Cô Bé Quàng Khăn đỏ Không Thể Gặp Con Chó đốm - PLO

Cải biên truyện cổ tích bằng những chi tiết hàm hồ, thô vụng là tô trét đường nét phi văn hóa vào vẻ đẹp hoàn chỉnh, bôi bẩn tâm hồn trong trẻo của trẻ thơ.

Không thể phóng tác truyện cổ tích

Cô bé quàng khăn đỏ không thể gặp con chó đốm ảnh 1

Câu chuyện cổ tích là tác phẩm đã hoàn chỉnh, hoàn hảo, không thể sáng tạo thêm. Những chi tiết cổ tích đã được hình thành chặt chẽ theo logic đặc biệt của nó.

Cô bé quàng khăn đỏ phải gặp con chó sói chứ không thể gặp con chó đốm. Nàng Bạch Tuyết phải ăn trái táo độc chứ không thể ăn trái chôm chôm. Chú Cuội phải ngồi dưới gốc đa chứ không thể ngồi bên gốc xoài. Trái thị phải rơi vào chiếc bị của bà chứ không thể rơi vào chiếc nón của bà.

Vì thế, cổ tích khó có thể… phóng tác thêm chi tiết.

Ngôn ngữ của truyện cổ tích mang nhiều tính ẩn dụ hơn là cụ thể. Tính ẩn dụ là hình thái tạo cho truyện cổ tích sự sâu sắc. Ví dụ khi An Dương Vương hỏi thần Kim Quy: “Giặc ở đâu?”, thần nói: “Giặc sau lưng nhà ngươi đó!” Giặc là yếu tố ẩn dụ mang ý nghĩa mơ hồ chứ không phải: “Con gái nhà ngươi”.

Cô bé quàng khăn đỏ không thể gặp con chó đốm ảnh 2

Trang truyện sáng tạo thêm chi tiết vợ của Mai An Tiêm đòi nấu cà ri người bạn hổ của con trai.

Vì thế mọi chi tiết và ngôn ngữ thiếu tính ẩn dụ, quá đời thường sẽ làm tầm thường ngôn ngữ và hình ảnh riêng biệt của cổ tích, làm giảm trí tưởng tượng của trẻ thơ. Bởi không ở đâu trí tưởng tượng của người đọc, của trẻ con có một không gian bay bổng, rộng lớn như từ những chuyện cổ tích.

Nhà thơ ĐỖ TRUNG QUÂN

Chỉ nên cắt bỏ chi tiết quá độc ác

Cô bé quàng khăn đỏ không thể gặp con chó đốm ảnh 3

Trên góc độ của một người sáng tác, tôi cho rằng việc sáng tạo chỉ nên dừng lại ở sáng tạo hình ảnh để tạo ra những hình tượng cổ tích bằng hình gần gũi với tâm hồn của trẻ thơ Việt Nam. Nếu có sáng tạo thêm thì chỉ nên cắt bỏ những chi tiết quá độc ác, có thể làm tổn hại đến tâm hồn nhân ái của trẻ, ví dụ như chi tiết Tấm làm mắm xác Cám cho dì ghẻ ăn.

Từ góc độ của một người mẹ có con nhỏ, tôi cho rằng chính những chi tiết thơ trong truyện cổ tích: lời Tấm gọi cá ăn, lời bà cụ gọi quả thị… giúp cho trẻ học tiếng Việt, yêu tiếng Việt và yêu sự lung linh trong cổ tích. Với những truyện cổ tích đã trở thành một phần trong tâm hồn của nhiều thế hệ người Việt Nam, việc xuyên tạc, lược bỏ bớt chi tiết là điều khó chấp nhận.

Cá nhân tôi không thích thêm những chi tiết gây cười hiện đại vào cổ tích, có lẽ do tôi quá cổ hủ nhưng tôi khó lòng chấp nhận “áo dài mặc với quần jean”, cũng như không thể chấp nhận truyện cổ tích tân thời.

Xin hãy giữ nguyên màu sắc cổ tích trong những câu chuyện cổ tích của trẻ thơ. Nếu muốn sáng tạo hãy viết những truyện thiếu nhi mới. Điều đó sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc trộn lẫn cổ tích và hiện đại thành một thứ khó dung nạp.

Nhà vănTRẦN THỊ HỒNG HẠNH

Báo động về trình độ và chất lượng biên tập

Cô bé quàng khăn đỏ không thể gặp con chó đốm ảnh 4

Sau thời gian thống trị gần như tuyệt đối của truyện tranh nước ngoài, nhất là truyện tranh Nhật Bản, truyện tranh Việt Nam đã dần xuất hiện và từng bước có chỗ đứng trên thị trường truyện tranh. Đây là một nỗ lực lớn, đáng ghi nhận. Bên cạnh đó còn không ít hạt sạn như báo Pháp Luật TP.HCM đã nêu. Theo tôi, nguyên do trước hết thuộc về trách nhiệm của NXB, hay cụ thể hơn là của biên tập viên (BTV) trực tiếp tham gia biên tập những truyện đó. Tác giả có thể vẽ và viết theo ý đồ sáng tác của mình nhưng BTV là người đọc duyệt, người thẩm định chất lượng bản thảo, không thể bỏ qua những thiếu sót làm chệch đi ý tưởng giáo dục của câu chuyện. Hiện tượng BTV dễ dãi thông qua những câu chuyện làm mới truyện cổ tích mà bỏ qua những yếu tố cốt lõi, hoặc đưa vào đó những ngôn ngữ thời thượng, dung tục làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp thu và học tập của các em thiếu nhi là một hiện tượng đáng báo động về trình độ và chất lượng biên tập. Việc làm này về lâu dài sẽ khiến các bạn đọc nhỏ tuổi hiểu sai về truyện cổ tích và không thấy cái hay, cái đẹp, cái huyền ảo trong truyện cổ tích nữa. Và như thế thì là một thảm họa.

