ, chúng ta cần chọn:

Trái chín đỏ tươi. Nếu được, bạn nên biết phân biệt giữa dâu tươi vừa hái với dâu chín đã nhưng cũ, đã để qua 1 ngày hoặc bảo quản lạnh trước khi đem bán.

  1. Dâu có phần đài quả màu xanh
  2. Dâu có mùi thơm đặc trưng của dâu

Tuy nhiên bạn cần nhớ:

  1. Dâu cần ngon chứ không cần to nên đừng ham dâu to.
  2. Dâu phải chín mới ngọt nên hãy chọn quả chín đỏ.
  3. Luôn luôn phải biết rõ giống dâu vì như thế bạn mới biết được giá dâu.

Mình xếp theo thứ tự về giá trên thị trường. Giá bán này mang tính tương đối vì tùy thời vụ, tùy vào việc bạn mua ở đâu, qua mấy lần trung gian thì giá sẽ nhỉnh lên đôi chút. Giá mình báo ở đây là giá bán tại Đà Lạt.

  1. Dâu tây Bạch tuyết, giống Nhật Bản, trái màu trắng: Quả dâu hình trái tim, màu trắng hơi hồng. Vị ngon, ngọt, mềm. Ở Đà Lạt, hiện chỉ có duy nhất vườn dâu Hoa Thắng Thịnh là trồng loại dâu này nhưng không trồng với diện tích lớn. Giá bán tại vườn là 800.000 đồng một ký. Giá ngoài thị trường có thể lên đến 1,6 triệu đồng/kg. Quả dâu mềm, vị ngọt thanh nhưng ăn vô thì đau (đau lòng đó). Theo kinh nghiệm của mình, với loại dâu trái mềm thì tốt nhất và ngon nhất là ăn ngay sau khi mua. Vì mềm quá, dâu này rất khó mang đi xa và nếu mang đi thì cần sự nâng niu đặc biệt. Dâu này trồng trong nhà kính.
Quả dâu bạc tuyết

2. Dâu tây Nhật Bản trái đỏ Toyohada và Akihime: quả hình tim, màu đỏ hơi đậm, thịt qủa đỏ tươi khá đều. Vị dâu Nhật Bản nhìn chung thơm ngon, ngọt, mềm, đặc biệt thơm hơn các giống dâu tây khác. Mình thích ăn dâu mềm nên thích ăn dâu Nhật. Khi ăn có cảm giác như trái dâu tan ra trong miệng. Dâu Nhật ăn ngon nhất là ở Đà Lạt, ngay sau khi mua. Vì mềm quá, dâu này rất khó mang đi xa. Dâu này loại trái to nhất bạn mình từng mua biếu với giá 800.000/kg. Dâu này trồng trong nhà kính.

Chùm dâu Nhật
Quả dâu Nhật trái đỏ

3. Dâu tây giống New Zealand: quả hình bầu dục, màu đỏ đậm. Vị ngon, ngọt, giòn, thơm, thoáng vị chua nhẹ của dâu tây nhưng vị chủ đạo là ngọt. Trái có độ cứng vừa phải. Dâu này có đủ các yếu tố ngon, ngọt, mùi thơm và nhất là có thể mang đi xa. Giá dâu bán tại vườn từ 250.000 đến 400.000 một ký tùy vào kích thước của quả dâu. Dâu này trồng trong nhà kính.

Quả dâu tây New Zealand

4. Dâu tây giống Mỹ Albion: trái dâu hình trái tim, đầu nhọn, màu đỏ đậm. Cây dâu thường cho trái to, sản lượng nhiều. Vị dâu không đặc sắc nhưng vì hình thức đẹp, dâu này hiện bán với giá 250.000kg. Dâu này trồng trong nhà kính.

Quả dâu tây Mỹ giống Albion

5. Dâu tây Pháp giống Mara des Bois: Quả hình tim, to bắt mắt. Vị thơm ngọt, cứng nhìn rất bắt mắt nhưng mình thấy giống dâu này khá chua. Giá bán tại vườn khoảng 250.000/kg

Hộp dâu giống Pháp Mara Des Bois này đã để qua ngày trong tủ lạnh nên màu không còn tươi.