Nhiều NXB cung cấp nhiều món ăn thú vị và bổ ích cho nhiều đối tượng độc giả. Đối với các em thiếu nhi, phụ huynh phải góp phần vào việc định hướng sách đọc cho các em. Chỉ như thế con em mình mới không bạ cái gì cũng đọc, cũng học và cũng làm theo.

ÔngPHẠM SỸ SÁU, Trưởng Ban Khai thác đề tài và Giao dịch tác quyền NXB Trẻ

Có thể tìm tòi, thử nghiệm theo nhiều hướng

Cô bé quàng khăn đỏ không thể gặp con chó đốm ảnh 5

Truyện cổ tích là một loại hình văn học dân gian được nhiều người góp sức sáng tạo qua nhiều thế hệ, có thể có nhiều dị bản và được thời gian gọt giũa, chọn lọc. Truyện cổ tích lưu lại cho đời sau bằng con đường truyền miệng, hoặc được một nhà sưu tầm nào đó ghi lại thành văn bản. Vì lý do đó, tôi tôn trọng những tìm tòi thử nghiệm theo những hướng khác nhau và tôi nghĩ rằng những nỗ lực đó có thành công (tức là sống trong lòng người) hay không, “thọ” hay không tùy thuộc vào sự phán xét của bạn đọc và theo dòng thời gian.

Về ý thích cá nhân, tôi chọn hướng tôn trọng các bản cổ tích truyền miệng quen thuộc từ trước đến nay hoặc các bản sưu tầm đã được in và được sử dụng lâu nay (ví dụ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi, tập Truyện cổ Grimm).

ÔngTÔN QUANG TOÀN, Giám đốc Công ty Sách Thương Huyền

Không được cải biên truyện cổ tích

Hôm qua, báo Pháp Luật TP.HCMđăng bài Sách thiếu nhi: Đẹp, nhiều nhưng lắm “sạn”, nêu một số truyện cổ tích đã bị cải biên, cắt bỏ những tình tiết đặc trưng, thêm nhiều tình tiết mới không phù hợp với chủ đề truyện truyền thống: An Tiêm bắn voi rừng, vợ An Tiêm dùng sắc đẹp quyến rũ cá, con An Tiêm thuần phục hổ… Có người cho rằng đây là kiểu cách tân, sáng tạo theo thị hiếu thời đại. Nhiều bậc cha mẹ lo ngại, băn khoăn khi chọn sách cho con trước sự cải biên sáng tạo này. Chúng tôi đã gặp một số nhà văn để tham khảo về hiện tượng này.

Thay đổi gì cũng phải giữ nguyên cốt truyện

Bây giờ tôi vẫn thường ru ngủ con bằng những từ mà mình đã nhớ khi được đọc từ ngày xưa như: “Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta…”. Nghe mấy câu ru ấy, cháu ngủ rất nhanh. Tôi thấy cách truyền miệng theo kiểu văn vần như ngày xưa sẽ khiến trẻ dễ nhớ hơn rất nhiều và có tác dụng. Thế mà gần đây khi mua truyện thiếu nhi, tôi bắt gặp nhiều cuốn sách có nội dung bị “méo” như báo đã nêu.

Bây giờ lĩnh vực xuất bản sách có quan điểm rất “open”, chủ yếu theo quan điểm của người biên soạn sách và bên xuất bản. Dưới góc độ một BTV, theo tôi, dù có thay đổi hay thêm hình ảnh để cho sinh động thì cốt truyện vẫn phải được giữ nguyên. Khi biên tập truyện dành cho trẻ con, phải tuyệt đối giữ nguyên bản sắc của các tác phẩm. Có thể thay đổi ngôn từ, cách xưng hô hay hình ảnh phù hợp với trẻ con hơn. Tuy nhiên, nếu như đưa thêm những tình tiết không phục vụ chủ đề của truyện như đưa hình ảnh An Tiêm bắn chú voi con, hay khi cậu con trai thuần phục được một chú hổ con đem về làm bạn nhưng được mẹ dặn dò: “Khi nào con chơi chán thì nói mẹ nấu cà ri nhé con!” thì hơi quá. Nếu tôi biên tập, chắc chắn sẽ cắt đoạn này.

Dưới góc độ nào đó, bọn trẻ con ngày nay bơ vơ, vất vả hơn ngày xưa vì không biết làm thế nào để chọn cho mình một cuốn truyện hay, thuần khiết. Người lớn hãy giúp con có được định hướng mà đừng bắt buộc con biết cách chọn một cuốn truyện hay, trong sáng.

Biên tập viênÁNH NGÂN, NXB Hội Nhà văn Việt Nam

TỐ NHƯ ghi

Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Chuyện Của đốm Tập 177