6. Dâu tây Hàn Quốc giống Ssanta: quả dài, gần giống hình trái tim, có màu đỏ tươi, đầu cuống tròn, đầu cuối quả nhọn. Vị ngọt thơm trái mềm. Theo kinh nghiệm của mình, bất cứ giống dâu nào mềm đều khó mang đi xa. Dâu này trồng trong nhà kính. Loại dâu này có giá từ 200.000 đến 300.000 đồng/kg tùy kích cỡ của trái dâu.

Hộp dâu bên phải là dâu Hàn Quốc. Nếu không phải nhà vườn chuyên nghiệp thì không biết được

7. Dâu tây giống Đài Loan: quả lớn, màu đỏ tươi. Vị mềm, thơm ngon, ngọt thanh. Hiện mình không biết vườn nào đang trồng giống này.

8. Dâu tây giống Mỹ đá: quả hình tim, to, đỏ hơi đậm. Dâu Mỹ đá ít thơm, vị chua, rất cứng. Giống dâu này có thể mang đi xa nên thường xuất hiện ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Cần Thơ. Nếu nhìn thấy dâu đổ đống dưới đất hoặc đổ ngay vào hộp mà không cần xếp ngay ngắn, đó chính là giống dâu này. Theo kinh nghiệm của mình, giống dâu này không hợp để ăn tươi trực tiếp mà nên xay sinh tố, thêm đường, sữa, để khắc phục những nhược điểm về vị của trái dâu. Loại dâu này trồng dưới đất, ngoài trời. Bán ở chợ. Thời điểm đắt nhất, dâu Mỹ đá được bán với giá 150.000 đồng một ký.

9. Giống dâu Mỹ hương: là dâu lai giữa giống Mỹ đá và Mỹ thơm nên quả vừa cứng lại vừa thơm. Quả hình tim, màu đỏ đậm. Quả có vị thơm, chua, cứng. So với dâu Mỹ đá thì giống dâu Mỹ hương được về mặt hương thơm nên người địa phương đặt tên theo đặc điểm. Mình cũng ít ăn dâu này, theo kinh nghiệm của mình, nếu thích ăn dâu tươi thì giống dâu này ăn tươi không ngon. Chế biến thành sinh tố, thêm đường, sữa, để khắc phục những nhược điểm về vị của trái dâu thì phù hợp hơn. Loại dâu này trồng dưới đất, ngoài trời. Bán ở chợ. Thời điểm đắt nhất, dâu Mỹ đá được bán với giá 150.000 đồng một ký.

10. Dâu tây giống Langbiang 2: Quả hình tim, hơi dài. To, đỏ hơi đậm. Thơm ngon, ít chua. Quả cứng giống như dâu Mỹ đá nhưng thơm và ngon hơn dâu Mỹ Đá. Cây dâu tây này có năng suất cao hơn cả dâu Mỹ đá nên là giống dâu được trồng nhiều nhất ở Đà Lạt. Về độ cứng, giống dâu này thích hợp để mang đi xa nhưng với những người thích dâu vừa ngọt vừa chua hoặc ngọt nhiều hơn, thì quả dâu này vẫn chưa đạt. Mình không biết giá của giống dâu này nhưng do đây là giống dâu trồng ngoài trời, mình đoán giá cũng giống như dâu Mỹ đá, Mỹ hương.

Nếu mua dâu ở chợ thì trừ khi bạn có thể phân biệt được giống dâu gì, còn lại các giống dâu thường được trộn lẫn với nhau, từ nhiều vườn khác nhau. Rất ít khi các loại dâu trồng trong nhà kính bán ở chợ vì giá cả cao, không bán được người bán sẽ lỗ và cũng không cạnh tranh được với các vườn bán dâu vừa hái trên cây ở Đà Lạt. Dâu trong nhà kính thường được bán cho siêu thị, các cửa hàng trái cây sạch hoặc người mua lẻ.

Ở chợ, có khi người ta trộn cả dâu Trung Quốc, nhìn bắt mắt nhưng người dân địa phương thì không dám ăn. Người Đà Lạt thường mua dâu trực tiếp từ vườn vì họ kỹ tính với trái dâu và thích dâu tươi ngon nhất.

Từ khóa » Dâu Tây Mỹ Albion